Bâng khuâng chiều ba mươi …
Chiều ba mươi ở đây phải là buổi chiều
cuối cùng của năm âm lịch, gọi là chiều
ba mươi Tết.
Mùa đông phương Nam không có tuyết, không
có mưa phùn gió bấc, chỉ có khí trời se lạnh và nắng vàng như màu mật ong,
không gay gắt mà dường như rất dịu ngọt. Màu nắng thật đặc biệt, nó gợi cho ta
một chút gì đó bâng khuâng, nhớ nhớ, buồn buồn mà nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã có
lần cảm xúc: “ Đôi khi nắng buồn hơn cả mưa “.
Mấy chục năm nay, hầu như chiều ba mươi
Tết nào cũng vậy, sau khi cúng bữa cơm trưa gọi là rước tổ tiên, ông bà về ăn
Tết với con cháu, dọn dẹp bếp núc
xong, chúng tôi có cái thú lái xe chạy “ vòng vòng “ xem cảnh bàn dân thiên hạ
của cái thành phố đông dân nhất nước này chuẩn bị ăn Tết như thế nào. Thú vị và
cảm xúc lắm, mỗi nơi mỗi khác, mỗi năm mỗi khác.
Trước hết là đường phố vắng vẻ, sạch sẽ,
thông thoáng hơn mọi ngày rất nhiều. Mật độ dân thành phố HCM cao nhất nước
nhưng đa phần là dân lưu cư, hoặc tạm nhập cư. Họ đến đây, một nơi có nhiều cơ
hội để làm ăn - làm chủ cũng có, làm thợ cũng có - nhưng nếu làm biếng thì khó
… sống.
Công nhân quanh năm làm việc vất vả trong
các nhà máy, công ty, xí nghiệp, ước mơ của họ vẫn là năm hết Tết đến, bằng bất
cứ giá nào họ phải về quê, đem số tiền dành dụm ít ỏi tặng cho gia đình.
Người Việt Nam vốn có tình cảm gia tộc sâu
nặng,“ Tết này con không về má ơi “ thì má buồn đứt ruột mà con cũng sụt sùi,
ray rứt không nguôi.
Bởi vậy, ngày Tết khi các “ oshin “ (
tiếng lóng chỉ người giúp việc nhà ) lũ lượt về quê thì các bà chủ phải nai
lưng ra mà thực hiện nghĩa vụ nội trợ đảm đang : đi chợ, nấu nướng, tiếp khách,
dọn dẹp, những việc linh tinh có tên và không tên, không đến tay các bà thì
không xong, làm các bà đâm ra “ngán “ Tết, sợ Tết. “ Tết nhất làm chi, ai bày Tết nhất
làm chi ! “.
Siêu thị, hàng quán, cửa tiệm chiều ba
mươi Tết hầu như đóng cửa hết, trừ những quán ăn 24h dành cho khách vãng lai,”
các cô lữ đêm đông không nhà “mới phải “cơm hàng cháo chợ’, còn mọi người ai
cũng muốn mau chóng trở về nhà.
Bận rộn quanh năm, thường chiều ba mươi
nấu một bữa cơm sum họp, người miền Bắc gọi là làm cỗ, rồi thắp nén hương khấn
vái, mời gọi tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân đã khuất cùng về ăn Tết
với con cháu.
Theo tôi, đây là một tập tục rất đẹp trong
văn hóa Tết của người Việt Nam.
Bữa cơm cúng ông bà của người miền Nam
thường có món canh khổ qua nhồi thịt, gọi là ăn cho cái khổ nó qua. Người các
miền khác giờ cũng quen ăn loại canh này, nhất là bữa cơm cuối cùng của năm cũ,
nó càng có ý nghĩa ( nhưng chả lẽ người dân mình cứ khổ
mãi như thế này sao ! ).
Đi quanh các chợ, tất cả đều đóng cửa. Chỉ
những tiểu thương nghèo, họ bày hàng ra cả lề đường, rao bán đại hạ giá, gọi là
bán đổ, bán tháo cho hết hàng. Thực phẩm có, quần áo có, một cái áo sơ mi nam
20,000 đồng, mới toanh kể cả áo len, vớ, nón những thứ chỉ dùng ở xứ lạnh. Cũng
có người mua, hỏi ra họ mua làm quà cho người thân đang ở những nơi lạnh lẽo,
đèo heo hút gió, cho dù quà đến tay người nhận thì Tết cũng qua rồi.
Những quận, huyện ven đô nay đã “ đô thị
hóa “ gần hết, nhưng chính ở các nơi này, buôn bán vẫn còn ỳ xèo cho đến hết
chiều cuối năm. Dân nghèo thành thị, dân tạm nhập cư có thể ăn Tết tiết kiệm
nhờ các điểm “họp chợ” cuối năm đột xuất như thế này, bởi họ biết chỉ còn một
buổi chiều.
Một cái bánh chưng, một ký nếp đậu cho một
đĩa xôi, một cân thịt cho một nồi thịt kho, một tô dưa giá muối vội vã là đủ
cho một bữa ăn ngày Tết. Người nghèo mơ ước chắc chỉ có thế.
Trên những con đường đến quận Thủ đức hay
Hóc môn, ngang qua đường rầy xe lửa cũng là nơi bán hoa mai, có người cầm những
cành mai họ bảo là vừa chặt từ trong vườn ra bán “ kiếm chút đỉnh tiền xài “.
Không biết có thật không, hoa có nở không,
nhưng nhìn một ông cụ cầm hai cành mai ngồi sụp bên đường, bên cạnh là chậu
nước, hể ông mỏi tay thì lại cắm mai vào chậu nước, gương mặt hằn nét khắc khổ,
chịu đựng, đôi mắt trông ngơ ngác, buồn buồn, tôi cảm thấy tội nghiệp cho ông.
Làm sao ông cạnh tranh nổi với đám thanh
niên mồm miệng lanh lợi, chân tay nhanh nhẹn, quảng cáo cho những cây mai loại
“ xịn “ nhất, thuộc nhà vườn nổi tiếng nhất của ông Tám, bà Ba nào đó, ( đố ai
mà biết ! ).
Cuối cùng, tôi quyết định mua cành mai của
ông cụ có đôi mắt buồn, ngơ ngác. Tôi nói với ông, cháu không trả giá, bác đừng
nói thách, cháu mua hết hai cành đấy. Tôi trả cho ông 150 ngàn đồng cho hai
cành mai, đám thanh niên chạy về phía tôi “ thị phi “: “ Trời ơi cô mua mai cũ
rồi, ông già này ngồi ở đây ba ngày, đâu có bán được đâu “. Tôi nói với chúng :
“ ông già này là người quen, cô mua giúp ổng “.
Người VN mình ngày Tết hay kiêng nhiều
thứ, sợ nhất là mua hoa đào, hoa mai không nở, nụ hoa cứ rơi rụng dần đến mồng
một là trơ cành, họ cho là điềm
không tốt. Tôi không tin vì nghĩ mình mua mai “ từ thiện “, mình làm việc tốt
mà.
Hai cành mai đó đúng là mai cũ, cũ tức là
già, già thì thường chậm chạp. Mãi đến mùng bốn Tết chúng mới nở rộ. Tôi nhớ
đến ông già, nhớ đến cành mai cũ, hoa không phụ lòng người, trên cành đã có
những chùm hoa nở rất… “bâng khuâng”.
Chiều ba mươi Tết có bong bóng bán đầy
đường, khu phố Tàu đầy đồ trang trí trước cổng nhà, cửa ra vào, trên các chậu
cây kiểng, đèn lồng, phong bao lì xì… Màu đỏ, vàng là màu chủ đạo, tiếng
Việt,tiếng Hán đủ cả : chúc mừng năm mới, vạn sự như ý, phát tài phát lộc,
phước như Đông hải, thọ tựa Nam sơn …
(Phước đâu không thấy chỉ thấy biển
Đông nổi “ nóng “ hồi năm ngoái. Hy vọng năm nay dân ta thoát khỏi thảm họa “
tàu lạ” xâm nhập trái phép, cá tôm đầy khoang không còn bị “cướp giữa ban ngày”).
Chiều ba mươi Tết có cả mùi nhang, mùi
trầm lan tỏa từ các chùa, có tiếng trống, tiếng phèng la của đội múa lân, múa
rồng đang tập dượt cho đợt ra quân hoành tráng xuất phát từ đêm giao thừa, kéo
dài cho đến ... hết Tết.
Chiều ba mươi Tết trên quê hương là nỗi
niềm, là cảm xúc rất thiêng liêng khi nhớ về những điều đã trôi qua, những
người đã đi qua cuộc đời ta, giống như nước của một dòng sông chảy ra biển
khơi, không bao giờ trở lại.
“ Quân
bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi “ ( bài thơ Tương Tiến Tửu của Lý Bạch
).
Nhiều năm trước, tôi đã có lần đến nghĩa
trang vào buổi chiều ba mươi Tết, buổi
chiều buồn nhất trong đời mình. Tôi đi thăm mẹ tôi bảy ngày sau khi bà mất.
Mẹ tôi sống rất tốt, chu đáo, vẹn toàn. Bà
là người mẹ huyết thống và cả tâm linh của tôi. Những người hiền như thế, nghe
nói họ biết trước, sắp xếp mọi việc đâu ra đó trước khi ra đi. Rất nhiều lần mẹ
tôi nói : mẹ sẽ mất vào cái ngày mà con cháu sẽ không quên giỗ của mẹ.
Đúng thế thật, bà mất vào ngày 23 Tết,
ngày đưa ông Táo về trời. Tôi hay nói đùa với các con tôi, bà ngoại sợ con cháu
tốn tiền mua vé máy bay, nên xin “ quá giang “ ông Táo lên Thiên đình đó.
Nhưng có lẽ ông Táo vốn là Thần bếp, ông
biết hết mọi chuyện trong nhà. Ông biết mẹ tôi là người đàn bà của bếp núc,
siêng năng,tốt bụng lo cho các con từ miếng ăn đến giấc ngủ, lại hay thương
người, giúp người.
Mẹ tôi thường nói: mình làm việc gì tốt
xấu, hai vai đều có thánh thần biết, có
nhân có quả hết con ạ.
Suốt đời, mẹ tôi không làm một “nghề” gì
khác ngoài nghề làm vợ, làm mẹ, làm bà. Bà nấu ăn rất giỏi, cả món mặn lẫn
chay.Giỗ chạp của một dòng tộc lớn, mẹ tôi không là dâu trưởng mà bà đảm đương
hết.
Gặp con, gặp cháu, câu đầu tiên bà hay hỏi
nhất là : con đã ăn gì chưa ? Mười lần như một.
Tôi vừa gặp hai người bạn, một người vừa
mất cha, một người vừa mất mẹ. Chúng tôi nói chuyện với nhau về những người cha
người mẹ của mình và đi đến kết
luận : cha mẹ chúng ta thật là vĩ đại. Họ tốt hơn, hay hơn chúng ta nhiều lắm,
mặc dù “ xuất phát điểm “ của các cụ thua chúng ta rất nhiều. Hoàn cảnh sống,
học vấn, tài năng, làm sao các cụ thuận lợi bằng mình, vậy mà sau khi các cụ
mất đi, chúng ta mới hiểu nhiều hơn về bố mẹ mình, cảm thấy tự hào sao mà các
cụ được nhiều người yêu quý, kính trọng như thế.
Bạn tôi kể về bố mẹ anh không hiểu sao các
cụ chỉ với hai bàn tay trắng vào Nam lập nghiệp, làm sao các cụ nuôi dưỡng 10
người con khôn lớn giờ tất cả đều nên người, thành đạt, lại còn cưu mang họ
hàng, giúp đỡ người xa lạ. Anh nói đến quả trứng luộc duy nhất trong bữa cơm mà
bố mẹ anh đã chia cho anh một nửa, ngày anh còn rất bé. Một nửa còn lại hai cụ
dầm vào bát nước mắm để chan với cơm ăn. Tôi nghe mà mắt cay sè.
Tôi định sẽ nói với anh, hãy đến nghĩa trang
thăm bố anh chiều ba mươi Tết. Anh đừng sợ nỗi buồn ám ảnh anh. “ Người chết
nối linh thiêng vào đời, và nụ cười nối trên môi “; không phải tôi, mà là Trịnh
Công Sơn, ông đã viết trong bài hát ‘ Nối vòng tay lớn” như thế đấy.
Ông là nhạc sỹ viết nhiều “ dự cảm “ về
cái chết và sự tiếp nối sau cái chết Có người đã nói với tôi : những tế bào
trong thân thể chúng ta đến từ tinh cha huyết mẹ, vậy thì cha mẹ ta vẫn còn
sống trong ta đó thôi, cha mẹ ta chỉ
“vắng bóng “trên đời. Tôi thích hai chữ “ vắng bóng “.
Chiều ba mươi Tết khi ánh nắng cuối cùng
đã tắt, càng bâng khuâng khi nghe những giai điệu xưa, những bài hát cũ, lời
thật đẹp, thật trau chuốt.
Trong tất cả những bài hát về mùa Xuân, về
ngày Tết, tôi “ ấn tượng “ nhất
bài: “ Nhớ một chiều xuân “ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông.
Một người bạn thời “thanh mai trúc mã” đã
gửi tặng tôi cuốn cassette thu tiếng hát của ca sỹ Hà Thanh khi tôi đi du học.
Theo tôi, chưa có ai hát bài này hay hơn cô Hà Thanh.
“ Chiều
xuân có một người ngơ ngác đi tìm, một tình thương nơi phương trời cũ …”
Khi bạn nhớ về phương trời cũ, ngày tháng
cùng với kỷ niệm cũ, có nghĩa là một phần đời tươi đẹp nhất của bạn đã trôi
qua, phần đời đó chính là tuổi trẻ của bạn.
Chiều ba mươi Tết, sau khi lang thang, dọc
ngang khắp phố phường, chúng tôi trở về ngôi nhà thân quen, bật tất cả đèn,
chuẩn bị cho cái đêm cuối cùng “tối thui “ nhất trong năm : đêm giao thừa.
Tôi là một bà nội trợ Việt Nam truyền
thống, học từ các bà, các mẹ, nên
dù nhà tôi, có năm Tết chỉ có hai người,
tôi vẫn không dám thiếu lễ nghi với ông thần bếp nhà mình.
Sau bảy ngày đêm vui chơi ngất trời, chủ
nhà phải làm lễ rước ông Táo đáo
gia. Rước ông vào nhà, thường người ta cúng chè xôi, trái cây, bánh mứt cho “
thanh tịnh “, bởi trên thiên đình, chắc Ngọc Hoàng cũng đã chiêu đãi ông rượu
thịt hậu hỹ rồi. Cúng ông không thể thiếu một loại kẹo làm bằng gạo và mè đen,
người miền Nam gọi là “ thèo lèo cứt chuột “.
Cúng món này chủ ý là nhắc nhở ông đừng để
mấy con chuột nó ăn vụng, phá phách. Ông là thần bếp cơ mà, chả lẽ không trị
nổi mấy con “tí “nhãi nhép.
Ngoài ra còn phải chuẩn bị cái bàn thờ
cúng trời đất đêm giao thừa, gọi là bàn Thiên. Rất quan trọng, thường phải có
mâm ngũ quả : mãn cầu, dừa, đu đủ, dưa, xoài, ( cầu vừa đủ dư xài, người miền
Nam nói “trại” ra thế ).
Ngày xưa khi chưa cấm đốt pháo, pháo là
sản phẩm đặc trưng Tết. Nay tiếng pháo đì đùng được thay bằng tiếng pháo hoa
bắn trên trời, nhưng không tìm ra mùi nào có thể thay thế mùi pháo. Thôi thì
mùi khói nhang, mùi giấy tiền vàng mã cháy có lẽ cũng tạm “ kết nối “ được giữa
người đang sống với những “ phi nhân “ từ các thế giới vô sắc xa xôi nào đó.
Bàn thờ cúng lễ giao thừa phải để ngoài
trời, đầy đủ hoa tươi, xôi chè, bánh mứt, gạo muối, nước tinh khiết là những
phẩm vật dâng cúng chư thiên, thiện thần.
Cầu cho bước sang năm mới, các vị sẽ bảo
hộ cho thế giới khắp nơi không chiến tranh, gió hòa mưa thuận, mọi người đều
được sống khỏe mạnh hơn, no đủ hơn, tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn.
Còn ai có nỗi niềm, ước nguyện riêng, có
thể cầu nguyện “thoải mái”, bởi người ta tin rằng thời khắc giao thừa là lúc
năng lượng an lành hội tụ nhiều nhất, linh thiêng nhất.
Linh thiêng trong niềm tin ở ngay chính
mình, ở cái Tâm của mình bởi:
Tâm bình, thế giới bình.
Phùng Kim Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét