Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Cánh chim biển cô đơn

·         Cánh chim biển cô đơn

Một trong 10 sự kiện nổi bật trong hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010 là việc trao “Giải thưởng Âm nhạc Năm 2010”. Trong số 12 loại hình nghệ thuật âm nhạc thì thể loại “Ca khúc Nghệ thuật” có tác phẩm được trao giải khiêm tốn nhất: chỉ có 3 giải (một Giải Nhất và 2 Giải Ba) cho 3 tác phẩm được chọn, trong đó bản romance “Gửi Cánh Chim Biển” của nhạc sĩ Võ Thiên Lan được trao giải Ba.
Chị cũng là một trong 5 nữ nhạc sĩ trong số 95 nhạc sĩ đoạt giải lần này. Con số cũng thật khiêm tốn như tính cách con người của chị. Nhưng khi xét đến tác phẩm và qúa trình hoạt động âm nhạc (khá âm thầm) của chị, tôi không thể nói gì hơn là mượn lại lời nói của Shumann đã dùng để giới thiệu Chopin: “Qúy Ngài ơi, hãy ngả mũ ra chào đón một thiên tài!”
Người con gái Sóc Trăng này có tên thật là Võ Thị Thiên Lan, hiện là Đội trưởng Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 với quân hàm Thiếu tá. Không chỉ giữ vai trò lãnh đạo trong công tác quản lý, Võ Thiên Lan còn là một nghệ sĩ đàn organ điện tử chính của dàn nhạc và tham gia phối khí cho nhiều chương trình của Đoàn và của Tp. HCM. Trong con người dịu dàng, khiêm tốn đến gần như nhút nhát này luôn bừng cháy một ngọn lửa đam mê dành cho âm nhạc. Không chỉ có năng khiếu từ thời niên thiếu với người thầy dạy nhạc đầu tiên (mandoline, guitare) là chính cha mình, Võ Thiên Lan còn được đào tạo một cách chính quy trong môi trường nghệ thuật âm nhạc khi lớn lên. Chị tốt nghiệp chuyên ngành Sáng tác, bậc Đại học của Nhạc viện Tp. HCM. Sau đó, Võ Thiên Lan tiếp tục theo học bậc Cao học. Tiếc rằng bông hoa duy nhất trong ngành Sáng tác ở bậc Cao học đã phải tạm “từ giã cuộc chơi”. Một trong những lý do đó là: sự qua đời đột ngột của người anh trai trong chính ngày lẽ ra chị phải có mặt để bảo vệ luận án Thạc sĩ Nghệ thuật. Trong suốt thời gian theo học chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc Viện Tp. HCM, Võ Thiên Lan đã được sự hướng dẫn tận tình về chuyên môn từ hai người thầy: Gs Ts Nguyễn Văn Nam và Ts Đào Trọng Minh (Ns Trần Anh). Chị luôn ghi tâm điều đó. 
Vài tháng trước khi lên đường ra Hà Nội tham dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ VIII trong đầu tháng 7/2010, Võ Thiên Lan gửi cho tôi bản nhạc và Audio CD của romance “Gửi Cánh Chim Biển”. Bận rộn quá với nhiều việc, tôi chỉ xem qua, nghe qua một lần rồi cất vào ngăn “Việc cần làm” trên bàn làm việc của mình để rồi….quên luôn! Gặp nhau lại tại Đại hội, tôi sực nhớ đến bản romance bị bỏ quên ấy và tự nhủ khi về lại thành phố sẽ khảo sát kỹ hơn. Nhưng rồi nó vẫn nằm yên đó đến khi tôi nhận được thông tin về Giải thưởng của hội Nhạc sĩ Việt Nam Năm 2010. Khi đó Võ Thiên Lan cũng chỉ nhắn tin một cách khiêm tốn để xin được chia vui. Và trong chương trình Bài hát Việt đầu tiên của năm 2011 được trực tiếp truyền hình trên sóng VTV 3 vào ngày 30/1 vừa qua, tôi lại bất ngờ nghe “Gửi Cánh Chim Biển” của Chị qua giọng Soprano đầy thu hút, điêu luyện của ca sĩ Thanh Thúy. Lúc đó, tôi cũng chỉ nhận được một tin nhắn khiêm tốn từ Chị mời đón xem để ủng hộ.
