Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Nửa vầng trăng giữa lòng thành phố

Nửa vầng trăng giữa lòng thành phố 
Với dấu ấn trong lòng người xứ nhãn khi đi xa về gần, Hồ Bán Nguyệt trở thành một phần linh hồn của thành phố Hưng Yên.
Nó được hình thành bằng thiên tạo và nhân tạo. Dấu tích của một lần đê vỡ thuở xa xưa? Một mảnh rơi đứt đoạn của Hồng Hà nặng đỏ phù sa muôn đời? Không biết ông quan sở tại nào ngày xưa là người nảy ra ý tưởng biến khúc quẹo của dòng sông hay vực xoáy, vét nạo phù sa đào đắp nên Bán Nguyệt Hồ để lưu giữ lại một mảnh vỡ của dòng sông trước khi trôi về biển? Không biết những người dân nào tự buổi xa xăm ấy đã dùng mai cuốc, gánh gồng, ghé vai vật đất để tạo nên hồ? Ai đã trồng hàng cây trăm năm tuổi tỏa bóng mát xuống hồ, xào xạc gió nổi đêm trăng, ríu rít tiếng chim bình minh buổi sớm?
Hồ Bán Nguyệt là cái tên tượng hình, gợi nửa vầng trăng. Trăng vốn ở chốn mênh mang xa thẳm của vũ trụ được kéo xuống trần gian gần gũi. Sự ví von bắt nguồn từ những tâm hồn thơ mộng muốn phả hồn vào hình sông dáng núi, khiến cho núi sông không chỉ là núi sông mà còn ăm ắp tình người. Mà sự ví von này cũng thực là có cơ sở. Bạn hãy cùng ta đứng trên con đê phía Nam hồ vào những đêm trăng thanh gió mát mà ngắm nhìn và cảm nhận mặt nước hồ lóng lánh ánh trăng buông, nào có khác chi một nửa vầng trăng với đường viền cong cong và gió thì mơn man, ve vuốt… khiến ta có cái cảm giác nhẹ nhàng thơ thới như đang sống nơi cung Quảng, ả Hằng.
Có thể ví Hồ Bán Nguyệt của thành phố Hưng Yên giống như Hồ Hoàn Kiếm của thủ đô Hà Nội. Cả hai thành phố như bà mẹ giang rộng vòng tay ôm ấp lấy đứa con yêu hiền lành trong trẻo và đều mang dấu tích của dòng sông Mẹ. Xa xa ngoài kia cũng là dòng sông hùng vĩ như dải lụa hồng vắt chéo tấm áo hình thoi ôm trùm Bắc Bộ. Dòng sông tưới tắm và đắp bồi nên phù sa vạn thuở cho hoa thơm trái ngọt bốn mùa. Cùng xinh xắn, bình yên; cùng lưu giữ bao nhiêu trầm tích và tuổi đời có lẽ cũng ngang nhau? Với thời gian tồn tại dài lâu, với vẻ đẹp cùng sự gắn bó với con người, Hồ Bán Nguyệt có thể được xem là một trong những biểu tượng của thành phố Hưng Yên, như hồ Hoàn Kiếm là hồn cốt của thủ đô ngàn năm văn vật.
