Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Phạm Phú Hưng và nửa vầng trăng ám ảnh

Phạm Phú Hưng và nửa vầng trăng ám ảnh

Tôi chợt nghĩ rằng chưa thật ổn khi gọi anh là Thi Sĩ Không Tên. Bởi ngoài “Nhớ một vầng trăng” và một số đằm lưng vốn sáng tác khác ghi dấu ấn, Phạm Phú Hưng sau những miệt mài cũng kịp gửi tên mình vào bộ nhớ, vào lòng mến mộ của bạn bè văn nghệ và người yêu thơ
Nhớ một vầng trăng
Góc Trường Sơn năm ấy chỗ em nằm
Nửa vầng trăng em đêm nào cũng khuyết
Còn nửa trong anh soi tìm ký ức
Cõi vĩnh hằng nơi đó có trăng không?
Chuyện cũ rồi có mới mẻ gì đâu
Sao vết thương lòng vẫn còn đau âm ỉ?
Em nằm lại nơi chiến trường chống Mỹ
Trăng trong anh chẳng có một đêm rằm
Anh trọn lòng kỷ niệm của tháng năm
Đem giấu kín một góc chiều riêng biệt
Mùa trăng cũ mấy mươi năm trước
Vỡ tan rồi mảnh vụn bắn vào tim
Hình hài em đâu? Anh thắc thỏm đi tìm
Rừng lau lách cứa vào lòng rỉ máu
Xưa em nằm, dưới chân là con suối
Cây gạo đâu rồi, vắng cánh hoa rơi?
Bất chợt hoàng hôn buông tím mé đồi
Cõi u tịch chìm sâu trong bóng tối
Một ánh sao lẻ loi rơi vội
Anh bồn chồn khao khát một vầng trăng
Phạm Phú Hưng
(Trích trong BẾN XƯA - Hội VHNT Quảng Nam – 2005)
Không phải là nửa vầng trăng thượng tuần, hạ huyền vẫn đi theo chu kỳ trời đất. Cũng không phải là vầng trăng lung linh soi sáng dặm trường thơ ca như biểu tượng cho cái đẹp hằng thường và hằng nghĩ trong bất kỳ một đời thơ nào. Phạm Phú Hưng, "Thi sĩ không tên” (theo cách mà Đông Trình muốn gọi), đã viết về một vầng trăng kỳ niệm thời trận mạc anh hùng và bi tráng.
Góc Trường Sơn năm ấy chỗ em nằm
Nửa vầng trăng em đêm nào cũng khuyết
Còn nửa trong anh soi tìm ký ức
Cõi vĩnh hằng nơi đó có trăng không?
Ai hôm nay và mai sau có thể trả lời cho câu hỏi này?
Vài chục năm nữa là quãng thời gian đủ để làm quên lãng rất nhiều điều trong ký ức. Nhưng không thể và không bao giờ có thể phai mờ được những mất mát hy sinh.
Trong một đên trăng đẹp đến mơ hồ giữ núi rừng "Trường Sơn” hùng vĩ ấy. Không phải là một không gian hữu tình để lứa đôi hò hẹn mà lại là một "ký ức” hao "khuyết” cả đời người. Anh đã sáng "nửa” vầng trăng mình còn lại để tìm kiếm nơi "nửa vầng trăng em đêm nào cũng khuyết”. Anh "soi tìm” trong "ký ức”, hỏi cả "cõi vĩnh hằng nơi đó có trăng không?”
Chuyện cũ rồi có mới mẻ gì đâu
Sao vết thương lòng vẫn còn đau âm ỉ?
Em nằm lại nơi chiến trường chống Mỹ
Trăng trong anh chẳng có một đêm rằm
Đành rằng đau thương này không chỉ của riêng ai khi cả dân tộc cùng ra trận, lấy máu xương bảo vệ toàn vẹn tự do độc lập lúc đất nước lâm nguy. Nhưng anh không thể yên lòng khi quê nhà đã im tiếng súng, cuộc sống đã thanh bình mướt mắt một màu xanh mà em của anh vẫn cứ mãi còn "nằm lại nơi chiến trường chống Mỹ”. Cứ mãi xốn xang trong một chuyện mình đã "cũ”, một vết thương lòng còn tươi đỏ trong anh…
Anh trọn lòng kỷ niệm của tháng năm
Đem giấu kín một góc chiều riêng biệt
Mùa trăng cũ mấy mươi năm trước
Vỡ tan rồi mảnh vụn bắn vào tim
"Kỷ niệm” là những gì còn lại sau sàng lọc nghiệt ngã "tháng năm”. Có kỷ niệm vui, có kỷ niệm buốn, dẫu thế nào cũng là điều trân trọng bởi đã không thể tự xoá mờ khi quá khứ lùi xa. Săm soi nhớ một thời trai trẻ. Nhưng. Kỷ niệm này của đôi ta về "mùa trăng cũ” ấy anh chỉ biết cất giữ riêng mình, như những trang đời đau thườn mà đẹp, mà oai hùng tháng ngày thanh xuân cầm súng lên đường đánh giặc, rồi em nằm lại vĩnh viễn với rừng xanh núi thẳm, thành một nửa vầng trăng hư ảo lung linh trong kỷ niệm riêng mình.
Hình hài em đâu? Anh thắc thỏm đi tìm
Rừng lau lách cứa vào lòng rỉ máu
Xưa em nằm, dưới chân là con suối
Cây gạo đâu rồi, vắng cánh hoa rơi?
Âm ỉ trong niềm đau "rỉ máu” anh "đi tìm” em, người đồng đội ngày xưa, đi tìm một nửa của riêng anh đã hy sinh vì đất nước. Chiến trường ngùn ngụt lửa khói mấy mươi năm về trước chính là nơi đây. Nơi "… dưới chân là con suối” "cây gạo” ấy "đâu rồi”? Dấu tích vẫn in hằn mồn một trong nỗi nhớ của anh sao tìm hoài không gặp? Mưa gió nào xoá mất vết ghi xưa…?
Bất chợt hoàng hôn buông tím mé đồi
Cõi u tịch chìm sâu trong bóng tối
Một ánh sao lẻ loi rơi vội
Anh bồn chồn khao khát một vầng trăng
Ghi thêm "Nhớ một vầng trăng” vào mảng đề tài viết về sự hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, khi đôi lứa yêu nhau nhưng không cùng được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn ngày đất nước thanh bình, như cô du kích "trẻ nhất làng” trong Núi Đôi của Vũ Cao hay cái màu tím hoa sim "tím chiều hoang biền biệt” của Hữu Loan. Nhưng bằng cách thật thà dung dị riêng của mình, Người - Yêu - Đồng - Đội - Đồng - Chí của Phạm Phú Hưng đã hoá thành một nửa vầng trăng ám ảnh, âm ỉ nỗi đau thúc giục kiếm tìm nắm di hài yêu thương cũ không làm sao nguôi ngớt như một thao thức trằn trọc suốt tháng năm trong lòng người còn lại.
Tôi chợt nghĩ rằng chưa thật ổn khi gọi anh là Thi Sĩ Không Tên. Bởi ngoài "Nhớ một vầng trăng” và một số đằm lưng vốn sáng tác khác ghi dấu ấn, Phạm Phú Hưng sau những miệt mài cũng kịp gửi tên mình vào bộ nhớ, vào lòng mến mộ của bạn bè văn nghệ và người yêu thơ khi chỉ cần qua mấy câu hết sức ấm áp, hết sức thật thà mà thuyết phục, ứ đẫm tình yêu quê xứ tưởng không dễ gì hay hơn, đẹp hơn mà một người thơ mong mỏi:
Đường về nhà anh chưa kịp đặt tên
Thường quen gọi ngã ba Kỳ Phú
Mẹ anh ở vẫn căn nhà không số
Chiều Tam Thanh bãi biển nhấp nhô người…
Nguyễn Đức Dũng
http://vanthoviet.com/img/up-blue.gif










1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...