Nguồn gốc chữ Quốc ngữ
A. Đại Cương.
Danh từ
chữ Quốc ngữ hay chữ Việt, người Việt chúng ta đã dùng từ lâu, mặc dù nó không
được chính danh. Bởi vì danh từ chữ Quốc ngữ là danh từ chung, chỉ cho các thứ
chữ của một nước, chẳng hạn chữ Nôm (1) cũng là chữ Quốc ngữ của nước ta,
nhưng do chúng ta dùng lâu đã quen, nên danh từ chữ Quốc ngữ để chỉ cho chữ
viết chúng ta dùng ngày nay. Chữ nầy thoạt đầu do những vị giáo sĩ Tây phương
truyền đạo tại Việt Nam, họ mượn mẫu tự La tinh, ghép lại để ghi âm địa danh và
nhân vật địa phương, từ đó nó đã trải qua các thời kỳ hình thành chữ Quốc ngữ,
qua quá trình hình thành, nó đã được sự đóng góp của người Việt cũng như người
ngoại quốc, phần chính vẫn là người Việt chúng ta.
Sự hình
thành chữ Quốc ngữ có thể chia ra làm ba thời kỳ :
* Thời kỳ
sáng tạo từ năm 1621.
* Thời kỳ xây dựng năm 1651.
* Thời kỳ phát triển từ năm 1867.
Chúng ta
biết rằng, khoảng giữa thế kỷ XVI, lúc ấy nước ta chia thành Nam, Bắc triều.
Năm 1533, có giáo sĩ Irigo (I-Nê-Khu), người Âu, theo đường biển vào nước ta ở
Đàng Ngoài, tại Nam Định để giảng đạo. Năm 1596, giáo sĩ Diago Advarte đến Đàng
Trong ở một thời gian rồi bỏ đi, cho đến năm 1615, giáo sĩ Francesco Buzomi đến
lập Giáo Đoàn Đàng Trong (Mission de la Cochinchine), đến năm 1627, giáo sĩ Đắc
Lộ (Alexandre de Rhodes) mới lập Giáo Đoàn Đàng Ngoài (Mission de Tonkin).
Cả hai
giáo đoàn nầy đều thuộc Dòng Tên, có một trung tâm truyền giáo ở Áo Môn (Macao
- Trung Quốc), vì trước kia người Bồ Đào Nha sang Trung Hoa buôn bán, họ ở bán
đảo Schangch'nan thuộc Quảng Châu, vào khoảng năm 1557, có bọn cướp biển trú ẩn
ở Áo Môn, thường hay khuấy nhiễu Quảng Châu, nên người Trung Hoa nhờ các thương
gia Bồ Đào Nha dẹp bọn cướp biển ấy, sau khi dẹp xong bọp cướp, người Bồ Đào
Nha xin phép nhà cầm quyền Trung Hoa cho họ trú ngụ ở bán đảo Schangch'nan và
Áo Môn, mỗi năm họ đóng thuế cho chánh quyền Trung Hoa, cho đến thế kỷ XX Áo
Môn vẫn còn thuộc Bồ Đào Nha.
Thuở đó,
các nhà truyền giáo Tây phương muốn sang Viễn đông, họ đều theo các thương
thuyền Bồ Đào Nha, cho nên họ chọn Áo Môn làm trung tâm truyền giáo để hoạt
động ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, nơi ấy có cả một Viện thần học "
Madre de Dieux " (Mẹ Đức Chúa Trời).
Do đó các
giáo sĩ người Âu thường từ Áo Môn sang Đàng Ngoài hay Đàng Trong và ngược lại,
họ thường dùng ngôn ngữ Bồ Đào Nha để giao dịch với nhau, những phúc trình
truyền giáo hay thư từ gửi về La Mã có khi họ viết chữ Bồ, có khi họ viết chữ
La Tinh.
B. Sự Hình Thành Chữ Quốc Ngữ
I.- Thời Kỳ Sáng Tạo Chữ Quốc
Ngữ
Không
phải chữ Quốc ngữ hình thành do sự ngẫu nhiên từ những chữ phiên âm tiếng Việt,
thực ra chữ Quốc ngữ hình thành theo hướng chung của các giáo sĩ Tây Phương, họ
muốn La Tinh hóa các chữ Á Đông nằm trong địa bàn truyền giáo của họ.
Thật vậy,
tại Trung Hoa, Hoa ngữ được các nhà truyền giáo dùng mẫu tự La Tinh phiên âm
trước nhất, công việc nầy do hai giáo sĩ Dòng Tên là Micac Ruggieri và Matteo
Ricci đã soạn quyển Ngữ vựng hay Tự vựng Bồ-Hoa, quyển nầy mỗi trang chia làm 3
cột : chữ Bồ, chữ Hán, phiên âm Hoa ngữ, tài liệu nầy soạn khoảng năm
1584-1588, bảng viết tay còn lưu trử tại văn khố Dòng Tên ở La Mã (Rome).
Năm 1598,
giáo sĩ Ricca và Cateneo đã dùng ký hiệu để ghi các thanh Hoa ngữ.
Tại Nhật
Bản, các tác phẩm chữ Nhật đã được La tinh hóa, từ năm 1592 đến năm 1596 có đến
10 tác phẩm loại nầy được in ra, hai tác phẩm quan trọng sau đây đáng được nhắc
đến:
1) Cuốn
Giáo lý ghi bằng tiếng Nhật theo mẫu tự La Tinh có tên là : Dotrina Jesus no
Compania no Collegio Amacusa ni voite superiores no vou xi no comuni core no
fan to nasu mono nari, Nengi, 1592.
2) Cuốn
tự điển La - Bồ - Nhật: Dictionarium latino lusitanicum ac Japonium (In Amacusa
in Collegia Japonico Societa Jesus, Anno 1595)
Ngoài ra
còn có sách ngữ pháp Nhật được in theo mẫu tự a, b, c vào năm 1603-1604.
Tại Việt
Nam, thời kỳ sáng tạo chữ Quốc ngữ có thể chia ra làm 2 giai đoạn :
* Giai
đoạn phiên âm.
* Giai đoạn cấu tạo câu.
1.- Giai
đoạn phiên âm.
Về nguồn
gốc, có lẽ câu sau đây là một dòng chữ xuất hiện đầu tiên, trong tiến trình
hình thành chữ Quốc ngữ.
"
Con gno muon bau tlom laom Hoalaom chian ".
Câu nầy,
theo giáo sĩ Christofora Borri ( 2 ), là câu
mà các giáo sĩ đàng trong đã dùng trước khi ông có mặt tại đây, nó có nghĩa là
: Con nhỏ muốn vào trong lòng
Hoa Lang chăng ?
Danh từ
Hoa Lang, không rõ do đâu mà có, nhưng đó là danh từ do người Việt Nam thời bấy
giờ dùng để chỉ cho người Bồ Đào Nha, và sau đó được dùng để gọi chung các nhà
truyền giáo Tây Phương. Như vậy câu trên là câu các nhà truyền giáo Tây phương
muốn hỏi một người Việt rằng : "
Muốn vào đạo Thiên chúa chăng ? " Vì
lẽ câu nói không diễn tả được rõ ý nên Linh mục Buzomi đã sữa lại như sau : " Muon bau dau Christiam chiam
? " ( Muốn vào đạo
Christiang chăng ?).
Đây là
câu trích trong quyển sách của Christoforo Borris xuất bản năm 1631 tại La Mã,
viết bằng chữ Ý ( 3 ). Tuy
vậy, chúng ta có thể coi những chữ phiên âm trong sách nầy đã được ông dùng
trong thời gian từ 1618 đến 1621, là thời gian ông sống ở Đàng Trong.
Phiên âm
: Nghĩa
Anam : An Nam
Tunchim : Đông Kinh
Ainam : Hải Nam
Kemoi : Kẻ mọi
Cacciam : Cả chàm (Kẻ Chàm)
Sinunua : Xứ Hóa ( Thuận Hóa)
Quamguya : Quảng Nghĩa
Quignin : Qui Nhơn
Dàdèn, lùt : Đã đến lúc
Dàdèn lùt : Đã đến lúc
Scin mocaij : Xin một cái
Chià : Trà
Cò : Có .......
Onsaij : Ông sãi
Quanghia : Quảng Nghĩa
Nuoecman : Nước mặn
Da, an, nua : Đã ăn nữa,
Da, an, het : Đã ăn hết
Omgne : Ông nghè
Tuijciam,biet: Tui chẳng biết
Onsaij di lay : Ông Sãi đi lại
Bàncò : Bàn Cổ
Maa : Ma
Maqui, Macò : Ma quỉ, ma quái
Bũa : Vua
Chiuna : Chúa
Bản phúc
trình của Linh mục João Roig viết bằng chữ Bồ Đào Nha tại Áo Môn ngày
20-11-1621, để gửi về La Mã, trong ấy có phiên âm vài danh từ như sau :
An nam :
An Nam
Sinoa : Xứ Hóa
Usai : Ông Sãi
Ungne : Ông nghè
On trũ : Ông trùm
Ca cham : Ca chàm ( kẻ chàm, tức Thanh Chiêm, thủ phủ Quảng Nam Dinh, thời ấy
dân chúng gọi là Cả Chàm hay Dinh Chàm)
Nuocman : Nước Mặn
Bafu : Bà phủ
Sai Tubin : Sãi Từ Bình ( ? )
Banco : Bàn Cổ
Oundelinh : Ông Đề Lĩnh
Cùng năm
ấy, Linh mục Gaspa Luis cũng viết một bảng tường trình bằng La văn tại Áo Môn
ngày 12-12-1621 gửi cho Linh mục Mutio Vitelleschi ở La Mã, để báo cáo về giáo
đoàn Đàng Trong, trong ấy có dùng vài phiên âm :
Cacham :
Kẻ chàm
Nuocman : Nước Mặn
Ongne, Ungué : Ông nghè
Bancô : Bàn Cổ
Đến ngày
16-6-1625, giáo sĩ Đắc Lộ có viết một lá thư bằng Bồ văn gửi cho Linh mục Nuno
Mascarenhas, trong ấy có vài phiên âm :
Ainão :
Hải Nam
Tunquim, Tunquin : Đông Kinh
Thêm một
tài liệu khác Gaspar Luis viết bằng La văn ngày 1-1-1626 tại Nước Mặn để gửi
cho Linh mục Mutio Vitelleschi ở La Mã, trong ấy có phiên âm một số địa danh và
danh từ:
Fayfó :
Hải phố (Fayfo : Hội An)
Cacham : Kẻ chàm
Nuocman : Nước Mặn
Pullocambi : ?
Dinh cham : Dinh chàm
Quanghia : Quảng Nghĩa
Quinhin : Qui nhơn
Ranran : Ran ran ( tức là sông Đà Rằng ở Phú Yên)
Bendâ : Bến đá
Bôdê : Bồ đề
Ondelimbay : Ông Đề Lĩnh Bảy
Ondedoc : Ông Đề đốc
Unghe chieu : Ông nghè Chiêu
Nhit la khaun, khaun la nhit : Nhứt là không, không là nhứt
Và Linh
mục Antonio de Fontes người Bồ Đào Nha, đã có đến ở Đàng Trong năm 1624 và Dinh
Chàm với Linh mục Pina và Đắc Lộ, cũng ngày 1-1-1626, Linh mục Fontes viết tại
Hội An một bản tường trình bằng Bồ văn gửi cho Linh mục Mutio Vitelleschi là Bề
Trên Cả Dòng Tên ở La Mã, bảng tường trình nầy gồm có 3 phần, trong ấy cũng cho
chúng ta biết thuở ấy giáo đoàn Đàng Trong có 3 cơ sở: Hội An, Kẻ Chàm (Quảng
Nam) và Nước Mặn (Qui Nhơn). Trong bảng tường trình nầy, có các phiên âm :
Digcham :
Dinh Chàm
Nuocman : Nước Mặn
Quinhin : Qui Nhơn
Sinua, Sinuâ : Xứ Hóa
Orancaya : ?
Quan : Quảng (Quảng Nam)
Bếndá : Bến đá
Bude : Bồ đề
Ondelimbay: Ông Đề Lĩnh Bảy
Ondedóc : Ông đề đốc
Onghe Chieu : Ông nghè Chiêu
Nhít la khấu, khấu la nhít : Nhứt là không, không là nhứt
Dinh Cham : Dinh Chàm
Sinóa : Xứ Hóa
Ngày
13-7-1626, Linh mục Francesco Buzomi viết một lá thư chữ Ý gửi cho Linh mục
Mutio Vitelleschi, cách phiên âm có tiến triển phần nào, vì các danh từ ghi
theo đơn âm như ngày nay, các chữ phiên âm trong bức thư nầy gồm có:
Xán tí :
Xán tí (Thượng đế)
Thiên chu : Thiên chủ (Thiên chúa)
Thiên chũ xán tí : Thiên chủ thượng đế
Ngaoc huan : Ngọc hoàng
Cho đến
năm 1631, có thêm hai tài liệu của Đắc Lộ: một vào ngày 16-1-1631, ông có viết
một bức thư gửi cho Linh mục Nuno Mascarenhas ở La Mã , trong ấy chỉ tìm thấy
có một chữ phiên âm Thinhũa : Thanh Hóa, và một bản văn khác thuật lại việc ông
cùng Linh mục Pedro Marques tới cửa Bạng (Thanh Hóa) vào ngày 19-3-1627 cho đến
lúc Linh mục Antonio F. Cardin đến Thăng Long ngày 15-3-1631 (trong chuyến đi
ấy, có các Linh mục Gasparo d'Amiral, André Palmeiro, Antonio de Fontes), tài
liệu nầy gồm 2 trang rưỡi chữ, viết trên giấy khổ 16 x 23 cm, trong ấy chỉ
phiên âm có mấy chữ :
Sinoa :
Xứ Hóa (thuận Hóa)
Anná : An nam
Sai : Sãi
Mía : Mía ( nhà tạm trú)
Những tài
liệu phiên âm trên, cho chúng ta thấy phần nào sự manh nha hình thành chữ Quốc
Ngữ trong các năm từ 1621 đến năm 1631. Trong mười năm đó, chúng ta thấy sự
phiên âm không mấy tiến triển, chưa có sự thống nhất nào cả, chẳng hạn như danh
từ xứ Hóa, họ đã phiên âm :
Sinoa
(Jão Roig 20-11-1621)
Sinua, Sinuâ, Sinoá (Antonio de Fontes 1-1-1626)
Sinoa (Đắc Lộ 1631)
Danh từ
Ông Nghè :
Omgne
(Christoforo Borri 1618-1621)
Ungne (Jão Roig 20-11-1621)
Ongne, Ungué ( Gaspar Luis 12-12-1621)
Unghe (Gaspar Luis 1-1-1626)
Onghe (Antonio de Fontes 1-1-1626)
2.-
Giai Đoạn Cấu Tạo Câu.
a.- Sự
đóng góp của Gasparo d'Amiral
Giai đoạn
kế tiếp được coi như khởi sự từ năm 1632 với những phiên âm của Gasparo
d'Amiral, trong giai đoạn nầy, chúng ta thấy vai trò đóng góp cho sự hình thành
chữ Quốc ngữ của Gasparo d'Amiral rất quan trọng, ông phiên âm có phương pháp.
Tài liệu dẫn sau đây cho chúng ta thấy rõ Đắc Lộ đã theo phương pháp của ông để
phiên âm trước khi dựa vào quyển tự điển Bồ Đào Nha - Annam cũng của ông, để
Đắc Lộ soạn quyển tự vị "An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh "
Để hiểu
rõ điều chúng tôi vừa đề cập tới, không gì hơn là chúng ta nhìn lại cuộc đời và
vết đi của họ, chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của Gasparo d'Amiral đối với Đắc Lộ.
Gasparo
d'Amiral sinh năm 1592 tại Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên ngày 1-7-1608, ông đã
làm giáo sư dạy La văn, Triết học, Thần Học tại các học viện và đại học Evora,
Braga, Coinbra ở Bồ Đào Nha.
Năm 1623,
Gasparo d'Amiral đến Áo Môn, vào tháng 10 năm 1926, ông cùng với Thầy Paulus
Saito (1577-1633 người Nhật) đến Đàng Ngoài cho đến tháng 5 năm 1630 cả hai
cùng với Linh mục Đắc Lộ và Pedro Marques về Áo Môn. Ngày 18-2-1631 Gasparo
cùng 3 Linh mục khác là André Palmeiro, Antonio de Fontes và Antonio F. Cardim
từ Áo Môn đáp tàu Bồ Đào Nha đến cửa Bạng (Thanh Hóa) và đến ngày 15-3-1631,
các Linh mục nầy mới đến Kẻ Chợ (Thăng Long).
Sau đó
Linh mục Palmeiro và Fontes trở về Áo Môn còn Amiral và Cardim ở lại tiếp tục
công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài. Năm 1638, Linh mục Amiral được gọi về giữ
chức Viện Trưởng Viện thần học tại Áo Môn, như vậy ông đã ở Đàng Ngoài được 7
năm.
Đến năm
1641, ông được cử làm Phó Giám Tỉnh Dòng Tên hai tỉnh Nhật và Trung Hoa (gồm
các nước Nhật, Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan và Trung Hoa - Áo Môn,
Quảng Đông, Quảng Tây). Năm 1645, ông đáp tàu từ Áo Môn đi Đàng Ngoài, khi tàu
đến gần đảo Hải Nam bị đắm, do đó ông bị chết đuối vào ngày 23-12-1645.
Trong 7
năm ở Đàng Ngoài, Gasparo d'Amiral còn để lại 2 tài liệu liên quan đến chữ Quốc
Ngữ. Tài liệu 1, ông viết bằng Bồ văn tại Kẻ Chợ vào ngày 31-12-1632 nhan đề:
" Annua do reino de Annam do anno de 1632, pera o Pe André Palmeiro de
Compa de Jesu, Visitator das Provincias de Japan, e China " ( Bảng tường
trình hàng năm về nước An nam năm 1632, gửi cha André Palmeiro, Dòng Tên, giám
sát các tỉnh Nhật và Trung Hoa). Tài liệu nầy hiện lưu trử tại văn khố Dòng Tên
La Mã, trong đó có một số phiên âm như sau:
Tun kim :
Đông Kinh, chỉ cho xứ An Nam
Đàng tlão : Đàng Trong
Đàng ngoày : Đàng Ngoài
Đàng tlên : Đàng trên
Oũ nghe : Ông nghè
nhà thượng dày: nhà thượng đài
nhà ti, nhà hién : nhà ti, nhà hiến
nhà phũ : nhà phủ
nhà huyẹn : nhà huyện
oũ khơũ : Ông Khổng ( Khổng Phu Tử)
Đức laõ : Đức Long; niên hiệu Đức Long (1629-1634)
Vĩnh Tộ : Vĩnh Tộ; niên hiệu Vĩnh Tộ (1620-1628)
Bua : Vua
Tế Kì đạo : Tế kỳ đạo
Đức vương : Đức Vương
Chúa oũ : Chúa Ông ( tức Trịnh Tráng)
Chúa tũ, chúa dũ, chúa quành : Chúa Tung (Trịnh Vân; Tung Quận Công)
Chúa Dũng (Trịnh Khải; Dũng Quận Công)
Chúa Quỳnh ( Trịnh Lệ; Quỳnh quận công)
Chúa cả : Chúa cả (Trịnh Tạc, vào thời nầy Đàng Ngoài có 5 chúa là : Trịnh
Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Vân, Trịnh Khải, Trịnh Lệ mà chỉ 2 chúa có quyền hành
mà thôi)
Thanh đô vương : Thanh Đô Vương
Chúa triết : Chúa Triết (Trịnh Tùng)
Kẻ chợ : Kẻ Chợ (Thăng Long)
yêu nhău : yêu nhau
oũ phô mả liêu : Ông Phò Mã Liêu (con rễ Trịnh Tráng)
Đàng Ngoằy : Đàng Ngoài
Quãng : Quảng
Tàm đàng : Tàm Đàng
Bên đoũ đa : Bên Đống Đa
tày : Tầy
lằng bôũ bàu : làng Bông Bầu
Cô bệt : Cô Bệt
Tri yếu : Tri yếu
ăn dương huyẹn : An Dương huyện
coũ thằn : công thành
Thíc ca : Thích Ca ( Phật)
Phổ lô xã : Phổ lô xã
Sãy uãy : Sải vải
Hộy ăn xả : Hội An xã
huyẹn uịnh lạy : huyện Vĩnh Lại
Thầi uăn Chật : Thầy Văn Chật
làng Kẻ tranh xuyên : Làng Kẻ Tranh Xuyên
Kẻ trãng : Kẻ Trang
Sấm phúc xả : Sấm Phúc xã
Nghỹa ăn xả : Nghĩa An xã
huyẹn bạyc hặc : Huyện Bạch Hạc
thầi phù thủi : Thầy phù thủy
Oũ jà nhạc : Ông già Nhạc
Oũ phu mã kiêm : Ông Phò mã Kiêm
bà : bà (?)
chúa bàng : chúa Bằng
thăn khê : Thanh Khê
hàng bè : hàng Bè
hàng bút : hàng Bút
cữa nam : cửa Nam
kẻ ăn lẵng : kẻ An lãng
hàng nấm : hàng nắm
đinh hàng : Đinh hàng
càii iền : Cầu Yên
hàng thuõc : hàng thuốc
oũ đô đốc hạ : Ông Đô Đốc Hạ
Oũ phũ mã nhăm : Ông Phò mã Nhâm
Oũ chưỡng hương : Ông chưởng Hương
Thầi : Thầy
đức oũ hồe : Đức ông Huề
thuyèn thũỉ : thuyền thủy
Quãng liẹt xã : Quãng liệt xã
giỗ : giỗ
chặp : chạp
mă : ma
kẽ uạc : kẻ Vạc
cỗ : cỗ
oũ chưỡng quế : ông chưởng Quế
tình : tình
nhũộn : nhuận
tháng : tháng
cốt bõý : cốt bói
Kẽ lăm huyẹn toũ sơn : kẻ Lâm, huyện Tống Sơn
Nghệ an : Nghệ An
Bố chính : Bố chính
thuặn hốe : Thuận Hóa
huyẹn nghi xuon : huyện Nghi Xuân
huyẹn Thinh Chương : huyện Thanh Chương
làng cầii : làng Cầu
nhà nga : nhà nga
đậii xá : đậu xá
vàng may : Vàng May
đức bà sang phú : đức bà sang phú
oũ bà phủ : ông bà phủ
kẽ mộc : kẻ Mộc
kẽ bàng : kẻ Bàng
an nam : An Nam
Tài liệu
thứ hai cũng soạn bằng Bồ văn tại kẻ Chợ ngày 25-3-1637, có nhan đề: "
Relacam dos Catequista da Christamdade de Tumk e seu modo de proceder pera o Pe
Manoel Dias, Vissitador de Jappão e China " (Tường thuật về các Thầy giảng
của giáo đoàn Đàng Ngoài và về cách thức tiến hành của họ, gửi cha Manoel Dias,
giám sát Nhật Bản và Trung Hoa), tài liệu nầy hiện lưu trử tại Văn Khố Hàn Lâm
Viện Sử Học Hoàng Gia Madrid Bồ Đào Nha. Gồm có một số phiên âm sau đây :
Sãy : Sãi
đức : đức
Chúa thanh đô : Chúa Thanh Đô
thầy : thầy
định : định
nhin : Nhơn (tên)
Nghệ an : Nghệ an
lạy : lạy
tri : Tri (tên)
bùi : Bùi (tên)
Quang : Quảng (tên)
tháng : Thắng (tên)
Coũ thàn : Công Thành
Sướng : Sướng (tên)
đàng ngoài : Đàng Ngoài
già : Già (tên)
Vó : Vó (tên)
nân : Nân (tên)
lồ : Lồ (tên)
đôủ thành : Đông thành (tên)
Kẻ chợ : Kẻ Chợ (tên)
Trong hai
tài liệu nầy, tài liệu thứ nhất có gần 400 chữ phiên âm, chưa được thống nhất
cách dùng mẫu tự ghi âm. Ví dụ :
Âm a ghi
ă (Hội ăn xã) hay ghi a (Nghệ an)
Âm ò ghi ô (oũ phô mả liêu) hay ũ (oũ phũ mả kiêm)
Có một số âm, phụ âm, dấu giọng không như ngày nay :
Các âm â ghi ă (hàng nấm)
----------- ê - e (huyẹn, hién)
----------- y - i (thầi)
----------- o - õ (bõy)
--------- âu - ăii (hầu)
Các phụ
âm : ng ghi ũ (oũ)
----------------- ch - yc (bạyc)
Các dấu
giọng : ? ghi ~ (cữa nam, phũ)
------------------- ~ - ? (Sấm phú xả, Nghỹa ăn xả)
Tuy nhiên
Gasparo d'Amiral cũng ghi được các âm như ngày nay :
a (nghệ
an ) ă (hàng nắm) â (thầi)
ê ( nghệ) ô (giỗ) ơ (chợ)
i (nghi xuôn) u (yêu nhău) ư (thương, vương)
Có đủ dấu
giọng:
không dấu
(nam, đô)
� (Thíc ca)
` (thầi phù thũi)
? (chúa cả)
~ (giỗ)
. (vĩnh tộ)
Tài liệu
thứ hai viết sau 5 năm, một số chữ viết ngày nay giống y như vậy: đức, chúa
thanh đô, thầy, Nghệ an, lạy, định ... Do đó chúng ta thấy Gasparo d'Amiral ghi
âm tiến bộ hơn các giáo sĩ khác, đó cũng là điều dĩ nhiên bởi vì từ tài liệu
của Jão Roiz hay Gaspar Luis viết từ năm 1621, đến tài liệu thứ nhất của
Gasparo d'Amiral có khoảng cách biệt trên 10 năm.
b.- Sự
đóng góp của Linh mục Đắc Lộ.
Linh mục
Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), người được Pháp đề cao đã sáng chế ra chữ Quốc
Ngữ, mang lại sự khai hóa cho dân tộc Việt Nam, với chiêu bài nầy để che đậy
hành động thực dân, xâm chiếm lãnh thổ và cai trị hà khắc dân tộc chúng ta. Để
hiểu rõ vấn đề nầy, chúng ta cần lướt qua tiểu sử và hành trình truyền giáo của
Đắc Lộ.
Đắc Lộ
sinh ngày 15-3-1591 tại Comtat Venaissin, tỉnh Avignon, miền Nam nước Pháp, tổ
tiên ông gốc Do Thái. Tổ phụ của ông đã di cư từ Tây Ban Nha sang Avignon vào
giữa thế kỷ XVI, thân sinh ông là Benadin II de Rhodes, được liệt vào hàng thân
hào, nhân sĩ trong vùng.
Đắc Lộ
gia nhập Dòng Tên ở La Mã ngày 14-4-1612, học tập chuyên về thần học và toán
học tại học viện Saint André du Quirinal, thụ phong linh mục tại La Mã năm
1618. Cũng trong năm nầy, ông được phép sang Đông Nam Á truyền giáo, ông đến
Lisbonne thủ đô Bồ Đào Nha, rồi từ đây đáp tàu đi Áo Môn ngày 04-4-1619, vì có
ghé qua Goa (Ấn Độ) nên ông đến Áo Môn ngày 29-5-1623, ông đặt chân lên Việt
Nam lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1624 tại Đà Nẳng, cùng với các linh mục
Gabriel de Mattos và một giáo sĩ Nhật.
Đắc Lộ
đến cơ sở truyền giáo Thanh Chiêm thuộc Quảng Nam Dinh, nơi đây có Linh mục
Francisco de Pina (sinh năm 1585 tại Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong năm 1617 và
chết đuối ở Quảng Nam năm 1625) và Antonio de Fontes (đến Đàng Trong tháng 12
năm 1624), tại đây Đắc Lộ học tiếng Việt với Francisco de Pina, tháng 7 năm
1626 ông rời Đàng Trong về Áo Môn, ngày 19-3-1627, ông cùng với Linh mục Pierre
Marquez đến của Bang ( Thanh Hóa), ở đây, hai ông có yết kiến Trịnh Tráng, rồi
sau đó theo chúa Trịnh ra Thăng Long, thời gian nầy hai Linh mục lập giáo đoàn
Đàng Ngoài, tháng 5 năm 1630, chúa Trịnh cấm đạo, trục xuất các giáo sĩ, Đắc Lộ
trở về Áo Môn.
Từ năm
1630 đến năm 1640, Đắc Lộ dạy thần học ở học viện thần học Áo Môn. năm 1640,
ông được cử đến Đàng Trong làm Bề Trên, thay thế Linh mục Buzomi vừa từ trần
tại Quảng Nam Dinh, ông ở đây cho đến ngày 3-7-1645, bị bắt buộc phải rời cơ sở
truyền giáo Thanh Chiêm, theo lệnh của quan Cai bộ áp dụng án trục xuất các
giáo sĩ của chúa Nguyễn. Kể từ đó, ông rời hẳn nước Việt Nam, trở lại Áo Môn
ông dạy tiếng Việt ở Học viện Thần Học, ngày 20-12 năm 1645 ông đáp tàu từ Áo
Môn đi Âu Châu, nhằm mục đích vận động thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam.
Ngày 16-11-1654,Toà
thánh La Mã cử Đắc Lộ làm Bề Trên của phái đoàn truyền giáo ở Ba Tư. Đầu tháng
11-1655, ông đáp tàu từ Marseille đi Ispaham thủ đô Ba Tư, và tại đây ông đã
trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5 tháng 11 năm 1660.
Giai đoạn
trước, giáo sĩ Đắc Lộ có để lại 3 tài liệu về chữ Quốc Ngữ vào năm 1625 và 1631
đã dẫn ở trên và giai đoạn sau nầy, ông cũng để lại 3 tài liệu khác viết vào
các năm 1636, 1644, 1647.
Tài liệu
năm 1634, viết tay có nhan đề: " Tunchinenois Historiae libri duo quorum
altero status temporalis hujus Regni, altero mirabiles evangelicae
praedications progressus refuruntur. Coeptae per Patres Societatis Jesu, ab
Anno 1627 ad Annum 1636 " ( Lịch sử Đàng Ngoài và những bước tiến triển
lớn lao mà phúc âm rao giảng đã làm ở nước nầy để cải hóa lương dân, từ năm
1627 đến năm 1636) Bản nầy ghi bằng La văn gồm 2 quyển, lưu trử tại Văn khố
Dòng Tên ở La Mã.
Các chữ
phiên âm trong quyển một.
Tung :
Đông
kin : kinh
Annam : An Nam
Ai nam : Hải Nam
Chúacanh : Chúa Canh
Che ce : kẻ Chợ (Thăng Long)
Chúa bàng : Chúa Bàng (đúng ra là Bình; Bình An Vương Trịnh Tùng)
Chúa õu : Chúa ông
Chúa thanh đô : Chúa Thanh Đô ( Thanh Đô Vương Trịnh Tráng)
uuan : vương
min : minh
bát min : bất minh
thuam : thuận
uan : văn
uu : vũ
gna ti : nhà ti
gna hien : nhà hiến
Cai phu : cai phủ
Cai huyen : cai huyện
Bua ; vua
den : đền
sin do : sinh đồ
huan cong : hương cống
tin si : tiến sĩ
tam iau : tam giáo
dạu nhu : đạo nhu (nho)
dạu thíc ; đạo thích
Thicca, Thic ca, Thiccả : Thích ca
sai ca : Sãi cả
lautu : Lão tử
Giô : giỗ
Cu hồn : Cô hồn
ba hon : ba hồn
Chin via : Chín vía
dum : Đồng (tên)
Các chữ
phiên âm trong quyển hai
Cửa bang
: Cửa Bạng (Thanh Hóa)
Phạt : Phật
bụt : Bụt
dang : Đàng
ciiia oũ : chúa ông
ciiia ban uuan : chúa Bằng vương
ciii sai : chúa Sãi
ciii canh : chúa canh
thinh hoa : Thanh Hóa
thai : thầy
sai vai : Sãi Vãi
Che vich : kẻ vích (cửa Vích, cửa sông ở phía Bắc Thanh Hóa)
Che no : Kẻ Nộ
Gne an : Nghệ An
bochin : bố chính
Rum : Rum
kiemthuong : Kiêm Thượng
Phuchen : Phục chân
cà : Cà
cã : cả
cá : cá
tlẽ : trẻ
tle : tre
Tài liệu
năm 1644, Đắc Lộ viết bằng Bồ văn tại Thanh Chiêm, nhan đề: " Relacão do
glorioso Martirio de Andre Cathequista Protomartir de Cochinchiana alanceado, e
degolado em Cachão no 26 de Julho de 1644 Tendo de Idade dezanove annos "
( Tường thuật cuộc tử đạo vinh hiển của Thầy giảng An-Rê, vị tử đạo tiên khởi ở
Đàng Trong, đã bị đâm chém tại kẻ Chàm ngày 26-7-1644, tử đạo lúc 19 tuổi), tài
liệu nầy có những chữ phiên âm và câu phiên âm :
Ounghebo,
Oũnghebo : Ông Nghè Bộ
Giũ nghĩa
cũ d chúa Jesu cho den het hoy, cho den blon doy : Giữ nghĩ cùng đức chúa Jesu
cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.
Tài liệu
năm 1647, Đắc Lộ viết bằng La văn tại Macassar ngày 4-6-1647 có nhan đề :
" Alexandre Rhodes è Societate jesu terra marique decẽ annorũ Itinerarium
" ( Cuộc hành trình mười năm trên bộ, dưới biển của Đắc Lộ thuộc Dòng
Tên), tài liệu nầy có các phiên âm như sau:
Ciam:
Chàm
Ranran : Ran ran
Ké han : Kẻ Hàn
On ghe bo : Ông nghè Bộ
ke cham : kẻ Chàm
halam : Hà Lan
Cai tlam, Caitlam : Cát Lâm
ben da : Bến đá
Qui nhin : Qui Nhơn
Nam binh : Nam Bình
Bao bom : Bầu vom
Quan Ghia : Quảng Nghĩa
Nuoc man : Nước Mặn
bau beo : Bầu Bèo (?)
liem cum ; Liêm công
Quanghia : Quảng Nghĩa
Baubom : Bầu Vom
bochinh : Bố chính
Oũ ghe bo : Ông nghè Bộ
Sau khi
đối chiếu tiểu sử của Gasparo d'Amiral và Đắc Lộ cùng các tài liệu phiên âm như
trên, chúng ta có nhận định sau :
1) Linh
mục Gasparo d'Amiral phiên âm có tự dạng gần với chữ Việt chúng ta viết ngày
nay, hơn là các phiên âm của Đắc Lộ, thử so sánh :
Tài liệu
Gasparo d'Amiral 1632 : Tài liệu Đắc Lộ 1636
-----------------
Thanh đô vương -------- thanh đô
----------------- Nhà ti --------------------- gna ti
----------------- Nhà hién ----------------- gna hien
----------------- Nghệ ăn, nghệ an ------ Gne an
----------------- Bố chính ----------------- bochin
2)
Gasparo d'Amiral phân biệt được một số dấu giọng như đã vạch ra ở phần trước,
trong khi Đắc Lộ lại ít dùng dấu giọng.
3) Ngay
trong cách phiên âm của Đắc Lộ, tài liệu sau phiên âm kém hơn tài liệu trước.
Trái lại, Gasparo d'Amiral phiên âm tài liệu năm 1637 khá hơn tài liệu năm
1632.
Năm 1632,
bảng tường trình của Gasparo d'Amiral gửi cho Linh mục André Palmeiro, giám sát
các tỉnh Nhật, trung Hoa lúc đó Đắc Lộ cũng ở tại Áo Môn (1630-1640), là người
tha thiết với các giáo đoàn truyền giáo tại Việt Nam, chắc chắn Đắc Lộ có xem
qua bảng tường trình nầy.
Từ năm
1638-1645 Gasparo d'Amiral ở tại Áo Môn, như vậy họ đã có thời gian ở bên nhau
2 năm 1638-1640, rồi tháng 7 năm 1645 đến 20-12-1645 Đắc Lộ từ Việt Nam trở lại
Viện Thần Học Áo Môn, phụ trách dạy tiếng Việt, còn Gasparo d'Amiral đã soạn
quyển Tự vựng Việt La, như vậy cả hai có thêm thời gian ở bên cạnh nhau, lại
cùng hoạt động chung bộ môn tiếng Việt, điều đó cho ta thấy chắc chắn Đắc Lộ có
chịu ảnh hưởng của Gasparo d'Amiral về lãnh vực tiếng Việt.
Tài liệu
Đắc Lộ viết năm 1647 tại Macassar, chứng tỏ rằng sau khi ông rời Việt Nam ngày
20-12-1645, ông vẫn chưa có được một hệ thống phiên âm vững chắc và gần gủi với
chữ Quốc ngữ ngày nay.
c.- Sự
đóng góp của Linh mục Antonio Barbosa
Antonio
sanh năm 1594 tại ville de Arrifana de Sonza, Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên vào
ngày 13-3-1624. Năm 1629, ông được cử đến truyền giáo ở Đàng Trong và đến tháng
4 năm 1636, ông có đến Đàng Ngoài truyền giáo. Cho đến tháng 5 năm 1642, vì lý
do sức khỏe, ông phải trở về Áo Môn tịnh dưỡng. Cũng do tình trạng sức khỏe
không tốt nên sau một thời gian tịnh dưỡng, ông rời Áo Môn đi Goa và ông đã từ
trần trên đường đến Goa năm 1647.
Mặc dù
ngày nay Antonio không có để lại tài liệu Quốc ngữ nào, nhưng Đắc Lộ đã cho
biết : " Tôi lợi dụng
công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc Dòng Tên, nhất là của Gasparo
d'Amiral và Antonio Barbosa. Cả hai ông nầy, mỗi ông đều làm một cuốn tự điển.
Ông Gasparo d'Amiral làm cuốn Annamiticum - Lusitanium; ông Antonia Barbosa làm
cuốn Lusitanum - Annamiticum. Nhưng tiếc rằng cả hai ông đều chết sớm. Tôi lợi
dụng công việc của cả hai ông viết ra cuốn tự điển mới, có chua thêm tiếng La
tinh, mục đích để giúp người bản xứ học tiếng La tinh theo lệnh của các đức
hồng y." ( 4 )
d.- Sự
đóng góp của người Việt
Dù sao,
khởi thủy chữ Quốc ngữ hình thành cũng nằm trong mục đích chánh là phương tiện
truyền giáo cho các giáo sĩ thuộc Dòng Tên ở Việt Nam. Bên cạnh các giáo sĩ,
giáo dân Việt Nam thời đó không nhiều thì ít cũng có đóng góp trong lúc hai
linh mục Gasparo và Antonio soạn hai quyển tự điển của họ, điều đó tuy không có
chứng cứ, nhưng theo suy luận hợp lý, cho phép chúng ta tin như vậy.
Ngoài ra
trong thời kỳ nầy còn có tài liệu của 14 giáo dân Việt Nam ghi bằng chữ Quốc
ngữ, về việc họ xác nhận tán đồng ý nghĩa mô thức rửa tội, do 31 linh mục Dòng
Tên thảo luận ở Viện Thần Học tại Áo Môn năm 1645
Tài liệu
nầy là một bản La văn do các linh mục Dòng Tên soạn, để trả lời cho Linh mục
Sebastião de Jonaya, nhan đề: " Cirra formam Baptismi Annamico Idiomate
prolatam' ( Chung quanh mô thức rửa tội bằng thổ ngữ An Nam). Phần chữ Quốc ngữ
của 14 giáo dân Việt Nam ghi như sau:
"
Nhin danh Cha uà con uà Su-phi-ri-to-sang-to í nài An-nam các bỏn đạo thì tin
ràng ra ba danh ví bàng muốn í làm một thì phải nói nhin nhít danh cha etc.-
tôy là Giu ão câi trâm cũ nghi bậi - tôy là An re Sen cũ nghi bậi - tôy là Ben
tò vẫn triền cũ nghi bậi - tôy là Phe ro uẫn nhit cũ nghi bậi - tôy là An jo
uẫn tãu cũ nghi bậi - tôy là Gi-ro-ni-mo cũ nghi bậi - tôy là I-na sô cũ nghi
bậi - tôy là tho-me cũ nghi bậi - tôy là Gi-le cũ nghi bậi - tôy là lu-i-si cũ
nghi bậi - tôy là Phi-lip cũ nghi bậi - tôy là Do-minh cũ nghi bậi - tôy là
An-ton cũ nghi bậi - tôy là Giu ão cũ nghi bậi " ( nhân danh Cha và con và
Su-phi-ri-to Sang-to Spirito Santo ý nầy An nam các bổn đạo thì tin rằng ra ba
danh. Ví rằng muốn ý làm mộy thì phải nói : nhân danh Cha vân vân. Tôi là Giu
an Cai (?) Trâm cũng nghĩ vậy - Tôi là An rê Sen cũng nghĩ vậy - Tôi là Ben tô
Văn Triều cũng nghĩ vậy - Tôi là Phê rô Văn Nhất cũng nghĩ vậy - Tôi là An gio
Văn Tang cũng nghĩ vậy - Tôi là Gi-rô-i-mô cũng nghĩ vậy - Tôi là Gi le cũng
nghĩ vậy - Tôi là lu-i-si cũng nghĩ vậy - Tôi là Phi líp cũng nghĩ vậy - Tôi là
Đô Minh cũng nghĩ vậy - Tôi là An ton cũng nghĩ vậy - Tôi là Giu an cũng nghĩ
vậy).
Như thế,
chúng ta thấy rõ đây là một bản văn Quốc ngữ của 14 người Việt Nam xác nhận mô
thức rửa tội năm 1645 của các linh mục Dòng Tên và đây là tài liệu cho chúng ta
thấy sự đóng góp của người Việt Nam trong tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ.
Qua so
sánh, chúng ta có thể thấy rằng chữ Quốc ngữ năm 1645 chỉ giống chữ viết ngày
nay khoảng 45%, và thời kỳ sáng tạo chữ Quốc ngữ khởi đầu từ năm 1621 đến đây
đã chấm dứt, để chuyển sang thời kỳ kế tiếp.
