Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Kẻ tha phương và tiếng mẹ đẻ

Kẻ tha phương và tiếng mẹ đẻ
(Tự bạch sau khi đọc bài ”Mộ tổ” của PHD trong amvc)
Tuy bài học lịch sử đầu tiên trên đời tôi là „nos ancêtres étaient des Gaulois”1, tôi chỉ học tiếng Pháp đến năm 14 tuổi. Ngày bé tôi không bao giờ nói được một câu tiếng Việt xuôi xẻ cả. Lúc nào cũng phải mượn một vài vocabulaire2 Pháp vì vốn từ vựng tiếng Việt của mình không đủ để „ăn nói ra đầu ra đũa”…
Để cách ly tôi ra khỏi nền văn hóa „nhạc vàng” và sách chưởng Kim Dung, tôi chỉ được hát dân ca Pháp và đọc văn học Pháp. Mười tuổi đầu, hiểu làm sao được ý nghĩa sâu xa của Les Misérables3! Nhưng tôi vẫn đọc ngấu đọc nghiến để biết cho bằng được Cosette có làm vợ củaMarius hay không.
Những truyện của Comtesse de Ségur làm tôi cứ tưởng như xứ Pháp đầy rẫy những quý tộc rảnh rang… không biết làm chuyện gì ngoài tổ chức những buổi chiều uống trà nhâm nhi bánh ngọt.
Nếu không có tuổi thơ ấu gắn liền với Spirou, Tintin, Lucky Luke, Astérix… thì có lẽ ngày nay tôi vẫn nói tiếng Pháp với ngôn phong thế kỷ thứ 18-19 của Honoré de Balzac. Có đặt chân lên „Mẫu Quốc” bao giờ đâu mà biết thằng Tây (đồng tổ tiên Gaulois!) ăn nói như thế nào?
Tôi không có may mắn được bằng tú tài Pháp. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi biết tiếng Việt hơn. Những bài chính tả trong thời thơ ấu của tôi là những vật lộn để ráp complément4  này trực thuộc vào sujet5  nào và qua đó phải chia verbe6  làm sao v.v…
Không ai quan tâm đến việc dạy tôi viết quốc ngữ cho đúng dấu hỏi ngã cả . Cái giọng phát âm Nam Bộ lại càng làm „rối beng” cả hỏi lẫn ngã trong tôi. (Đã nghèo lại mắc cái eo!).
Ngày ấy giờ Vietnamien7 là một ngoại ngữ phụ. Một tuần hai tiếng đồng hồ Việt văn. Một ông thầy giáo Việt gốc Hoa ở tận Chợ Lớn đến đường Cường Đễ hàng tuần để dạy các cô nữ sinh trường St Paul. Ngoại ngữ chính là tiếng Anh.
Ngày ấy cô giáo dạy Ăng Lê của tôi (Mademoiselle Thérese) là một gái già không chồng, khó tính như một bà bảo mẫu Anh, và không ngớt giảng giải cho chúng tôi về sự quý phái của tiếng Anh nhiều hơn là dạy tiếng Anh.
Mademoiselle Therese bắt chúng tôi tránh không được phát âm kiểu Mỹ và không ngớt chê bai văn hóa cao bồi Mỹ… Tuy nhiên dạy Ăng Lê thìMademoiselle Therese cũng không dạy bao nhiêu… Phát âm của cô quả tình hoàn toàn không Mỹ tí nào.
Phát âm tiếng Anh của cô là một hỗn hợp giữa tiếng Pháp và tiếng Việt: Zờ, Zát, Zít (the, that, this) như thằng Tây và …rổn rẻng… Ăng Lê đúng ngữ điệu Nam Bộ… (Hoàn cầu hóa đã bắt đầu từ ngày ấy! I speak English as the wind = Tôi nói tiếng Anh như gió!!!!)
May quá! Tôi không bị ảnh hưởng văn hóa Mỹ qua những giờ học Ăng Lê này… Tôi không phát âm tiếng Anh kiểu Mỹ…
Và tôi cũng không phát âm tiếng Anh theo kiểu gì hết…
Và tôi cũng không biết tiếng Anh nốt!
Chuyển sang chương trình học tiếng Việt!
Tôi phải viết những bài giảng văn về con người mới xã hội chủ nghĩa, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về nhân dân ta rất anh hùng v.v…
Một trường phái hoàn toàn khác với các bài luận văn ở St Paul… Không còn Paul Verlaine và Arthur Rimbaud nữa…Tố Hữu, Tế Hanh thay vào đây.
Chưa nói đến cái hõm khổng lồ về kiến thức lich sử của tôi! Sau khi biết là tổ tiên của tôi không phải là người Gaulois nữa, tôi lọt thỏm vào chương trình lịch sử hiện đại xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc… Tôi vẫn chưa biết gì về tổ tiên dân tộc tôi nhưng tôi biết rằng Hồng Quân Bôn-Xê-Vích Liên Xô thắng phát xít Đức một cách hiển hách như thế nào trong các cuộc thế chiến. Rồi những năm cấp ba trường phổ thông của tôi là những năm thực hành văn dẫn chứng „Địch thua, Ta thắng... Thắng hoài thắng huỷ”…
Thế là văn chương đã nửa mùa rồi mà chính tả vẫn chưa học được.
Suýt tí quên tiếng Liên Xô! Thầy tôi là người dân tộc Thái quê tận Mai Châu. Ông phải vất vả lắm mới ghi tạc được vào đầu chúng tôi:
Nào ở đây chữ „pờ” (P) phải đọc là „rờ”… ”bờ”( В) đánh vần là „vờ”..”i-cà-rết (У) phải nhớ là „u”.(trong khi đó chữ„u” đọc là „i” mới chết chứ!)…
Ích xì” (X) rõ ràng cố đọc là „khờ”…„Mờ” (M) đấy nhưng đó là „tờ”… Thấy „rờ” lật ngược (я) reo ầm „í-a”…
Chưa kể đến những dấu quẹt lạ quắc như chữ „phờ” (ф) nhà họ!. Trông cứ như cây que thọc vào giữa hai quả bồ đào ấy!…
Ối chao ơi cái tiếng nhà Ông Anh Cả! Bở hơi tai mới ráp được vần!
Mới tập chào: „zờ-đờ-rát-v-xờ-tờ-vui-chi-e”8  và ậm ọe được câu:„Í-a í-đu vờ kờ-lát-xờ”9  ..thì ông thầy Nga Văn của chúng tôi đã theo tiếng gọi của tổng động viên lên đường cứu nước...
Chưa phân tích được kỹ giảng văn dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, chưa hiểu gì về tổ tiên dân tộc mình, mà cũng chẳng kịp học ngoại ngữ « phe ta » … thì tôi đã tốt nghiệp phổ thông và thi đỗ đại học đi Hung.
Học tiếng Hung ở cái tuổi đôi mươi!… Cái tiếng gì không giống Tây mà cũng chẳng giống Mỹ…
Tôi hay gặp khó khăn khi phải chia động từ trong văn phạm Pháp… Bây giờ trong tiếng Hung chẳng những động từ mà đến tính từ, trạng từ cũng phải chia. Chưa nói đến những câu phức hợp dài loằng ngoằng không biết chủ từ ở đâu ra mà mò.
Thế rồi cũng tốt nghiệp đại học Hung… rồi cũng làm được một bằng tiến sĩ Hung... rồi cũng sống và nghiên cứu khoa học ở xứ Hung này gần 35 năm nay… Rồi cũng phải lên giảng đường bằng tiếng Hung.
Bây giờ khi phải lên diễn đàn ở Việt Nam tôi không có đủ vốn từ chuyên môn Việt để thuyết trình bài giảng về nguyên lý bảo tồn gien và phát triển bền vững…
Tiếng Anh „đủ để chống càn” của tôi không đủ để tôi thao thao bất tuyệt trên bục giảng.
Tiếng Nga không giúp tôi mua được lấy một ly nước uống ở Mát-xờ-kơ-va ...dù cho họ có biết rằng tôi đã từng „Í-a í-đu vờ kờ-lát-xờ”
Tiếng Pháp (tí tí jaune10…tí tí noir11) của tôi nằm im trong lớp bụi của thời gian.
Tiếng Hung của tôi chỉ có người Hung mới hiểu.
Bao nhiêu trăn trở của kẻ tha phương!.
(Bp. 2010.04.29)
1 (tổ tiên chúng ta là người Gô-Loa)
2 (từ vựng)
3 (Những người khốn khổ)
4 (bổ ngữ)
5 (chủ ngữ)
6 (động từ)
7 (Việt văn)
8 (chào buổi sáng)
9 (Tôi đi đến trường)
10  (vàng)
11 (đen)
Đỗ thị Đông Xuân
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...