Nghìn trùng xa cách, Người đã đi rồi!
Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi. Còn lời trăn trối gửi đến cho Người… Nghìn trùng xa cách Người cuối chân trời. Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho Người.”
“Mời người lên xe về miền quá khứ…”
Nhạc sĩ Phạm Duy, cây
đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam vừa về cõi vĩnh hằng sau 92 năm rong chơi
trần thế… Ông đã từng nói: “Tôi vốn là một người có linh cảm, có thể tiên
tri trước một số điều. Từ hồi làm thân xa xứ, tôi biết tôi sẽ trở về Việt Nam
và sẽ chết trên quê hương mình. Như một chiếc lá rụng về cội.”
“Tôi yêu tiếng nước tôi
từ khi mới ra đời”
“Tôi yêu tiếng nước tôi
từ khi mới ra đời, người ơi! Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn
đời…” – Câu hát này đã
thấm trong tim tôi và bạn bè tôi từ 40 năm rồi, đã gợi lên trong lòng bao lứa
học sinh non dại chúng tôi về tình yêu quê hương dào dạt. Chắc chắn cũng đã
thấm trong lòng rất nhiều người – có ai mà không xúc động khi nghe lời hát mộc
mạc chân thành: “Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu…”
và chất chứa tình quê hương qua giai điệu luyến láy mượt mà đậm đà chất dân ca:
“Một yêu câu hát Truyện Kiều. Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta…”
Bài hát đã vẽ nên bức
tranh thiên nhiên về Việt Nam xinh đẹp hiền hòa, là tấm lòng tôn kính chân thật
của những người con Việt đối với tổ quốc thiêng liêng: “Đất nước tôi! Dãy
Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn. Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi! Đất nước
tôi – Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng. Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi…
Đó còn là áng hùng ca, đúc kết sâu sắc lịch sử dựng nước và giữ nước
của dân tộc Việt, rất cô đọng trong câu hát: Tôi yêu biết bao người:
Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa. Những anh hùng của thời xa xưa. Những anh hùng của
một ngày mai…”.
Bài “Tình ca” của nhạc
sĩ Phạm Duy (sáng tác năm 1952) đã “quyến rũ ngay cái nhìn đầu tiên” khi vừa
được cất lên, đã nói thay tâm tình của nhiều người ở nhiều lứa tuổi, chính vì
thế, giám đốc Vitek đã mua câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra
đời” với giá 100 triệu đồng để làm nhạc hiệu cho sản phẩm điện tử của công
ty.
“Tôi yêu tiếng nước tôi”
cũng đã trở thành cụm từ quen thuộc cho nhiều bạn trẻ khi được anh Dương Thành
Truyền (Chủ tịch HĐQT Nhà xuất bản Trẻ) đặt tên cho một bài nói
chuyện Chuyên đề với nhiều nội dung thú vị và bổ ích về Tiếng Việt cho các bạn
trẻ.
Vâng, bài Tình ca chỉ là
một ví dụ điển hình trong hàng mấy trăm bài hát của Phạm Duy đã đi vào ngỏ
ngách tâm hồn và khơi dậy những cung bậc yêu thương – tình yêu đất nước, tình
yêu lứa đôi, tình yêu cuộc đời… – của biết bao người, từ rất lâu rồi,
hàng vài chục năm qua.
Bài hát đầu tay “Cô Hái
Mơ” (được viết năm 1942) đã đưa bước chân của chàng trai Phạm Duy tung tăng
trên con đường âm nhạc Việt Nam . Và trong 70 năm rong chơi ung dung trong khu
vườn nghệ thuật, ông đã để lại cho cuộc đời gần một ngàn tác phẩm âm nhạc. Ông
được ví là một ngôi sao sáng, một cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam
, ông được nhiều người xưng tụng là “ông hoàng viết tình ca”, “thầy
phù thủy âm nhạc”…
Nhạc sĩ Phạm Duy được
tôn vinh bằng danh xưng “thầy phù thủy âm nhạc” bởi sự tài tình đến
mức tuyệt vời trong phong cách sáng tác – chứ không phải là sự ráp nối và biến
những bản nhạc rời rạc thành một chuỗi âm thanh hoàn chỉnh bằng kỹ thuật và khả
năng thẩm âm của các DJ – Disc Jockey – trong một phong trào mới được thịnh
hành gần đây.
