Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Với Truyện Kiều, Nguyễn Du hiện đại hơn các nhà văn hiện đại

Với Truyện Kiều, Nguyễn Du hiện đại hơn các nhà văn hiện đại
Thuý Kiều lấy Từ Hải là lần lấy chồng thứ 4. Khi gặp Từ Hải nàng không còn là một cô gái mới vào đời, ngây thơ nữa mà đã trải qua trường tình đầy oan khuất. Đối với nàng lúc này cuộc đời chỉ là tồn tại cho qua ngày tháng mà thôi
 Ở lứa tuổi gần 30, những va chạm với cuộc đời, bị dày xéo chà đạp đến não nề, mọi tình cảm yêu đương, đôi lứa trong nàng đã chết. Mọi rạo rực, hồi hộp, phấp phỏng chờ đợi mà nàng đã có ở tuổi cập kê với Kim Trọng không còn mà sự đằm thắm, sâu sắc trong tình cảm của người phụ nữ đối với chồng cũng là với người yêu Thúc Sinh không còn nữa. Bây giờ Nàng buông xuôi tất cả, cả cuộc đời và tình cảm thường tình của một con người, của một người con gái đã đến tuổi trưởng thành. Lứa tuổi đáng ra là viên mãn của con gái, còn rạo rực tuổi thanh xuân đầy đặn, còn sức khoẻ và có đủ tri thức và kinh nghiệm sống, đủ để nhận biết những gì còn thiếu và cần bổ sung những gì cho tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Nhưng tâm hồn Nàng đã khô héo, đã tàn lụi và đã chết. Nàng chấp nhận :
Biết thân chạy chẳng khỏi trời
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh
Cuộc sống trong lầu xanh lần thứ ba này tưởng như là nấm mồ vĩnh viễn vùi sâu chôn chặt cuộc đời nàng thì bỗng Từ Hải xuất hiện.

Nguyễn Du đã để cho Từ Hải xuất hiện với tính cách của con người thế kỷ XXI, không còn dấu vết của Nho Giáo thế kỷ XVII, ánh hào quang rực rỡ làm sáng bừng lên cuộc sống của Kiều. Từ Hải là người đàn ông đích thực trong mắt Thuý Kiều – một người đàn bà :
Râu hùm hàm én mày ngài 
Vai năm tấc rộng lưng mười thước cao 
Đường đường một đấng anh hào 
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài
Người đàn ông Từ Hải ấy ban đầu cũng chỉ là người đi chơi lầu xanh mà thôi chứ gặp Kiều không phải là duyên như với Kim Trọng, không phải đã có thời gian “Sớm đào tối mận lân la” để rồi “ Trước còn trăng gió sau ra đá vàng” để có điều kiện gần nhau “tìm hiểu” như với Thúc Sinh :
Khi gác gió khi trăng sân 
Tay tiên chuốc rượu câu thần nối thơ 
Khi hương sớm khi trà trưa 
Bàn vây điểm nước đường tơ hoạ đàn 
để rồi cả hai người “Càng quen thuộc nết càng dan díu tình”.
Từ Hải đi chơi lầu xanh vô tình nghe người ta kháo nhau về một cô gái lầu xanh :“Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều” và xưa nay “Anh hùng không qua ải mỹ nhân” nên “Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng” và Từ Hải thử ghé vào. Cái sự vô tình ấy đã gặp phải tiếng sét ái tình. Và Thuý Kiều khi nhận được “Thiếp danh đưa đến lầu hồng” – nàng không còn “E lệ nép vào dưới hoa” không còn “ghé theo” như khi Kim Trọng chia tay ở Hội Đạp Thanh mười mấy năm về trước, không còn thổn thức với đất trời, với cây cỏ :
“Gương nga chênh chếch dòm song 
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng xuân 
Hải đường lả ngọn đông lân 
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà”
Cũng không cần thời gian để suy tính như với Thúc Sinh trước khi nhận lời cầu hôn của anh chàng sinh viên kiêm nghề buôn hàng xén này nữa. Mà với tuổi tác, với sự trưởng thành về tâm sinh lý và quan trọng nhất là sự rung động của trái tim trước một người đàn ông ngay lập tức “Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”.
Nói như ngôn ngữ bây giờ của các bạn trẻ là “tình yêu sét đánh” “là từ cái nhìn đầu tiên”.
Tôi cho rằng Từ Hải tìm gặp Kiều trước hết là tò mò vì “xa nghe nức tiếng nàng Kiều” rồi khi gặp Kiều đã “cùng liếc” “cùng ưa” chàng nói ngay cái tò mò của mình “Bấy lâu nghe tiếng má đào. Mắt xanh chẳng để ai vào có không”. Kiều thanh minh rằng : Tôi không kiêu căng thế đâu, chẳng qua là:
Đốt than chọn đá thử vàng 
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu.
Và Từ Hải, cái anh chàng đẹp trai, ngang tàng nhưng cũng rất nghệ sĩ “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” ấy tỏ ra rất galăng trong cử chỉ, hành động và lời nói. Hỏi người con gái vừa quen với cái giọng galăng “Mắt xanh chẳng để ai vào có không?” rồi sau đó với giọng mang đậm chất anh chị có phần ngổ ngáo:“lại đây xem lại cho gần – Phỏng tin được một vài phần hay không”. Rồi thì nàng Kiều, có một chút kinh nghiệm sống đã đề cao Từ Hải “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”. Trời ơi : “Mây rồng” từ xưa để chỉ quân vương, thiên tử, để chỉ lực lượng tiêu biểu cho mọi vương triều, bây giờ nàng Kiều dám đoán – gán cho Từ Hải mà theo quan niệm chính thống là giặc. Tôi cứ cho là nàng Kiều lúc đó nịnh Từ Hải mà tâng bốc anh ta. Kiều có học, giỏi mọi thứ nhưng không phải là chính khách, lại ở trong lầu xanh. Nàng đâu có vị trí và điều kiện như “quan tổng đốc trọng thần” Hồ Tôn Hiến và biết được quân cơ, biết được tình hình xã hội quân sự để mà khẳng định sự nghiệp của Từ Hải sau này “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”. Bản thân Từ Hải cũng không biết mà chỉ đánh giá những lời Thuý Kiều nói chỉ là “đoán” – “anh hùng đoán giữa trần ai mới già” và sẵn tính galăng và nghệ sĩ, cái “ông tướng cướp” đi “tán gái ” ấy hứa xanh rờn:
“Một lời đã biết đến ta 
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau”
Ngạn ngữ Rumani có nói: “Đừng tin những lời hứa của những người đang yêu”. Nhưng ở đây mọi việc sẽ xảy ra đúng như Kiều “đoán”. Có lẽ là ngẫu nhiên trong cái tất nhiên là với tài năng của Từ Hải, với xã hội thối nát nhiễu nhương ấy Từ Hải đã làm được cái việc “Rạch đôi sơn hà”. “Huyện thành đạp đổ năm toà cõi nam” đó là chuyện về sau. ở đây ta đang bàn về tính hiện đại của Nguyễn Du, về tài năng siêu việt của Nguyễn Du trong phong cách và thể hiện tâm lý nhân vật, là tính tiên phong vượt thời đại của Đại thi hào. Như vậy là ông quan Nguyễn Du đã để một nàng Kiều con gái Viên ngoại họ Vương, gia phong nề nếp, có học, rất hiểu biết lễ giáo, hiểu biết tôn tri trật tự xã hội, hiểu biết “Tam cương ngũ thường” và “Tam tòng, tứ đức” đi yêu và lấy một thằng giặc. Và cũng chính một người “anh hùng hơn sức, lược thao gồm tài” ấy, một “Đại vương” tên Hải họ Từ một “Từ công” “Sức tài trí dũng nghiêng trời uy linh” lại yêu một “con đĩ” hơn nữa dám lấy “con đĩ” làm vợ. Mọi ràng buộc, mọi giáo lý, mọi quan niệm, mọi thiết chế ghê gớm của chế độ phong kiến và lễ giáo xã hội đã phải đầu hàng trước tình yêu, trước nhịp đập của trái tim. 
Một Romeo và Juliet dám bước qua lời nguyền, vượt qua mâu thuẫn, xung đột của hai dòng họ để yêu nhau. Một công chúa Tiên Dung dám yêu anh dân chài nghèo không có khố mà mang là Chử Đồng Tử nhưng chỉ có thiên tài Nguyễn Du mới dám cho “anh hùng” “đại Vương” lấy đĩ về làm vợ. Xuất phát từ tấm lòng nhân ái bao la nhưng cũng xuất phát từ tầm nhìn vượt thời gian, không gian Nguyễn Du mới làm được. 
Tình yêu đôi lứa, hạnh phúc đang tràn trề “nửa năm hương lửa đang nồng” nhưng Từ Hải phải ra đi. Thuý Kiều xin đi theo, bởi ngoài hạnh phúc và tình yêu nàng biết bổn phận của mình theo đạo lý:
“Nàng rằng phận gái chữ tòng 
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”
Nghĩa là Thuý Kiều thấm nhuần sâu sắc Tam tòng : “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Lấy chồng theo chồng. Chính vì vậy về sau, khi Từ Hải chết vì bị Hồ Tôn Hiến đánh bại, Thuý Kiều đã chết theo Từ Hải. Thuý Kiều thấm nhuần giáo lý đó và tất nhiên Từ Hải cũng hiểu điều đó, để đòi hỏi, yêu cầu vợ mình điều đó. Nhưng Từ Hải đã ra đi một mình, không cho Kiều đi theo là đúng, bởi :
“Bằng nay bốn biển không nhà 
Theo càng thêm bận biết là đi đâu”
Chiến tranh loạn lạc, Từ Hải ra đi chỉ dặn vợ rằng:
“Đành lòng chờ đó ít lâu 
Chầy chăng là một năm sau vội gì”
Lại thể hiện tính cách của một hiệp sĩ – nghệ sĩ rất galăng. Và Thuý Kiều đã chờ chồng. Ngay cả khi chiến sự khốc liệt ập đến nơi nàng ở, nhiều người chạy loạn nhiều người khuyên nàng “hãy tạm lánh mình một nơi”. Thuý Kiều nhất định không đi dù nguy hiểm của chiến tranh đe doạ bởi “Trước đã hẹn lời” cho nên “dám rời ước xưa”. Nàng quyết ở lại chờ chồng.
“Gương nga chênh chếch dòm song 
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng xuân
Thuý Kiều chờ chồng bất chấp nguy hiểm bởi nàng yêu chồng và đang sống rất hạnh phúc với chồng bằng tình yêu. Nhưng là một con người, một người đàn bà nên dù đang hạnh phúc, đang có chồng nhưng nàng vẫn nhớ, vẫn tiếc, vẫn yêu Kim Trọng là người yêu xưa, người tình một thuở. Nguyễn Du đã làm cái mà cho đến lúc này (thế kỷ XVIII) không nhiều người dám làm, dám nói ra sự thật là trái tim con người muôn đời vẫn như thế, vẫn có những phút giây “ngoài chồng ngoài vợ”: 
“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng 
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” 
“Đường kia, nỗi nọ ngổn ngang bời bời”
Nàng nhớ cha mẹ, tất nhiên, nhớ em gái “may ra thì đã tay bồng tay mang”. Em mình đã có con, có con với Kim Trọng, với người yêu của mình. Vậy là sự đời như thế. Cũng như Kim Trọng đã lấy Thuý Vân, sống với Thuý Vân có một gia đình hạnh phúc, được Thuý Vân chăm sóc cho học hành để rồi đỗ đạt, đã có đông con cái với Thuý Vân “Một cây cù mộc đầy sân quế hoè” nhưng vẫn nhớ, vẫn yêu Thuý Kiều :
Khi ăn ở, lúc vào ra 
Càng âu duyên mới càng dào tình xưa 
Nỗi nàng nhớ đến bao giờ 
Tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng
Có khi vắng vẻ thư phòng
Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa
Mới hay Kim Trọng đã có vợ, đang sống với vợ nhưng không những vẫn nhớ người yêu cũ, vẫn thương người yêu cũ, vẫn “trốn” vợ trong phòng riêng (vắng vẻ thư phòng) lấy kỷ vật người yêu cũ ngắm nghía, sống với kỷ niệm của mối tình xưa. Sống với người yêu cũ,với giọng nói với hình hài người yêu cũ
“Dường như bên ốc trước thềm 
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng”
Cũng như Thuý Kiều vẫn nghĩ về chồng cũ là thúc Sinh với sự nuối tiếc “Chẳng trăm năm cũng một ngày đôi ta”.
Với Từ Hải, sau khi đã “rạch đôi sơn hà”, đưa vợ mình từ một gái lầu xanh trở thành một mệnh phụ rạng rỡ, ngồi trên ghế quan toà thay mặt công lý đầy uy quyền đã lại ngồi nghe vợ mình kể lại những ngày hàn vi cơ cực thuở xưa : “Khi Vô Tích khi Lâm Truy” “Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”. Vô Tích lừa đảo, Lâm Truy xót thương. Lâm Truy là nơi vợ mình gặp, yêu và làm vợ Thúc Sinh. Từ Hải yêu vợ, thương vợ và cho vợ sức mạnh quyền lực để báo ân báo oán. Với Kiều, oán là Tú Bà, Bạc Hạnh, Hoạn Thư, ân là với Giác Duyên… Thúc Sinh – chồng cũ.
Từ Hải sau khi “Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang” đã cho “nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng – Dưới cờ một lệnh sắp hàng binh thao” đi truy bắt những kẻ gây đau khổ cho vợ và mời ân nhân của vợ đến để báo ân báo oán. Nhưng việc đầu tiên lại là bảo vệ cho chồng cũ của vợ mình “Lại sai lệnh tiễn truyền qua. Giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên”. Tại sao lại phải “giữ giàng” “cho yên”. Rõ ràng là những lúc vợ chồng Từ Hải – Thuý Kiều tâm sự về nỗi đoạn trường của vợ đã trải qua, Từ Hải đã được Thuý Kiều kể nhiều về việc nàng làm vợ lẽ Thúc Sinh, yêu đương đằm thắm thế nào, Thúc Sinh rất yêu nàng nhưng chỉ vì “sợ vợ” nên nàng mới bị hành hạ, mối tình hai người mới tan vỡ, mới “ái ân ta chỉ có dường này mà thôi”. Thúc Sinh bỏ nàng chỉ vì sợ vợ và để giữ gia đình nên bây giờ Từ Hải mới lo gia đình Thúc Sinh sẽ lại tan vỡ nên chàng mới cho lệnh tiễn phải giữ giàng cho gia đình Thúc Sinh yên ấm
Không ghen tuông với quá khứ của vợ, bảo vệ gia đình chồng cũ của vợ, chỉ có Từ Hải và Nguyễn Du. Rồi thì ân oán hai bên – “Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh”. Từ Hải “Việc ấy để cho mặc nàng”, ông chồng ngồi nghe vợ mình nói chuyện với chồng cũ là “Nghĩa nặng nghìn non”, là sự chia tay của hai người “Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng” là “tại ai” chứ không phải tại chàng. Mà chàng vẫn là “cố nhân”. Và rồi Từ Hải chứng kiến cảnh vợ mình đem “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân” cho người tình cũ. Từ Hải coi đó là “việc trong nhà” nghĩa là trách nhiệm của mình! Thật không nói vào đâu được. Ai trong chúng ta, những người đàn ông thế kỷ XXI, những người nói làu làu về bình đẳng giới, về quyền của phụ nữ lại giám làm được như Từ Hải, hiện đại như Từ Hải và Nguyễn Du?
PGS.TS Lê Đình Cúc -Theo baohatinh.vn

1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...