Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Đêm trăng

Đêm trăng

Một đêm sáng trăng. Một đêm trăng sáng. Bao nhiêu là đêm trăng sáng đã qua mà chúng ta không hề biết. Sống ở một nơi máy bay nhiều hơn chim, cộ đèn nhiều hơn cây, đèn sáng hơn trăng nên trăng dù có cũng như không ! Nơi đây không ai đói ăn thiếu mặc. Nơi đây không ai “ngày đổ mồ hôi, đêm chùi lệ ướt” và cũng nơi đây – chả hiểu tại sao – rồi cũng chả ai có một ngày một giờ một phút thảnh thơi ngẩng mặt nhìn trời !
Có đêm trăng chúng ta kẹt trong một rạp xi-nê ba phim chiếu trong một xuất; kéo dài năm tiếng đồng hồ. Chúng ta không giữ được mình ở trong phòng nên phải tự giam vào một rạp chiếu bóng. Có phải ở đây rồi ai cũng buồn và quá cô đơn để chả còn ai dám sống một mình. Có phải ở đây chúng ta bị cô lập về văn hóa khít khao đến độ phải tìm những hình ảnh quen thuộc với văn hóa của mình qua những phim “tình cảm tâm lý xã hội”…. ! Một thứ xã hội giả trá, nhầy nhụa, bẩn thỉu mà chúng ta – phần lớn – cũng đã biết rồi.
Có đêm trăng chúng ta kẹt trong một hí viện. Có đêm trăng chúng ta kẹt trong một phòng trà. Chúng ta đến đó để thưởng thức những chương trình văn nghệ có “chủ đề”: Đại Nhạc Hội Nắng Ấm Quê Hương; Đêm Hát Cho Những Người Ở Lại; Đêm Tường Trình Với Tự Do; Đêm Tắm Mát Ngọn Sông Đào…. Chúng ta cố làm y như là thật. Dù tự thâm tâm những người tổ chức cũng như những người đến tham dự đều biết rằng: “Chúng ta đồng thanh toa rập phát hành và xài bạc giả”.
Khì bước ra khỏi những nơi như vậy thường thì trời đã về khuya, đêm lạnh. Chợt ngẩng mặt nhìn trời và bắt gặp một vầng trăng. Trăng tròn cao và sáng vằng vặc giữa bầu trời.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.

Rồi thỉnh thoảng chúng ta cũng chợt nhớ ra là mình đã quên bẵng đi rằng: chúng ta có một quê hương khốn khổ ở xa lắc xa lơ đâu đó bên kia bán cầu.
Còn nhiều đêm trăng khác nữa chúng ta ngồi dán mắt vào một chiếc ti vi vì nếu không ngồi xem ti vi thì cũng chả biết … làm gì cho nó hết ngày, cho nó qua đời ! Bao nhiêu đêm trăng chúng ta nằm chết dí trong một góc phòng lổn ngổn rượu bia, sặc sụa khói thuốc. Bao nhiêu đêm chúng ta chợt thức giấc, đầu cổ váng vất, hơi thở nặng nhọc, tâm hồn trống rỗng và lại chợt nhìn thấy ánh trăng len qua khe cửa, chiếu một vệt dài vàng sáng trên nền thảm.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi 
Nửa in gối chiếc, nửa soi dậm trường
Chúng ta lại bắt gặp cái cảm giác hổ thẹn ngượng ngùng. Hẳn cũng có nhiều kẻ bắt đầu cuộc đời lưu lạc của mình bằng những cái nghiến răng; những câu thề thốt, những hoài vọng vị tha tốt đẹp, đàng hoàng đấy chứ. Chao ôi ! Vậy mà chả hiểu nửa vầng trăng bên kia bán cầu có còn soi gối chiếc hay không chứ ở nơi đây, bây giờ, nửa vầng trăng còn lại… không soi một tí dặm trường nào cả ! Nó chỉ soi rọi những mảnh đời ly tán, tan nát; những tâm hồn mệt mỏi rã rời của một lũ người mất nước đang cùng nhau đành đoạn để cho đất nước… mất luôn !
Ghi nhận một số những hình ảnh sự kiện rồi khai quát hóa vấn đề, đưa đến một kết luận như vậy là một việc làm mang ít nhiều tính chất hồ đồ. Sự thực – có lẽ – không đến nỗi thê thảm, tệ bạc, khốn nạn như vậy !
