Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Cô gái nhỏ trong cơn bão khô

Cô gái nhỏ trong cơn bão khô
1. Có lẽ, ít ai có sự trùng hợp thú vị như Tâm: Chỗ làm việc của Tâm quay mặt về phía một sân bay rộng thênhh thang. Đứng trước cửa phòng, Tâm có thể nhìn thấy ngôi nhà cho khách chờ đợi mọc lên chỗ rìa sân bay. Ngôi nhà ấy, tường sơn vàng. Những buổi trưa nắng và gió lớn, cỏ lác cao mọc chung quanh sân bay ngả nghiêng, cái màu vàng của tường như nhạt nhòa trùm lấp bởi trời xanh và cỏ xanh. Sân bay ấy, là nơi Tâm đã làm việc lúc mới mười lăm tuổi, cái tuổi muốn biết hết, muốn ôm hết cuộc đời vào lòng mình. Tâm làm nhân viên bốc vác cho một chi nhánh Air ViệtNam ở nơi đây. Sau này nghĩ lại Tâm thấy mình quá may mắn – Tâm làm việc chung với một bác tài xế lái xe đưa khách vào sân. Bác tài xế như cha nuôi của Tâm, một bữa bác tài xế rủ Tâm theo kháng chiến. Cả hai cùng chạy vào trong. Ba năm sau, Tâm và các đồng đội trở lại tập kích sân bay. Lần ấy toán của Tâm phá hủy hai chiếc trực thăng đang đậu trên sân. Trên đường rút lui, Tâm bị một quả pháo bắn chận. Tâm chỉ còn nhớ, trước mặt Tâm quả đạn bùng lên. Tâm bị thương nặng. Miểng đạn phạt vào bụng vào ngực Tâm, nặng nhất là vết thương ở bụng. Tâm đã trải qua nhiều cuộc giải phẫu để lấy những mảnh kim loại bên bên trong. Nhưng có lẽ, chưa hết . . . Suốt hai năm nằm bệnh viện trong rừng. Tâm tập tành viết văn. Và cũng trong thời gian này, một cô y tá đã chăm sóc, lo lắng cho Tâm từ viên thuốc đến miếng ăn, giấc ngủ. Không phân biệt được giữa ân nghĩa và tình yêu Tâm đã cưới cô làm vợ . . .
Bây giờ, những buổi chiều, Tâm thường dẫn cô bé Tưởng con anh, đi dạo trên sân. Gió lồng lộng. Những vỉ sắt có lỗ tròn, mấu chặt nhau chạy dài trên sân rộng Tâm nói với cô bé Tưởng:
- Đây là sân bay dã chiến của ngụy ngày xưa. Con hãy tưởng tượng một chú bé mười lăm tuổi mặc bộ đồng phục công nhân màu xanh rộng thùng thình. Khi máy bay vừa đáp. Nó gắng sức đẩy chiếc thang tới cửa máy bay cho hành khách bước xuống. Đó là ba của con ngày xưa.
- Có khi nào máy bay không tới không ba?
- Có. Những ngày thời tiết xấu. Máy bay không cất cánh được. Hành khách đã ra sân rồi, phải đưa họ trở về.
Bé Tưởng suy nghĩ hồi lâu:
- Con gái như con có làm phi công được không ba?
- Ít lắm! Nhưng cũng có – Tâm trả lời – Nếu như con cố học, giữ sức khỏe. Mai này con làm phi công, ba sẽ có giang con đi chơi vài chuyến.
Bé Tưởng cười:
- Con sẽ bay vào những đám mây trắng, bềnh bồng. Con sẽ lấy một ít mây về thả bay trên bàn làm việc của ba.
Hai cha con đi ngược chiều gió. Sân bay rộng thênh, cứ rộng ra mãi.
Bé Tưởng kêu lên:
- Gió làm con ngộp quá, ba!
- Nhưng con thích chớ? – Tâm hỏi.
Bé Tưởng chạy, cố lấy sức mình vượt sức bạt của gió:
- Con thích lắm.
Trời tối nhanh. Những đám cỏ. Lác mọc vượt lên chung quanh sân bay chuyển động càng lúc càng ồ ạt. Không khí ẩm hơi nước lành lạnh.
Tâm giục bé Tưởng:
- Mình về chớ con?
- Cho con chơi chút nữa.
- Con về học bài. Ba nhớ bài của con còn nhiều lắm. Bài ở lớp, bài học Anh văn, bài học đàn.
Gương mặt cô bé Tưởng bỗng buồn bã, chán nản:
- Cho con nghỉ tập đàn bữa nay nghen, ba!
Tâm cố trấn tĩnh:
- Không được đâu con, chút nữa học bài xong ba chở con đến nhà dì Tám. Ở đó, con sẽ đàn ba nghe. Lâu quá, ba chưa nghe những bài tập của con. Những lúc sau nay ba bận việc con vẫn tập đàn thường xuyên đấy chớ?
Bé Tưởng bỗng tự tin:
- Dạ. Lát nữa con sẽ đàn ba nghe – Nó nắm tay Tâm – Ba dắt con đi. Gió đẩy con muốn lui ra sau vậy ba. Nếu gió đẩy con lùi, ba giữ con lại nghen.
Tâm nắm tay bé Tưởng, gió lớn làm tóc cô bé bay dài ra phía sau. bé Tưởng hỏi:
- Con học đàn làm chi vậy ba?
Tâm cố gợi một hình ảnh cho cô bé:
- Gió lớn như vầy, ngồi vào đàn con sẽ diễn tả ra sao?
- Con sẽ dùng hợp chủ âm fa trưởng, đánh dồn dập, mạnh bạo.
Một cơn gió xoáy lồng vào trong áo bé Tưởng làm ngực cô bé phồng lên. Tâm có cảm giác như con gái anh sắp bốc lên cao. Không quan tâm đến sức gió, bé Tưởng ngước nhìn Tâm.
- Những lúc nhớ má, con sẽ dùng hợp chủ âm Rê thứ. Buồn chết đi được, ba. Con vừa đàn vừa chảy nước mắt.
- Như vậy con biết học đàn để làm gì rồi – Tâm cảm thấy có một niềm vui tràn ngập – Mai nay con sẽ truyền tình cảm vui buồn bằng âm thanh vào lòng người khác. Lớn lên, nếu con giỏi, con sẽ phục vụ trong giàn nhạc quốc gia.
Cô bé lắc đầu:
- Con chỉ thích đàn cho ba nghe. Con thấy mỗi lần con đàn thì ba vui lắm, ba bớt đi những cơn đau.
Tâm nhớ hai bàn tay nhỏ nhắn của con trải trên những phím đàn màu sữa. Hai ngón út của bé Tưởng nhỏ yếu. Những bài tập đàn của nó âm thanh vui, nhảy nhót. Khi nhìn con đàn anh mới thấy sự ráng sức của nó, như là nó phải dồn hết sức lực vàocác ngón tay để ấn lên phím đàn. Âm thanh ngân ra, đôi khi đuối sức đột ngột. Vì thế, trong tâm hồn Tâm lúc nào cũng có một nỗi buồn tê tái. Một người cha bệnh tật vì vết thương trong chiến tranh và một đứa con gái nhỏ, buổi chiều thường đi dạo trên sân bay vắng. Hình ảnh ấy quá cô đơn và tội nghiệp.
2. Đời sống gia đình Tâm đã đổ vỡ. Vợ của Tâm, người đàn bà có những nét đẹp bạo, khỏe khoắn, làm việc không bao giờ biết mệt mỏi. Những ước muốn, những đam mê của cô về đời sống vật chất, đời sống tinh thần phải nói là vô bờ. Tâm hiểu những ước muốn ấy đang sôi sục trong cô. Nhưng cô ghìm lại được, vì cô biết Tâm đang đau. Cảm nhận được điều đó, Tâm thấy lo sợ. Tại sao không bằng lòng với những gì cả hai người đang có: Một căn nhà nhỏ, một đứa con ngoan. Và những công việc bình thường hàng ngày… Dù sao, có một điều Tâm biết chắc chắn và rõ ràng nhất là cô rất mực yêu Tâm. Cô rất tháo vát. Có nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào, cô cũng có thể xoay sở lấy. Tâm không phải bận lòng. Không một người nào khi đã nói chuyện với vợ Tâm mà không vị nể cô: sâu sắc, rộng lượng, tế nhị . . .Và nhất là sức chinh phục của cô thật ghê gớm. Chẳng hạn, trong một chuyến công tác từ thành phố về, xe vào đường trường thì bị nổ vỏ, phải dừng lại để làm vỏ xe. Khi vỏ xe làm xong thì mới vỡ ra trong xe không ai còn tiền để trả. Mặc cho người tài xế năn nỉ, hứa hẹn nhưng người thợ làm vỏ xe vẫn khăng khăng không giao bánh xe. Rồi Tâm nữa. Tâm vào trình bày là chúng tôi đang đi công tác, lỡ kẹt. Khi về tới cơ quan, chúng tôi cho người lên trả liền. Anh thông cảm. Anh coi, xe đậu ngoài nắng, khổ quá. Vẫn lắc đầu. Cuối cùng thì vợ Tâm vào. Không biết cô nói gì, chỉ hai phút sau, người đắp vỏ xe tự tay lăn bánh xe ra với nụ cười thật niềm nở, gương mặt anh ta không giấu được sự cảm động. Anh ta tiếp tay với người tài xế lắp bánh xe vào. Khi xe chạy một quãng xa, quay lại. Tâm còn thấy anh ta đứng vẫy tay theo. Người tài xế nói với vợ Tâm:
- Chắc là chị biết thôi miên.
Vợ Tâm mỉm cười:
- Không.
- Vậy chớ em nói sao? – Tâm hỏi.
- Em nói là chồng tôi đang bệnh, phải về gấp.
Anh ta vặn lại em:
- Sao lúc nãy tôi không nghe ảnh nói?
- Ảnh không thích kêu gọi lòng thương hại của ai. Anh không thấy gương mặt ảnh quá xanh hay sao? Ảnh ráng chịu đựng. Ảnh không thích lộ nỗi đau trước mặt người khác. Tôi là vợ, tôi biết rõ. Nếu đặt hoàn cảnh anh là tôi, chắc trong tình cảnh này anh đau khổ lắm! – Cô hơi mỉm cười – Thế là anh ta mau mau lăn bánh xe ra.
Tâm nhăn mặt:
- Sao em lại đem anh ra làm một lý do?
Cô hơi ân hận:
- Nhưng em đã nói thật – Cô nắm lấy tay Tâm – Em xin lỗi đã làm anh buồn. Nhưng chẳng phải hiện anh đang đau hay sao?
Do hậu quả của vết thương, Tâm thường bị những cơn đau hiểm độc, quằn quại. Vợ Tâm, bằng bất cứ giá nào đã tìm cách điều trị cho anh. Chở anh đi bệnh viện. Rước những bác sĩ nổi tiếng. Chữa trị bằng thuốc bắc, thuốc nam. Nấu những thức ăn phù hợp với bệnh. Ngồi bên giường suốt đêm để theo dõi cơn đau của Tâm. Tất cả sự chăm sóc ấy, mặc dù, tối cần thiết. Nhưng Tâm thấy không rung động, không cần. Anh đón nhận như là bày tỏ một thái độ lịch sự, để vợ anh khỏi buồn, thà rằng để anh một mình với cơn đau, còn dễ chịu hơn. Nhưng làm sao Tâm giấu được vợ anh những ý nghĩ đó. Dù thế, cô vẫn thương yêu, chăm sóc anh. Cuối cùng, sau nhiều năm đắn đo, Tâm thấy mình nên thẳng thắn. Vì, với một người đàn ông khác biết đáp lại tình yêu của cô, chắc cô sẽ hạnh phúc hơn. Tâm nói với vợ:
- Có lẽ, mình sống với nhau không hợp lắm, phải không em?
Cô bật khóc:
- Em biết. Mình đã có con rồi. Anh còn nói vậy được sao!
- Em nên chấp nhận sự thật – Tâm trả lời quyết liệt phũ phàng.
Vợ Tâm nói rõ từng tiếng:
- Anh muốn nói gì thì nói trắng ra đi – Tay cô chận vào ngực như ngăn cơn đau buốt ở tim – Trời ơi! Em khổ quá! Tội cho em quá!
Tâm không nói thêm được gì. Vì, sau đó, một cơn đau đột ngột làm Tâm lịm đi. Tâm còn kịp cảm thấy vợ anh ôm đỡ lấy anh, lay anh. Hình như có bác sĩ đến nữa. Rồi nước biển được chuyền từng giọt từng giọt nhấp nhánh vào mạch máu. Cứ thế, cô ân cần chăm sóc, thức canh giờ uống thuốc cho Tâm, cho đến ngày Tâm bình phục hẳn. Và Tâm lại lao tới bàn viết, lao vào những chuyến thực tế để quên một thực tế nan giải. Một hôm đi công tác về, Tâm thấy trong phòng được xếp đặt lại ngăn nắp gọn gàng hơn bao giờ hết. Nhưng, Tâm cảm thấy trong phòng lẩn khuất một không khí hoang vắng, kỳ lạ. Trên bàn viết có một bức thư. Tâm đọc: “Anh Tâm. Em chỉ thương có mình anh, dù cho thân em có bị đày đọa, khổ cực thế nào để cho anh hết bệnh, em cũng cam. Sống bên anh, em chỉ có một ước mong duy nhất, tìm mọi cách để chữa bệnh cho anh. Em nghĩ, em sẽ hỗ trợ đắc lực trong công việc của anh. Nhưng anh đuổi xua em. Em đi cho anh có một hạnh phúc khác; để có thời gian anh suy nghĩ và nghe lại trái tim mình. Bao giờ em cũng cầu mong những điều tốt lành nhất đến với anh. Chưa đi mà em đã nhớ anh. Nhớ con. Anh nên nhớ, dù sao em cũng chỉ là một người đàn bà. Đàn bà thì yếu đuối. Em cam lòng để bé Tưởng lại, để ngày nào em có lý do chính đáng để trở về với con, với anh. Vợ anh”.
