Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Tình người xứ Bưởi

Tình người xứ Bưởi

Lương Thị Tuyết Nga

    Ngày ấy cách đây khoảng năm năm, tôi đến Đại Minh một cách rất tình cờ. Đoàn chúng tôi đi ăn cưới con một người bạn đồng nghiệp và được vợ chồng anh chị Phùng - Đàm là giáo viên trường THCS xã Đại Minh mời vào nhà chơi. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đó là một cuộc ghé thăm hoàn toàn xã giao nhưng  trước tình cảm chân tình, sự tiếp đón nồng hậu của vợ chồng anh đã khiến tôi thực sự bất ngờ. Bước vào nhà, chưa kịp ngồi ấm chỗ bà chủ nhà đã khệ nệ bê ra cả một thúng bưởi rồi chẳng kịp cho ai nói chị đã thoăn thoắt gọt vỏ, tách múi, rồi ân cần đặt vào tay từng người những múi bưởi mọng nước. Ánh mắt chị lóng lánh nhìn mọi người thưởng thức món quà quê làm tôi giật mình vì chỉ một chút nữa thôi mình đã bị vuột mất cơ hội được đắm mình trong tình người xứ bưởi.
Lại một lần cùng đoàn kiểm tra của Phòng giáo dục Yên Bình về trường THCS xã Đại Minh công tác, trong giờ nghỉ trưa đoàn chúng tôi được vợ chồng thầy giáo Ngô Ngọc Hùng thết đãi món cây nhà lá vườn là bưởi. Sự liên tưởng về cách đãi khách của hai cặp vợ chồng nhà giáo thôi thúc tôi tìm hiểu về một vẻ đẹp ẩn sau từng trái bưởi ngọt lành. Có một điều gì đó cứ khiến tôi tin rằng thứ quả bình dị ấy đã trở thành một phần máu thịt của người dân nơi đây
Biết tôi có ý định đi thực tế để viết về cây bưởi quê mình, thầy giáo Phùng đã bỏ dở công việc, tình nguyện đưa đường cho tôi. Điểm đến đầu tiên của tôi là nhà cụ Nguyễn Văn Ký ở thôn Minh Thân. Cụ Ký năm nay đã 80 tuổi nhưng khi nghe tôi giới thiệu lý do đến thăm gia đình cụ phấn khởi ra mặt. Cụ mời chúng tôi vào nhà uống nước. Khi tôi xin phép được tham quan vườn bưởi thì cụ như trở thành một con người khác. Cụ cười rạng rỡ, thân thiện, ân cần như một người cha dẫn đứa con xa về thăm vườn nhà. Nhìn cái cách cụ vuốt ve từng gốc cây, nâng niu từng trái bưởi, vội vàng thò tay bắt từng con bọ xít mới biết cụ yêu bưởi đến nhường nào.
Vườn bưởi nhà cụ có diện tích 6000 m2 với tổng số 130 cây trong đó có hai cây bưởi được trồng từ năm 1959. Năm nay, 120 cây đã ra trái mang về cho gia đình cụ hơn 100 triệu.
         Ấy là nhà em còn bán rẻ mất vài chục so với thời giá bây giờ đấy chị - cô Ngà con dâu cụ Ký tủm tỉm cười bảo tôi như muốn khoe thêm về giá trị của vườn bưởi.                                                                                            
Những giọt nắng vàng tươi len lỏi qua từng kẽ lá làm bừng sáng thêm nụ cười của cô. Hương quả thoảng bay trước mặt, sau lưng, dịu dàng, e ấp dìu bước chân tôi đi dưới hàng  bưởi cổ thụ lá tròn, dày, xoè tán rộng với những chùm đôi, ba trái như gié lúa trĩu cành. Nhìn những trái bưởi to khoảng bằng bát ăn cơm, hình dẹt, núm quả nông và nhỏ, da mịn, nhẵn bóng đang chuyển sang màu vàng tươi tôi chợt nghĩ tới con số thật ấn tượng mà thầy giáo Phùng vừa nói với tôi:  Thu nhập của người dân xã Đại Minh từ bưởi năm 2010 được khoảng hơn 3 tỷ đồng, năm 2011 thu được hơn 5 tỷ còn năm 2012 là khoảng hơn 7 tỷ đồng. Nhiều nhà trong xã có thu nhập cao từ nguồn lợi này như Nhà ông Bạo ở thôn Cầu Mơ thu 135 triệu, Ông Tân ở thôn Quyết Tiến 11 thu 115 triệu, ông Đô ở thôn Cầu Mơ thu 90 triệu, ông Dũng ở thôn Đồng Danh thu 80 triệu...
Thấy tôi loay hoay tìm góc để ghi lại hình ảnh vườn bưởi, cụ Ký bảo:
 Đây là cây bưởi được trồng từ năm 1959. Năm nay được mùa, thương lái vào tận nhà đặt mua cả vườn nhưng gia đình vẫn để lại gần một nghìn quả ngon nhất dành đãi khách và làm quà. Cái thơm thảo của người Đại Minh thực sự đã làm say đắm lòng người!
Ngắm vườn bưởi thoả thích, tôi theo chân hai cha con cụ vào ngôi nhà xây khang trang của gia đình. Vừa ngồi vào ghế, loáng một cái đã thấy cô Ngà bưng ra một đĩa bưởi đã gọt vỏ, vồn vã mời chúng tôi. Mùi bưởi toả hương thơm mát như mời gọi. Tôi nâng múi bưởi trên tay, ngắm nhìn những tép bưởi mọng, chắc, múi bưởi róc nghe vị ngọt mát của bưởi tan ra, thấm vào đầu lưỡi lòng chợt dâng lên một cảm xúc thật thanh thoát, nhẹ nhàng. Thầy giáo Phùng vừa tách từng múi bưởi vừa nhẩn nha như cách đang giảng bài:
- Thường vào tháng 10 âm lịch người ta bắt đầu thu hoạch, Bưởi có chất lượng tốt để sau 10 ngày tôm sẽ ngả màu vàng rơm, sờ tay dính như mật ong nhưng tép bưởi vẫn không nát ấy là lúc người thưởng bưởi sẽ cảm nhận được sự ngọt ngào tinh tuý nhất.
Cụ Ký tiếp lời, bưởi Đại Minh sau khi hái không cần bất cứ một loại thuốc bảo quản gì nhưng có thể để đến tháng 3 âm lịch mà vẫn thơm mát, ngọt lành. Muốn vậy việc thu hái phải thật lắm công phu. Vào mùa bưởi chín  khắp làng trên xóm dưới nhộn nhịp, ồn ào và tấp nập hơn hẳn ngày thường bởi người thu hái bưởi, người đóng bao, người xếp lên xe. Bây giờ bưởi không chỉ là một món quà mà còn là hàng hoá làm giàu cho người dân song cách thu hái trái bưởi thì vẫn một cung cách như vậy. Thời điểm bắt đầu thu hoạch là lúc sương đã khô trên cành lá. Những người đi hái quả ngày trước thường dùng những cây sào có cái chóp đan bằng tre, lót rơm khô đứng dưới gốc nhẹ đưa lên cành hứng từng trái, khẽ soay rồi từ từ đón từng quả như đón nhận một báu vật của đất trời. Bây giờ người ta dùng một dụng cụ như cái vợt bắt cá để hái, nhưng thái độ nâng niu vẫn không hề đổi khác. Người hái bưởi thuê phải là người được đích thân chủ vườn chọn. Đó là những người có đức tính cẩn thận, chăm chỉ và đặc biệt phải có tình với bưởi. Công cho một ngày lao đông giao động từ 120.000đ/ người/ngày trở lên và thực sự là một việc làm mang lại nguồn thu nhập tốt cho bà con. Sau khi hái tuỳ theo mục đích sử dụng người chủ vườn đóng bưởi vào bao hay dùng lá chuối khô sạch, quây cót để cất giữ. Lúc này cần tránh để ánh sáng trực tiếp chiếu vào trái. Bưởi để lâu, khi mang ra đãi khách lớp vỏ bên ngoài đã héo hằn rõ từng múi bên trong nhưng hương vị vẫn không hề thay đổi.
Người làng bưởi kể rằng, đến ngày giỗ Tổ 10 tháng 3, nhiều nhà đưa những quả bưởi  quý ra đãi khách. Lớp vỏ bên ngoài đã héo quắt, chủ nhà múc một thau nước giếng khơi trong vắt, dùng một chiếc khăn sạch giặt bằng thứ nước giếng ấy rồi lau nhẹ lên vỏ thì chỉ độ nửa tiếng sau trái bưởi héo quắt ấy lại trở nên vàng tươi, mỡ màng tưởng như vừa được hạ từ trên cây xuống. Vị ngọt đậm đà, thơm dịu của từng tép bưởi thấm vào đầu lưỡi, lan trên khoé môi khiến thực khách sau khi thưởng thức chỉ cần chép nhẹ sẽ cảm thấy độ dính của mật ngọt như lưu luyến, như mời gọi ân cần và rồi trái bưởi ấy cũng không thể tiếp tục để dành, lạ thế!
Câu chuyện của chủ và khách bên ấm trà, trong không gian ngập tràn hương bưởi rôm rả, bất tận. Nghe tôi hỏi về các khâu trồng và chăm sóc bưởi, Ngà cười bảo cây bưởi quê em có sức sống mãnh liệt lắm. Dẻo dai, can trường nhưng thanh sạch như con người Đại Minh vậy. Rồi thật bất ngờ Ngà cất tiếng đọc cho chúng tôi nghe: Vầng trăng riêng của quê mình/ Dịu dàng nép dưới tán xanh la đà/ Cây thơm thảo, đất mặn mà/ Để nên trái ngọt đậm đà Đại Minh. Hất lọn tóc xoà xuống vầng trán thanh tú Ngà cười thật hãnh diện:
- Thơ của tác giả Hồ Xuân Đoan đấy. Em đọc từ ngày bé và nhớ ngay vì nói về bưởi quê mình mà chị.
Nghiêng mái tóc bạc phơ, nhìn ra vườn bưởi cụ Ký nhỏ nhẹ:
-Trồng bưởi dễ mà khó, bưởi có sức sống dẻo dai nhưng lại không ưa phàm tục. Năm nay, ở làng có anh dùng nước thải phun cho cây thế mà chết mất 2 cây bưởi to xót quá. Bưởi Đại Minh có từ bao giờ thì không nhớ nổi chỉ biết rằng cây bưởi tổ ở làng Khả Lĩnh đã được trồng từ cách đây hàng trăm năm gốc to cả người ôm.Toàn xã có 780 hộ thì có tới 650 hộ trồng bưởi, hộ ít thì vài sào, hộ nhiều tới vài ba ha. Chọn cành  bưởi để nhân giống không được chọn những cành già mà chọn những cành còn bánh tẻ. Cành già nhanh thu nhưng chậm lớn, cành bánh tẻ nhanh lớn, lúc đứng bóng sai quả. Người trồng bưởi thuộc từng gốc cây trong vườn nhà. Họ tỉ mẩn như cái cách của cha, mẹ chăm sóc con.  Để cho vườn quả đồng đều, tăng giá trị kinh tế còn phải tỉa bớt các cành lá bị bệnh, những cành mọc chen lấn nhau, cành la, cành tăm, tỉa bớt những quả sâu bệnh, quả nhỏ ở những chùm sai. Bưởi ưa đất tơi xốp, nhiều mùn, giàu chất dinh dưỡng và quả chỉ thật ngon khi được trồng từ 25 năm trở nên. Cây cần duy trì độ ẩm để lộc và hoa phát triển tốt. Giai đoạn cây trổ hoa, đậu quả rất cần dinh dưỡng để nuôi lộc, nuôi hoa và quả. Chất dinh dưỡng của cây phù hợp nhất là phân chuồng đã ủ hoai. Có gia đình chạy theo lợi nhuận dùng phân hoá học bón cho cây, vườn quả chỉ sai trái được vài năm rồi đất tự bạc mầu, cây dần dần héo úa. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch quả, người chủ vườn  phải xới cỏ, xẻ rãnh, rải phân, tưới nước, lấy rơm rạ, cây ngô rải đều trong tán cách gốc cây 40-45cm để tạo đổ ẩm và cung cấp chất dinh dưỡng cho mùa sau. Ngay cả việc xới cỏ, người trồng bưởi tránh xới cỏ vào mùa xuân, bởi mùa này cây đang đâm rễ tơ hồng, nếu xới cỏ sẽ làm đứt lớp rễ ấy ảnh hưởng tới sự phát triển cành, nhánh.
Tôi nhẩm tính 6000m2 với 130 gốc bưởi mà chỉ có hai lao động một già, một trẻ…
Ngà cười
- Nhà em phải dùng máy bơm công xuất lớn tưới mấy ngày mới xong. Năm nay nguồn nước cạn dần nên cũng khó có đủ nước tưới. Bà con ở đây cũng chung cảnh như vậy thôi nhưng yêu và tự hào về giống bưởi đặc sản quê mình nên ai cũng cần mẫn lao động để không ngừng nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm  làm giàu cho quê hương.
Vùng Khả lĩnh từ ngày xửa ngày xưa còn được gọi là vùng bưởi tiến vua bởi vị ngon nổi tiếng của nó. Trải qua nhiều thế kỷ khai thác giống bưởi bị thoái hoá, năng xuất chất lượng giảm. Trước nguy cơ mai một giống bưởi quý, năm 2007 Sở KH CN Yên Bái đã phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con "Qui trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh", thâm canh, bón phân tổng hợp, thụ phấn nhân tạo bổ sung…theo kỹ thuật của thạc sĩ Vũ Việt Hưng từ đó đã hồi sinh vùng bưởi mang lạinguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ dân trong xã.
Là loại cây có sức sống bền bỉ nhưng đời bưởi cũng thật lạ kỳ. Rất cần dinh dưỡng để ra hoa, đậu quả nhưng có những cây bưởi chẳng bao giờ được tưới nước, cỗi cằn vẫn đều đặn dâng tặng cho người trái ngọt khi đến kiệt cùng sức lực cây héo dần và chết. Có những cây bưởi bị sâu đục thân đục ruỗng lòng, trong quằn quại đớn đau nhưng cây vẫn vừa miệt mài trổ hoa, đậu quả vừa chắt ra chất keo tự chống lại kẻ thù của mình để sinh tồn cùng trời đất.  Cây cũng như con người xứ bưởi càng gian khó càng hối hả lao động để làm nên mật ngọt cho xóm làng, đất nước, quê hương.
Khoảng tháng 2 âm, sau những cơn mưa xuân hoa bưởi trắng ngần trĩu chịt trên cành phả vào không gian một mùi thơm dịu mát. Gió heo may thổi đưa hương thơm phảng phất khắp đường làng, ngõ xóm khiến lòng người cũng bất chợt vấn vương.
Đặc thù của công việc đã hình thành một nhóm lao động có kỹ thuật chuyên đi thụ phấn cho hoa. Nếu thời tiết rét thì thời gian thụ phấn kéo dài thêm khoảng 10 ngày nữa; nếu trời nắng ấm thì đời hoa chỉ từ 7 đến 10 ngày hoa nở rồi tàn hết. Người dân làng bưởi hối hả chạy đua cùng thời gian, chạy đua cùng bầy ong đi lấy mật để thụ phần cho bưởi. Công việc được tiến hành từ sáng sớm, người bỏ cả ăn trưa, quên cả thời gian để phấn đầu cho một mùa bưởi trĩu quả đang đến. Với những chùm hoa ở đầu cành, dụng cụ dùng để thụ phấn còn thêm một chiếc “tay” bằng que dài và nhỏ. Cách thụ phấn đòi hỏi con người phải hết sức tỉ mẩn. Người ta phải lấy phấn từ những cây bưởi gieo hạt, chọn những bông vừa hé nở, dùng panh kẹp bỏ cánh và nhuỵ hoa. Đặt nhị hoa vào dụng cụ có nắp đậy. Phấn hoa có thể sử dụng cho thụ phấn trong vòng 24 giờ trong điều kiện bình thường nhưng tốt nhất là dùng ngay trong vòng 2 – 3 tiếng sau khi lấy phấn .Việc thụ phấn được thực hiện thủ công bằng cách dùng hoa đã bỏ cánh và nhụy hoa quét phấn lên đầu nhụy của hoa cần thụ. Công việc này diễn ra liên tục từ khi hoa nở đến bắt đầu tàn hoa. Công cho người thụ phấn có nhiều cách trả tuỳ theo thoả thuận giữa chủ vườn và người làm nhưng cũng có người chọn cách chờ đến mùa thu hoạch sẽ chia đôi giá trị vườn quả. Nếu vườn bưởi có giá hàng trăm triệu thì thu nhập của người thụ phấn không hề nhỏ. Tất cả chỉ giao hẹn bằng lời thế nhưng không một người lỗi hẹn, sòng phẳng, phân minh.
