Âm nhạc đem con người lại gần nhau
“Âm nhạc là một trong những thực thể độc đáo và kỳ lạ có sức
biến đổi mọi thứ. Nó làm chúng ta cười, khóc, la hét, cảm động… Vì vậy không có
gì lạ khi các nhạc sĩ sáng tác vô tình hay hữu ý đã dùng âm nhạc để tác động
lên những thay đổi của xã hội".
Đã từ lâu, âm nhạc là phương tiện biểu hiện tình cảm của con
người ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Những phát hiện của ngành khảo
cổ cho thấy rằng các nền văn hóa khác nhau trên thế giới đã luôn tập trung các
nhạc cụ và cách chơi đặc thù riêng của họ. Tuy nhiên, dù cho các nền âm nhạc ở
nhiều nơi trên thế giới có khác nhau nhưng âm nhạc dường như phục vụ cho một mục
đích chung: đem con người lại gần nhau.
Trong mỗi nền văn hóa, sự can thiệp của cộng đồng làm cho âm
nhạc phát triển theo một cách riêng. Hơn nữa, khi các nền văn hóa trên thế giới
đến gần lại với nhau, tất nhiên chúng ảnh hưởng lẫn nhau và sinh ra những dạng
thức âm nhạc mới. Loại nhạc bluegrass của Hoa kỳ là kết qủa của sự pha trộn giữa
cách chơi đàn và hát của các dân tộc Ireland, Scotland, Đức và cả người Mỹ gốc
Phi châu. Thậm chí, ngay trong một dân tộc cũng có sự pha trộn âm nhạc từ các nền
văn hóa vùng miền khác nhau để sinh ra hình thức âm nhạc mới. Ví dụ, trong âm
nhạc cổ truyền Việt Nam, hơi Dựng trong Ca Huế khi vào miền Nam đã trở thành mầm
mống nảy sinh ra các hơi Xuân, Ai, Oán trong điệu Nam. Khía cạnh cộng đồng đã
quyện chặt lấy âm nhạc. Thật khó nói âm nhạc ảnh hưởng đến xã hội hay xã hội được
phản ảnh trong âm nhạc của một dân tộc.
Âm nhạc khiến ta cười, khóc
Tại Mỹ, trong Tk. XX, âm nhạc dân gian (folk music) nổi lên,
đặc biệt phát triển mạnh vào những năm 1960. Đó là một ví dụ điển hình về ảnh
hưởng của âm nhạc đến xã hội. Lúc đó, phong trào dân quyền và phản chiến (chống
chiến tranh Việt Nam) tiến triển mạnh mẽ. Nhạc sĩ Woody Guthrie bắt đầu viết loại
nhạc phản kháng và tiếp theo đó là các ca sĩ nhạc dân gian tên tuổi ra đời như
Bob Dylan và Joan Baez. Tại Việt Nam, từ sau bài ca cách mạng “Cùng nhau đi Hồng
binh” (Đinh Nhu, 1930), có thể nói lần đầu tiên trong nền tân nhạc Việt Nam xuất
hiện loại âm nhạc không chỉ là phương tiện diễn tả tình cảm cá nhân mà còn để động
viên, thúc giục người nghe đi đến hành động. Từ đó, ngày càng có nhiều người
sáng tác, nghe và yêu thích loại “nhạc đỏ” (ca khúc cách mạng, ca khúc chính trị).
Ở Mỹ, vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, nhạc rap và những
rapper thường bị coi là nguyên nhân gây ra nhiều tội phạm cho xã hội. Năm 1988,
rapper Ice-T (nghệ danh của nhạc sĩ kiêm diễn viên Tracy Marrow) nổi tiếng trên
các phương tiện truyền thanh với ca khúc “Cop Killa” (tạm dịch: Giết cảnh sát).
Khi ca khúc này được phát hành, hàng loại cảnh sát bị giết; giới truyền thông
cho rằng nguyên nhân vì ca khúc của Ice-T. Thật ra, trước ca khúc này những hiện
tượng xấu đó cũng đã có. Cảnh sát luôn ý thức được rằng nghề của họ là nguy hiểm,
dễ bị hy sinh. Ngược lại, các nhạc sĩ rap tại Mỹ cũng đã tổ chức khá nhiều buổi
trình diễn thiện nguyện, không thù lao và quyên góp được nhiều tiền cho người
nghèo giúp họ ra khỏi các khu ghetto (khu định cư của người da đen nghèo trong
một thành phố ở Mỹ). Nhạc rap không ảnh hưởng đến những hành động xấu mà phản
ánh lại chúng. Cũng giống như Ice-T và âm nhạc rap, nhạc rock và các rocker
cũng rơi vào tình trạng này. Tại Việt Nam từ sau thời kỳ đổi mới, nhiều loại âm
nhạc gần như biến mất (ca khúc chính trị,…). Sự ra đời của nhiều kỹ thuật, công
nghệ mới cùng với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, mạng
internet đã mở đường cho nhiều loại nhạc mới đến cả loại nhạc “khủng”, nhạc
“rác”, nhạc “thảm họa” ra đời và phát triển nhanh chóng. Cũng có những loại
nhạc gắn liền với… tội phạm như những clip ca nhạc gần đây khai thác đề tài về
một tội phạm trẻ tuổi, cũng có loại nhạc nhằm phản ánh lại các tệ trạng về văn
hóa, âm nhạc, xã hội như trường hợp “Rắc rối” và một số clip của Karik. Nhiều
loại “ca sĩ” (tự phong?) đã khai thác bí quyết thành công: càng bị lên án càng
tạo được chú ý của xã hội, nghĩa là càng được nhiều người biết đến, càng có thu
nhập. Âm nhạc mang hai mặt: vừa phản ánh thực tại xã hội vừa tác động lên những
biến đổi ấy; vừa ảnh hưởng đến, đồng thời cũng vừa là một sản phẩm của xã hội.
Âm nhạc là một trong những thực thể độc đáo và kỳ lạ có sức
biến đổi mọi thứ. Nó làm chúng ta cười, khóc, la hét, cảm động… Vì vậy không có
gì lạ khi các nhạc sĩ sáng tác vô tình hay hữu ý đã dùng âm nhạc để tác động
lên những thay đổi của xã hội. Khi viết một ca khúc, nhạc sĩ gửi gắm vào trong
đó những điều mình muốn người nghe “đi theo”. Điều này tác động mạnh đến xã hội
hay các nhóm văn hóa trong xã hội mà nhạc sĩ đang sống. Điều này cũng thể hiện
rõ nét nhất nơi giới trẻ, tuổi teen. Đó là lứa tuổi đang cố đi tìm một hướng đi
cho cuộc đời, một lối sống để thể hiện nhân cách và từ đó đi tìm một loại nhạc
thích hợp cho riêng họ.
Âm nhạc có thể mang ý nghĩa nội tại hoặc chịu tác động ngoại
lai. Có người nghe nhạc chỉ vì hoặc đang chán nản hoặc ưa thích nhịp điệu; có
người khác thì nghe nhạc chỉ vì ca từ và cách trình diễn của nghệ sĩ. Đó là lý
do đưa đến sự thành công hiện nay của loại âm nhạc và ca sĩ chỉ để nhìn hơn là
để nghe. Âm nhạc không phải lúc nào cũng để giải trí nhưng còn có những vai trò
thiết thực ảnh hưởng đến xã hội (như những ca khúc thời chiến ở 2 miền Nam – Bắc
cho đến những hành khúc, bài ca thuộc dạng hymn- Bài hát ca tụng, như: quốc
ca, đoàn ca, đội ca,…của một thể xã hội, kinh tế hay chính trị). Cuối Tk. XX,
những ảnh hưởng và tác động của âm nhạc đến xã hội ngày càng mạnh mẽ và có sức
lan tỏa mãnh liệt hơn qua các phương tiện in ấn, truyền thanh, truyền hình, các
mạng xã hội trên Internet. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người cho rằng âm nhạc chỉ là
một sản phẩm phụ của xã hội. Các sự kiện lịch sử cho thấy khác. Ít có người biết
rằng cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Barack Obama được thành công nhờ
kết hợp với các buổi trình diễn của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng
như The Dead, Jay-Z, Bruce Springsteen.
Âm nhạc ngày càng tệ hại?
Phải chăng trong một xã hội càng văn minh thì âm nhạc càng trở
nên tệ hai? Mà chính xác hơn là trong một xã hội nặng về văn minh vật chất.
Chúng ta không quá già, lỗi thời để cùng nhận thấy rằng đa số âm nhạc phổ
thông, nhất là nhạc thị trường, ngày càng tệ hại đến thảm họa! Tại sao? Âm nhạc
không còn đơn thuần là một nghệ thuật mà đã dần dần biến thành một kỹ nghệ. Chất
lượng giọng hát, chất lượng ca khúc không còn quan trọng bằng chất lượng đĩa
CD, vỏ bìa, hình ảnh quảng cáo. Nếu người Đức nói hòa âm phối khí là mặc quần
áo cho tác phẩm (Bekleidung) thì ngày nay các ca sĩ (nữ cũng như nam) đều sẵn
sàng cởi trang phục ra ngay trên sân khấu để được chú ý. Những người có tiền có
quyền thế nắm các công ty sản xuất, thu âm đã nhanh chóng nhận ra rằng loại nhạc
“xấu” bán chạy hơn, nhất là cho giới trẻ, tầng lớp bình dân. Họ không sản xuất
âm nhạc để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mà là thưởng thức… tiền!
Loại âm nhạc “tốt” không còn ảnh hưởng trong kỹ nghệ âm nhạc hiện đại nữa. Giá
trị của sản phẩm âm nhạc, đẳng cấp của nhạc sĩ (sáng tác, biểu diễn) không còn
được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn nghệ thuật mà thay vào đó là dựa trên tin nhắn
(với vỏ bọc ngoài hoa mỹ đến giả dối là: “do khán giả bình chọn”) hoặc dựa trên
doanh số đĩa bán được. Nhìn vào các giải thưởng lớn nhỏ về âm nhạc hiện nay
chúng ta không khỏi ngao ngán về cái thực chất của người được giải cũng như người
chấm giải.
Một yếu tố khác góp phần làm nghèo âm nhạc đó là công nghệ
(technology). Đây là con dao hai lưỡi. Ngày nay, nhờ công nghệ mới áp dụng
trong âm nhạc mà một người mẫu, một diễn viên điện ảnh, hay một vận động viên
thể thao cũng có thể sống và đi lên bằng nghề ca hát, thậm chí còn thành công
hơn cả những ca sĩ thực thụ; nhờ công nghệ mà nhạc sĩ sáng tác bớt được nhiều
gánh nặng trong công việc và còn rất nhiều công dụng hữu ích khác. Vì vậy, trên
thế giới sinh ra ngành học mới: công nghệ âm nhạc (music technology, nghiên cứu
về những thành tựu trong công nghệ dùng vào âm nhạc). Chỉ riêng tại Việt Nam, ở
Nhạc viện Tp. HCM mới có cái gọi là khoa Nhạc nhẹ và Âm nhạc công nghệ (hiểu
đúng thuật ngữ thì đây là khoa nghiên cứu về loại âm nhạc pop, jazz và nhạc do
công nghệ tạo ra!). Tuy vậy, khoa này vẫn được gọi là music technology mặc dù
trên thực chất hiện nay mới chỉ là nơi dạy về organ điện tử kết hợp với vài
khóa học ngắn hạn về nhạc Jazz, phòng thu âm! Người ta có, mình cũng có nhưng
chỉ có trên hình thức. Đó cũng là một bệnh chung trong xã hội hiện nay. Ngược lại,
vì có công nghệ mà các nhạc sĩ trở nên lười sáng tạo, sản phẩm âm nhạc ra nhanh
đến chóng mặt nhưng na ná như nhau, tạo ra nhiều thế hệ “cừu Dolly” trong âm nhạc;
vì có công nghệ mà khi có dịp nghe những ca sĩ đoạt giải này, giải nọ, ra hết
Album CD này đến album CD khác hay thành công trên thị trường hát trong phòng
trà (nơi phải hát sống) hay ngoài thực tế,chúng ta khôngkhỏi giật mình vì cái
“nghèo về giọng hát, nát về chuyên môn” của họ và tự đặt câu hỏi làm sao mà những
người này lại đạt được những thương hiệu như vậy?
Victor Hugo đã nói: “Âm nhạc diễn tả những điều không thể nói
lên bằng lời và nói lên những điều không thể giữ trong yên lặng”. Như vậy, âm
nhạc có vai trò của một ngôn ngữ, và từ đó có tác động đến xã hội. Các dân tộc
khác nhau nói những thứ tiếng khác nhau cũng như các nhóm xã hội khác nhau
thích nghe những loại nhạc riêng của mình, và cũng có những nhóm có thể thưởng
thức các loại âm nhạc khác nhau. Từ nhu cầu thưởng thức đó, họ có thể tạo ra những
loại âm nhạc cho riêng nhóm của mình và có khi sẽ ảnh hưởng lan rộng ra xã hội.
Như vậy ảnh hưởng của âm nhạc đối với xã hội là một quan hệ hai chiều và có
chung một đích đến: đem con người lại gần nhau hơn.
đặt vé máy bay eva airline
Trả lờiXóavé máy bay eva đi mỹ
vé máy bay korean air
vé máy bay từ sài gòn đi mỹ
mua vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Kien Thuc Du Lich