Ân hận, áy náy, tôi tìm đến “Cánh chim biển muộn màng” Võ Thiên Lan để chúc mừng và nghe tác giả chia sẻ về tác phẩm nghệ thuật của mình: “Trong một dịp đi thực tế sáng tác với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi được biết đến "Làng Nga"-  khu A thuộc khu nhà 5 tầng ở giao lộ Nguyễn Thái Học và Lê Hồng Phong  thành phố Vũng Tàu, tên gọi Làng Nga được người dân Vũng Tàu gọi một cách thân mật - với đông đảo các bạn Nga sống và làm việc trong ngành dầu khí ở đây, cuộc sống họ rất vui vẻ, hòa đồng nhưng cũng nhớ lắm về đất nước Nga yêu dấu, tôi viết bản Romance này gửi tặng các bạn Nga ở Việt Nam cũng như qua món quà này có thể gửi nỗi nhớ mong của các bạn về gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và về quê hương mình”.
Trong các yếu tố tạo thành âm nhạc, giai điệu đóng vai trò quan trọng. Trong việc xây dựng giai điệu, nét tinh tế là việc phác họa nên các tuyến giai điệu và cách phân câu (phrasing) độc đáo. Đây là đặc điểm chính của “Gửi Cánh Chim Biển”. Tác giả Võ Thiên Lan đã xây dựng hình tượng âm nhạc một cách đẹp và ấn tượng. Các tuyến giai điệu được phân câu và sắp xếp thành những đợt sóng liền nhau. 
Đợt sóng thứ nhất:
Con sóng về đâu (bước sóng lên)
Thấm vào lòng biển xanh hiền hòa (bước sóng xuống)
Nỗi nhớ vô bờ (sóng tắt dần)
Đợt sóng thứ hai cao hơn, mỗi lúc một kéo dài hơn:
Từ làng Nga  (khởi đầu một đợt sóng mới)
Vời vợi trông (bước sóng lên)
Gửi đàn chim bay trong nắng chiều hoàng hôn
Nhớ hàng Bạch dương (bước sóng xuống)
Nhớ về dòng sông
Nhớ quê nhà
Chim ơi về đâu (sóng tắt dần)
Sức hấp dẫn của “Gửi Cánh Chim Biển” có ngay từ đoạn Intro được tác giả viết rất trau chuốt. Bản romance tuy được xem như ở giọng Rê thứ nhưng lại được bắt đầu bằng 3 nhịp ở giọng Fa thứ rồi chuyển sang Đô trưởng, Fa trưởng và kết ở nốt La quãng tám 2 với hợp âm át của Rê thứ. Những đợt sóng từ xa, lăn tăn buồn kéo về thành một nỗi nhớ dâng cao, để sóng hóa thân thành cánh chim biển. Tác giả sử dụng thủ pháp hòa âm, chuyển thể một cách khéo léo để xây dựng một hình tượng âm nhạc gắn bó với chủ đề nội dung. Phần kết của bản romance lại càng thú vị khi Võ Thiên Lan dùng đoạn Coda không kết ở giọng chủ Rê thứ hay giọng song song Fa trưởng mà chuyển về Fa thứ, mang nhiều dấu giáng để mô tả tâm trạng một cánh chim biển vẫn còn phải xa cách bến bờ quê nhà.

Ở đây, trong nỗi buồn nhưng không có sự cô đơn vì 2 nhân vật cùng xuất hiện: chim biển (nét nhạc giai điệu kết) và người lữ khách (giọng người ngân nga theo kỹ thuật humming: Ah….ah…..). Trong giọt lệ vẫn có nụ cười. Cánh chim biển của Võ Thiên Lan không muộn màng, cô đơn nhưng đã được người nghe đón nhận và được tưởng thưởng xứng đáng. Một thành công mới của bản romance này đó là nó được chọn vào danh sách 15 ca khúc chung kết để trao giải Bài Hát Việt năm 2010, được trực tiếp truyền hình trên sóng VTV 3 vào ngày 26/2/2011. Hai niềm vui thành công về nghệ thuật trong trong một năm: Cánh chim biển của Võ Thiên Lan rõ ràng không muộn màng, không cô đơn!
Đoàn Lê SN35 

Gửi cánh chim biển -- Võ Thiên Lan




1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...