Giai điệu của nhạc Phạm
Duy vừa sang trọng và uyên thâm một cách bác học phương Tây, vừa đầy chất tự
tình dân tộc vốn đã thấm sâu trong lòng người bởi sự uyển chuyển đẩy đưa những
vần điệu dân ca Việt Nam . Có thể dễ dàng nhận ra điều đó trong những tác phẩm
của ông, mà không có bài nào lẫn với bài nào. Hình như ông có “chiếc đũa thần
phép thuật” nên phong cách hòa âm của ông biến ảo lạ lùng. Có khi chỉ với những
nốt hoa mỹ, chỉ cần vài dấu thăng giáng “bất thường” trong câu hát ông đã dẫn
dắt người nghe đi vào mê cung âm nhạc. Ông cũng là thầy phù thủy về việc kết
nối giữa hình thức âm nhạc và nội dung âm nhạc, trong việc phổ thơ, trong việc
tìm tòi và sử dụng ca từ một cách chắt lọc. Ca từ của ông có bài bay bổng đầy
chất thơ, có bài tự sự sâu sắc, có bài lại rất mộc mạc đơn sơ như cuộc sống quê
mùa bình dân thường nhật … Tác phẩm của ông, có khi mang những tư tưởng Triết
học của một người uyên thâm mọi lẽ đời, có khi e ấp dịu dàng của tuổi học sinh,
có lúc thăng hoa trong tình yêu đôi lứa, có lúc dung dẽ dung dăng như những chú
mục đồng trong thảo nguyên ca dao Việt Nam…
Thuở bé, mấy ai không
từng nghêu ngao câu hát: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…”.
Nhạc sĩ Huỳnh Phương Nam (CLB sáng tác Cung Văn hóa Lao động) đã bộc bạch: Tôi
là một trong những người “trồng cây si” nhạc Phạm Duy từ hồi còn thơ bé, qua
các bài hát “Tuổi ngọc, Tuổi mộng mơ, Tuổi thần tiên…”. Dòng nhạc đồng
dao của ông đã nhẹ nhàng đi vào lòng tôi như một sự tiếp nối những câu ca dao
ru hời của mẹ và dưỡng nuôi tâm hồn tôi lớn lên. Trong âm nhạc, nhạc sĩ Phạm
Duy đã làm rất nhiều điều đặc sắc vì thế đã tạo được nhiều dấu ấn trong lòng
người thưởng thức. Trong đó, tôi thật sự cảm phục vì sự “đi đến tận cùng sự
việc” mà ít có người chạm đến. Ví dụ: trong bài “Anh yêu em” có câu “Con
giun con nằm uốn khúc giữa đêm trường, rồi giun chết, chết tương tư vì sao
sáng…” Chắc hiếm có người nào nghĩ đến thân phận một con giun như ông đã
nghĩ. Trong bài “Xuân ca”, ông ấy đã cảm nhận về mùa xuân trong cái khoảng thời
gian trước khi ông có mặt trên cõi đời: “Xuân trong tôi đã khơi trong một
đêm vui, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về…”
Tiến sĩ người Mỹ Eric
Henry của trường Đại học North Carolina đã viết một tiểu luận khá dài về nhạc
sĩ Phạm Duy. Tôi cũng đã hân hạnh được tiếp kiến với Tiến sĩ Eric Henry hai
lần, lần đầu qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Phạm Duy, và lần thứ nhì khi ông có
chuyến du lịch mùa hè thăm Trung Quốc và ghé qua Sài Gòn. Tiến sĩ Eric Henry
nói tiếng Việt khá rành và luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với dòng nhạc Phạm Duy.
Nhà nghiên cứu nhạc Georges-Étienne Gauthier, đã từng chia sẻ: “Sở dĩ cái
tiếng “Việt Nam” có thể gợi nơi tôi một chút ý tưởng hoà bình và đẹp đẽ, nhân
ái và từ thiện, sở dĩ trải qua nhiều tháng nhiều năm, tôi đã có thể yêu mến
nước Việt Nam ít ra cũng như yêu mến chính nước tôi, sở dĩ như thế trước hết và
trên hết là chính nhờ Phạm Duy“. Có khá nhiều chuyên gia về âm nhạc đã từng
nghiên cứu và phân tích sâu sắc các nhạc phẩm của Phạm Duy. Với công nghệ hiện
đại, mọi người có thể tìm thấy những bài viết hoặc những ấn phẩm của họ và cũng
sẽ dễ dàng nghe lại hàng trăm bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy trên xa lộ thông tin
Internet.
Riêng với tôi, kho tàng
âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy mênh mông quá, tựa như một khu rừng già, phong phú
nhiều hệ động thực vật quí hiếm – mà tôi chưa đủ tri thức để có thể thấu hiểu…
Tôi chỉ như một đứa học trò nhỏ đang háo hức bước vào lớp vỡ lòng, nhìn đâu
cũng thấy hoa thơm cỏ quí, nhìn đâu cũng thấy nhiều bài học hay, mở bản nhạc
nào của ông cũng thấy những điều mới lạ…
Ngày xưa,
khi biết ông cùng gia đình đã định cư ở Mỹ, tôi đã từng nghĩ, thật khó mà
được gặp thần tượng Phạm Duy hay ca sĩ Duy Quang… Thế nhưng, cuộc sống luôn
vận động và “Lá rụng về cội”. Vào đầu năm 2005, nhạc sĩ họ Phạm đã quay về
quê nhà cùng 2 con trai là ca sĩ Duy Quang và nhạc sĩ Duy Cường. Hôm ấy, có
một nhóm người ái mộ nhạc Phạm Duy đã ôm lẵng hoa ra đón ông tại sân bay Tân
Sơn Nhất. Tôi thật may mắn có duyên kỳ ngộ với ông trong dịp này và cũng là
một trong vài nhà báo có bài phỏng vấn ông đầu tiên đăng trên báo VietNamNet: NHẠC
SĨ PHẠM DUY: “Cuối đời nhìn lại…”(http://www.phamduy.com/ngaytrove/n1.htm)…
“Được trở
về và cùng các con ăn cái Tết sum vầy ở quê hương lần đầu tiên sau 30 năm xa
cách, tôi rất vui”. Ông càng vui hơn khi CD nhạc Phạm Duy được phát hành
tại Việt Nam sau vài chục năm gián đoạn. Album đầu tiên của ông sau khi về
nước, do Công ty văn hoá Phương Nam (PNC) độc quyền sản xuất và phát hành,
được mang tên Ngày trở về với 9 ca khúc: Tình ca, Bà
mẹ Gio Linh, Quê nghèo, Ngậm ngùi, Mộ khúc, Áo anh sứt chỉ đường tà, Thuyền
viễn xứ, Nương chiều, Ngày trở về . Những bài hát với những ca từ
tinh tế, da diết được thể hiện qua nhiều giọng ca nổi tiếng đã lần lượt giới
thiệu và biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng với sự hiện diện của nhạc
sĩ tài hoa Phạm Duy. Đó là món quà thật ý nghĩa đối với người yêu nhạc.
Tôi đã có
vài lần cùng bạn bè đến thăm ông ở ngôi nhà trên đường Lê Đại Hành. 2 năm
trước, cũng vào tháng Chạp, tôi đã từng hỏi ông: “Ở ngưỡng cửa 90, ông có còn
mong muốn điều gì, ví dụ như sự “tái xuất giang hồ” của những tác phẩm hay
trong kho tàng đồ sộ của ông?”. Ông ung dung nói: “Người nghệ sĩ thưởng
chỉ sống với cảm xúc của trái tim. Tôi biết và tin những tác phẩm của tôi
(nhạc và sách) sẽ lần lượt được phát hành sau này”.
Tôi buột
miệng nói lên điều đang đau đáu trong lòng mình: – “Sau này? Có nghĩa là không
phải bây giờ, mà có thể là rất lâu… Nhưng, quĩ thời gian của ông không còn
dài nữa rồi!”. – “Tôi biết điều đó nên đã chuẩn bị đầy đủ bằng văn bản.
Đừng sốt ruột. Mặc dù có thể khi đó Phạm Duy đã qua đời. Cũng có thể là trăm
năm sau…”.
Chính bản
thân nhạc sĩ Phạm Duy, tự lâu rồi ông đã tự phân tích và xếp đặt “của cải đặc
biệt quí giá” cẩn thận trong từng ngăn kéo ký ức và trong từng file trên máy
tính cá nhân. Hình như duy nhất có mình ông ở tuổi “cửu thập cổ lai hy” vẫn
còn linh hoạt và thiện nghệ trong việc sử dụng vi tính để lưu trữ, cập nhật
thông tin, nhận thư và tự tay gõ trả lời qua email phamduy@aol.com
Ông đã
nói: “Tôi vốn là một người có linh cảm, có thể tiên tri trước một số
điều. Từ hồi làm thân xa xứ, tôi biết tôi sẽ trở về Việt Nam và sẽ chết trên
quê hương mình. Như một chiếc lá rụng về cội.”
Ông cũng
đã từng nhận xét: Đất nước sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp. Kinh tế đã
mở cửa. Văn hóa cũng sẽ mở cửa. Và tôi tin mọi người sẽ cởi mở hơn.
Ngoài sáng
tác âm nhạc, tôi còn học được nhiều điều từ ông, qua cách làm việc, qua những
cuộc trò chuyện, qua những cảm nhận lạc quan về cuộc sống…
Nghìn
trùng xa cách, Người đã đi rồi!
Chiều qua
(chủ nhật 27.1.2013), nhận điện thoại của Chủ bút Giai Điệu Xanh báo tin nhạc
sĩ Phạm Duy đã mất, tôi thật sự sửng sốt và không tin vào tai mình. Vì mới
vài tuần nay, chúng tôi ghé nhà thăm ông, tinh thần ông vẫn minh mẫn tinh
tường và giọng nói còn rất khỏe khoắn thư thái. Bữa ấy, ca sĩ Ánh Tuyết đã
trao cho ông món quà của phòng trà ATB từ việc tổ chức 2 đêm nhạc Phạm Duy
(ngay sau sự ra đi của ca sĩ Duy Quang). Ông nở nụ cười vui vì tấm lòng của
ca sĩ Ánh Tuyết và vì lớp ca sĩ trẻ vẫn yêu mến dòng nhạc của ông…
Chúng tôi
đã thật sự lo lắng “lão nhạc sĩ phù thủy” sẽ không chịu được cú sốc về sự ra
đi của con trai. Vậy mà khi chúng tôi vụng về lên tiếng, thì ông nhẹ nhàng
nói như an ủi chúng tôi: “Cha mẹ nào cũng thương con và đau xót khi con mất.
Mặc dù vậy nhưng tôi cũng không quá đau khổ buồn rầu. Vì đâu có mấy ai được
sống cùng với bố từ thời trẻ cho đến khi 60 tuổi vẫn ở bên cạnh bố như Duy
Quang. Tuy Duy Quang đã vội ra đi nhưng cũng đã có một cuộc đời trọn vẹn
trong nghề nghiệp…” Ông vẫn rất lạc quan về cuộc sống hiện tại, vẫn
tin vào sự đổi mới của đất nước, và vẫn tin tưởng những tác phẩm âm nhạc của
ông rồi đây sẽ lần lượt được xuất bản.
Hôm đó,
tôi đã hẹn sẽ đưa bạn bè đến thăm ông. Ông cười bảo ông sẵn sàng tiếp. Trước
khi ra về, chúng tôi đã lần lượt đứng kế bên bức tranh vẽ chân dung của ông
với dòng chữ “Mời người lên xe, về miền quá khứ”, để chụp ảnh lưu niệm cùng
ông.
Tôi đã
nghĩ, tính cách lạc quan sẽ giúp ông bình tĩnh vượt qua nỗi mất mát khó bù
đắp và nhất định sẽ giúp ông ổn định sức khỏe để còn đón cái Tết Quí Tỵ ở quê
nhà. Thế nhưng, khi chỉ còn vài ngày nữa mọi người sẽ náo nức chào đón đêm
giao thừa thiêng liêng, nhà nhà sẽ thơm lừng mùi trầm hương mừng năm mới, thì
ông vội vàng ra đi.
Ngay tối
hôm qua, ở quán café Phong Nguyệt, chúng tôi đã trân trọng thành kính nhắc
đến ông và ngẫu hứng biểu diễn một mini show hát cho nhau nghe về nhạc Phạm
Duy với nhiều sắc độ tình cảm: Còn chút gì để nhớ, Ngậm ngùi, Qua
vườn ổi, Còn gì nữa đâu Quán bên đường, Nghìn trùng xa cách…
Có một
người bạn của tôi bảo rằng: Nghe lại bài Nghìn trùng xa cách, tự nhiên thấy
nổi cả gai ốc, vì hình như ông Phạm Duy đã không nói về sự chia lìa của một
cuộc tình, mà nói về cái chết. Khi hát lên chúng ta sẽ có cảm nhận về chính
sự ra đi của ông: “Nghìn trùng xa cách, Người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà
khóc với cười. Mời Người lên xe về miền quá khứ. Mời Người đem theo toàn vẹn
thương yêu … Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi. Còn lời trăn trối gửi đến
cho Người… Nghìn trùng xa cách Người cuối chân trời. Đường dài hạnh phúc, cầu
chúc cho Người.”
Nhạc sĩ
Phạm Duy là “đề tài” tốn nhiều giấy mực, bởi từ vài chục năm qua có quá nhiều
bài viết, cảm nhận về dòng nhạc và con người của ông, có rất nhiều lời khen
và cũng không thiếu lời chê trách. Sáng nay, các tờ báo đồng loạt đăng nhiều
bài viết về ông – bức chân dung về “cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt” đã
được khắc họa rõ nét với nhiều mảng màu đậm nhạt khác nhau.
- Tuổi
đời đã ngừng lại trên thể xác ông nhưng với một nhạc sĩ vĩ đại như Phạm Duy,
tuổi trời chưa bao giờ ngừng lại, những gì ông đã cống hiến cho dân tộc này,
cho đất nước này đã được tình yêu âm nhạc của triệu triệu người dân ghi nhận
xứng đáng. Xin ông hãy nhẹ bước vào một cuộc rong chơi mới, với hành trang
mang theo là câu hát như một lời tuyên ngôn nồng nàn: “Tôi yêu tiếng nước
tôi”.
- “Chỉ
cần nhìn vào gia tài hàng nghìn sáng tác của ông, mà phần lớn đều hay, đều đi
vào lòng người nhờ vào sự hòa quyện giữa nét hiện đại và truyền thống, mới
thấy được sức làm việc đáng nể cũng như sự đóng góp rất lớn của ông cho âm
nhạc Việt.”…
- Ai
ai rồi cũng ra đi. Nhưng sự ra đi của Nhạc sĩ Phạm Duy để lại cho âm nhạc
Việt Nam một khoảng trống mênh mông, khó thể lấp đầy.
- Vô
cùng Thương tiếc một Thiên tài âm nhạc VN đã ra đi vĩnh viễn, để lại một
khoảng trống sáng tác nhạc tình ca. Phải còn lâu lắm Việt Nam mới có được một
Phạm Duy thứ hai …Tôi cũng
lục lạo trong đầu những dòng cảm xúc không đầu không cuối về ông và mở CD
nghe lại những bài hát của ông, thấm từng câu từng chữ… Một mình trong phòng,
một mình rưng rưng… vì có bao nhiêu điều muốn nói, cần nói, nhưng chưa kịp
nói về nhạc sĩ Phạm Duy. Mà làm sao để có thể nói cho đầy đủ về cây đại thụ
của nền tân nhạc Việt Nam , một con người đã có 92 năm rong chơi trần thế…?!
Xin được
mượn những dòng tin nhắn của ca sĩ Mỹ Dung (người đã làm say lòng khán giả
quán Phong Nguyệt bằng chính những ca khúc: Chủ nhật buồn, Thuyền Viễn Xứ,
Ngậm ngùi, Mùa Thu chết…) để kết thúc bài viết này: “Tối nay mình đã hát
và đã khóc. Mình không chỉ hát Phạm Duy mà còn thẩm thấu dòng nhạc Phạm Duy
trong đời sống. Mình nghe Tâm Ca để mình sống cho tử tế hơn, nghe Đạo Ca để
tâm hồn thanh thản hơn, nghe Đồng Dao để thấy mình trong đó, nghe Du Ca để
mình phiêu lãng hơn, nghe Tục Ca để thấy mình trần trụi, nghe Dân Ca để
thương quê hương hơn, nghe Tình Ca để yêu nhiều hơn… Ông, người đầu bếp tài
ba, đã dọn cho chúng ta bữa tiệc đầy đủ Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Dục, Lạc. Ông là một
phù thủy âm nhạc đã mê hoặc giới trí thức và họ không ngơi yêu quí trân trọng
ông.”
Xin được
thắp một nén hương thơm thảo tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa.
|
o
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét