Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Người đồng hành cùng lịch sử

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Người đồng hành cùng lịch sử

Việc nhạc sĩ Phạm Tuyên được vinh danh trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật cùng nhạc sĩ Văn Chung là tin vui chung cho giới nhạc sĩ Việt Nam. Với hơn 60 năm sáng tác, Phạm Tuyên là một trong không nhiều nhạc sĩ cách mạng luôn có những nhạc phẩm đồng hành cùng lịch sử.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ngày 12.1.1930 (tức 13 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ 1929) nên ông vẫn mang tuổi Tỵ. Ông sinh tại căn nhà số 5 phố Hàng Da và là người con thứ chín của ông Phạm Quỳnh – chủ bút báo Nam Phong. Năm 6 tuổi, ông theo cha vào Huế. Chính ở đây, tâm hồn ấu thơ của Phạm Tuyên đã chìm đắm trong âm thanh nhã nhạc cung đình. Đến khi vào Quốc học Huế, Phạm Tuyên được học nhạc lý phương Tây với thầy Martin, chơi trong cùng ban nhạc với Nguyễn Tăng Hích (sau là nhạc sĩ Trần Hoàn). Phạm Tuyên bắt đầu viết ca khúc là những bài ngợi ca lịch sử như “Trận Tây kết”, “Sóng sông Hương” … nhưng phải đến khi gia nhập quân đội, học sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn, năng khiếu âm nhạc của ông mới thực sự phát lộ qua những ca khúc lính như “Vào lục quân”, “Đường về trại”, “Đây khóa chuẩn bị tổng phản công” và qua những ca khúc thiếu nhi như “Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa”. Cùng Trường thiếu sinh quân Việt Nam sang Quế Lâm (Trung Quốc) từ năm 1951 một thời gian sau, Phạm Tuyên rời quân ngũ và trở thành giáo viên văn hóa, đồng thời phụ trách văn – thể - mỹ của khu học xá Trung ương tại Quế Lâm. Nhiều ca khúc thiếu nhi còn nổi tiếng đến ngày hôm nay đã được Phạm Tuyên viết trong thời kỳ như “Ngày em được quàng khăn đỏ”, “Chiếc đèn ông sao”, “Em làm trực nhật”, “Em vui chơi ngày hôm nay”, “Tiến lên đoàn viên” … Phạm Tuyên về Việt Nam năm 1958 và công tác tại ban Âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam. Ở đây, ông vẫn tiếp tục có những ca khúc thiếu nhi hay như “Em được nghe chuyện Bác Hồ” … và bắt đầu một sự nghiệp sáng tác đồ sộ bằng những ca khúc như “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân”, “Bài ca người thợ rừng” và đặc biệt là hợp xướng “Miền Nam anh dũng và bất khuất”.
Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ trút bom xuống miền Bắc cũng là khi âm nhạc Phạm Tuyên cất lên mạnh mẽ những giai điệu vừa hùng tráng, vừa trữ tình. Ra với đất mỏ vàng đen, ông viết “Bài ca người thợ mỏ” và “Những vì sao ca đêm”. Vào tuyến lửa Quảng Bình ông viết “Quảng Bình chiến thắng”,  “Bám biển quê hương”. Về đất Cảng Hải Phòng kiên cường ông viết “Nếu anh Cảnh còn sống”. Vào con đường Trường Sơn huyền thoại ông viết “Yêu biết mấy những con đường”. Bàn chân hăm hở của Phạm Tuyên đã để lại dấu vết trên mọi nẻo quê hương. Về quê lúa Thái Bình, ông viết “Lá thư hậu phương”, tới đồng chiêm Ninh Bình, ông viết “Những cô gái đồng chiêm”, sang Hà Tây nơi có phòng trào “Chiếc gậy Trường Sơn” ông viết “Chiếc gậy Trường Sơn” – một ca khúc thúc dục hàng triệu thanh niên miền Bắc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đến Hàm Rồng ông viết “Bài ca tuổi trẻ Nam Ngạn anh hùng”. Chiến tranh càng ác liệt, âm nhạc Phạm Tuyên càng bỏng cháy những khát vọng độc lập tự do. Hướng về chiến trường miền Nam, ông viết “Những cánh chim Hồng Gấm” cheo leo cùng đội tuần tra biên giới, ông viết “Đêm trên Cha lo”. Hướng về cuộc đấu tranh của thanh niên- sinh viên đô thị miền Nam, ông viết “Tiếng hát những đêm không ngủ”. Chia sẻ với phong trào âm nhạc chống chiến tranh ở Mỹ ông viết “Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ”. Quay về Hà Nội những ngày tháng Chạp 1972 đánh trả B52 bạo tàn, ông thét lên “Hà Nội – Điện Biên Phủ” và “Tiếng hát những đêm không ngủ”. Vào những thời khắc hiếm hoi của thanh bình, ông lại thơ thới với “Từ một ngã tư đường phố”, “Phố ngoại ô”.
Đối với Bác Hồ- vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Phạm Tuyên đã có dịp được gặp Bác khi đến thăm khu học xá Trung ương ở Quế Lâm từ năm 1955. Đó là nguồn cảm xúc để ông viết ca khúc thiếu nhi “Em được nghe chuyện Bác Hồ” sau lần gặp ấy. Đến khi Bác vĩnh viễn ra đi, cảm xúc tiếc thương lại dâng trào chất ngất, ông đã vieeys “Từ làng Sen”, “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” và “Suối Lê-nin” (thơ Trần Văn Loa). Cho tới trưa 30.4.1975, khi Sài Gòn được giải phóng, Phạm Tuyên vẫn luôn nghĩ đến rằng chính giây phút thiêng liêng này của dân tộc Bác vẫn hiện diễn giữa triệu triệu con tim. Bài đồng ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đã được ông viết rất nhanh và ngay lập tức được thu thanh tại Đài tiếng nói Việt Nam, rồi được phát ngay trên làn sóng điện vào lúc 17 giờ ngày 30.4.1975, cùng thông báo với toàn thế giới tin Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất sau 30 năm kiên cường đấu tranh. Nếu nhạc sĩ Văn Chung – người cùng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với Phạm Tuyên lần này  - Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc đã có một “hòa bình ca” nổi tiếng là “Quê tôi giải phóng” thì khi thống nhất đất nước, Phạm Tuyên đã có bài “Thống nhất ca” cũng rất nổi tiếng. Bài “Thống nhất ca” này ngay sau đó đã được sử dụng để kết thúc các cuộc hội họp mà trước đấy, toàn phải sử dụng bài “Kết đoàn” của Trung Quốc. Tình cảm của Phạm Tuyên với bác Hồ còn được tái hiện dạt dào ngay tới ngày kỷ niệm 10 năm giải phóng năm 1975 qua ca khúc  “Thành phố mười mùa hoa” (thơ Lệ Bình) khi Sài Gòn đã có 10 năm mang tên thành phố Hồ Chí Minh.
Sau ngày thống nhất đất nước, Phạm Tuyên càng thăng hoa trong những giai điệu thanh bình, xây dựng và tin yêu như “Gửi nắng cho em” (thơ Bùi Văn Dung), “Con kênh ta đào” (thơ Bùi Văn Dung), “Mùa cờ tôi yêu” (thơ Diệp Minh Tuyên). “Màu cờ tôi yêu” đã cùng “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” đã trở thành cỗ xe tam mã bằng âm thanh đưa con người đến với lý tưởng thiêng liêng.
Khi xảy ra tranh chấp quyết liệt ở biên giới phía Bắc, Phạm Tuyên đã có mặt ngay từ những ngày đầu bên bờ sông Nậm Thi (Lào Cao) để viết “Tiếng đàn bên bờ sông biên giới” cùng chia sẻ với chiến sĩ, đồng bào đang chắc tay súng bảo vệ biên giới. Và trong ngày lịch sử 17.2.1979 giai điệu hào hùng của bản hành khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của Phạm Tuyên đã lại vang lên trên làn sóng điện, vang lên ở những nơi “lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp nẻo biên cương …”. Sau đó là giai điệu “Một đóa hồng chiêm” thơm ngát vùng Đông Bắc vàng đen và “Nụ cười Bay On” ca ngợi đất nước Căm Pu Chia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Bên trong một nhạc sĩ Phạm Tuyên với các ca khúc nổi tiếng dành cho người lớn, còn có một  “nhạc sĩ của tuổi thơ”. Từ những nhạc phẩm đầu tay cho thiếu nhi, cho đến nay khi ông đã qua tuổi bát tuần, gia tài những ca khúc thiếu nhi của Phạm Tuyên thật là đồ sộ với những giai điệu mà không chỉ thiếu nhi mà người lớn cũng rất thích thú như “Cô và mẹ”, “Cả tuần đều ngoan”, “Trường của cháu đây là trường mầm non”, “Chú voi con ở Bản Đôn”, “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội”, “Tiếng chuông và ngọn cờ”, “Cánh én tuổi thơ” … không chỉ sáng tác, Phạm Tuyên còn phổ rất nhiều bài đồng dao thành những giai điệu dí dỏm cho các trẻ nhỏ dễ thuộc, dễ hát như “Bà còng đi chợ”, “Bầu và bí”, “Gánh gánh gồng gồng”, “Mau mau tỉnh dậy”, “Nhớ ơn”, “Con chim chích chòe” “Cái cò đi đón cơn mưa” …
Nhạc sĩ Phạm Tuyên còn là nhạc sĩ dịch rất nhiều bài hát nước ngoài. Trong tập nhạc in roneo của khu học xá, ông có biết bao nhiêu lời dịch giấu tên nhưng biết bao thế hệ vẫn hát. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, hai bài hát thiếu nhi nổi tiếng của Liên Xô là “Ở trường cô dạy em thế” và “Nụ cười” đã được Phạm Tuyên dịch lời rất thành công. Khi chú mèo máy Nhật Bản đô rê mon vào Việt Nam, chính Phạm Tuyên cũng là người dịch lời Việt những ca khúc vui nhộn này.
Đóng góp thì lớn lao, nhưng tính tình lại rất giản dị và khiêm nhường. Đó là phẩm chất vàng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bằng những nhạc phẩm hơn 60 năm qua của mình, Phạm Tuyên đúng là một nhạc sĩ đồng hành cùng lịch sử với những giai điệu dễ thuộc, dễ nhớ nhưng cũng vô cùng sâu sắc.
Nguyễn Thụy Kha


1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...