Nửa vầng trăng ấy không đơn côi, trơ trọi, nó được điểm tô bằng những di tích nổi tiếng bao quanh. Hiếm có nơi nào trong thành phố, mật độ di tích lịch sử - văn hóa lại dày đặc như không gian bao quanh Hồ Bán Nguyệt. Phía Tây của hồ tọa lạc hai ngôi đền linh thiêng, qua tháng năm trở thành nơi gửi gắm ước vọng tinh thần của người dân. Đền Trần thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo – một anh hùng kiệt xuất mà công lao đánh giặc giữ nước còn mãi muôn đời. Đền Mẫu thờ bà Dương Quý Phi vợ vua Tống, được coi là “Nam Hải phúc thần”. Và phía tây bắc hồ, trong vườn nhãn cổ thụ thấp thoáng căn nhà mái lá được dựng lên trên mảnh đất đúng nơi Bác Hồ năm xưa về thăm Hưng Yên ngồi nghỉ, ăn cơm nắm để tránh tiệc tùng đón rước phiền hà. Bao năm rồi, nhà tưởng niệm ấy luôn có hương hoa thanh tịnh – như một thứ đền thiêng, không phải nơi cầu cúng mà là nơi hoài niệm về một nhân cách cao cả làm gương cho con cháu muôn đời. Và con đê cao cao như tường thành trấn giữ phía Nam hồ chất chứa những vỉa tầng phù sa trộn với mồ hôi lao động ngăn sóng gió, lũ lụt… Nó là đường phân giới giữa sông Hồng và Hồ Bán Nguyệt để hồ mãi mãi là hồ, sông muôn đời là sông…
Bán Nguyệt Hồ như một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao biến thiên của thành phố. Là nơi diễn ra đêm hội hoa đăng đầu thế kỉ XX, trao giải cuộc thi “Tổng vịnh Truyện Kiều” hội tụ tao nhân mặc khách bốn phương, vinh danh tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cùng với những vần thơ tuyệt diệu và để lại bài thơ thâm thúy của chánh chủ khảo Tam nguyên Yên Đổ. Con đường xanh bóng nhãn ven hồ kia in dấu chân những người áo vải, giương cao cờ đỏ sao vàng hăm hở tiến vào chiếm dinh Tuần phủ ngày Cách mạng tháng Tám, như một nhánh sông trong biển lớn nhân dân quật khởi.
Dưới bóng liễu thướt tha, bao đôi lứa bên nhau tình tự bên gương nước trăng soi, san bằng bao cách trở để nên duyên chồng vợ, tiếp nối sinh sôi các thế hệ con người lao động và chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước, quê hương. Nguyệt Hồ gắn bó với con người như một tình nhân chung thủy. Nguyệt Hồ là nguồn thi hứng dồi dào, vô tận. Nguyệt Hồ ríu rít tiếng cười thơ trẻ bên hàng phượng vĩ tung lửa lên trời với tiếng ve lưu luyến buổi chia tay năm học. Nguyệt Hồ lóng lánh trăng xuân, Nguyệt Hồ xanh màu ngọc bích tĩnh lặng chiều thu, xào xạc lá lúc đông về… Trong nắng gió Nguyệt Hồ thoảng thơm hương nhãn, hương ngọc lan và nghe đâu đó vẳng tiếng chuông rền bền bỉ như điểm nhịp cho cảnh sống thong thả bình yên, làm lắng dịu những ưu tư phiền muộn của người dân xứ này. Dù còn khó khăn vất vả, những ngày lễ tết, dòng người cuồn cuộn đổ về đây để ngắm nhìn và tham dự các trò chơi dân dã, làm náo nhiệt một góc trời.
Hầu như chưa có sách vở nào ghi rõ năm tháng khai sinh Hồ Bán Nguyệt, nhưng căn cứ vào duyên cớ sinh thành và năm sinh của đền Mẫu ghi trong “Đại Nam nhất thống chí” (năm 1279), thì hồ này ít nhất đã có trên bảy trăm năm. Xa hơn, có thể suy đoán hồ cùng tuổi với con đê chạy dọc đồng bằng và trung du Bắc Bộ được khởi công từ thời Lý, gắn liền với công cuộc trị thủy sông Hồng. Nhưng tháng năm tuổi tác không làm phôi phai vẻ đẹp và sự trẻ trung vĩnh hằng của nó, như nửa vầng trăng lặn rồi lại mọc trong vũ trụ bao la. Sự trẻ trung kiều diễm không ngừng được vun đắp bởi tấm lòng và bàn tay con người qua bao thế hệ. Từ tỉnh lị, thị xã vươn lên thành phố, Phố Hiến xưa ngày càng mở rộng, to đẹp đàng hoàng với bao công trình mới mọc. Nhưng Bán Nguyệt Hồ mãi mãi là thắng cảnh, di tích văn hóa vào loại bậc nhất của đất này.
Ta lắng nghe trong gió và trong nắng Nguyệt Hồ tiếng thì thầm của lịch sử ngàn năm.
Nguyễn Nguyên Tản
Theo http://baohungyen.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...