Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Văn Cao và những giai điệu thôn làng

Văn Cao và những giai điệu thôn làng

Nguyễn Thụy Kha 
Văn Cao sinh ở Hải Phòng nhưng quê hương lại là thôn Hào Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Những lần cùng gia đình về thăm quê đã khắc vào tâm khảm một nỗi u hoài ly hương: “Tôi không có quê hương/ Nghe đâu như Thái Bình, Hà Nam, Phủ Lý/  Như Nam Định/ Ruộng đất mênh mông trong tiếng hát/ Quê mẹ quê cha cách một vườn trầu” (Những người trên cửa biển).
Có lẽ bởi vậy, nên khi cách mạng Tháng Tám 1945 làm ra cuộc đổi đời trên quê hương, dù chỉ sau hơn một năm đã phải sống trong những ngày kháng chiến gian nan, Văn Cao vẫn nhìn ra sự mới mẻ của thôn làng tự do.
Sau toàn quốc kháng chiến, Văn Cao và người yêu tản cư về vùng Ba La – Hà Đông và tổ chức đám cưới. Có một buổi chiều, sau khi đi họp về, Văn Cao đi dọc triền đê và nghe tiếng chuông nhà thờ binh boong ... binh boong. Ngay lập tức cái nhịp  chuông ấy, cái giai điệu chuông ấy đã xoáy cuộn trong tâm hồn nhạc sĩ và tự nhiên hồn vía thôn làng Việt lại được tuôn trào ra sang trọng trong nhịp valse cung đình châu Âu. Đó là điều kỳ lạ nhất mà các nhạc sĩ Việt Nam thời kỳ đầu Tân nhạc đó có Văn Cao đã làm được. Họ đã “thôn làng hoá” cái nhịp điệu “quý tộc” này, khiến nó trở nên dung dị và chân thành:

Làng Tôi - Tam Ca Áo trắng


Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều 
tiếng chuông nhà thờ rung
Đời yên vui đồng quê yêu dấu, bóng cau với con thuyền cùng dòng sông ...
Nhưng ngay trong sự dung dị và chân thành ấy, còn chứa đựng âm hưởng tráng ca của những thôn làng kháng chiến:
Chiều khi quân ác qua làng vắng tiếng chuông ngân tiếng chuông nhà thờ rung.Làng tôi theo đoàn quân du kích, cướp lấy súng quân thù trả thù xưa ...
Bài Làng tôi sau khi ra đời đã trở thành bài hát của người Việt Nam từ đó đến nay và mãi mãi.Trong tác phẩm Trường ca sông Lô, Văn Cao đã tái hiện lại nét nhạc Làng tôi ở đoạn kết: “Dòng sông Lô trôi. Dòng sông Lô trôi”. Cũng ngay từ ngày kháng chiến, Làng tôi đã được dịch ra tiếng Nga và một số ngôn ngữ khác.
Cùng với Làng tôi cũng với nhịp valse, Văn Cao còn vẽ ra một bức tranh âm thanh về một ngày mùa thời kháng chiến vừa lãng mạn vừa cao diệu qua  Ngày mùa:
Ngày mùa vui thôn trang
Lúa reo như hát mừng
Lúa không lo giặc về khi mùa vàng thôn quê
Ngày mùa vui thôn xóm
Đầy đồng giáo với gươm
Súng tỳ tay anh đứng em cầm liềm trông sang
Sức sống, sức thuyết phục của  Làng tôi và  Ngày mùa  đã khiến cho hai bài hát trên đã được nhiều người ưa thanh bình chọn vào 20 bài hát hay nhất viết về nông thôn Việt Nam trong cuộc bình chọn do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn khởi xướng nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Canh Nông.
Những bài hát khác được bình chọn cùng Làng tôi  và Ngày mùa  là:  Lên ngàn (Hoàng Việt), Bài ca người thợ rừng (Phạm Tuyên),  Đường cày đảm đang An Chung),  Những cô gái quan họ,  Về quê (Phó Đức Phương), Bài ca năm tấn (Nguyễn Văn Tý), Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng),  Hạt gạo làng ta  (Trần Viết Bính - Trần Đăng Khoa), Hát về cây lúa hôm nay, Tình yêu của đất và nước (Hoàng Vân),  Con kênh ta đào (Phạm Tuyên), Người đi xây hồ Kẻ Gỗ  (Nguyễn Văn Tý),  Tình  đất đỏ miền Đông (Trần Long Ẩn), Làng quan họ quê tôi (Nguyễn trọng Tạo),  Tình cây và đất  (Tô Thanh Tùng),  Mùa xuân làng lúa làng hoa  (Ngọc Khuê),  Tình ta biển bạc đồng xanh  (Hoàng Sông Hương), Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo – Lê Huy Mậu).
Nguyễn Thụy Kha 
Ngày mùa - Văn Cao
Ca sĩ Hồng Nhung



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...