Chút hồn xưa trong ca từ Mộc Quốc Khanh
Tình cờ biết
Mộc Quốc Khanh và được anh yêu mến tặng CD Album và Tuyển tập nhạc “Những cơn
mưa vô thường” (do Nhà xuất bản Âm nhạc cấp phép, Phương Nam Phim phát hành).
Đêm nằm dài
trong căn nhà nhỏ trên phố Đội Cấn, giữa tiết trời mưa xuân lất phất, trong tâm
trạng chờ đợi con gái đầu lòng chào đời, lắng nghe những giai điệu mượt mà, trầm
ấm cất lên từ giọng hát truyền cảm của các nữ ca sĩ Hồng Ngọc, Mỹ Lệ, Song
Giang, Như Ý, Đoan Trang, Thái Trân, Trần Vũ Hà My, lòng chợt cảm thấy bâng
khuâng khó tả. Khi nhạc dừng, mọi âm thanh đã tắt, nhưng những ca từ cứ vương vất
mãi bên tai, hiển hiện mãi trong đầu tựa như đĩa nhạc vẫn còn quay, giọng nàng
vẫn đang hát. Thế là cầm bút “liều lĩnh” viết đôi dòng về ca từ của anh.
Đẹp – đó là cảm
nhận ban đầu về ca từ trong nhạc của Mộc Quốc Khanh. Một vẻ đẹp mang hơi hướng
cổ điển, lãng mạn của thời kỳ Thơ mới 1930-1945. Rất nhiều ngôn từ thiên nhiên
mang vẻ thanh tao được Khanh sử dụng trong nhạc phẩm của mình như: xe tơ kết
tóc, đài gương soi bóng, tóc mây chờ mong, bụi hồng, phong ba bão tố, gót sen,
bút hoa, mây ngàn giăng, ánh lửa hồng hoang, mắt nhung, nguyệt sầu, thiên thu,
mưa tuyết, gối loan, tiêu dao…Những cụm từ này trải dàn đều trong tất cả các ca
khúc Mộc Quốc Khanh, đưa khán thính giả trở về bầu không khí bảng lảng trời mây
non nước êm dịu, tưởng chừng như đã không bao giờ còn gặp lại trong thời đại
ngôn ngữ @ lên ngôi ngay cả trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Sự lãng mạn
còn thể hiện qua sự phối hợp tinh tế giữa vần và nhịp của tác giả. Thạc sĩ-Nhạc
trưởng Nguyễn Bách đã tinh ý nhận xét rằng nếu lược bỏ phần nhạc ra, ca từ Mộc
Quốc Khanh tựa như một bài thơ tình thể hiện rõ sự chuẩn bị “lập ý, cấu tứ” chu
đáo với các biện pháp tu từ phổ biến trong văn chương. Thú thật, khi đọc những
dòng nhạc này của Khanh:
Ánh mắt đầu
tiên tan giọt sương
Lắng sâu
trong niềm vui trong buồn vương
Để lại nơi
con tim bao vấn vương bao niềm thương
Gót sen nhẹ
bước trên đường vắng
Bóng chim
theo lặng lẽ trong chìm lắng
Hình hài em
chênh vênh trong ánh trăng
Mây ngàn
giăng phiến băng
(Một lá thư
nhạc)
Bản thân tôi
- có lẽ cũng như nhiều người khác - không khỏi liên tưởng đến giai điệu trong Tỳ
bà của thi sĩ Bích Khê:
Vàng sao nằm
im trên hoa gầy
Tương tư người
xưa thôi qua đây
Ôi! Nàng năm
xưa quên lời thề
Ở đây, chắc hẳn
bạn đọc sẽ tự hỏi nếu sử dụng những từ ngữ, vần nhịp như thế, liệu Khanh có đi
vào “dấu chân người xưa”, tạo nên “một ấn tượng cũ” hay không. Về phần nhạc tôi
không dám bàn, nhưng về ca từ thì chắc chắn là không. Trở lại đoạn ca từ trên,
nếu Bích Khê sử dụng tài tình toàn thanh bằng làm vần (gầy/đây; thề/mê), thì
trong ca từ Mộc Quốc Khanh bên cạnh những âm bằng (sương/vương/thương;
trăng/băng), còn có vần trắc (lắng/vắng). Nỗi buồn trong thanh bằng tạo cảm
giác man mác. Nỗi buồn trong ca từ Mộc Quốc Khanh ngoài cái êm ả, du dương ấy
ra, còn có cả sự cô đơn, giá lạnh, cách trở mà thanh trắc mang lại. Thanh trắc
(lắng/vắng) dường như là “trợ thủ đắc lực” cho thanh bằng “băng”. Âm sắc của lắng
và vắng đã làm tăng thêm sự lạnh lẽo của phiến băng. Nói cách khác, sự cô độc của
con người đã khoét sâu cái băng giá của thiên nhiên. Ngoài ra, ca từ của Mộc Quốc
Khanh có sự phóng khoáng về số chữ và nhịp điệu. Số chữ trong từng đoạn dài ngắn
khác nhau và nhịp cũng biến chuyển trên biên độ rộng hơn.
Nếu được hỏi
mình thích phần nào nhất trong ca từ Mộc Quốc Khanh, tôi sẽ trả lời đó là phần
kết. Mỗi đoạn kết trong ca khúc của anh đều mang một kết cục có hậu, như một lời
chiêm nghiệm về cuộc đời, về xã hội của tác giả. Hãy lắng nghe anh tâm sự:
Một tiếng im
lặng
Cuộn theo chiều
gió chôn vùi hiển vinh
Một kiếp mang
nặng
Một cây thập
giá ru cuộc sống yên lời kinh.
(Một lá thư
nhạc)
Xuân vẫn tươi
cho dù ai chê chán
Xuân vẫn cười
cho dù ai ngao ngán
Xuân với người
trọn đời không ai oán
Bên gối hồng
ta nhìn xuân chăm chút
Trong pháo
bông xuân rời xa hun hút
Trên áng
không hồn xuân bay vi vút
(Trở lại mùa
xuân)
Dù biển dâng
cao sóng con thuyền vẫn yên
Mặc cho mưa
tuyết chôn vùi phố nghiêng
Những chiêm
nghiệm của một con người bắt đầu từ tuổi đôi mươi mười tám đi qua tuổi “tam thập
nhi lập” và đang ở độ tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”. Những chiêm nghiệm dù viết ở
độ tuổi và hoàn cảnh nào, tác giả vẫn bộc lộ mình là con người lạc quan, yêu đời
và hồn hậu.
Trong ca khúc
chủ đề “Những cơn mưa vô thường”, có nhiều cụm từ đối nhau rất tinh tế như “về
che/đi khuất”, “xuân vừa hôn/thu vây kín”, “ngày líu lo/đêm ru rú”, “tươi sớm
mai/khuya khô héo”, “kề vai/quay gót”, “cười duyên/đang khóc”, “buồn/vui”, “nhớ
nhung/lãng quên”, “xa/gần”… Khanh đã dụng công sắp xếp những cặp từ này nương tựa
vào nhau như hình với bóng, như âm với dương tương sinh, tương khắc:
Mây về che nắng
trưa, rồi bay đi khuất chân trời
Xuân vừa hôn
mắt em, giờ thu vây kín chân người
Bầy chim ngày
vui líu lo, vào đêm ru rú trên cây
Nụ hoa hồng
tươi sớm mai, về khuya khô héo thân gầy.
Mới hôm nào
mùa xuân còn đang ôm hôn, vuốt ve đôi mắt em với một cảm giác hạnh phúc ngọt
ngào, nhưng em chưa kịp cảm nhận hết niềm hân hoan đó, thì chỉ “nửa chừng xuân
thoắt” mùa thu lá rụng ngập tràn không gian, vây kín hồn em, đẩy lùi hương sắc
mùa xuân tan biến vào vùng dĩ vãng. Dường như tác giả muốn thổ lộ rằng niềm hạnh
phúc lúc ẩn, lúc hiện, không thể nắm bắt, níu chặt vĩnh viễn trong cõi vô thường
được.
Tuy vậy, dẫu rằng
cuộc sống vô thường, dẫu cho vật đổi sao dời, nhưng Mộc Quốc Khanh vẫn có niềm
tin vững chắc để vun đắp và ca ngợi chữ tình ngay trong chính bản thân nội tại
của cõi vô thường đó:
Trong rừng
khô lá thưa, ngồi trông con suối lau mình
Trên đồng
hoang khát mưa, nằm nghe mây gió tâm tình
Vườn yêu còn
xa bước chân, gần con tim ấm quen hơi
Nụ hôn ngày
xưa chóng qua, ngày nay in dấu muôn đời.
Nhưng đặc biệt
nhất và cũng thú vị nhất đó là những chiêm nghiệm của Khanh trong bài Đuốc
hoa rực hồng, được anh viết tặng riêng cho người bạn đời ghi dấu kỷ niệm ngày
cưới:
Bụi hồng chồn
chân ai đắm đuối
Ngồi lo đong
tiếc nuối
Nằm đau đo kiếp
người
Cuộc đời dù
phong ba bão tố
Có khi như sợi
tơ bay bạc phơ
(Đuốc hoa rực
hồng)
Những ca từ đậm
chất Thiền nhất thể hiện ở hình ảnh sợi tơ bay bạc phơ. Thật ngạc nhiên là vì
sao trong ngày cưới, trong giây phút hạnh phúc nhất đời người, Mộc Quốc Khanh lại
có “tâm thiền” như vậy. Những ý nghĩ đó làm người đọc giật mình nhìn lại cuộc đời
mình. Viết được những ca từ như vậy trong bất cứ tâm trạng nào cũng đã là thành
công, nhưng viết trong tâm trạng khi kết hôn thì quả thật khó “hình dung” nổi.
Mới hay, ngoại cảnh, tâm trạng đôi lúc cũng không liên quan gì đến nội dung tác
phẩm nghệ thuật. Khanh chia sẻ cuộc sống vợ chồng đôi khi cũng rất vô thường,
lúc ngọt bùi, lúc cay đắng, vậy nên hãy biết nhường nhịn và trân trọng tình yêu
để cùng nhau vượt qua mọi phong ba bão tố. Một thông điệp súc tích đầy tính
nhân văn!
Mấy dòng cảm
nhận mộc mạc về âm nhạc Mộc Quốc Khanh là vậy. Còn nhiều điều cần bàn về ca từ
của anh, nhưng xin được hội ngộ vào những dịp khác. Quý vị khán thính giả có thể
tìm nghe CD Album “Những cơn mưa vô thường” của anh. Chỉ xin nói thêm rằng,
cùng với thời gian, bằng niềm đam mê bất tận theo đuổi những gì đã làm, tôi tin
rằng Khanh sẽ tìm được cho mình một “con đường âm nhạc” riêng. Con đường ấy sẽ
như sợi tơ bay bạc phơ, bay mãi trong lòng khán thính giả yêu nhạc.
vé máy bay eva giá rẻ
phòng vé máy bay đi mỹ
số điện thoại hãng korean air
vé máy bay đi mỹ khoảng bao nhiêu
vé máy bay đi canada tháng nào rẻ nhất
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngau Hung Du Lich
Tri Thức Du Lịch