Trong một số bài báo đã công bố trước đây, căn cứ vào những vết tích ở
các bản Kiều Nôm cổ thế kỷ 19, đặc biệt là ở bản Duy Minh Thị (DMT), GS Nguyễn
Tài Cẩn đã chứng minh được rằng Truyện Kiều được sáng tác trước đời Gia Long.
Mới đây, tiến thêm một bước, GS Nguyễn Tài Cẩn và PGS Ngô Đức Thọ đã dày công
nghiên cứu nhằm xác định chính xác những năm kiệt tác này được cơ bản hoàn
thành.
Từ chữ kỵ huý
Trước hết chúng tôi
cố gắng bổ sung những chữ kị huý lần trước chưa nêu, đặc biệt đáng
chú ý là hai chữ tên huý của hai Vua Lê Hiển Tông, Lê Chiêu Thống và tên huý
của ba Chúa Trịnh Sâm, Trịnh Khải, Trịnh Bồng là các vua chúa ở ngôi cai trị ngay
ở thời cụ Nguyễn Du. Đó là những cứ liệu có tính đột phá trong việc giải quyết
vấn đề thời điểm sáng tác Truyện Kiều. Tên huý Lê Hiển Tông (1740-1786) gồm bộ
Thị và chữ Triệu. Chữ huý đó ta quen đọc là Diêu, nhưng vốn đồng âm và tự dạng
rất gần với chữ Đào. Trong bản DMT 16 trên 24 trường hợp chữ Đào viết không
bình thường. Tên huý Lê Chiêu Thống (1786-1788) đọc là Kì , đồng âm với chữ Kì
là tên huý Vua Lê Thần Tông. Việc kị huý thể hiện ở cả mặt âm, cả mặt chữ viết.
Ví dụ, ở câu 3110 "Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ", kết cấu Hán Việt
+ Hán Việt (cầm kì) phải đổi đọc thành kết cấu Hán Việt + Cổ Hán Việt"
(cầm cờ)... ở 2 câu 1473, 3223 "Mảng vui rượu sớm cờ trưa" và
"Khi chén rượu khi cuộc cờ" chúng ta đã có sẵn từ "cờ" ở
trong tiếng Việt rồi, nhưng bản DMT vẫn tăng cường thêm biện pháp kị huý trên
mặt chữ viết: thay bộ Mộc thường dùng bằng 2 bộ bất thường là bộ Thủ (ở câu
1473) và bộ Nhục (ở câu 3223). Trường hợp cuối cùng này có lẽ thiên về kị huý
Thần Tông còn hai trường hợp đầu thì rõ ràng vừa kị huý cả Thần Tông, vừa kị
huý cả Chiêu Thống. Tên huý Trịnh Sâm ở câu 1381 bản DMT viết bớt 2 nét; tên
huý Trịnh Khải ở câu 1152 bản Thịnh Mĩ Đường (TMĐ) cũng thay đổi tự dạng. Còn
tên huý Trịnh Bồng thì ngay ở chữ Bồng (trong "cửa bồng") có cả vết
tích thay đổi tự dạng, có cả vết tích thay đổi hẳn cả chữ: ở câu 2937 bản TMĐ
thay bộ Thảo bằng một nét ngang; ở câu 2627 bản Lâm Noạ Phu (LNP) thay
"bồng" bằng "buồng" bốn bản miền Bắc thay "bồng"
bằng "phòng"...
Với những cứ liệu đã
được bổ sung như trên, chúng ta đã có thể bắt đầu đi vào biện luận. Vua Cảnh
Hưng Lê Hiển Tông chết năm 1786, năm đó Lê Chiêu Thống mới được truyền ngôi. Và
cũng năm đó Trịnh Bồng mới được lên chức chúa. Truyện Kiều kị huý rất kĩ hai
ông này: nhất định là kị huý sau khi hai ông đã cầm quyền. Do đó, năm 1786 trở
thành một cái năm đứng làm một cái mốc hết sức quan trọng. Hơn nữa cả Lê Chiêu
Thống cả Trịnh Bồng chỉ cai trị một giai đoạn rất ngắn, sau năm 1788 họ đã mất
hết vai trò lịch sử. Mà Truyện Kiều kị huý họ ở cả những câu giữa truyện ở cả
những câu gần cuối truyện, riêng đối với Lê Hiển Tông thì còn kị huý ở cả gần
đầu truyện. Vậy chúng ta có cơ sở để đoán định: bản thảo toàn bộ Truyện Kiều đã
được cơ bản hoàn thành vào khoảng ba năm 1786, 1787 ,1788.
Liên hệ thêm với
hoàn cảnh gia đình của thi hào Nguyễn Du, chúng tôi thấy có hai sự kiện
rất có ý nghĩa. Năm 1786 ông làm Chánh thủ hiệu ở Thái Nguyên và cưới vợ, đến
năm 1787 thì ông không làm việc nữa và về quê vợ ở. Không làm việc nhà nước nữa
và về quê vợ ở, đó là một hoàn cảnh có phần rất thuận tiện cho việc sáng
tác. Căn cứ thực tế này có lẽ trong ba năm 1786, 1787, 1788 chúng ta phải nghĩ
nhiều hơn đến hai năm 1787,1788.
Năm 1789 ông chú của
Nguyễn Du là Nguyễn Trọng mất. Theo tục lệ xưa, gia đình bắt buộc phải hết sức
tôn trọng lệ kiêng huý trong dịp tang tóc này. Việc Nguyễn Du đổi
"Trọng" thành "Trượng" ở câu 310 rất ăn khớp với sự
kiện này. Vậy có lẽ lại phải kéo dài thêm cái quãng thời gian sáng tác nói trên
cho đến năm 1789 hay đến cả năm 1790.
Đến những câu thơ
GS Hoàng Xuân Hãn đã lưu
ý đến hai câu: "Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn
lòng". Hai câu này rất phù hợp với tình hình mấy năm nói trên. Giai đoạn
1786 - 1790 đúng là những năm bể dâu về chính trị: mấy lần quân Tây Sơn
ra Bắc, Chiêu Thống bỏ chạy theo giặc, chấm dứt 360 năm sự nghiệp triều Lê;
Trịnh Khải tự sát, Trịnh Bồng bị đánh bại, để tan nát mất cả 217 năm cơ
nghiệp nhà chúa. Bể dâu cả trong dòng họ tác giả: cái thanh thế có thời rất huy
hoàng của đại gia đình cụ Nguyễn Nghiễm (cha Nguyễn Du) bị sụp đổ, năm
1786 hai ông anh Nguyễn Khản, Nguyễn Điều mất, năm 1787 ông anh
Nguyễn Nễ phải trốn về quê vợ. Chỉ một hai năm sau, ông anh Nguyễn
Quýnh cũng bị giết, và cả vùng quê Tiên Điền của Nguyễn Du bị tàn phá.
Nhà nghiên cứu Trương
Chính lại chú ý đến những câu thơ về Từ Hải. Trong không khí chuyên chế đầu
triều Nguyễn thì Nguyễn Du không thể viết nên được những câu như vậy.
Giai đoạn 1786 - 1790 là một giai đoạn hầu như không có chính quyền
(triều đình Lê Trịnh đã sụp đổ, triều đại Tây Sơn mới dựng lên, chưa được lớp
cựu thần hoàn toàn thừa nhận). Nhưng mặt khác, đó cũng là giai đoạn của những
chiến tích hào hùng. Chính vì thế, Nguyễn Du đã có được tự do và cảm hứng xây
dựng nên nhân vật Từ Hải trên cơ sở những mẫu người, những mẫu tâm lý mà
mình hằng tán thưởng. Đó là những mẫu người anh hùng "một tay gây dựng cơ
đồ, bấy lâu bể Sở,sông Ngô tung hoành", những mẫu người ngang tàng
"đội trời đạp đất ở đời", "nghênh ngang một cõi biên thuỳ".
Những tâm lý trượng phu, sống vì nghĩa lớn, những tâm lý muốn hoàn toàn
độc lập, thích "chọc trời khuấy nước mặc dầu/ dọc ngang nào biết trên đầu
có ai"; những tâm lý xa lánh chính quyền, đối lập với chính quyền, rất sợ
lâm vào cảnh "bó tay về với triều đình/ hàng thần lơ láo phận mình
ra đâu"? Những chất liệu lấy từ cuộc sống nêu trên đây, cụ Nguyễn Du đã
thu nhặt được cả từ bản thân và dòng họ, cả từ xã hội; cả từ phía Lê
Trịnh, cả từ phía Tây Sơn. Những nhân vật ngang tàng, phóng khoáng kiểu Phạm
Thái, vui lòng chết vì đạo nghĩa kiểu Lý Trần Quán; những tâm lý sẵn sàng nổi
loạn kiểu Nguyễn Quýnh (anh của Nguyễn Du), Hữu Chất (em của Phan Huy Ích);
những con người xa lánh chính quyền kiểu Hải Thượng hay Nguyễn Thiếp? chắc hẳn
đều đã được Nguyễn Du nghĩ đến khi mô tả Từ Hải. Và dầu Nguyễn Du không cộng tác
với chính quyền mới như hai ông anh Nguyễn Nễ, Đoàn Nguyễn Tuấn, nhưng trong
con mắt ông, hình tượng một Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh chắc hẳn vẫn là một
hình tượng anh hùng, lưu lại dấu ấn sâu đậm.
Tóm lại, đặt những câu
viết về Từ Hải vào những năm xã hội đầy sôi động của khoảng 1786 -1790 là hoàn
toàn phù hợp.
Truyện Kiều là truyện
của những mối tình: mối tình đầu giữa Kiều và Kim Trọng rồi mối tình giữa Kiều
và Thúc sinh, mối tình giữa Kiều và Từ Hải. Ba lần yêu đã được mô tả với ba sắc
thái khác nhau. Và trong mỗi lần yêu, tình yêu cũng được phân tích một cách
tinh tế trong nhiều tâm trạng... Tình yêu gắn với tuổi trẻ, gắn với thời hoa
niên trân quý của một đời người. Đặt những câu Nguyễn Du viết rất tài tình và
sâu sắc về tình yêu vào trong giai đoạn nhà thơ mới 20 - 25 tuổi là hoàn toàn
có lý.
Giai đoạn từ 1786 đến
1790 mà chúng tôi đã xác định được, căn cứ vào các cứ liệu văn bản vừa
nêu trên đây, nhằm chủ yếu nói về giai đoạn cụ thể trong đó toàn bộ
bản phác thảo Truyện Kiều đã được hoàn thành một cách cơ bản. Chúng tôi
xin không bàn đến khả năng có thể đã có quá trình thai nghén từ trước. Và chúng
tôi cũng xin không bàn đến khả năng có thể có những chỗ tác giả còn
tiếp tục sửa chữa về sau.
Cám ơn bạn vì đã chia sẽ thông tin hữu ích
Trả lờiXóaEmail: jackwinter27@gmail.com
Website: luyện thanh luyen thanh nhac trung tam thanh nhac