Người Đại Minh hồn hậu, chân chất, nghĩa tình và có lẽ vì vậy nên đất trời không phụ lòng người. Giống bưởi Khả Lĩnh được mang đến nhiều vùng đất nhưng chỉ có ở Đại Minh hương vị mới thật sự ngọt lành. Ông Nguyễn Văn Đức bí thư chi bộ thôn Khả Lĩnh là người đã mang trái bưởi quê nhà tham dự  một cuộc thi cấp tỉnh và đạt giải nhất bởi trái to, mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm mà thanh, mùi thơm thoang thoảng không hề pha trộn.
Những người con của Đại Minh dù đi đâu về đâu vẫn rất nặng lòng hướng về đất mẹ, tri ân tiên tổ. Di tích đình Khả Lĩnh thờ thần Cao Thái Sơn và Thành Hoàng làng là ông tổ họ Nguyễn đã có công khai vỡ đất hoang, làm ruộng cấy lúa nước, trồng bưởi lập làng từ cuối thế kỷ XVII. Đình toạ lạc ở khu đất đẹp thuộc thôn Khả Lĩnh rộng khoảng 3000m2, cách bờ sông Chảy khoảng 400m. Ngày mùa, màu vàng của lúa, màu vàng của nắng thu, hương thơm của bưởi, của lúa làm nên một nét rất đặc trưng chỉ riêng ở nơi đây mới có.
Biết tôi là khách xa đến, một chị mau mắn giới thiệu với tôi từng cây trồng quanh đình làng. Theo tay chị chỉ: Đây là cây đại đỏ do bác Lương Văn Tú nguyên là chủ tịch UBND huyện Yên Bình trồng, kia là cây đại trắng do cô giáo Lê Thị Phố Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú huyện Yên Bình mang về cung tiến; căn nhà thờ hai công chúa Ngọc Hoa và Quỳnh Hoa do vợ chồng  Giáo sư, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Nguyên Khôi nguyên là PGĐ bệnh viện Bạch Mai, vợ chồng Giáo sư Trần Văn Hậu góp tiền cùng nhân dân xây dựng…để bày tỏ lòng mình với làng quê. Hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 8 âm lịch con cháu bốn phương lại hội tụ về đây tổ chức Hội làng  bày tỏ niềm tự hào, biết ơn tiền nhân đã khai khẩn đất hoang lập làng, trồng lúa nước, trồng bưởi để làm nên một thương hiệu bưởi Khả Lĩnh thơm ngon không địa phương nào có được.
Đến với Đại Minh bạn sẽ thấy một điều đặc biệt các vườn bưởi trĩu quả , la đà sát mặt đất, ven lối đi, phía trước, phía sau nhà nhưng không hề thấy gia chủ phải rào giậu hoặc có thì cũng chỉ qua loa chiếu lệ. Khi nghe tôi nói ý nghĩ của mình thì anh bạn người Đại Minh cười lớn: Không bao giờ ở đây có chuyện mất bưởi dù là giá đắt đến đâu chăng nữa. Với người dân xứ bưởi này, bưởi không chỉ là một thức quà giản dị mà cao sang, bưởi còn là linh hồn của đất mẹ, là tình yêu sâu nặng của dân làng với một thứ sản vật mà đất trời đã chọn lựa để ban tặng cho vùng đất Đại Minh nói chung và dân làng Khả Lĩnh nói riêng. Bưởi là người, người là bưởi quấn quýt giao hoà. Vị ngọt thơm của bưởi phải chăng còn là sự kết tinh của tình người sâu nặng. Nghĩa tình ấy đã thôi thúc trái tim bất cứ ai dẫu một lần đến với mảnh đất này đếu không muốn rời xa. Tình người, tình bưởi thật nồng hậu đắm say! Tạm biệt Đại Minh tôi vẫn hẹn ngày trở lại!

                                                                                   


1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...