Tưởng
cũng nên nhắc lại, từ khi khởi đầu phiên âm cho đến khi hình thành chữ Quốc
ngữ, không phải là sự ngẫu nhiên, bởi vì giáo đoàn truyền giáo Dòng Tên trước đó
đã hoàn tất việc việc La tinh hóa chữ Nhật, để truyền giáo tại Nhật Bản. Nhật
Bản cũng như Việt Nam ta, thuở đó mỗi nước đều có chữ Quốc ngữ biến chế từ chữ
Hán, nước ta gọi là chữ NÔM, muốn biết chữ Nôm, đòi hỏi người ta phải am tường
chữ Hán, chữ Hán vốn đã khó học rồi thì chữ Nôm lại càng khó hơn, chính vì thế
mà các linh mục đã La tinh hóa chữ viết của Nhật cũng như Việt Nam, để cho công
việc truyền giáo của họ được dễ dàng hơn.
II. Thời Kỳ Xây Dựng
1. Khái
Quát.
Theo tiến
trình hình thành chữ Quốc ngữ, cho đến khi quyển Dictionarium Annamaticum
Lusitinum et Latinum của Alexandre de Rhodes được in tại La Mã năm 1651, chữ
Quốc ngữ đã bước sang giai đoạn mới. Giai đoạn nầy bắt đầu từ công trình của
hai Linh mục Antonio Barbosa và Gasparo d'Amiral khi hai ông biên soạn
Dictionarium Lusitanum - Annamaticum và Annamiticum - Lusitanum nhưng cả hai
quyển nầy ngày nay chưa được khám phá.
Các nhà
nghiên cứu cho rằng hai quyển tự điển vừa kể, có thể đã bị thất lạc do các cuộc
di chuyển văn khố Dòng Tên từ Áo Môn qua Manila khoảng năm 1759-1760, và sau đó
nhà cầm quyền Tây Ban Nha tịch thu các tài liệu ở văn khố Dòng Tên tại Manila
vào khoảng năm 1770 đem về Madrid, nên ngày nay không tìm thấy vết tích 2 quyển
tự điển nầy ở Áo Môn, Manila và ở Madrid cũng không tìm thấy chúng.
Linh mục
Thanh Lãng có cho biết tại Tòa Thánh La Mã hiện có 2 cuốn tự điển do Linh mục
Philipphé Bỉnh sao lục, không đề tên tác giả, đó là quyển : Dictionarium
Annamiticum - Lusitanum ký hiệu Borg Touch 23 dầy 288 trang và Dictionarium
Lusitanum - Annamiticum ký hiệu Touch 23 dầy 324 trang.
Philipphé
Rosario Bỉnh sanh tại Hải Dương năm 1759, vào chủng viện năm 1775. Được phong
Thầy Cả sau khi mãn khóa học.
Ngày
20-6-1796, ông đến Lisbonne thủ đô Bồ Đào Nha, tại đây ông theo dõi tình hình
giáo hội và sáng tác gồm 23 tác phẩm gồm Bồ văn, La Tinh, Nôm và Quốc ngữ,
trong số ấy có tác phẩm "
Truyện An-nam Đàng ngoài chí Đàng trão ". Ông mất tại Lisbonne năm 1832.
Căn cứ
vào công trình của Philipphé Bỉnh, vào những điều của Linh mục Thanh Lãng cho biết,
chúng ta có thể đi đến kết luận là quyển Dictionarium Annamiticum - Lusitanum
của Gasparo d'Amiral và Dictionarium Lusitanium - Annamiticum của Antonio
Barbosa đều có ở tại Lisbonne nơi mà Philipphé Bỉnh đã ở và làm việc, nên ông
đã sao chép lại quyển tự điển, nó cũng chứng tỏ rằng Linh mục Đắc Lộ đã mang 2
quyển sách trên từ Áo Môn về Âu châu, có lẽ trước tiên ông định in 2 quyển tự
điển nầy, về sau ông đã dựa vào đó soạn và in ra quyển Dictionarium Annamiticum
Lusitanum et Latinum, nên 2 quyển tự điển kia không cần thiết phải in nữa.
Chọn năm
1651 là năm đánh dấu sự hoàn tất công trình điển chế chữ Quốc ngữ, nhằm mục
đích làm phương tiện truyền giáo của các giáo sĩ Tây Phương, bởi vì chẳng những
quyển tự điển Dictionarium Annamiticum Lusitinum et Latinum được in mà còn có
quyển " Cathéchismus " (Phép giảng tám ngày), cũng được in trong năm
nầy.
2. Thời
kỳ soạn thảo quyển tự điển An Nam - Bồ Đào Nha - LaTinh
Cho đến
nay, chưa có tài liệu nào công bố thời gian và địa điểm Đắc Lộ đã soạn quyển
Dictionarium Annamiticum Lusitinum et Latinum. Theo đoạn văn trích dịch ở trên,
chúng ta biết rằng Đắc Lộ soạn quyển tự điển nầy dựa vào công trình hai quyển
tự điển của Gasparo d'Amiral và Antonio Barbosa.
Nhưng
công trình của 2 linh mục nầy không được in ra, chưa tìm thấy bản gốc, cũng
chưa tìm thấy tài liệu nào cho biết thời gian biên soạn hay hoàn tất của chúng,
để từ đó có thể giúp chúng ta xác định thời gian Linh mục Đắc Lộ soạn quyển tự
điển của ông. Đặt ra vấn đề nầy để xác nhận thời điểm, trong những giai đoạn
của tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ.
Theo vết
chân của Đắc Lộ, chúng ta biết ông có thể soạn quyển tự điển, trong khoảng năm
1630-1640 là thời gian ông dạy thần học ở Học viện thần học tại Áo Môn. Nhưng
mà thời gian nầy không chắc Linh mục Antonio Barbosa đã soạn xong quyển Tự điển
Bồ Đào Nha - An Nam, vì thời gian 1620-1642 ông đang truyền giáo Đàng Trong rồi
Đàng Ngoài, thời gian nầy Linh mục Antonio học hỏi tiếng Việt, và từ năm 1642
đến năm 1647 ông có ở Áo Môn để dưỡng bệnh, có lẽ thời gian nầy Linh mục
Antonio đã biên soạn và hoàn tất quyển tự điển của mình trước tháng 12 năm
1645.
Còn Linh
mục Gasparo d'Amiral sau thời gian ở Đàng Ngoài 7 năm, từ năm 1638-1645 ông ở
tại Áo Môn giữ chức Viện trưởng Viện thần học kiêm Phó Giám Tỉnh Nhật và Trung
Hoa, chắc chắn thời gian nầy ông đã phối hợp với Linh mục Antonio Barbosa để
biên soạn và hoàn tất quyển tự điển An Nam - Bồ Đào Nha.
Tóm lại
các quyển tự điển An Nam Bồ Đào Nha và Bồ Đào Nha An Nam được soạn trong khoảng
1638-1645. Vì năm 1645, Linh mục Gasparo bị đắm tàu chết đuối và trước đó ít
hôm, Linh mục Đắc Lộ đã rời Áo Môn trở về Âu Châu, chúng ta lại biết thêm rằng,
thời gian từ 3-7-1645 đến 20-12-1645 là thời gian cả 3 linh mục Đắc Lộ, Gasparo
d'Amiral và Antonio Barbosa đều có mặt tại Thần Học Viện ở Áo Môn, chắc chắn họ
đã có quyết định giao cho Đắc Lộ mang 2 quyển tự điển của họ về nhà in của Bộ
Truyền giáo ở La Mã để in, cho nên ngày nay bản gốc 2 quyển tự điển trên không
tìm thấy ở Áo Môn, Manilia hay Tây Ban Nha.
Linh mục
Đắc Lộ rời Áo Môn ngày 20-12-1645, và đến La Mã ngày 27-6-1649, có lẽ thời gian
nầy ông bắt đầu soạn quyển Tự điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh, nhằm mục đích
để cho các Linh mục truyền giáo ở Việt Nam được dễ dàng hơn. Ý ấy đã được các
Hồng y chấp thuận như ông đã ghi ở bài tựa quyển Tự điển.
Vậy thời
điểm Đắc Lộ soạn quyển Dictionarium Annamaticum Lusitinum et Latinum là khoảng
năm 1645- 1649, và ngày 5-2-1651 quyển nầy được Linh mục F. Piccolomineus Bề
Trên Cả Dòng Tên cho phép xuất bản. Và sau đó quyển Cathéchismus được soạn
trong khoảng năm 1649 - 1651, cuốn nầy được Linh mục L. M. Gosswinus Nickel
quyền Bề Trên Cả cho phép xuất bản ngày 8-7-1651, nó đóng vai trò quan trọng trong
công cuộc truyền giáo, nên trong phiên họp các Hồng Y và giáo chủ ngày
2-10-1651 đã quyết định ra lệnh cho nhà in của Bộ Truyền giáo ngưng in các ấn
phẩm khác, để nhanh chóng in cho xong quyển Cathéchismus.
3. Nội
Dung Quyển Dictionarium Annamaticum et Latinum
Quyển
sách nầy trừ lời tựa, nó được chia thành ba phần chính:
a. Phần
I. Linguae Annamaticae seu Tunchinensis brevis declaratio ( tức là phần Ngữ Pháp Việt Nam được soạn
bằng La văn gồm 31 trang, chia thành 8 chương:
Chương I
.- De literis et syllabis quibus hase lingue constat (chữ và vần trong tiếng
Việt)
Chương II.- De Accentibus et aliis signis in vocalibus dấu nhấn và các dấu)
Chương III.- De Nominibus (Danh từ)
Chương IV.- De Pronominibus (Đại danh từ)
Chương V.- De Aliis Pronominibus (các Đại danh từ khác)
Chương VI.- De Verbis (Dộng từ)
Chương VII.- De Reliquis oratiomis indeclinabilibus (những phần bất biến)
Chương Chót.- Pracepta quacdam ad syntaxim pertinentia (cú pháp)
b. Phần
II. Dictionarium Annamiticum seu Tunchinense cum lusiatna, et latina
declaratione.
Phần nầy
không đánh số trang, chỉ đánh số cột, mỗi trang chia làm 2 cột, có tất cả 900
cột, nhưng từ mẫu tự nọ sang mẫu tự kia thường để một vài trang giấy trắng.
Chúng ta cũng nên chú ý, mẫu tự b (phụ âm v ngày nay, vì có tự dạng gần giống
như mẫu tự b, nên được xếp tiếp sau mẫu tự b)
Mỗi chữ
Việt được giải nghĩa theo thứ tự chữ Bồ rồi mới đến chữ La tinh.
c. Phần
III. Index Latini sermonis.
Phần nầy mỗi trang chia làm 2 cột, không có ghi số trang và số cột, nhưng có
tất cả 350 cột, tức là 175 trang. Trong mỗi cột, tác giả liệt kê các chữ La
tinh, bên cạnh mỗi chữ có ghi số cột của chữ La tinh ấy ở Phần II. Như vậy
người biết chữ La tinh sẽ tra cứu được chữ Việt tương ứng.
Sau khi
biết khái quát về quyển tự điển nầy, chúng ta có những nhận định sau đây :
* Công
trình điển chế Việt ngữ của Đắc Lộ chẳng những đã hệ thống hóa phương pháp ghi
âm ngôn ngữ Việt Nam mà còn là một tác phẩm căn bản, để từ đó Việt ngữ được hợp
lý hóa các âm thể như ngày nay.
* Dù sao
thì công trình của Đắc Lộ cũng chỉ nhằm giúp những người biết chữ La tinh hay
Bồ Đào Nha học Việt ngữ, Đắc Lộ không có công trình nào nhằm vào sự phổ biến
chữ Quốc ngữ nầy cho người Việt, cũng vì thế mà từ 1651 đến 1866, hơn 2 thế kỷ
chữ Quốc ngữ chỉ được phổ biến giữa các giáo sĩ và một ít giáo dân mà thôi.
* Cho đến
khi quyển " Chuyện Đời
Xưa " của Trương Vĩnh Ký
ra đời năm 1866, vẫn còn ghi ở lời Tựa "...
cùng là có ý cho người ngoại quốc muốn học tiếng An Nam, coi mà tập hiểu cho
quen. " Điều nầy đủ
chứng tỏ chữ Quốc ngữ trước đó, có mục đích giúp cho người ngoại quốc học tiếng
Việt.
* Ngày
nay một số tự điển nhằm mục đích giảng giải, phần đầu của tự điển có phần tóm
lược ngữ pháp, chẳng hạn như quyển Anh Việt, Việt Anh Tiêu Chuẩn Tự Điển của Lê
Bá Kông, sự trình bày cũng giống như hình thức trình bày ở phần đầu quyển Tự
điển Việt - Bồ - La của Đắc Lộ.
4. Các
Tác Phẩm Tiêu Biểu Khác.
a.
Quyển Cathéchismus
Ngay
trong năm 1651, Quyển Cathéchismus ( Phép Giảng Tám Ngày) là một bản văn chữ
Quốc ngữ xưa nhất còn lại ngày nay, nó cũng là bản văn được nhiều người biết
đến, đấy là công trình của Đắc Lộ, tuy chỉ nhằm mục đích truyền giáo, nhưng
ngày nay nó đã trở thành một chứng liệu quý giá để xác định một bản văn hoàn
toàn dùng Quốc ngữ.
Cathéchismus
là một quyển sách giáo lý, viết cho người giảng dạy giáo lý dùng để truyền
giáo. Mỗi trang sách chia làm 2 cột, cột bên trái là chữ la tinh và cột bên
phải là chữ Quốc ngữ. Sách có 319 trang, không có lời tựa.
Sách
không chia từng chương, mà chia thành ngày học, gồm có 8 ngày, cho nên còn được
gọi tên là " Phép giảng
tám ngày " , phân chia
như sau :
- Ngày
thứ nhất : Đạo thánh đức Chúa Trời.
- Ngày thứ hai : Đức Chúa Trời.
- Ngày thứ ba : Đức thợ cả
- Ngày thứ tư : Những đạo vạy
- Ngày thứ năm : Một đức chúa Trời ba ngôi - Đức chúa Trời ra đời cứu thế.
- Ngày thứ sáu : Thầy thuốc cả.
- Ngày thứ bảy : Con chiên lành.
- Ngày thứ tám : Một bậc thang lên Thiên đàng.
Sách
không chia ra các tiểu mục, trong khi sao lục để tái bản, André Marillier dựa
vào nguyên tắc để chia ra các tiểu mục. Chẳng hạn như Ngày thứ tư : Những đạo
vạy :
* Con
cháu ông Adam.
* Ông Noe và lụt cả
* Tháp Babel
* Nước đại minh phân ra nhiều đạo vạy
* Đạo bụt : giáo ngoài và giáo trong
* Đạo lão
* Đạo Nho : Việc thờ ông Khổng.
* Những sự dối trá của Thích Ca về linh hồn ta
* Những điều lầm lỗi trong việc thờ cúng cha mẹ
* Linh hồn ta chẳng hay chết.
Quyển
Cathéchismus là một quyển sách Quốc ngữ được in đầu tiên vào năm 1651, nó mở
đầu cho công cuộc truyền bá giáo lý Thiên chúa giáo bằng sách Quốc ngữ tại Việt
Nam.
b. Các
Tài Liệu Viết Tay
Ngày nay
tại văn khố Dòng Tên ở La Mã còn có 2 tài liệu viết tay của 2 người Việt, đó là
Igesico Văn Tín và Bento Thiện.
Tài liệu
của Igesico Văn Tín là một lá thư viết ngày 12-9-1659, không đề nơi chốn gửi,
mà cũng không ghi tên người nhận, nhưng do những chi tiết trong thư, người ta
hiểu được là Văn Tín viết tại kẻ Vó, gửi cho Linh mục Marini lúc đó dang ở La
mã. Nội dung thư, đại ý nói về các hoạt động truyền giáo tại kẻ Vó ( Đàng
Ngoài), sau khi các giáo sĩ Tây phương bị chúa Trịnh trục xuất khỏi Đàng Ngoài,
và bày tỏ lòng thành kính đối với Linh mục Marini ( 5 )
Còn tài
liệu của Bento Thiện gồm có một bức thư viết tay, viết năm 1659 và một tập tài
liệu. Cả hai đều lưu trử tại Văn khố Dòng Tên ở La Mã. Về bức thư, tuy không có
ghi ngày, nhưng mở đầu bức thư, ông có ghi ngày viết là ngày lễ Daria tức là 25
tháng 10.
Ở hàng
trên cùng hay dòng thứ nhất của bức thư nầy, có ghi dòng chữ Bồ " Ao Pe
Philipe Marino " ( Gửi cho cha Philipe Marino - Marini), dòng thứ hai ghi
bằng chữ La Tinh " Pax Christi " ( Bằng an chúa Ky-tô), từ dòng thứ
ba trở đi là chữ Quốc ngữ.( 6)
Nội dung bức thư nầy, ông nói về tình hình truyền giáo tại Đàng
Ngoài, cùng những lời ca ngợi của chính Bento Thiện cũng như của những giáo dân
đã nhờ ông chuyển lời thăm hỏi đến Linh mục Marini.
Ngoài ra Bento Thiện cũng có đề cập tới việc Marini nhờ ông viết
một số tài liệu về Việt Nam, ông cho biết đã làm xong " hai vở
" ( 7 ), và gửi nơi Linh mục Onofre để nhờ chuyển tới
cho Marini.
Còn về tập tài liệu (hai vở) ( 8 ), nó gồm có 2 phần, phần
trước gồm có : Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy cho đến Trịnh Nguyễn phân tranh,
tuy tóm lược nhưng cũng khá đầy đủ, phần nầy gồm có 6 trang khổ 20 x 29 cm.
Phần sau cũng gồm có 6 trang cùng khổ giấy, nội dung gồm có : Ghi chép phong
tục, tổ chức quan lại, thi cử, tổ chức hành chánh, kể ra các xứ, phủ, huyện,
châu, động, xã, thôn ở Đàng Ngoài và phần cuối cùng là tín ngưỡng.
Những tài liệu nầy có chụp hình và in lại trong quyển Lịch sử chữ
Quốc ngữ 1620-1659 của Linh mục Đỗ Quang Chính, nói chung thì chữ Quốc ngữ viết
vào thời kỳ nầy rất khó đọc, chỉ có chừng 50% là có tự dạng giống như ngày nay.
Qua những lời lẽ viết trong thư của Văn Tín và Bento Thiện cho
chúng ta thấy rằng, sự diễn đạt bằng Quốc ngữ thời ấy không được suông sẻ, dữ
kiện nầy không thể kết luận rằng trình độ văn hóa của người viết kém, vì Bento
Thiện đã viết được lịch sử Việt Nam ... chẳng qua chữ Quốc ngữ chưa được phổ
biến, chưa có quy củ để có thể diễn đạt tư tưởng dễ dàng, trong sáng, cho nên
câu văn kém văn hoa.
5. Thời kỳ của Pièrre Joseph Georges Pigneau
de Béhaine và J. L. Tabert.
a. Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine
(1741-1799)
Ông là Giám mục d'Adran, người Pháp thuộc dòng Thừa sai, trong
thời gian ở chủng viện Virampatman gần Pondichéry (Ấn Độ), ông có nghiên cứu về
Khổng Mạnh và có soạn bộ tự vị Việt - La tinh (Dictionarium Annamatica -
Latinum). Bản sao ghi năm 1772, còn lưu trử tại văn khố của hội Thừa sai Paris.
Sách chưa kịp in ra thì ông mất.
b. J. L. Tabert (1794-1840).
Giám mục Tabert cũng thuộc dòng Thừa sai, ông có ở Sàigòn và soạn
hai quyển tự vị : Dictionarium Annamatico - Latinum và Dictionarium Latino -
Annamaticum, theo các nhà nghiên cứu như Adrien Launay, Linh mục Lepold Cadière
đều cho rằng Tabert đã dựa vào công trình của d'Adran để soạn thảo. Quyển
Dictionarium Annamatico - Latinum (Nam Việt Dương Hiệp Tự Vựng) được ấn hành do
nhà Serampore, Extypis J. C. Marshman năm 1838.
Đến thời kỳ nầy các phụ âm đầu bl (blõ : trở), ml (mlòy: lời), tl
(tlẽi : trẩy) vận cản /~/ (oũ : ông) đều được cải tiến như tự dạng ngày nay.
Nói chung đến thời kỳ nầy, chữ Quốc ngữ đã hoàn bị, hay nói khác
hơn là chữ Quốc ngữ trong quyển Nam Việt Dương Hiệp Tự Vựng của Linh mục Tabert
và chữ Quốc ngữ ngày nay không mấy khác biệt, và chữ Quốc ngữ cũng chỉ là
phương tiện truyền giáo, cũng giống như tình trạng trước kia, nó chỉ được phổ
biến giữa các giáo sĩ truyền giáo ở Việt Nam và một số rất ít giáo dân người
Việt.
Phải đợi đến năm 1866, năm quyển " Chuyện Đời Xưa
" của Trương Vĩnh Ký ra đời, chữ Quốc ngữ mới được phổ biến với
mục đích truyền bá cho người Việt, và phải đợi đến năm 1882, nhà cầm quyền Pháp
ban hành Nghị định, bó buộc các viên chức hành chánh xã thôn trong khắp cõi Nam
Kỳ, phải thông hiểu chữ Quốc ngữ, nó đánh dấu thời điểm chữ Quốc ngữ được sử
dụng chính thức tại miền Nam. Như vậy, từ khi manh nha cho đến khi được dùng
làm văn tự chính thức trên vùng đất thuộc địa của Pháp, chữ Quốc Ngữ phải trải
qua một thời gian trên hai thế kỷ rưỡi để hoàn thiện cấu trúc tự dạng.
C. Kết Luận
Do các Linh mục dùng chữ Quốc ngữ, để truyền bá đạo Thiên chúa,
thực dân Pháp sử dụng chữ Quốc ngữ thành công cụ cai trị. Người miền Nam sống
trên dải đất Nam Kỳ tuy mới thành lập, nhưng họ cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng
của đạo Phật, Khổng hay Lão, lại có cá tính hào hùng, cho nên những người yêu
nước, người bình dân chống lại việc học chữ Quốc ngữ nầy, tinh thần ấy được ghi
lại trong Ca dao:
Khuyên anh về học lấy chữ Nhu, ( 9 )
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.
Biết được tiến trình hình thành của chữ Quốc ngữ, chúng ta mới
hiểu rằng không phải chỉ có Linh mục Đắc Lộ, là người có công sáng chế ra chữ
Quốc ngữ, mà trước đó còn có nhiều người khác, gồm các giáo sĩ Tây phương
vàngười Việt Nam.
Phải đợi đến những nhà văn tiền phong như Trương Vĩnh Ký, Trương
Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, sáng tác văn chương, đẩy mạnh việc truyền bá chữ Quốc
ngữ, trong đó Huình Tịnh Của soạn quyển Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, in năm 1896. Họ
đã là những nhà văn lớn, gây thành những phong trào tiên phong sau nầy về các
địa hạt: báo chí, dịch truyện tàu, viết tiểu thuyết và ngay cả phong trào thơ
mới cũng bắt đầu từ miền đất Nam Kỳ nầy.
Huỳnh Ái Tông
Source : Hậu Giang
(1). Chữ Nôm là mượn âm Hán Việt để ghi âm tiếng
Việt.
(2). Christofora Borri đến
Đàng Trong năm 1618, ông theo Linh mục Buzomi và Pina đến lập cơ sở ở Nước Mặn,
ông rời Đàng Trong năm 1621 về Áo Môn, rồi sau đó về Âu Châu.
(3). Borri, Relation della
nuova missione delli PP. della Compania di Giesu, al regno della Cocincina,
scritta dal Padre Christoforo Borri, Milanese della medesima Compania, Roma,
1631 ( Sự liên hệ về giáo đoàn mới của các linh mục Dòng Tên, ghi bởi linh mục Christoforo
Borri người Milan thuộc giáo đoàn nầy).
(4). Võ Long Tê, Lịch sử
Văn học công giáo Việt Nam, Tư Duy, Sàigòn 1965 trang 192-193.
(5). Đỗ Quang Chính Lịch Sử
Chữ Quốc Ngữ 1620-1659, Ra Khơi, Sàigòn 1972, trang 92-98.
(6). Sách Lịch Sử Chữ Quốc
Ngữ 1620-1659 đã dẫn trên, trang 100-107
(7). Bento Thiện gọi là 2
vở, đó là 2 tập vở. Xưa kia chuyển vận Âu- Á bằng đường thủy, có lẻ sợ bị nạn
đắm tàu, nên sao thêm 1 tập, để gửi 2 chuyến tàu khác nhau, cho nên tuy 2 nhưng
chúng chỉ là một, ngày nay cả 2 tập vở ấy, tồn trử tại Văn Khố Dòng Tên ở La
Mã.
(8). Sách Lịch Sử Chữ Quốc
Ngữ 1620-1659 đã dẫn trên, trang 108-109 và phụ lục.
(9). Chữ Nhu là âm Hán
Việt, âm Nôm đọc là Nho, chỉ cho chữ Hán.
Huỳnh Ái Tông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét