Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Mùa xuân Tây Bắc trong tôi

Mùa xuân Tây Bắc trong tôi
Thế là đã ba cái tết tôi xa Tây Bắc, cũng là ba cái tết ở Thủ Đô phồn hoa và náo nhiệt, nhưng trong tôi vẫn không hề nguôi ngoai cái cảm giác hẫng hụt, như thiếu một cái gì vô cùng thân thiết, đã ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt.
Dõi mắt về phương xa. Tôi cứ mường tượng đến những dải mây vắt ngang đỉnh Hoàng Liên cao vút, mỗi bình minh lại hồng rực, long lanh muôn sắc như chiếc khăn piêu trên “tằng cẩu” của người con gái Thái. Và đâu đây tiếng cười trong vắt lấp lánh, bay bổng, phấp phới cùng những dải tua mầu như tia nắng của quả còn hội xuân. Những nhịp xòe nồng say rộn ràng ánh lửa, những tấm lưng thon thả dịu dàng, những khuôn ngực thanh tân, những cần rượu thơm lừng mời gọi. Đâu đây mượt mà giai điệu bài “Tình ca Tây Bắc”: “Rừng xanh cây lá muôn đóa hoa mai chào đón xuân về”. Tôi như kẻ bị bỏ bùa mê, bị bao vây trong những bộn bề cảm xúc.
Ôi cái sắc hoa đào, hoa ban cùng muôn loài hoa rừng khoe sắc đua hương, thơm đến từng lá cây ngọn cỏ đã hóa thân trong mỗi nụ cười duyên, mỗi làn da trắng hồng, mỗi búp tay thon như búp măng rừng, mỗi đường nét tuyệt mỹ trên tấm thân ngà ngọc của người sơn nữ. Để rồi người bạn tôi – nhà văn Thế Sinh đã từng không cầm lòng được phải thốt lên: “Kinh côm nôm tẳng” – tiếng Thái là eo thon ngực nở, mà anh từng thả hồn trong cái ký nổi tiếng: “Miền gái xinh”. Còn tôi như say men rượu cần, trước vẻ đẹp nhuần nhị tuyệt mỹ của những cô sơn nữ như ánh bình minh mai sớm: “Nả ấc nọi nôm túm nàm tong” – tiếng Thái là ngực nhỏ nhọn như gai vông đồng, huyền ảo trong tản văn: “Huyền thoại tắm tiên Tây Bắc”!
Mỗi con đèo, mỗi cánh rừng, mỗi dòng suối, những thửa ruộng bậc thang đều như những kiệt tác của tạo hóa ẩn chứa bao huyền thoại cùng khát vọng được sống, được yêu.
Con đường 6 mới được tôn tạo, lên cổng trời hun hút dãy Pha Đin, trong bạt ngàn hoa ban và lau trắng. Mỗi bông hoa ban như lời thơ trong câu chuyện tình bất hủ “Sống chụ son sao” – “Tiễn dặn người yêu” và những bông hoa lau dập dờn trong gió như đang chụm đầu thì thầm lời hẹn những mùa yêu. Đây Thuận Châu, đây Tuần Giáo… Con đèo quanh co gấp khúc hiểm trở xứng với tên gọi: “Pha Đin” - nơi đất gặp trời. Người già kể cho tôi, xưa các thế lực chúa đất bao đời tranh giành nhau đều lấy dãy núi hiểm trở này làm chỗ dựa, vì thế còn có tên gọi khác: Pú Chinh (núi chiến tranh).
Tôi nhớ mãi lần cùng đoàn giáo viên thế hệ năm 1959 lên thăm Sơn La, Thạc sỹ Lò Mai Cương của trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Sơn La, người đầu tiên của Việt Nam số hóa thành công chữ Thái, cùng phó giám đốc sở Khoa học công nghệ Sơn La – Cà Văn Chung, người số hóa lịch Thái được áp dụng trong nông lịch và bộ lịch Thái tổng hợp 200 năm, cùng các bạn người Thái đón tôi như đón người nhà. Các anh chị khoe những thành tựu của Sơn La và của “Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái”. Tôi chia vui cùng các bạn mà lòng không khỏi xao xuyến bồi hồi. Mới ngày nào Sơn La, Tây Bắc còn là vùng đất xa xôi, nghèo nàn và lạc hậu, thì nay đã là những điểm sáng trên bản đồ đất nước.
Tôi miên man đi trong ký ức những Điện Biên, Lai Châu, những con suối “Nậm Na”, “Nậm Rốm”, những tên đất đã trở thành tên lịch sử: “Mường Thanh” – Điện Biên, “Mường Than” – Than Uyên, “Mường Tấc” – Phù Yên, rồi vượt đèo “Khau Phạ” – sừng trời về Mường Lò, Yên Bái, nơi tôi đã từng sống và công tác 30 năm trời. Để rồi trong lòng chợt ngân lên câu ca dao thơm hương nếp mới: “Mường Lò gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Vâng Mường Lò không chỉ là đất tổ của người Thái đen Tây Bắc, là cánh đồng rộng thứ hai Tây Bắc. Con suối “Nậm Xia” – suối nước mắt, tên gọi cũ của suối “Nậm Thia” vắt ngang cánh đồng Mường Lò trong nắng xuân ngời muôn ánh bạc. Mỗi con đường mới mở, mỗi cánh rừng, mỗi mầm xuân và trong từng câu “khắp”, điệu “xòe”, ánh mắt giao duyên đều ngời sáng cất lên những cồn cào day dứt và ước mơ của bao thế hệ: “Ngày xưa, có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết. Cô gái đẹp như trăng rằm, mái tóc đen dài mềm mại. Mỗi khi nàng ngồi bên khung cửi, chim muông, hoa lá như múa vờn trong mỗi đường thêu. Chàng trai khỏe mạnh, giỏi làm nương, săn bắt thú. Mỗi khi tiếng khèn của chàng cất lên, chim rừng ngừng tiếng hót hồi hộp lắng nghe. Nhưng tên chúa đất quyết bắt cô gái về làm người hầu. Hai người rủ nhau chạy lên núi cao để bảo vệ tình yêu đôi lứa. Tên chúa đất cho người đuổi theo. Chàng trai và cô gái kiệt sức gục xuống trên đỉnh núi nọ. Cô gái không cầm lòng được, chỉ biết khóc than cho mối tình tuyệt vọng. Nước mắt của cô chảy mãi hóa thành dòng suối, mái tóc dài thơm hóa thành làn rêu xanh mướt như vẫy gọi. Chàng trai đau đớn nhảy xuống dòng suối, thân thể chàng vừa chạm mặt nước bỗng vỡ tan, hóa thành muôn tảng đá cho làn rêu quấn quýt bám quanh”. Tôi đã bao lần được nhâm nhi chén rượu thơm cất từ những hạt gạo Mường Lò, thấm đẫm huyền thoại kia với món rêu đá thơm, cay, dịu mát, với những chú cá sỉnh mình thon, chắc lẳn, vậy mà xuân này sao nhớ lạ lùng. Những sóng vàng ngày xuân của con suối Thia ấy như muôn bàn tay vẫy gọi.
Tôi chợt nhớ tới hình ảnh nghệ nhân Lò Văn Biến ôm đàn tính thả hồn trong những điệu “khắp”. Ông như pho sử sống của người Thái Mường Lò, đã từng sưu tầm và dịch nhiều tác phẩm của dân tộc Thái, ông đã cùng tôi biên soạn “Bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò” và dịch tác phẩm thơ: “Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng”... Trước tết, khi nhà văn Trần Nhương đưa nhà văn Nguyễn Tiến Lộc từ Canada về, lên Yên Bái và vào thăm Mường Lò, ông nhờ nhà văn Trần Nhương gọi cho tôi dặn đi dặn lại: “Tết về chơi, nhớ lắm đấy!”. Rồi cô gái trẻ Cầm Thị Nghiệp, sinh viên trường Cao đẳng văn hoá nghệ thuật Yên Bái, từng là học sinh xuất sắc lớp chữ Thái cổ do nghệ nhân Lò Văn Biến mở cũng gọi: “Bác ơi, tết về chơi bác nhé, năm nay vui lắm”. Trong tôi cồn lên một nỗi nhớ thật khó gọi tên, con tim cứ nhẩy lên như nhịp trống hội xòe. Những kỷ niệm về những mùa xuân Tây Bắc ùa về lâng lâng trong ký ức, thân thuộc, nhung nhớ đến nao lòng. Và luôn tin rằng Mường Lò, Yên Bái nói riêng và Tây Bắc nói chung, với những người con ưu tú như nghệ nhân Lò Văn Biến, thạc sỹ Lò Mai Cương, phó giám đốc Cà Văn Chung cùng cô sinh viên Cầm Thị Nghiệp… mỗi mùa xuân sẽ thay da đổi thịt rất nhiều. Còn với cô sinh viên Thanh Nga của trường đại học Văn hóa - khoa Dân tộc học, một lần ngẫu nhiên đọc bài viết của tôi về “nét đẹp bài hát mừng dâu mới của người Thái Mường Lò” đã bị chinh phục bởi vẻ đẹp nguyên sơ của phong tục tập quán và các làn điệu dân ca Thái, cô đã quyết định làm đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề này. Thanh Nga cho biết, có một số sinh viên cũng làm đề tài về văn hóa Thái và cô quyết tâm mùa xuân này nhất định sẽ lên Tây Bắc, để hiểu thêm về văn hóa Thái và được mùa xuân Tây Bắc chắp cánh. Thế mới biết sức hút của văn hóa Thái Tây Bắc lớn lao biết chừng nào.
Tôi miên man trong suy tư. Nếu không có mấy chục năm trời gắn bó cùng những mùa xuân Tây Bắc, để rồi cái hơi cái hồn Tây Bắc thấm trong tôi từ lúc nào, thì tôi đâu có được vốn sống phong phú làm nên những trang văn thơ như hôm nay. Những tên đất, con người lịch sử và huyền thoại của Tây Bắc, cùng bao thiên truyện tôi được nghe các nghệ nhân kể bên bếp lửa, bao hội “xòe” cùng những điệu “khắp” Thái, những lễ hội dân gian của các dân tộc cùng hương rượu cần ngọt lịm, là mạch nguồn sáng tạo trong tôi. Nếu thiếu đi hơi ấm của mùa xuân Tây Bắc, chắc cuộc đời tôi sẽ nghèo đi nhiều lắm. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” là đây chăng, để rồi xuân này giữa Thủ Đô đang hối hả nhịp sống mới hướng tới lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tôi chợt nhận ra Tây Bắc mùa xuân với một vẻ đẹp mới, trong sáng vô ngần.
Bài liên hệ:
- Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
- Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc).
Hà Nội xuân 2010
Trần Vân Hạc
Theo http://sachhiem.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...