Phước An
1.
Tìm về núi cũ xem mai nở
Mộng bén ngàn xa hạt
điểm canh.
Quách Tấn
Trong một bài viết về tác phẩm nước non Bình Định (viết tắt NNBĐ) của Quách
Tấn, cố học giả Nguyễn Hiến Lê có nói rằng, ông vốn rất mê các cửa biển miền
Trung; Nhưng trong NNBĐ Quách Tấn chỉ dành có mười tám trang để viết về biển,
nên đọc xong mười tám trang đó ông còn cảm thấy thèm. Ngược lại, trong chương
viết về núi non, Quách Tấn đã dành đến tám chục trang. Và Nguyễn Hiến Lê đã tóm
lược tám chục trang mà Quách Tấn viết về núi như thế nầy: "Trong tám chục
trang tác giả có tới trên trăm ngọn núi. Tuy không cao lắm nhưng "hùng
dũng hiểm tuấn" nhiều ngọn núi hình dáng rất kỳ dị như ngọn Mã Thiên Sơn,
đứng phía này mà ngó thì rất ngạo, hung tợn như "há miệng mắng trời"
nhưng đứng phía khác thì trông lại rất hiền lành "lễ độ" có phía coi
như ông Phật ngồi, có phía như hổ nằm, mà từ trên cao nhìn xuống thì trông như
cánh buồm. Có núi hình dáng không kỳ dị, mà sắc thì diễm ảo như núi Xương Cá,
những buổi trưa nắng gắt ở xa trông vào thấy sát khí bốc lên ngùn ngụt. Còn vào
những đêm trăng sáng, những buổi sớm tinh sương thì long lanh lóng lánh như hạt
kim cương. (1)
Và trong quyển hồi ký viết vào những ngày cuối đời, Nguyễn Hiến Lê vẫn nhắc
lại: "Nhất là cảnh núi mà tôi tin chắc rằng không ai viết hay hơn Quách
Tấn được". (2) Trong hơn một trăm ngọn núi mà Quách Tấn đã viết trong
NNBĐ, có một ngọn đã chạy dọc sau làng quê của tôi: Hồi nhỏ tôi nghe dân làng
gọi là Núi Bà, sau đọc được Quách Tấn thì tôi mới biết núi còn có tên là Bố
Chánh Đại Sơn. Đúng như cách gọi của chữ Hán cũng như chữ Việt, núi hùng vĩ vô
cùng.
Quách Tấn viết trong NNBĐ: "Núi chiếm một vùng rộng có đến trăm dặm vuông.
Núi ngó ra biển, hùng vĩ, hoành tráng". Trong núi có nhiều ngọn cao chất
ngất, như Hòn Hèo ở phía Đông Nam, hòn Hang Rái ở phía Đông Bắc, hòn Chuông ở phía
Tây v.v… (3)
Tôi bắt đầu nhìn ngắm được ngọn Núi Bà là vào những năm 1953 đến 1954, tức là
những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Pháp. Đầu làng tôi có một cây
cầu gỗ bắt ngang qua sông. Dân phía bên này và bên kia sông đều đi lại bằng
chiếc cầu gỗ này. Nhưng chiếc cầu đã vô tình trở thành tai họa giáng xuống dân
làng, vì ngày nào máy bay Pháp cũng đến dội bom xuống chiếc cầu. Tôi còn nhớ
như in, hễ cứ nghe gà gáy canh đầu là mẹ tôi đánh thức tôi dậy cùng với dân
làng đi lên đèo Tó Mọ để tránh bom đạn. Đèo này nằm sâu trong dãy Núi Bà, nên
dân làng phải ráng sức để khi đến nơi thì trời vẫn còn tối, vì ban ngày thì sợ
máy bay thấy sẽ rất nguy hiểm. Tôi thì còn quá nhỏ nên khi bắt đầu leo núi thì
mẹ tôi phải cõng tôi trên vai để đi cho kịp với mọi người. Vào những đêm trời
có trăng, vừa leo núi tôi lại còn nhìn thấy mặt trăng mọc ngay trên đỉnh núi.
Mặt trăng lúc ấy trông buồn bã làm sao:
Đêm đêm nằm đợi canh gà
giục
Mảnh nguyệt rừng xa bạn
cố tri
(Mùa cổ điển)
Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn thích đọc lại hai câu thơ ấy của Quách Tấn, đọc để
nhớ lại tuổi thơ của một thời ly loạn đã qua.
Vào mùa đông hay tháng giêng tháng hai trời còn gió chướng, từng cơn gió rét
buốt từ đèo Tó Mọ đổ xuống cánh đồng Dạy, cánh đồng nằm kề cận làng tôi. Những
buổi chiều đi học về, tôi cùng những đứa trẻ cùng làng phải cắm đầu mà chạy để
tránh cái rét như cắt da ấy. Những lúc đó, tuổi thơ tôi đã cảm nhận một cách mơ
hồ rằng, con người hoàn toàn xa lạ và bơ vơ trước vũ trụ bao la kia.
Rồi lớn lên rời bỏ quê hương, mỗi khi có dịp trở về để đi qua cánh đồng lộng
gió ấy, tôi còn phải chịu đựng cơn gió rét buốt khác nữa, cơn gió dâu bể của
cuộc đời. Nhiều thế hệ tiếp nhau sanh ra, lớn lên, sống trong âm thầm rồi họ
cũng đã âm thầm trở về nằm yên dưới rặng núi này:
Gò xanh vun nấm cỏ
Ghi dấu thời gian qua
Chữa nhạt niềm tâm sự
Âm thầm xuân nở hoa.
(Mộng Ngàn Sơn)
Mười năm, hai mươi năm hay ba chục năm, có lẽ chỉ dài đối với một đời người.
Nhưng với một dòng sông hay một rặng núi thì quá ngắn để mà ta có thể thấy sự
thay đổi của nó. Bởi vậy mỗi lần trở về tôi thấy núi vẫn xanh và những đám mây
trắng vẫn bay trên đỉnh núi như dạo nào
Vậy là, tôi thường tự nhủ, núi đứng đó không phải chỉ để nhìn "Sóng lớp
phế hưng" của cuộc đời thôi, mà chừng như dãy núi còn biết lắng nghe tâm
sự của bao thế hệ đã đến từ rặng núi nầy nữa:
Chữa nhạt niềm tâm sự
Âm thầm xuân nở hoa
Tôi tưởng tượng Quách
Tấn cũng đã nhiều lần đứng nhìn những nắm mồ nơi rặng núi của quê nhà nên ông
mới có một nỗi buồn heo hút đến như vậy.
2.
Tâm sơn dục minh đức
Lưu huân vạn do diên
Ai loan cố đồng thượng
Thanh âm triệt cửu thiên
(Ở trong núi nuôi dưỡng
các đức tánh sáng chói
Hương thơm tỏa ra hàng
vạn dặm
Rồi cũng giống như con
chim Loan cất tiếng kêu buồn thảm trên cây ngô dồng.
Âm thanh của nó vọng đến
chín từng trời)
Có thể vay mượn một bài thơ của Kumarajiva (Cưu Mala Thập) như vậy để thấy núi
non hết sức quan trọng trong bước đi lên của con người. Vì dường như những
thành tựu tâm linh lớn nhất của con người từ xưa đến nay đều phát xuất từ núi
rừng cô tịch?
Ta có thể giả thiết như thế này: Nếu không có dãy Hy Mã Lạp Sơn cao nhất thế
giới ở Ấn Độ thì nhân loại đã không tìm ra được con đường để đi rồi. Quách Tấn
dường như đã linh cảm được rằng, con người của thực dụng hôm nay đã đánh mất
dần núi non trong hồn mình. Nên ông đã đem hết sức bình sinh để làm sống lại cái
đẹp của núi non trong tâm hồn con người hôm nay.
Quách Tấn đã bắt đầu bằng một truyền thuyết dân gian đầy thơ mộng về hai rặng
núi ở quê nhà ông như thế này: "Truyền rằng xưa kia lúc mà ông Trời bà Đất
hết khắng khít với nhau, ông bay lên cao, bà hạ xuống thấp, bỏ nước non mây
ráng bơ vơ. Ông Khổng Lồ lo việc xếp đặt núi non cho có thứ tự. Sau khi xếp
xong các dãy núi ở Bình Định. Khổng Lồ lựa hai hòn núi cân đối, quảy nhỏng
nhảnh đi chơi. Nhìn núi nhìn mây, cao hứng quên lửng gánh núi trên vai. Đòn
gánh chích, đôi gióng nghiêng. Đôi núi lăn cù xuống đất. Núi rớt thình lình,
Khổng Lồ vừa giựt mình vừa mất thăng bằng suýt ngã. Để khỏi té, ông liền bấm
chặt một chân xuống đất, một chân bước dang ra trước mặt để chống. Tuy khỏi bị
té ngã, nhưng bị cụt hứng, ông tức mình bỏ núi lại đó. Gánh giống không mà đi
đến nơi khác. Hai hòn núi bỏ lại đó là hòn Trà Sơn và hòn Khánh Long. (4)
Vì núi được sanh ra bởi ông Trời và bà Đất, nên ta phải leo lên núi cao thì mới
thấy hết cái đẹp của trời đất: "Lẫn trong màu sắc của ruộng đồng mênh
mông, từng chùm, từng khoảnh nổi lên màu lục đậm của cây, màu xam xám hoặc đo
đỏ của chợ quán, nhà cửa, chùa đền… hoặc ẩn hiện dưới bóng mây làn khói"
(5). Cái giây phút ấy, thì những gì tù túng, chật chội của mặt đất dường như
cũng tan biến hẳn. Ta có cảm giác rõ rệt là càng lên cao bao nhiêu thì con
người cảm thấy mình là một với đất trời bấy nhiêu.
Rồi tại một hòn núi khác, Quách Tấn kể lại kể lại cảnh một nhà sư âm thầm cứu
giúp con người: "Để giúp hành khách qua lại khỏi bị nạn cọp, nhà sư trụ
trì tổ chức việc đưa đón hết sức nên thơ. Hành khách đến chân đèo thì dừng lại
đợi nhau. Khi đã được năm ba người rồi, nhà sư đến đưa qua đèo. Không dáo không
mác, không trống, không phèn la… nhà sư thong thả đi trước, tay gõ mõ miệng
tụng kinh, hành khách nối đuôi nhau đi theo, khoan thai trật tự… Sang phía bên
kia, nếu có khách thì nhà sư trở lại, đưa qua đèo. Cứ thế hết ngày này đến này
kia. Ai cúng ít nhiều cũng được, không cũng không sao. Trước kia nạn hổ thường
xảy đến. Từ khi có sự đưa đón của nhà chùa, người qua lại đều vô sự". Đối
với chúng ta ngày nay, câu chuyện trên có vẻ hoang đường, không thực tế. Quách
Tấn cũng biết vậy, nên ông đã viết: "Đó là chuyện cũ ngày xưa, ngày nay
người không còn sợ cọp như trước, trái lại cọp phải sợ hẳn lòng người…".
(6)
Cuối dãy núi Bà có một ngôi chùa cổ gọi là chùa Ông Núi. Có nhiều truyền thuyết
kỳ lạ kể lại hành tung của Ông Núi: Ông Núi dùng vỏ cây làm y phục, tham thiền
nhập định suốt ngày đêm trong hang đá. Trong hang đá còn có hai con cọp mun
hiền lành. Ông Núi ít khi đi đâu, chỉ khi nào cần lương thực thì Ông Núi mới
gánh một gánh củi xuống để ở ngã ba đường. Người quanh vùng đem gạo muối xuống
để đó, rồi gánh củi đem về nhà chụm. Chiều tối hôm sau, Ông Núi mới xuống lấy
gạo muối, rồi lặng lẽ lên núi trở lại. Ông Núi tiếp tục sống như vậy trong
nhiều năm, đến khi Trương Phúc Loan chuyên quyền, khắp nơi đều sống trong cảnh
đói khổ loạn lạc. Một hôm những người tiều phu lên núi đốn củi, họ tò mò vào
hang thì không còn thấy Ông Núi đâu nữa. Bấy giờ họ mới biết Ông Núi đã bỏ cái
hang đó đi mất rồi, chẳng ai biết ông đi đâu?...”. Hơn ba trăm năm sau (7),
Quách Tấn đến viếng Chùa và ông vẫn còn nghe được bước chân Ông Núi vang vọng
khắp núi non: "Dọc đường khi đi cũng như khi về, thường nghe các em mục
đồng, các chàng ngư phủ, với một giọng thật thà, đôn hậu, hát những câu hát về
Ông Núi, khi thì thánh thót, như:
Cây che đá chất chập
chùng
Biển giăng dưới núi chùa
lồng trong mây
Bụi đời không gợn mảy
may
Chút thân rộng tháng
ngày dài thảnh thơi.
Khi thì ngầm chứa nỗi u
hoài, như:
Ông Núi đi đâu
Bỏ bầu sơn thủy
Đủ nhân đủ trí
Thêm vĩ thêm kỳ
Chùa xưa nhạt bóng tà
huy
Xuôi lòng non nước nặng
vì nước non (8).
Những tiếng "Núi cũ", "Chùa xưa" đã được Quách Tấn lặp đi
lặp lại nhiều lần trong thơ của ông, đã nói lên hết tất cả nỗi bơ vơ của ông
khi phải sống trong thế giới hiện nay. Một thế giới đã gần như quên hẳn một
Trần Thái Tông đã cùng với Đức Sơn Thiền Sư đứng ngắm trăng trước sân chùa
Thanh Phong và nghe gió lùa qua núi vắng. Một Nguyễn Trãi ngậm ngùi tiễn Đạo
Kiêm Thiền Sư về núi với lời chúc: "Về non ta lại có thiền
tâm"
3.
Trong một bài nhận định về thơ của Quách Tấn cách đây đã hơn ba chục năm, Phạm
Công Thiện đã viết một câu hay tuyệt: "Tôi tưởng chừng những tiếng thơ
trên đã phát xuất từ trung tâm điểm của vũ trụ, xa lắm, xa lắm" (9). Những
tiếng "xa lắm, xa lắm" của anh Phạm Công Thiện dĩ nhiên phải dược hiểu
theo nghĩa bóng.
Dù vậy, có những bài thơ của Quách Tấn mà mỗi lần đọc lên, tôi khó có thể nghĩ
rằng ông đã làm những bài thơ đó tại những thành phố có tên là Quy Nhơn hay Nha
Trang hay tại bất cứ một thành phố nào ở Việt Nam. Tôi có cảm giác ông là một
ẩn sĩ đang sống tại một ngôi chùa cổ ở một thảo nguyên hay một hòn núi cao nào
đó, xa hẳn chốn trần gian bụi bặm này. Vì chỉ trong cô đơn heo hút như vậy, thì
ông mới lắng nghe hết cả cái buồn sầu thảm của vũ trụ mênh mông này:
Sông dài bãi vắng núi
chênh vênh
Chùa khuất sau mây tiếng
trống rền
Gió nước nôn nao lòng
đãi độ
Lạnh lùng sương xuống
bóng trăng lên
(Đọng Bóng Chiều)
Và tại nơi "thâm sơn cùng cốc", trong một thoáng giây ngắn ngủi,
Quách Tấn chừng như đã thấy được cánh cửa của vô hạn:
Thoáng tiếng chuông chùa
vọng
Bóng đèn khuya rung rinh
Nao nao lòng giống quạng
Hơi thu tràn hư linh
(Mộng Ngàn Sơn)
Rồi tôi tưởng tượng
rằng, một hôm nhà ẩn sĩ đó đã bị bắt buột xuống núi trở lại. Dù sống giữa cuộc
đời, nhưng lòng ông lúc nào cũng ngóng vọng về nơi chốn xa xôi ấy:
Mây nước nhiễm phong
trần
Nơi đâu tình cố nhân
Những đêm buồn tỉnh giấc
Chùa cũ tiếng chuông
ngân
(Mộng Ngàn Sơn)
Ông nhớ rõ từng lời kệ
tiếng kinh, nhớ giọt trăng tà đọng lại trên hành lang heo hút của đêm sắp tàn
nơi ngôi chùa cổ:
Lặng lẽ chiên đàn nhã
khói hương
Trăng tà đôi giọt rụng
lan can
Chùa xa riêng cảm đêm
thu quạnh
Vần kệ ngân đưa giấc
mộng tàn
(Đọng Bóng Chiều)
Và nhớ những chiều núi
non sau cơn mưa còn đẹp hơn cả một giấc mộng:
Mưa tạnh non cao đọng
bóng chiều
Hồi chuông chùa cũ vọng
cô liêu
(Chưa xuất bản)
Hai câu thơ có sức hoài
niệm lạ thường. Gần một thế kỷ đi qua trên cuộc đời này, ngoảnh nhìn lại chẳng
còn nhớ gì hết, ngoài một chút núi non tịch mịch trong lòng của thi nhân mà
thôi…
Chắc chắn những bài thơ trên của Quách Tấn không phải là sự rung động ngẫu
nhiên hay nhất thời của một nghệ sĩ, mà nó đã được hun đúc sâu xa bởi một khát
vọng. Khát vọng đó đã một lần được Quách Tấn phát biểu: "Làm thơ là để gởi
tấm lòng vào thiên cổ chứ không phải để phấn sức tài ba trong nhất thời".
Đó là lời của Trần Tử Ngang mà tôi đã học thuộc lòng từ khi mới tập làm thơ.
Ngày xưa tôi làm thơ là để lòng vào thiên cổ, như lời Trần Tử Ngang. Nhưng từ
ngày tôi nhận thấy văn chương là một pháp môn, là một cái đạo, thì tôi làm thơ,
viết văn để giải thoát tâm hồn" (10).
Thi ca, theo quan điểm
của Quách Tấn làm một pháp môn, một cái đạo để ông giải thoát tâm hồn. Như vậy
Quách Tấn đã đạt được khát vọng ấy trong thi ca của ông chưa? Đọc bài thơ sau
đây ta sẽ rõ:
Mây thu chớp nhẹ cánh
thư hồng
Hắt ánh tà huy trắng mặt
sông
Bờ giạt sóng lau vờn
ngọn bấc
Đợi đò lặng lẽ bóng sư
ông.
Vậy, đúng như Phạm Công
Thiện đã nói, thì: "Hiện nay Quách Tấn đã đi gần tới tiêu đích của
mình" (11).
4.
Vào những tháng cuối năm 1975 và tiếp đến những năm 1976 và 1977, theo chỗ tôi
biết, đó là những năm tháng buồn bã nhất trong cuộc đời của Quách Tấn. Bạn bè
cũ, một số đã ra đi, một số còn ở lại thì sợ "Tai vách mạch rừng" nên
ít ai dám lui tới để trò chuyện, tâm sự, mặc dù có quá nhiều chuyện để mà tâm
sự với nhau.
Lúc ấy anh Tuệ Sỹ vẫn còn ở Nha Trang, chùa lúc ấy cũng chẳng còn chuyện gì để
làm, nên anh Tuệ Sỹ và tôi vẫn thường xuống nhà thăm Quách Tấn, thỉnh thoảng
ông cũng lên chùa thăm lại. Những lần viếng thăm như vậy đã an ủi tâm hồn ông
rất nhiều, nhất là trong hoàn cảnh cô đơn và đầy bất an như lúc ấy. Một bữa nọ
anh có trao cho anh Tuệ Sỹ và tôi một bài thơ:
Bạn thơ nay chẳng còn ai
Tới lui trò chuyện chỉ
vài nhà sư
Chung trà hớp ngụm vô tư
Chia tay nhìn bóng thanh
hư gởi lòng
Riêng đối với Tuệ Sỹ,
mặc dù tuổi tác khá chênh lệch nhau. Tuệ Sỹ đến sau Quách Tấn gần nửa thế kỷ,
nhưng Quách Tấn vẫn một mực quý trọng tài hoa và nhất là tư cách của Tuệ Sỹ.
Tôi nhớ có một lần ông đã nói với tôi rằng, ở Việt Nam có hai tác phẩm viết về
Tô Đông Pha (một đại thi hào đời Tống của Trung Quốc) một của Nguyễn Hiến Lê và
một của Tuệ Sỹ. Nhưng theo ông Nguyễn Hiến Lê chỉ mới đứng từ xa mà nhìn ngọn
Lê Sơn, còn Tuệ Sỹ mới đích thực vào được "thâm xứ" ấy. Quách Tấn là
một nhà thơ, mà nhất là nhà thơ rành rẽ về thi ca Trung Quốc, thì lời nhận định
của ông tất nhiên phải có giá trị lớn rồi. Nhân đó, tôi cũng cho ông biết rằng,
vì Tuệ Sỹ là một nhà thơ, một nhà thơ mà viết về một nhà thơ thì tất nhiên phải
hay hơn một học giả viết về thi ca vậy. Quách Tấn rất đỗi ngạc nhiên khi biết
Tuệ Sỹ cũng có làm thơ. Vì từ lâu ông chỉ biết Tuệ Sỹ là một nhà Phật học, một
dịch giả vậy thôi.
Khi Đào Duy Anh lần đầu tiên từ Hà Nội vào Nha Trang đến thăm Quách Tấn, ông
hỏi ý kiến Quách Tấn là ai là người mà ông nên đến thăm? Quách Tấn đã trả lời
ngay: Tuệ Sỹ, chỉ có Tuệ Sỹ là người đáng thăm nhất. Và ông Đào Duy Anh đã leo
núi lên chùa Hải Đức để thăm Tuệ Sỹ.
Trong cuộc trò chuyện hơn hai tiếng đồng hồ tại chùa Hải Đức. Tôi vẫn còn nhớ
là Đào Duy Anh đã tỏ ra rất tiếc khi ở ngoài Bắc mấy chục năm mà ông vẫn không
có tác phẩm “Essay in Zen Buddhism” của D.T. Suzuki để đọc, đến khi vào Nam thì
ông thì ông mới đọc được bộ Thiền Luận do Tuệ Sỹ dịch từ tiếng Anh của D.T.
Suzuki trong khi ông biết là tác phẩm đó đã chinh phục thức giả Tây phương từ
lâu rồi. Ông cũng công nhận là một sự muộn màng đáng tiếc. Khi tiễn Đào Duy Anh
xuống núi, ông cứ đi một đoạn là đứng lại bắt tay anh Tuệ Sỹ, những cái bắt tay
thật chặt. Cứ như vậy ông bắt tay cho đến khi xuống cuối dốc chùa mới thôi.
Điều ấy chứng tỏ rằng, Đào Duy Anh rất trân trọng về cuộc gặp gỡ này.
Sau đó, có lẽ vì không chịu đựng nổi không khí ngột ngạt ở thành phố nên Tuệ Sỹ
đã đi làm rẫy tại một khu rừng hẻo lánh ở thị trấn Vạn Giã, gần đèo Cả, cách
Nha Trang khoảng sáu mươi cây số. Đây là thời gian anh làm thơ nhiều nhất. Hầu
hết những bài thơ nói lên tâm sự u uẩn của chính mình mà cho cả quê hương đất
nước đều được anh làm tại nơi núi rừng heo hút này. Tỷ như:
Quê người trên đỉnh
Trường Sơn
Cho ta gởi một nỗi hờn
thiên thu
Hoặc:
Trong mắt biếc mang nỗi
hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ
biên cương
Đúng là tâm hồn của kẻ sĩ, nếu có hờn có trách thì chỉ hờn trách chính mình
thôi, còn đối với con người, đối với cuộc đời thì vẫn yêu thương nồng nàn. Làm
rẫy một thời gian thì bỏ vào Sài Gòn, dấn mình vào một cuộc "Lữ"
khác. Cuộc "Lữ" này trầm trọng hơn những cuộc "Lữ" trước
đó. Ít lâu sau, Quách Tấn cũng rơi vào trường hợp tương tự, nhưng ông chỉ bị
một thời gian ngắn thôi, có lẽ nhờ đã đến tuổi "Thất Thập cổ lai hy".
Quách Tấn hiện đang đi chơi xa và không bao giờ trở về nữa. Tôi cứ tưởng tượng
ông đứng nhìn một cây mai nở rộ trên một hòn núi cao nào đó, điều mà khi còn
sống ông rất khát khao nhưng không bao giờ thực hiện được, như có lần ông đã
đọc cho tôi nghe hai câu thơ của ông:
Tìm về núi cũ xem mai nở
Mộng bén ngàn xa hạc
điểm canh
Còn Tuệ Sỹ thì vẫn chưa
về…
Những lúc ngồi một mình nhớ Quách Tấn và Tuệ Sỹ, tôi cứ bâng khuâng tự hỏi: Tại
sao có những người muốn đem hết cả tấm lòng của mình để hiến dâng cho cuộc đời
mà họ vẫn bị cuộc đời đối xử một cách bất công? Vì tài hoa của họ chăng? Chữ
tài đi liền với chữ tai một vần, như xưa nay ai cũng nghĩ như vậy. Theo tôi,
quan niệm đó chỉ đúng một phần thôi, vì có biết bao nhiêu người tài hoa ở những
nơi khác trên đời này, họ vẫn có hoàn cảnh, có điều kiện để đem tài hoa của họ
ra mà hiến dâng cho cuộc đời?
Có một bài thơ của Quách Tấn, mà tôi nghĩ có thể tạm giải thích được. Ít nhất
là trong trường hợp Quách Tấn và Tuệ Sỹ. Bài thơ ấy như thế này:
Bao phen bến hẹn đổi dời
Làng phong tao vẫn con
người thủy chung
Gió lau thổi lạnh sóng
tùng
Hương xưa thắm lại cụm
hồng ngày xưa.
Phải chăng vì muốn
"thủy chung" với "cụm hồng ngày xưa" ấy, mà Quách Tấn và
Tuệ Sỹ phải chấp nhận số phận lao đao của mình?
eva air vn
vé máy bay đi mỹ bao nhiêu
korean air booking
đại lý bán vé máy bay đi mỹ
giá vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich