Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Khúc tự tình của hồn quê xưa!

Khúc tự tình của hồn quê xưa!

(QBĐT) - Nhận sách đã lâu, vậy mà cứ chần chừ, lần lữa mãi vẫn chưa chắp bút được dòng nào về cuốn sách ấp ủ bấy lâu này của chị. Phần bởi công việc cứ kéo đi, phần vì mọi cảm xúc chưa đủ độ chín, nhưng phần lớn hơn có lẽ vì... chính chị.
Bởi chị vốn dĩ vẫn thế, ẩn sâu sau nụ cười rộn rã là sự trầm mình, lắng đọng, mải miết trôi theo những cảm xúc trong thế giới nội tâm đa cảm của mình, chị “ngại” khi được nhắc đến trên mặt báo, “ngại” vì những đóng góp của mình “đã là gì đâu” và chị cũng “ngại” lắm khi xem cuốn sách cũng “chỉ” như một lần được quay về tuổi thơ, một lần được tiếp cận chính diện với những năm tháng oanh liệt của quê hương. Còn tôi, đơn giản tôi chỉ muốn viết về Trương Thu Hiền, về một “Đoản khúc cho quê” còn tươi mới dư âm của thời cuộc.
Xuyên suốt tập bút ký “Đoản khúc cho quê”, có lẽ điều làm cho người đọc lưu luyến, day dứt và hằn sâu nhất trong tâm trí chính là hình bóng của những dòng sông, con nước của quê hương. Đó có thể là phá Hạc Hải chứa đầy ắp tôm, cá, lươn, lệc, rạm... trong ký ức từ những người thân yêu của chị để rồi “Thương mạ, thương bao người đàn bà Lệ Thủy, Hạc Hải giúp họ ấp ủ những đứa con qua biết mấy mùa đông” (Đoản khúc cho quê). Đó cũng có thể là con sông Gianh ám ảnh chị suốt những năm tháng tuổi thơ khi cả gia đình chờ đợi chuyến đò đêm trong giá buốt, và để rồi lưu luyến trong ký ức “Ba tôi giận dòng sông...
Còn tôi, trong đầu óc của đứa trẻ con ngày ấy, sông Gianh rộng nhất quả đất. Sự thật là con sông lớn nhất Quảng Bình. Con sông lịch sử. Nếu có thể, tôi sẽ đề xuất: Con sông anh hùng” (Trầm tích sông). Dành cho Đồng Hới, chị ưu ái với hai con sông, một Nhật Lệ “chỉ dòng nước mắt nhớ quê cũ, chốn xưa của những kẻ tha phương mở cõi” và một dòng sông của hoa sữa “dòng sông sầu miên mơ màng màu sữa trắng, tất cả như đang trôi trong huyền thoại” (Trên sông khói sóng...).
Đối với chị, con sông, con nước không chỉ đơn thuần là hiện thân của sự sống, là cội nguồn cho mọi sinh sôi, nảy nở, mà đó còn là tấm gương phản chiếu cả một quá khứ hào hùng của dân tộc, những năm tháng sống không ngơi nghỉ và cả một tuổi hoa niên vời vợi cảm xúc. Soi vào đó, chị từ dặn lòng mình trước những cám dỗ của đời thường, mọi vụn vặt của cuộc sống và cho mình những khoảng lặng đáng quý: “Một dòng sông là một bản thể cô độc chảy trên mặt đất nhưng dưới mỗi tầng nước khi xanh khi đỏ kia là bề dày lịch sử... Trước sông anh hùng thêm khí phách, hồn thơ thêm thanh tao” (Trên sông khói sóng...).
Trương Thu Hiền cũng dành khá nhiều trang viết để “ký họa” những bức chân dung người thật việc thật, bởi có lẽ, đối với chị, không gì hơn để minh chứng cho từng mảnh đất, từng miền sông nước chính là con người được sinh ra, lớn lên, gắn bó, gửi gắm cả tuổi xuân và ước mơ ở nơi đó. Những nhân vật của chị trải dài theo thời gian, độc giả dễ dàng bắt gặp một nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Tường “chung thủy với đất đai Quảng Bình, với quê mẹ Lệ Thủy như đã chung thủy với người vợ đất cố đô của anh”, một cụ già người Mày Hồ Mút mấy chục năm đằng đẵng lặng lẽ giữ gìn cột mốc Tổ quốc nơi biên cương, hay một chị gái pháo binh Ngư Thủy năm xưa với những nỗi chông chênh của cuộc đời...
Dù với bất cứ nhân vật nào, ngòi bút của Trương Thu Hiền cũng nỗ lực khai phá, đưa đến cho độc giả không chỉ đơn thuần là chân dung phác họa của nhân vật, mà chị còn “trút” hết cả những tâm sự, chiêm nghiệm để người đọc dường như thấu hiểu nhân vật dưới những góc nhìn khác, mới mẻ, hấp dẫn hơn, nhưng cũng không kém phần sâu lắng và sắc cạnh.
Chị đặc biệt bị thu hút bởi những người anh hùng trở về từ hai cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Chị viết về họ, không đơn giản là về những tấm huân chương lấp lánh trên ngực áo, mà trọn vẹn về cuộc sống bình dị thường ngày, về những nụ cười lạc quan, vẹn nguyên ý chí quyết tâm và sức sống mạnh mẽ, về tình cảm gắn bó giữa hậu phương-tiền tuyến.
Trong Nguyễn Văn Lanh và lời thề thứ 11, tình mẫu tử giữa người mẹ nơi hậu phương và người con trai đang chiến đấu ở Trường Sa khiến người đọc rưng rưng nước mắt “Mạ là người biết cuối cùng... Nỗi đau cô đặc trong ánh mắt. Rồi ngày nắng cũng như ngày mưa, mạ chân chim chạy bộ non chục cây số trên đường sỏi từ nhà ra mé đường 15 ngừa Lanh. Lanh hay đi trên con đường này để về nhà”.
Người nữ thanh niên xung phong người Nguồn Đinh Thị Thu Hiệp vượt qua nhiều vất vả của cuộc sống để “Phải sống em à. Phải sống chứ! Sợ gì?!... Chị cúi xuống nhặt thêm một trĩu nặng lên cuộc đời và hiên ngang sống” (Lau trắng lưng đèo). Âm ỉ trong từng bức chân dung mà Trương Thu Hiền khắc họa là mạch nguồn tiếp nối của sự sống đang chảy không ngưng nghỉ. Và rồi qua đó, mỗi bạn đọc lại tự tìm cho mình thông điệp của cuộc sống và có cái nhìn hướng mở cho tương lai.
Khép lại cuốn sách, dư âm ngân mãi trong tâm trí người đọc giống như hai thái cực khác biệt, một bên là sự dịu êm, chông chênh của những dòng ký ức về chốn quê xưa và một bên là sự day dứt về những phận đời, phận người ít nhiều hằn chứa sự truân chuyên của thời cuộc; hay một bên là những khoảng sáng chói lóa, dâng tràn hào khí của lịch sử và một bên là bề chìm của cuộc chiến, nơi có những con người đang luôn cố gắng vượt lên sự khắc nghiệt của thời gian.
Dù như thế nào, “Đoản khúc cho quê” cũng đã phần nào đó lưu giữ một vùng ký ức đẹp về một miền “lung linh nắng” trong tâm hồn mỗi một con người. Để ai đó, dù chỉ một lần thôi, cũng có cơ hội được trở về, được tìm lại một chút tự tình xưa của chốn quê.
Mai Nhân


1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...