Tâm run rẩy. Anh khóc – Người đàn ông khóc vì một quyết định của chính mình – Qua bức thư Tâm khám phá ra, quả thật, Tâm không xứng đáng với một tấm lòng bao la như thế. Bắt đầu từ đó, Tâm đóng vai vừa làm cha vừa làm mẹ của bé Tưởng . . .
Bây giờ, thì vợ anh đã quá xa rồi. Biết đâu, rồi cô sẽ nguôi ngoai. Với một người bạn khác, có lẽ, cô sẽ hạnh phúc hơn chăng? Nhưng thật ra, cái ý nghĩ đơn giản ấy, nó chỉ đủ trấn an Tâm trong một thời gian ngắn nào đó. Cái nghĩa vợ chồng, chăn gối, kỷ niệm, hoạn nạn chẳng lẽ rồi đi đến kết thúc gọn gàng như thế sao? Tất nhiên nhìn cách giải quyết bên ngoài thì trông có vẻ gọn gàng đó. Đẹp nữa là khác. Nhưng để đi đến một kết thúc như thế, Tâm đã quá đau khổ. Làm thế nào bày tỏ tình yêu được với một người đàn bà, rốt cùng mình đã nhận ra, mình không yêu. Mình đã chán chê (nói như thế có quá thô bạo không? Mặc dù, đúng ra là như thế). Tâm hồn Tâm nó đòi hỏi một thứ tình cảm khác – mới mẻ, trong sáng, kín đáo hơn. Tâm cần bày tỏ tình yêu, cần chăm sóc, cần nhẹ nhàng, dịu ngọt với một người đàn bà nào đó, không phải vợ anh. Còn bé Tưởng rồi sẽ ra sao? Gia đình một khi đã đ rồi, khó gây dựng lại một gia đình khác hạnh phúc, đầm ấm. Dù có được điều đó đi nữa, thì chỉ trong một thời gian ngắn – Lúc tình còn nồng, lúc người bạn mới của Tâm coi văn chương là cái gì đẹp, cao cả. Chớ đâu có thấy Tâm từng đêm mất ngủ chán nản rã rời trước trang giấy. Đâu có mục kích Tâm bị vết thương hành hạ, cơn đau như bứt xé từng sợi thần kinh. Và thêm đứa bé coi như mồ côi mẹ – Cô bé Tưởng . . . Đứng ở góc độ nào đó, hình ảnh một người cha và một đứa con gái, chiều chiều, hai cha con chào người gác cổng, rồi đi lang thang trên sân bay. Đứa con kể cho cha nghe chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè. Người cha nói với con về những trang đang viết, sắp viết của mình. Hình ảnh ấy, kể ra cũng đáng yêu, thơ mộng quá chứ. Còn nữa – Chung quan là gió lộng, trời xanh và cỏ. Đất nước đang ở thời kỳ hòa bình xây dựng. Ai bảo đó chỉ là vẻ đẹp mong manh tạm bợ, lúc nào cũng mang một nỗi bất trắc? Ai không muốn chia xẻ cái hạnh phúc bình thường hiếm có ấy? Tất cả, đều được Tâm suy nghĩ phỏng đoán, cân nhắc . . . Nhưng rồi, như bất cứ ai, khi phải nhập thân vào vấn đề tình cảm, và phải giải quyết nó. Tâm không thể tự tin, mình sẽ hạnh phúc. Chỉ biết Tâm đã không hạnh phúc. Anh đã sống với vợ bằng tình cảm giả tạo. Và Tâm đã phải quy định kết thúc.
3. Một năm trôi qua, bé Tưởng được thêm một tuổi: Chín tuổi.
Và một năm qua, mỗi ngày Tâm phải tự sửa soạn lấy bữa ăn. Lúc nào, Tâm cũng gắng sức lo cho bữa ăn thật vừa miệng. Có đủ chất dinh dưỡng cho bé Tưởng. Nhưng không bao giờ Tâm làm được như ý. Có một cái gì buồn thảm đơn chiếc trong việc một người đàn ông phải tự sửa soạn lấy bữa ăn. Những lúc ấy, Tâm thực sự cảm thấy, trong nhà nếu có một người đàn bà thì thật ấm cúng.
Công việc chung trong cơ quan vẫn không có gì thay đổi: Biên tập và xuất bản một tạp chí văn nghệ định kỳ. Cô Hương, cô Đạo. Nhờ có hai cô, một bếp ăn tập thể nhỏ được nhóm lại: Một anh thư ký đánh máy, cô Hương, cô Đạo, Tâm và bé Tưởng. Những người khác trong cơ quan đều đã có gia đình riêng.
Tâm cảm thấy đầm ấm, cái đầm ấm của một tập thể nhỏ, quây quần. Trong bàn ăn có bốn người lớn và một đứa trẻ. Đứa trẻ thì huyên thuyên kể chuyện trường, chuyện lớp. Hoặc bất ngờ, chen một câu tiếng Anh sai giọng ngộ nghĩnh, làm tất cả người lớn bật cười. Anh thư ký, thỉnh thoảng nhắc lại đời bộ đội ngắn ngủi của anh, khiếp! Lúc đó ăn uống sao quá cực, đã thế trong cơm còn trộn thêm vitaminC (có không nhỉ!?) làm hạt cơm có màu vàng, ăn không ngon. Trong bất cứ câu chuyện nào ở bàn ăn, cô Đạo cũng tham gia hết mình. Cô tròn mắt ngạc nhiên. Cô cười lớn, và có khi còn gõ cả đôi đũa vào nắp soong để biểu lộ sự hứng khởi của mình. Tâm thì giữ một vẻ điềm tĩnh, quan sát. Duy chỉ có cô Hương ít tham gia. Thỉnh thoảng cô góp vui một vài câu ngắn. Còn cười, lại càng nhẹ. Trong cách ăn của cô cũng nhẹ nhàng. Cầm đôi đũa xa mút phía trên, cô gắp thức ăn hờ hững.
Cô Hương, khoảng hai mươi mốt. Cô Đạo còn trẻ hơn nữa. Hai cô đều mới vào đời. Nơi cơ quan Tâm làm việc là nơi đầu tiên hai cô tiếp xúc với cuộc đời. Trong công tác hàng ngày, hai cô có điểm giống nhau – Không bao giờ tỏ vẻ lo lắng. Làm việc như một trò đùa, như một cuộc đi dạo thật vui, lạ. Tất nhiên, Tâm có thể bỏ qua được, họ còn trẻ mà. Họ may mắn nữa. Phải chi bé Tưởng hồn nhiên như vậy. Nó đơn độc. Nó bị buộc vào hoàn cảnh phải đi ngược chiều gió – Bước tới, bước tới nữa thật nặng nhọc. Con dốc cao mà nó đang leo lên đã hoàn toàn vắng bóng người mẹ.
Nay, cô bé Tưởng của ba! Ba không biết lớn như cô Hương, cô Đạo mà vẫn còn đùa nghịch như trẻ con, như vậy có nên không? Nhưng, trong một lúc nào đó, ba mong con được như vạy – thật vô tư, mặc dù đã lớn nhưng mắt vẫn trong suốt, hồn nhiên. Đôi môi đỏ còn thơm mùi bánh kẹo. Đời sống không phải suy tính, đắn đo. Con còn bé, mà ba thấy con già giặn. Con nói năng, con hỏi những câu hỏi, con suy tư như một người lớn – con suy tư về đời sống con. Chắc là đã có lúc, con tưởng tượng con sẽ sống với một người không phải là má ruột con, con đối xử, con thưa gởi, con đi đứng trước một người mà trong sự sắp xếp của cuộc đời, con phải gọi bằng má. Ba biết, tiếng má ấy không ngọt ngào như con gọi má của con đâu. Ở tuổi của con, ba nghĩ sự suy tư ấy, nếu có, chỉ thoáng qua, chớ không dằng dặc đeo đuổi con.
Ba biết làm sao bây giờ. Ba thương con, mặc dù trước đây, lúc con chưa ra đời ba chưa hề có một khái niệm nào tình thương ấy. Nói đúng hơn, ba không nghĩ là sẽ có con, do đó, ba không nghĩ mình sẽ thương con mình như thế nào. Bởi ba sợ con ra đời, ba sợ con là một mối dây ràng buộc ba với má con. Nhưng con đã ra đời. Và ba đã do dự suốt tám năm, ba mới quyết định . . . Thế là ba đã tước bỏ tuổi thơ con. Ba thấy những đứa trẻ trưởng thành trước tuổi, ba ngợi khen, thán phục. Nhưng đối với con của ba, sao ba buồn quá. Mỗi ngày con đi học buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Tối về, con phải súc ống tiêm, chuẩn bị thuốc, phòng nửa đêm ba có thể đau đột ngột. Ba không cầm được những giọt nước mắt thầm lặng. Ba biết ba có tội với con. Nhưng ba biết làm sao ghìm lại những cơn đau. Khi nó đến, ba ngã vật xuống giường, như một con dao bén đâm ngọt vào bụng, hơi ê, rát. Dần dần, cơn đau tở ra như có kim đâm thủng vào các đầu dây thần kinh, như có ai đang bứt xé từng thớ thịt. Mắt ba nhắm nghiền. Tay ghì vào thành giường, tay bấu vào chiếu. Môi khô khốc, đầu lưỡi tưa đỏ, tê rát. Tuyệt nhiên, trong những lúc ấy, ba không hề kêu rên, không hề lăn lộn. Ba gồng chịu. Trong im lặng, ba nghe các bắp thịt co rút, giật lên từng nhịp. Ba sợ con thấy những cơn đau của ba. Chờ cơn đau rút lui, ba cố dậy lấy thuốc và ống tiêm để tự tiêm cho mình. Nhưng kể từ lúc má con đi được ít lâu, khi cơn đau dịu, ba trỗi dậy được, ba đã thấy cô bé Tưởng của ba đang ngồi cái bếp dầu ngọn lửa xanh đang chập chờn bao quanh soong đựng ống tiêm.
- Con còn thức? – Giọng ba khàn kiệt.
Cô bé ngước mắt nhìn.
- Dạ. Con nghe tiếng ba thở mệt nhọc quá con biết ba đang đau.
- Thôi. Con đi ngủ, để ba.
Giọng con run run:
- Chờ nước sôi, ba! Con tiêm cho ba được mà.
Ba quắc mắt:
- Sáng mai con còn đi học.
Bé Tưởng của ba òa khóc:
- Ba ăn hiếp con không hà!
Trời ơi! Có ai biết một cô bé chín tuổi thông thạo từng nhánh mạch máu trên cánh tay ba nó. Có ai biết, bàn tay nhỏ nhắn của nó luồn mũi kim vào mạch một cách chính xác, nó hơi kéo pitton lên thử lại, máu từ mạch tràn vào ống tiêm, rồi nó đẩy pitton thật chậm cho thuốc vào mạch. Nó quan sát sắc diện của ba nó, phòng khi thuốc phản ứng bất ngờ. Có ai biết, hai ngón tay nhỏ nhắn của nó chấn mạch trên cổ tay ba nó, để đo nhịp đập của tim. Tất cả những điều đó, Tâm đã dạy cho cô bé Tưởng. Thoạt đầu, Tâm say sưa, hãnh diện. Nhưng nhìn thấy vẻ mặt nghiêm trọng của cô bé Tưởng, Tâm biết mình đang làm khổ con. Tâm đang tập tành cho con những điều mà một đứa trẻ không nên biết. Đúng hơn, bé Tưởng chưa đủ tuổi để bước vào vấn đề đó, trách nhiệm đó. Nếu có trách nhiệm chăng, do bé Tưởng là con của anh, một đứa con đang lo lắng sức khỏe cho cha.
Riêng với Tâm, đâu có can hệ gì những cơn đau như thế. Thoạt đầu, một năm vài lần, đến sau nay là những cơn đau liên tiếp, bất thường không chu kỳ. Anh đã sống với bệnh tật như một người bạn. Người bạn nay, mặc tình đày đọa, hành hạ Tâm. Anh đón nhận hết. Giả như đêm nay, cơn đau quật ngã Tâm, bắt tim anh ngừng đập, Tâm không chút xao xuyến. Chỉ sợ cho bé Tưởng rồi nó sẽ ra sao? Cho nên, có những lúc, phải kể là một thời gian dài, Tâm không ngồi vào bàn làm việc. Anh năng đi bệnh viện. Tâm muốn tìm lại phần nào sức khỏe đã mất. Anh muốn kéo dài đời sống để bé Tưởng có thời gian được sự chăm sóc của cha. Nhưng rồi anh lại ngồi vào bàn viết bởi văn chương có thứ nhan sắc riêng của nó. Ở đó, nó hiện lên nhan sắc đời bộ đội gian khổ của Tâm, nhan sắc của vợ anh, nhan sắc của bé Tưởng. Và, sau này, phải kể đến nhan sắc của Hương. Vẻ đẹp của Hương bàng bạc trong từng chữ Tâm đang viết . . . Nói chung, gồm nhan sắc của cuộc sống mới mẻ hôm nay.
4. Thoạt đầu, Hương mới vào cơ quan, Tâm không để ý đến Hương cho lắm. Đúng hơn, với một cái nhìn thoáng qua, Tâm chưa cảm nhận được cái vẻ đẹp ngầm trong sáng của Hương – Mái tóc dài mềm mại trải trên vai; đôi mắt hiền hòa, phía trong đuôi mắt trái có một bớt đen nhỏ. Mọi cử chỉ của Hương đều toát ra vẻ điềm đạm, vừa phải. Do yêu cầu công việc, Hương thường làm việc trực tiếp với Tâm. Nhưng chưa bao giờ Hương nhìn thẳng vào Tâm. Trong cách nói chuyện lại càng né tránh hơn nữa. Sao lạ? Chẳng hạn:
- Anh Tâm – Hương ngồi chỗ bàn làm việc kêu lên – Chỉ cách làm biểu mẫu này đi. Chưa rành gì lắm! (Ai chưa rành? Thà cứ xưng tôi, em hay tên cũng được).
Tâm mỉm cười nhẹ nhàng, bước tới đứng cạnh bàn của Hương.
- Hương chưa hiểu chỗ nào?
- Hương đẩy tạt tờ biểu mẫu đến trước mặt Tâm.
- À – Tâm nói – Đây là cột tính số lượng giấy, cột tính giá tiền, cột tiền gia công in, cột tính tiền bán ra, cột nay là bù lỗ.
Hương cúi trên trang giấy, im lặng. Tay Hương cầm cây viết hết sức hờ hững. Tâm chờ đợi Hương một câu nói. Nhưng vẫn im lặng. Cuối cùng Tâm lên tiếng:
- Làm được chứ Hương? (Thay vì hỏi Hương hiểu chưa, nhưng Tâm thấy câu nay không được nhẹ nhàng).
Hình như Hương gật đầu. Bởi cái gật đầu của Hương nhẹ lắm, như có như không. Mơ hồ hết sức. Có lẽ, một ngọn gió nào vừa thoáng qua lay động tóc Hương. Tâm hoang mang hết sức.
- Hương cứ làm thử – Tâm nói – Chỗ nào không hiểu thì hỏi lại.
Vẫn im lặng.
Tâm trở về chỗ làm việc của mình. Lâu sau, Tâm mới thấy Hương kéo tờ biểu mẫu về, cặm cụi làm. Tâm biết mình đang đối phó với điệu bộ của một cô gái, nhưng Tâm chưa bao giờ lấy đó làm phiền. Không sao. Vài tháng nữa thôi, công việc của Hương sẽ phức tạp hơn. Hương phải giao dịch, đối phó với những gút mắc. Phải xông xáo. Hương sẽ không còn tâm trí để làm dáng nữa. Và rồi Hương sẽ thông cảm với Tâm hơn?
Làm việc được ít lâu, Hương trở nên dạn dĩ. Cử chỉ, dáng điệu, cách ăn nói trở lại bình thường, tự nhiên. Tâm càng thêm rung động trước vẻ đẹp tinh khôi, hồn nhiên của Hương.
Ở phía sau cơ quan có một cái ao nuôi cá. Hai bên bờ ao có cây cao, lá xanh rợp bóng. Có một thân cây to bị gió bão làm đổ, ngả mình ngang mặt ao, nhưng rễ vẫn còn bám đất, nên cây vẫn xanh tốt. Những buổi chiều quá cạn kiệt trước trang giấy, Tâm ra bờ ao nhìn cá cho khuây khỏa. Chiều đó, ra ao Tâm gặp Hương đang ngồi dỗ dành bé Thùy, cố đút cơm cho nó ăn.
Tâm thốt kêu:
- Ủa?!
Hương giải thích:
- Vợ chồng anh Tính đi thăm người bà con bệnh, nên gửi con trông chừng giùm (Ai trông chừng giùm? Sao không có danh xưng?).
Hương cố dỗ bé Thùy. Nè, ăn đi con. Cơm còn nhiều quá. Đứa bé ba tuổi mải đùa nghịch. Nó chạy lẫm chẫm trên bờ ao rộng, không để ý đến muỗng cơm đút kề miệng. Hương giả giận, quay mặt chỗ khác, giọng cô cao lên:
- Bé Thùy không ăn, cô cho cá ăn hết – Hương hất một ít cơm xuống ao.
Tâm ngơ ngác. Chưa bao giờ anh nghe một giọng nói thanh thoát, trong đẹp như vậy. Âm thanh ngân nga lan trên mặt nước bập bềnh. Âm thanh ấy như đột phá vào trong tình cảm sâu thẳm của Tâm, bắt đôi mắt, gương mặt Tâm phải bộc lộ niềm yêu thương pha lẫn sự kinh ngạc. Khói bếp nhà ai lan ra thoáng mờ không gian. Buổi chiều đột ngột yên lặng vô cùng. Phía dưới đàn cá đỏ đuôi xôn xao chao lượn theo nh hạt cơm trắng muốt. Dưới mặt nước, những ngọn cỏ dài vươn ra; những dải rong trứng xanh nhạt mịn màng, mong manh đến nỗi một thoáng nước dao động, tất cả đều run rẩy chuyển động. Thật xa phía dưới, trời chiều ửng màu lửa nhạt, thấp thoáng ẩn hiện bóng Hương. Tâm có cảm tưởng trong thoáng chốc, tất cả được phóng đại lên thành một cận cảnh, khiến Tâm, nếu khẽ nhích tới một chút, Tâm có thể bị ngộp hơi trong cận cảnh mông lung, mê hoặc ấy.
Lâu lâu, trong sinh hoạt bình thường, Tâm vẫn khám phá ở Hương nhiều bất ngờ, mới mẻ. Phải chi bé Tưởng được sự chăm sóc của Hương tương tự những Hương đang dỗ dành bé Thuỳ. Có thể như thế được chăng?
Con gái yêu quý của ba! Đối với cô Hương ba nhìn ngắm, ba xúc động, có lẽ vì cô trẻ, đẹp và nhất là những cử chỉ hồn nhiên trong trắng của cô. Hương, qua sự bén nhạy của một người nữ, cũng hiểu rằng ba đang để ý đến cô. Nên thường khi làm việc, nói chuyện với ba, cô không được tự nhiên. Ba cũng vậy – Có một cái gì ngượng ngập khi ba phải làm việc trực tiếp với cô, ba hết sức chú tâm vào công việc ba mới vượt qua nổi sự bối rối. Ba biết, cái tình cảm ấy làm hỏng không khí làm việc. Nhưng ở khía cạnh khác, biết đâu nhờ có Hương mà ba hăng hái, thích sống hơn. Sống không còn là một bổn phận vì mình đã có một đứa con, phải lo cho nó, đừng để nó bơ vơ tội nghiệp! (Xin lỗi con). Sống không còn là một cố gắng vượt qua những cơn đau. Từ hồi có Hương, ba yêu đời, ba yêu tất cả, cho dù cuộc đời này có bao nhiêu là gút mắt, ba không thể tháo gỡ được.
Ngoài những yếu tính, rất thường khi ba bắt gặp ở cô Hương, tạo nên linh hồn, hơi ấm của gia đình mà ba thường tưởng tượng – Nếu có Hương… Một nhận xét đúng và bình tĩnh nhất của ba, Hương chỉ làm một cô bé vô tư hơn cả bé Tưởng của ba (Có phải vì thấy con quá khổ mà ba nhận xét như vậy không?). Lúc nào ba cũng mang mặc cảm mình đã  gãy đổ, bệnh tật. Hàn gắn, chắp vá nó nặng nhọc, bất trắc biết bao. Nhưng khi ba nhìn thấy vẻ đẹp của Hương, lập tức cái vẻ đẹp ấy hút lấy ba. Ba như tan biến vào vẻ đẹp ấy. Lúc đó, ba đâu còn nhớ cái thực tại của mình nữa. Con thông cảm cho ba không? Nói đơn giản, như khi con ngồi vào đàn, chỉ có con và thế giới âm thanh.
Nếu bằng sự xúc động với tấm lòng hy sinh của một người trẻ, cô Hương ưng nhận ba cùng tạo dựng một gia đình, liệu ba có nên không? Hay là một lần nữa ba lại lầm lẫn.  Cô Hương đáng lẽ, xây dựng hanh phúc phúc với một thanh niên trẻ. Đời sống của một cặp vợ chồng trẻ, yêu nhau với tương lai thênh thang trước mặt – Biết bao niềm vui, biết bao người để giao tiếp – Thật đáng thèm ước. Làm vậy, ba chôn vùi tuổi trẻ Hương hay sao? Ba đau khổ và khó xử quá.
Trong chiến tranh ba chỉ cho phép mình nghỉ ngơi một nửa, một nửa phải thức để sẵn sàng ứng phó. Cái ăn, cái ngủ, quần áo chỉ cần thiết cho một nhu cầu tối thiểu. Vậy mà ba rất yên tâm. Bây giờ ba không biết tự chế. Ba thấy mình đáng trách. Ví như một người, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, có một đời sống tương đối ổn định thì kêu đòi thêm những tiện nghi vật chất: T.V, tủ lạnh, máy điều hòa không khí . . . Khi những thứ đó có đầy đủ, thì ơ kìa! Tôi sống với người đàn bà này không hợp, không hiểu tôi. Nhu cầu tâm hồn Tâm cần một người trẻ hơn, nhạy bén hơn. Thật đáng đánh đòn. . . nhưng làm cách nào ba đè nén được tình cảm của chính mình đang lay đập mạnh mẽ, vang dội như giông bão.
5. Một buổi chiều trên sân bay.
Tâm giục bé Tưởng:
- Con hãy chạy nhảy đi, con hãy hít thở không khí thật đầy phổi giống như mình tập thể dục. Ba thấy con ngồi học hoài, không vận động tay chân, yếu lắm.
- Thôi. Con thích đi chậm với ba – Bé Tưởng trả lời – Mà sao ba bắt con học nhiều vậy, con Mỹ Khoa bạn con, nó học có một buổi, sướng ghê . . .
Nghe con nói, Tâm bồn chồn, lo sợ. Anh biết, có lúc con anh sẽ hỏi câu này. Tâm ngậm ngùi, dù câu trả lời không thật lòng anh:
- Ba đã  đi qua hết cuộc chiến tranh này, đâu có lúc nào bình yên để ba đi học. Bây giờ, con học nhiều như vậy là học thay ba. Con đồng ý?
Bé Tưởng gật, gương mặt nó thật trịnh trọng:
- Con đồng ý. Nhưng con biết, ba không thương má, phải không ba?
Im lặng thật lâu. Tâm nghe toàn thân rướm máu, bầm giập như sau một cuộc tra tấn. Anh nghẹn ngào:
- Ba thương má con.
- Vậy sao má đi? Con thấy má thương ba nhất trên đời.
Tâm cố gắng tìm một lý do:
- Sau này con trưởng thành, đời sống đã  trải qua một ít đau khổ, con sẽ thông cảm với ba, với má con. Bây giờ, con chưa hiểu được.
- Nhưng má sẽ về chớ,ba? Con nhớ má.
Tâm bóp siết tay con:
- Chắc là má con không về. Má con đã  ra sân bay để đến một thành phố khác, làm việc ở một bệnh viện khác.
- Nhưng má sẽ về thăm con, thăm ba. Ba biết hôn, bất cứ chuyến bay nào về, con đều chạy ra sân nhìn từng người từng người xuống thang. Nhưng không có má. Con đang đón chờ má – Bé Tưởng nói, điệu bộ hy vọng hớn hở.
Tâm gượng gạo:
- Con hãy cố học. Má nghe con học giỏi, má vui. Tâm buồn. Đáng lẽ, ở tuổi bé Tưởng, nó không nên sống trong không khí nặng nề như vậy. Môi nó phải nói lời trẻ thơ, hồn nhiên. Mắt nó phải lấp lánh khi nhìn con búp bê, con gấy, chiếc xe lửa . . . Nói chuyện với con bao giờ Tâm cũng bắt mình suy nghĩ ở mức độ tối đa. Những lần nào trả lời những câu hỏi bất chợt của nó, Tâm cũng thấy lúng túng, khó khăn. Thành thật mà nói, kể từ ngày vợ anh đi, Tâm vừa buồn vừa cay đắng. Tâm tự trách mình sao quá tàn nhẫn – Tách một đứa con ra khỏi mẹ nó. Những buổi chiều, hai cha con đi rong trên  sân bay, giữa những trận gió lớn, nhìn bé Tưởng chơi một mình: Nó hái những hoa dại bó lại từng chùm; nó chạm tay vào những lá mắc cỡ cho lá khép lại, rồi nó nín thở ngồi im quan sát cử động của những chiếc lá. Tâm nhớ tới vợ anh. Tâm tưởng tượng, vợ anh tay xách va – li, khăn choàng cổ che gió hối hả ra sân bay trốn chạy khỏi nơi người ta đã  ruồng rẫy mình. Rồi chiếc máy bay cất mình khỏi đường băng. Trên chuyến bay ấy có một người đàn bà, mà cả tâm hồn, mạng sống đã gửi vào gia đình. Nhưng cô không được đáp lại bằng sự thương yêu. . .
Bé Tưởng đáng thương của ba! Lúc má vừa mới sinh con, ba tự nhủ: Chiến tranh. Những tiếng nổ. Mìn, hầm chông, địa đạo, con đường Trường Sơn gai lửa. Con hãy để cho ba, hãy để cho thế hệ của ba nhận lấy. Và những hậu quả chiến tranh – vết thương. Người bị bệnh thần kinh đi lang thang. Những đĩ, những điếm. Nói tóm lại, tất cả những gì người ta đổ trút cho thời kỳ quá độ nay. Thế hệ con là những công trình kiến trúc, những công trình kỹ nghệ cao vút. Những mỏ dầu trong biển xanh bí ẩn. Những mỏ uranium. những lò nguyên tử. Những âm thanh. Những bàn tay tuyệt đẹp lướt trên những phím dương cầm. Những giàn nhạc giao hưởng vĩ đại. Nhưng rồi ba đã suy nghĩ, giải quyết vấn đề cho con bằng con người đã mang vết thương trong chiến tranh. Con thông cảm ba không? Trong một phút yếu lòng, ba đã tước bỏ những ý nghĩ đó, tự tìm cho ba một chút hạnh phúc. Khi mọi sự đã rồi, ba mới hiểu ra tại sao ba không biết đè nén mộng mơ cá nhân, để con có một người mẹ; để tình cảm của con trưởng thành tự nhiên trong không khí gia đình, trong tình yêu của má con. Tuy thế, ba vẫn còn phân vân, chưa quyết đoán được – Có thể ba quyết đoán lầm lẫn. Có thể ba quyết đoán đúng – Bằng chứng là có cô Hương. Hương là một tình cờ chăng? Sau nay lớn lên con sẽ hỏi vậy. Con cho ba trả lời, biết bao người đã tình cờ đến với ba, sao ba không rung động? Đàng nay, giả sử như Hương vắng mặt vì một lý do gì đó, chắc ba chết mất. Hoặc đến một lúc nào đó, cô Hương nói với ba rằng, Hương chưa có tình cảm riêng tư gì với ba, nếu có chăng, chỉ là tình đồng chí. Trời ơi! Ba sợ, ba không muốn nghe. Dù đã trải nhiều đau khổ, dù đã cận kề với cái chết, ba vẫn sợ cái giây phút nói thật ấy (Nhưng ba đã nói thật với má con!). Ba thích ngắm cái bóng dáng hạnh phúc ở xa. Từ từ, nhè nhẹ, ba bước lại gần, một phút giây bất chợt nào đó, ba bắt nó phải khuất phục, nằm trong cánh tay ba. Tất nhiên trong bầu trời hạnh phúc ấy có con nữa. Ba sẽ đền trả lại cho con những ý nghĩ đẹp. Đẹp và trong sáng như một ý nghĩ trẻ con nào đó: “Cho đến năm hai ngàn không còn người bệnh, bác sĩ phải đi hành tinh khác”.
Vì quá yêu mến cô Hương, ba đã ngụy biện nhiều với con. Có lần con hỏi ba “Má đi luôn rồi. Vậy là con không có má nữa hả, ba?”. Ba trả lời “Tùy con. Con muốn có má thì có”. Con hỏi lại ba “Vậy là con phải sống với bà mẹ ghẻ, hả ba?”. Ba trả lời. Ba nói nhiều. Ba không nhớ mình đã nói những gì. Đại khái, bây giờ đâu còn mẹ ghẻ nữa con. Con người đã đi qua cuộc chiến quá dài, nên nhận rõ mặt đau khổ, nhận rõ mặt vinh quang. Bây giờ con người tự chọn lấy hạnh phúc cho mình. Và tự chọn lấy hoàn cảnh thích nghi để mình có thể mang lại hạnh phúc cho người khác. Tóm tắt, bây giờ người ta hiểu rõ mình muốn gì, và trong tình huống đó người ta sẽ phỏng đoán được những gì sẽ xảy ra, và tiên liệu coi tự mình có ứng phó nổi hay không. Chuyện mẹ ghẻ trong cổ tích Tấm Cám đã trở thành xa xưa. Nó chỉ còn là câu chuyện đời xưa kể trong đêm mưa gió. Ba giải thích như thế để trấn an con, để ba mở đường cho ba bước thêm bước nữa, khỏi phải xấu hổ với con. Không hiểu sao ba đã rất yên tâm. Có lẽ, ba nghĩ con còn nhỏ. Nói vậy con đã hiểu? Ba đã ngụy biện hay ba quá tin? Tin rằng chiến tranh, tâm hồn con người đã được gạn lọc đến trong suốt – ba sẽ tìm thấy hạnh phúc thật sự vừa ý ba. Và con nữa, con sẽ quên má con. Con sẽ trưởng thành trong một gia đình hạnh phúc. Ba cũng đã thấy nhiều gia đình như vậy. Tất nhiên, sẽ cuộc sống những trục trặc nho nhỏ không tránh khỏi . . Con ơi! Cuối cùng ba vẫn không biết phải kết thúc như thế nào. Sao ba cứ để cho đầu óc mình sa đà trong thêu dệt, hoang tưởng.
6. Tết đang đến. Tối nay là giao thừa. Bé Tưởng nhất quyết đêm nay thức đón giao thừa. Những năm trước cứ sắp đến giao thừa là bé buồn ngủ, cô bé thức không nổi. Tâm đã mua một ít bánh mứt, vài phong pháo đỏ cho con. Anh xếp xong chương trình. Chiều nay cô bé Tưởng tập đàn về, đầu hôm hai cha con đi phố chơi một lát rồi về đón giao thừa. Thật ấm cúng, cái nhóm gồm những người ăn tập thể năm nay đều ở lại trực cơ quan (Sẽ nghỉ ăn Tết sau). Nhưng mấy ngày nay, vết thương cũ của Tâm có vẻ như muốn tái phát. Tâm cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Tâm muốn ở nhà nằm nghỉ. Nhưng thôi. Tất cả hãy vì con. Lâu lâu một lần. Bây giờ, trong khi chờ đợi con đi tập đàn về Tâm ngồi vào bàn làm việc. Biết đâu anh sẽ viết được một đoạn hay. Đang viết, Tâm nghe tiếng gọi từ bên ngoài:
- Anh Tâm!
Ngẩng lên, Tâm thấy Hương đứng ngoài cửa.
- Chi đó Hương? – Tâm hỏi.
- Bé Tưởng đi học đàn về chưa anh? Bữa nay ăn cơm sớm một chút. Tối dẫn mấy đứa cháu gần đây đi chơi (Ai dẫn? Vẫn không có danh xưng. Nhưng giọng nói nhẹ, trong. Tâm thích nghe Hương nói chuyện).
- Chưa về. Ráng chờ một chút. Hương không phiền chớ.
- Không đâu – Hương khẽ nghiêng mình thật lịch sự – Thôi, anh cứ làm việc tiếp.
Hương quay đi. Một ý nghĩ thoáng qua đầu, Tâm kêu:
- Này Hương!
Hương quay trở lại, bước tới vài bước, đứng ngoài cửa sổ. Mắt Hương mở thật to:
- Chi anh?
Tâm bối rối:
-À. . . Định nhờ Hương một chút. Tối nay dẫn bé Tưởng đi chơi dùm anh.
Mắt Hương hơi nheo cười, cái bớt đen nhỏ phía trong ở đuôi mắt trái linh động hẳn lên. Hương trả lời không đắn đo:
- Sẵn lòng.
Chốc sau, bé Tưởng đi tập đàn về. Tâm nói:
- Mình đi ăn cơm, đi con! Tối nay cô Hương sẽ dẫn con đi chơi nghe!
Bé Tưởng ngước nhìn Tâm:
- Còn ba?
- Ba già rồi – Tâm tự giễu cợt pha một chút chua chát.
Hai cha con đến phòng ăn. Ở bàn ăn có đủ mặt: Anh thư ký đánh máy, cô Đạo, cô Hương. Tất cả đều chải chuốt, hớn hở. Hương quá đẹp – Đẹp tinh khiết. Cô Đạo có đôi mắt một mí, nên kẻ thêm một nét chì đen mịn cho thành hai mí. Mùi dầu thơm thoảng nhẹ.
Hương gắp thức ăn bỏ vào chén bé Tưởng:
- Con ăn đi. Chiều tối con đi chơi với cô.
- Dạ – Tiếng bé Tưởng nghe nhỏ, khác thường. Cô bé ăn một cách thờ ơ, nghẹn ngào, mắt ngó mông ngoài cửa sổ.
Tâm hỏi:
- Bữa nay, ba thấy con buồn?
Bé Tưởng giật mình, ngơ ngác. Nó muốn khóc:
- Ba đừng rầy con mới dám nói.
- Con nói ba nghe.
Bé Tưởng ngập ngừng:
- Bữa nay con đàn vấp nhiều quá, bị cô rầy.
Tâm hơi cau mày, nhưng bình tĩnh lại ngay. Giọng Tâm nghiêm khắc:
- Tại sao?
- Dạ, mấy ngày gần Tết con nhớ má, con không thể đàn nổi những bài tập cô đã cho.
- Con không nói với ba?
- Con thấy ba bệnh nhiều, con không dám nói – Cô bé nhìn Tâm, đôi mắt như van Tâm đừng hỏi nữa.
Tâm tiếp tục:
- Con ngoan lắm. Nhưng lần sau đừng làm vậy nữa. Có điều gì buồn con cứ nói với ba . . .
Cả bàn ăn im phắc, lo âu.
Giọng Tâm sâu lắng:
-. . . Con học mà không tập trung vào bài, con biết ba buồn chớ. Bây giờ ba chỉ có mình con. Ba lo lắng cho con – Bất chợt cơn đâu từ vết thương của Tâm lan ra. Tâm cố nén cơn đau xuống – Ba bệnh nhiều. Đã đành. Sức khỏe của ba tệ lắm rồi. Ba biết. Có lẽ, ba sống cao lắm là bảy, tám năm nữa. Con đừng phiền ba. Má đã đi. Và sở dĩ, ba bắt con học nhiều, để khi ba chết, con có đủ bản lĩnh tự do lấy đời sống con và làm việc giúp ích cho xã hội.
Bé Tưởng bật khóc. Nó nói lấp vấp, lưỡi ríu lại như thể đang can ngăn một bóng ma đang ập tới:
- Ba! Ba đừng làm con sợ. Ba đừng chết . . .
- Con đừng sợ. Con với ba cùng đón nhận nó – mồ hôi toát ra đẫm ướt hai lòng bàn tay Tâm. Cổ họng anh đắng nghét – Ba về phòng trước. Ba hơi mệt.
Khi vừa đứng dậy, Tâm bắt gặp đôi mắt dữ dội của Hương đang ném vào anh. Tâm khiếp hãi khựng lại rồi loạng choạng bước đi. Ra khỏi cửa, Tâm buông mình thả mặc cho cơn đau hoành hành. Như có một thứ lửa hỏa ngục rớt vào tâm can của Tâm. Nó rừng rực, phần phật luồn qua những đường gân, phá vỡ tế bào. Một cơn đau chưa từng có từ trước tới nay. Nó làm mê tối thần trí. Tâm cố lần theo bức tường trở về phòng. Tâm phải dựa lưng vào tường nhiều lần để thở. Cơn đau làm cho Tâm phải kêu rên. Tâm như mất hết khái niệm về phương hướng. Cơn đau khủng khiếp đến nỗi, khi bàn tay Tâm chạm vào tường, Tâm có cảm giác như tay mình đang nhúng vào khối thép lỏng đang nóng chảy. Không biết bằng cách nào, Tâm đã về tới phòng mình. Tâm ngã vật xuống giường. Toàn thân Tâm gồng lên, lưng uốn cong như muốn cất lên khỏi giường để đương đầu với cơn đau vô hình, tăm tối. Nhiều lần Tâm tưởng mình ngất đi . . . Trời ơi! Đáng lẽ, Tâm không nên nói điều đó cho cô bé Tưởng biết. Nó còn nhỏ quá. Cưỡng bức một cô bé ngây thơ vào sự bất trắc, phũ phàng để làm gì? Tâm, trong một phút không tự chủ đã tạo cho cô bé Tưởng ấn tượng về sự chết chóc, đặt cho cô bé một tình huống khốc liệt.
Tâm có cảm tưởng như mình phạm vào một tội ác: Cắt đứt tình mẹ con, bốc cô bé Tưởng ra khỏi tuổi hồn nhiên của nó, bắt nó phải suy tính ngay bây giờ để chuẩn bị vào đời. Bé Tưởng, một lần nữa, con cho ba chống chế (Sự chống chế thê thảm quá phải không, con?), ba là một người sống sót sau chiến tranh với một vết thương. Ba đã suy nghĩ, quyết đoán bằng con người đó. Con thông cảm cho ba không?
Trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê, Tâm nghe hình như bên ngoài có chiếc máy bay vừa đáp xuống. Tiếng động cơ ồn rền, choáng một khoảng không gian rộng lớn. Theo đó là tiếng kêu hốt hoảng, chói gắt của cô Đạo. Hình như có Hương đứngcạnh giường anh. Anh thư ký đang chạy tìm xe chở anh đi cứu cấp. Hình như chung quanh giường anh có nhiều người đứng lắm Hình như cô bé Tưởng vừa khóc vừa lay gọi anh. Không sao đâu con. Con đi chơi Tết với cô Hương đi con. Ba xin lỗi. Ba đã làm hỏng đêm giao thừa của con, của các bạn trẻ. Rồi ba sẽ xin lỗi má, năn nỉ má trở lại. Ba biết con nhớ má lắm, ba cũng vậy nữa. Tội của ba lớn lắm. Tâm chỉ nghĩ vậy, chớ không thốt ra được lời nào. Hình như mọi người đang lui lại tránh lối cho y sĩ bước vào. Người y sĩ tiêm cho tâm nhiều mũi thuốc. Khi vừa hồi tĩnh, Tâm nghe âm thanh chiếc phát hiện cơ rời khỏi sân đã mù khơi, xa tít. Có lẽ, nó đang cất lên, cất lên biến mất trong những tầng mây trắng chan hòa.
Chú giải: Bi kịch của nhân vật Tâm trong truyện, biết mình là người bệnh tật, tàn phế nên muốn cho cô bé Tưởng - đúa con duy nhất của ông sớm trưởng thành để khi ông sớm mất đi, một mình cô, giữa cuộc đời này, có thể tự lo liệu cho riêng mình. Nhìn một cô bé gái phải cố gắng quá sức, Tâm lại đau xót, vật vã...Đó là diễn biến tâm lý nhân vật của truyện ngắn này.
Lê Đình Trường
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Năm Mão kể chuyện miêu thần Đúng là Sắc răng, chuột dễ cắn được cổ mèo! Nói thì dễ, làm mới khó! Kẻ xấu xa dù có tìm mọi cách cũng không...