Ca dao Việt
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Trong câu lục, ta dễ nhận thấy từ “chiều chiều” nghĩa là mỗi buổi chiều. Nhiều câu ca dao khác cũng mở đầu bằng công thức như thế.
Chiều chiều ra đứng Ải Vân
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân thêm buồn.
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Kẻ kéo ngửa ngực người không động mình.
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người áo gấm khăn điều vắt vai ...v.v...
Nhưng trong câu bát, cụm từ “chín chiều” (có nơi đọc là chín chìu) đã tạo nên bốn quan điểm giải thích khác nhau. Chúng ta không xét trường hợp xem từ “chiều” trong câu bát là động từ. Từ “chiều” ở đây không có nghĩa là theo ý muốn của người khác như từ “chiều” trong hai câu:
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai
(Nguyễn Du)
Lối đi về hoa chẳng chiều ong
(Ôn Như Hầu)
Cụm từ “chín chiều” được công nhận là cụm danh từ.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, từ “chiều” dùng để chỉ khoảng thời gian từ quá trưa đến gần tối (buổi chiều) như “chiều” trong hai câu thơ của cụ Nguyễn Du:
Buồn trông cửa bể chiều hôm.
..Bóng chiều đã ngả dặm hoè còn xa.
Còn từ “chín” trong cụm từ “chín chiều” là số từ (chỉ số lượng xác định) biểu thị cho “rất nhiều” (chỉ số lượng không xác định). Quan điểm này giải thích: Một buổi chiều, hai buổi chiều, ba buổi chiều cho tới chín buổi chiều là rất nhiều buổi chiều, tác giả câu ca dao đã trông về quê mẹ và cảm thấy đau lòng, nhớ thương chồng chất.
Quan điểm thứ hai lại phủ nhận từ “chiều” ở phạm trù thời gian. Họ nhấn mạnh đến phạm trù không gian của tình cảm, không gian của tâm lý con người. “Chiều” chính là “bề”, nhưng không đơn thuần như chiều cao, chiều dài, chiều ngang.
“Ruột đau chín chiều” là nỗi đau chín bề trong ruột. Ý nói bề thì thương cha thương mẹ, bề thì nhớ người yêu, bề thì buồn khi xa quê nhà…
Quan điểm thứ ba lại khác hẳn, “chiều” được hiểu là “dáng, vẻ” như trong truyện Kiều hay Cung Oán ngâm khúc:
Thoắt đâu thấy một tiểu Kiều
Có chiều phong vận, có chiều thanh tân
(truyện Kiều)
Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ
(Cung oán ngâm khúc)
“Ruột đau chín chiều” là chín vẻ đau khác nhau, là chín tầng độ, chín cung bậc buồn thương xuất phát từ trái tim của tác giả.
Thật ra, theo tôi, quan điểm giải thích chính xác nhất thì “chín chiều” là chín nấc ruột (Les neuf replis des entrailles). “Chín chiều” ở đây giống như “chín khúc” trong câu:
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày
(Nguyễn Du).
Hoặc như “chín hồi” trong câu:
Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ
(Nguyễn Du).
Nếu giải thích nghĩa của từ theo quan điểm ngôn ngữ và lời nói thì cụm từ “chín chiều” được hiểu theo nghĩa đen (Sens Propre) là “chín nấc ruột”, nghĩa bóng (Sens Figuré) là lòng người, tâm hồn con người.
Nói một cách rõ ràng hơn, ruột là cái cụ thể biểu thị cho tâm hồn (cái trừu tượng). Ruột và tâm hồn của tác giả câu ca dao có sự tương đồng về trạng thái (nỗi đau), cho nên, “ruột đau chín chiều” là một ẩn dụ (métaphore).
Như vậy, câu ca dao “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều” nhằm diễn tả tâm trạng của tác giả khi ngó về quê mẹ mỗi buổi chiều.
Tâm trạng đó chính là nỗi nhớ thương ray rứt đến quặn đau cả tâm hồn.
Nhìn chung, bốn quan điểm nêu trên đều thống nhất ở chỗ công nhận “nỗi đau thể xác” (ruột đau) của tác giả biểu thị cho “nỗi đau tinh thần” (tâm hồn đau), nhưng do cách hiểu cụm từ “chín chiều” không đồng nhất với nhau nên đã tạo ra nhiều cách giải thích khác nhau. Mục đích của bài viết này nhằm xác định lại quan điểm nào được xem là chính xác nhất hiện nay.
| ||
Vương Trung Hiếu Theo http://www.vanchuongviet.org/ |
Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016
Hiểu và giải thích cụm từ ‘chín chiều‘ như thế nào
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Cái còn lại hóa cái không
Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét