Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Mùa xuân và những xúc cảm đặc biệt

Mùa xuân và những xúc cảm đặc biệt

     Từng cơn gió heo heo tràn về, cuốn đi những chiếc lá cuối cùng để lộ ra những mầm non mới nhú báo hiệu mùa xuân đang về. Cỏ cây, hoa lá, tất cả đang ngủ vùi trong những ngày đông lạnh giá bỗng lột bỏ lớp áo khoác kín đáo để dang mình đón chào một luồng sinh khí mới. Mùa xuân đã sáng tác cho thiên nhiên những tác phẩm hùng vĩ nhất mà chính nó cũng ngạc nhiên. Và có lẽ nó luôn tự hào về điều ấy. Mùa xuân đã đem lại niềm vui cho mọi người đơn giản vì nó muốn nhìn thấy nụ cười hé trên môi họ. Và đó cũng là một trong những lí do mà tôi thích mùa xuân. Mùa xuân về, vạn vật đầy sức sống. Điều đó cũng có nghĩa rằng Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần với những niềm vui bất tận, trong hân hoan và sum họp. 
 Mỗi dịp tết đến xuân về, cái đầu tiên mà chũng ta cảm nhận được có lẽ là tiết trời thay đổi, sẽ không còn những cái rét “cắt da cắt thịt” như trước, cũng không còn những đợt không khí lạnh triền miên. Thay vào đó là sự dịu dàng của nàng gió và những tia nắng đầu năm nhẹ nhàng. Lòng người cũng như được mở ra, dường như thân thiện, ấm áp và nhộn nhịp hơn thường. Chính mùa xuân đã đem đến sự đổi khác đó. Rong xe trên các con phố ở Hà Nội, từ Vincom ở đường Bà Triệu ra Tràng Tiền Plaza, vòng quanh Hồ Gươm người ta dễ dàng cảm nhận được không khí tết đang ấm dân lên, những đèn nháy nhiều màu sắc, đèn lồng, cờ Tổ quốc tràn ngập các con phố. Ai có dịp ở Hà Nội vào những ngày này mới có thể tận hưởng được thế nào là thành phố của hòa bình – Hà Nội đẹp và nhộn nhịp nhưng vẫn lưu giữ trong mình sự thanh bình, nét thanh lịch trong cuộc sống của mỗi người dân nơi đây.
Không chỉ riêng tại Thủ đô mà không khí tết đã ùa về khắp mọi miền Tổ quốc. Tại trung tâm chính trị - kinh tế, các trung tâm thương mại, văn hóa, giải trí của các tỉnh thành trên khắp cả nước cờ hoa, những cây đào, cây quất, băng rôn, khẩu hiệu mừng Đảng, mừng xuân cũng được trang hoàng lộng lẫy. Xa hơn nữa, qua các phương tiện truyền thông chúng ta cũng thấy được cái tết đang về cận kề với mỗi người dân nơi miền núi, hải đảo. Những chuyến hàng, đồ dùng sinh hoạt, thuốc men,… vượt hàng trăm cây số để mang đến mùa xuân ấm cúng, no đủ hơn cho đồng bào nơi đây.
 Càng đến gần tết, dòng người đổ về những miền quê càng đông. Cũng dễ hiểu, vì mọi người lên thành phố công tác, học tập, lao động, tết là dịp của những bữa cơm đoàn viên ý nghĩa. Đối với những người đã xa quê lâu năm và lập gia đình, sinh sống ở thành phố thường họ cũng trở về bên bố mẹ, ông bà mình trong những dịp nhỉ tết này. Ở quê chứa đựng một không gian thanh tịnh mà không nơi đâu có được, cũng như các nhà hiền triết trước đây thường lui về xứ dân giã ở ẩn vậy. Cũng dễ nhận thấy, đây còn là truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam – một nét đẹp tự trong mỗi người Việt. Nếu ai chưa một lần được đón không khí tết tại những miền quê hẳn chưa cảm nhận hết được không khí thiêng liêng đầm ấm của Tết cổ truyền dân tộc Việt.
Mỗi miền quê Việt Nam lại có những phong tục đón Tết riêng tạo nên những nét đặc sắc và phong phú của văn hóa dân tộc. Những gì còn lưu giữ lại ở mỗi miền quê trong những ngày tết này chính là điểm tựa để mỗi người trong số chúng ta vươn lên không ngừng. Mỗi dịp Tết đến xuân về hẳn ai cũng có chung một niềm mong mỏi được đoàn tụ với gia đình để được thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên trong thời khắc tất niên thiêng liêng. Con người quê cũng vậy, họ mang trong mình một niềm hoài cổ: “về quê là để sống lại những kí ức của tuổi thơ”.
 Vẫn còn đó cái cảnh làng xóm chung nhau một con lợn Tết, nhà nhà gói bánh chưng xanh đón chờ ngày Tết, thật đầm ấm và bình dị. Chiều 30 Tết nhà nhà lại nhộn nhịp tưng bừng chuẩn bị cho mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Cái lạnh của không khí đầu mùa xuân hòa quyện với mùi thơm của bánh chưng bên bếp lửa hồng cùng những câu chuyện về thời chiến tranh thật là tuyệt. 
Mỗi độ xuân về, người ta thường nhìn lại một năm đã qua, đánh giá những gì đã làm được và chưa làm được. Năm 2013 đã qua với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc: Toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới thương tiếc vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – tượng đài bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nguồn khát vọng của hòa bình, tiến bộ xã hội toàn nhân loại; Hiến pháp 1992 sửa đổi được thông qua với sự đồng thuận tuyệt đối của toàn Đảng, toàn dân đánh dấu một mốc thắng lợi trong giai đoạn cách mạng mới; hay việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc với số phiếu cao nhất đã cho thấy nhìn nhận tích cực, khách quan của thế giới về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam… Mỗi người dân Việt Nam tự hào với những thành quả cách mạng mà cả dân tộc đã đạt được, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng thể hiện bản lĩnh cách mạng tiên phong của mình, xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Nhìn những cành cây đang đâm chồi nảy lộc mơn mởn, những bông hoa thi nhau đua khoe sắc, những tia nắng ấm len lỏi qua từng mái ngói, trong không khí vui tươi, mỗi chúng ta không khỏi xao động trước mùa xuân của dân tộc. Đã có những mùa xuân lịch sử, đã có những chiến công lừng lẫy, đã có lớp lớp người ngã xuống cho màu cờ Tổ quốc thêm tươi thắm. Trải nghiệm không khí thanh bình, ấm áp những ngày tết để thấy rằng đó là thành quả cách mạng, là chiến thắng của hòa bình, độc lập, thống nhất, mỗi người dân Việt Nam xứng đáng với hạnh phúc bình dị mà lớn lao ấy. Cám ơn mùa xuân đã mang đến những xúc cảm đặc biệt...
                                                                           Tre Làng



1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...