Dẫu là đang lưu lạc tứ tán khắp nơi… ở từng góc của địa cầu nơi đâu có sự hiện diện của người Việt tị nạn là nơi đó vẫn còn những kẻ có lòng; những kẻ không chịu nhận bại trận lưu vong. Quả thực chúng ta những kẻ luôn luôn đấu tranh, hoạt động.
Có điều lạ… đã gần mười năm qua rồi. Mười năm… thời gian đủ cho tổ tiên tổ chức và hoàn thành một cuộc kháng chiến một cách vẻ vang anh dũng. Còn hôm nay, ở đây chúng ta đã đi qua hai phần đoạn đường của thời gian tương tự mà thành quả thì – nếu có can đảm nhìn nhận một cách thực lòng – là một con số không vĩ đại.
Lý do? Tất nhiên phải có. Có nhiều là khác. Vì có quá nhiều nên không thể nói một lần. Mà nói rồi cũng chả chắc đã cùng. Và lỡ dại “nói lung tung” không chừng còn gây ngộ nhận, còn làm mích lòng “làm anh em gặp nhau khó nói chuyện”, làm “mất tình bạn bè”.
Dẫu vậy vẫn còn một điều “có thể” nói được, nói ngay vì nó không… đụng tới ai; nó không chạm tới tổ chức đoàn thể nào hết ráo; nó cũng chả làm ai mích lòng vì đây là sự thực trong tận đáy lòng của tất cả những thằng dân mất nước. Một sự thực mà ít kẻ (hoặc không ai) chối cãi được vì nó quá hiển nhiên. Nó hiển nhiên đến cái độ làm cho chúng ta sợ. Chúng ta tìm mọi lý do để bào chữa để dấu tội cho nhau.
Đã bao nhiêu mùa trăng lưu lạc. Sẽ còn cả triệu mùa trăng khác nữa trôi qua lảng nhách nơi đất lạ xứ người nếu chúng ta không có can đảm nhìn nhận một cái tật rất xấu rất lớn của mình chúng ta có rất ít khi hoặc chả có bao giờ làm một chuyện gì một cách tận lực hết lòng cả .
Chúng ta đều hoạt động đấy chứ nhưng chúng ta hoạt động như … chơi ấy ! Chúng ta cũng đều đang cố gắng đấy chứ nhưng thường thì chúng ta chỉ cố gắng một cách rất vừa phải. Chúng ta đôi khi cũng chịu sự hy sinh nhưng chỉ hy sinh một chút xíu hà. Chúng ta không bao giờ lăn xả dấn thân tận tình. Rất ít khi chúng ta làm hết sức. chúng ta sẵn sàng tham dự vào hầu hết những sinh hoạt hữu ích của cộng đồng nhưng luôn chúng ta chỉ chơi một phần tư ga. Một tổ chức, một đoàn thể tệ hại dễ làm cho những thành viên chán nản. Điều này hiển nhiên. Còn một điều không kém hiển nhiên nữa là chính những thành viên của tổ chức luôn chỉ tham dự vào mọi sinh hoạt một cách dè dặt vừa phải, đó là làm cho tổ chức hóa thành tệ hại !
Tệ hơn nữa là đôi khi chúng ta ngụy trang để lừa dối tha nhân và lừa dối chính mình. Chúng ta như những kẻ chỉ luôn luôn ngồi rồ máy chứ chả bao giờ dám cho xe chuyển bánh. Chúng ta cứ đứng yên một chỗ bóp kèn inh ỏi vì…. chúng ta thực sự chả biết là phải chạy đi đâu, làm gì, hoặc vì chúng ta đâu có đời nào dám chạy.
Chúng ta – mọi người – đều có đủ mười tỷ lý do để bào chữa cho cái tinh thần tắc trách, thiếu trách nhiệm của mình. Chúng ta đều bận rộn hết trơn mà. OK ! bận thiệt chứ. Thượng đế chơi rất là không “fair” nhiều chuyện nhưng riêng về cái vụ phân phối thời gian thì cha nội đó rất công bằng.
Mỗi người chủ đều có đúng 24 giờ đồng hồ cho mỗi ngày. Bao nhiêu thời gian chúng ta phải bỏ ra để lo cho chuyện mưu sinh. Bao nhiêu thời gian cần phải có để giải trí. Bao nhiêu thời gian để ngồi lơ mơ, để nói chuyện nhảm nhí. Bao nhiêu thời gian nữa để lo cho vợ, cho con. Chúng ta nghĩ đến mình nhiều quá. Nhiều đến cái độ mà chúng ta dùng hết thời giờ để lo lắng chăm sóc cho mình và gia đình còn chưa đủ thì làm sao có thể rảnh để làm chuyện khác !
Bận rộn vẫn thường kéo theo mệt nhọc. Mệt thiệt chứ. Khi đã bước chân vào vòng đua nhu cầu và chạy cuống cuồng trên đó như một con chuột bạch chạy vòng cầu thì bà nội thằng nào mà không mệt !? Và dẫu không tham dự vào cái trò chơi dại dột ngu xuẩn đó thì cái đời sống quái gỡ này vẫn cứ làm cho chúng ta mệt như thường. Có vô số người trong chúng ta chả bao giờ khỏe ! Và sự thực thì cũng khó ai biết đâu là giới hạn tận cùng của sự cố gắng và đâu là mức bắt đầu cho sự lười biếng đơn hèn.
Chao ôi ! vậy mà tự thâm tâm chúng ta vẫn tự nghĩ mình là những người “hoạt động cách mạng”. Chúng ta vẫn tự nghĩ là mình bận rộn mệt nhọc hơn người khác vì luôn luôn đang làm thêm một cái “job part-time” có tên là “hoạt động phục quốc”. Sự thực chúng ta không hoạt động tận tình, kỷ luật, hiệu quả như khi đi làm thêm để kiếm tiền.
Sự thực là chúng ta tham dự những tổ chức đoàn thể chống cộng y như cái kiểu của một anh công dân trung lưu bản xứ tham dự vào những “golf club” hay “ski club” của họ. Chúng ta chỉ là những tên hoạt động chính trị “weekend” mà thường thì cũng không dám xài hết hai ngày cuối tuần cho tổ chức, cho lý tưởng mà mình đang theo đuổi. chúng ta không phải là những người làm cách mạng. Chúng ta chỉ là những kẻ làm dáng hoạt động, tô son điểm phấn cách mạng để che dấu bớt cái mặt cảm lưu vong tha phương cầu thực của đời mình.
Bỏ chạy trong cơn quốc biến là một trọng tội. Nước mất thân mình yên mà không dám tính chuyện trở về khôi phục là một trọng tội thứ hai. Hoạt động đấu tranh làm màu làm mè chỉ cốt để lừa dối kẻ khác và tự lừa dối trấn an, ru ngủ lương tâm của mình là một trọng tội thứ ba . Một kiếp đời lưu lạc mà mang một lượt ba trọng tội với tổ quốc thì hỏi sao nhìn trăng, nghĩ đến quê hương mà không thẹn.
Đêm nay… một đêm mùa trăng sáng. Đêm nay trăng sáng héo úa trên thung lũng điện tử Silicon. Đêm nay trăng sáng mờ nhạt giữa những ánh đèn mầu của bầu trời Los Angeles. Đêm nay trăng trơ vơ giữa bầu trời rộng ở một nông trường mièn tây bắc Úc Đại Lợi. Đêm nay trăng tàn thảm thiết trên những con hẻm nhỏ ở Paris. Đêm nay trăng u hoài giữa một vùng thảo nguyên mênh mông của Gia Nã Đại.
Đêm nay, một đêm mùa trăng sáng. Đêm nay trăng sáng lắm ở vùng biển vịnh Thái Lan. Một đêm trăng lý tưởng cho bầy dã thú hải tặc đi săn mồi tỵ nạn. Đêm nay trăng sáng vằng vặc ở Hoàng Liên Sơn, Yên Bái. Trăng soi rõ những vòng rào kẽm gai đã sét rỉ chằng chịt bao quanh những trại tù. Sắt còn hoen rỉ với thời gian thì chả hiểu còn được bao nhiêu chiến hữu chưa ngã quị? Đêm nay trăng sáng lắm ở vùng kinh tế mới Tân Rai. Trăng soi rõ những túp lều tranh của những con người bị đọa đầy khốn khổ như cái thuở sơ khai mà loài người còn ở giai đoạn du canh.
Đêm nay, trăng còn sáng dữ nữa trên một ngọn đồi cao nơi thành phố quê hương. Nơi đó những đêm trăng vẫn còn có người mẹ già mái tóc bạc sương ngồi tựa của nhìn trăng, trông ngóng những đứa con đã ra đi, và đi… luôn ! Tuyệt không có một cái thư, không có một gói quà, không có luôn một lời hứa hẹn (dù vu vơ)  hẹn ngày trở lại.
Đêm nay (còn được) bao nhiêu kẻ ly hương nhìn trăng mà… không thẹn với lòng?
Tưởng Năng Tiến



1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...