Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Hoa và đàn - Nét đặc sắc trong thơ Nguyễn Hải Phương

Hoa và đàn - Nét đặc sắc trong thơ 
Nguyễn Hải Phương
Nguyễn Hải Phương (*) là thi sĩ hào hoa. Thi phẩm của người độc đáo đặc sắc nhất là chùm thơ vịnh hoa và các nhạc khí.
Đó phải kể như là một mối tình – tình yêu hoa! Mỗi loài hoa đều chở trên đôi cánh mỏng yếu ớt đẹp và thơ một ý tưởng sâu sắc về đời sống của người viết.
Vì Cúc tôi thương người áo lụa
Hay vì áo lụa mới thương Hoa?
Bao lần Cúc đã mang thu lại
Mà bóng người xa vẫn nắng tà!
(Hoàng Cúc)
Sắc hương vẫn sắc hương  này
Tim Hồng nở giữa bàn tay ngón dài
Cuộc tình nào đã lạt phai
Nỗi đau còn đọng đầu gai vết bầm 
(Hoa Hồng)
Từng chùm bông trắng trái xanh
Cho ai trèo hái, cho thành ca dao.
Lòng quê dường vẫn nao nao,
Khi hương hoa ấy ngạt ngào tóc em.
(Hoa Bưởi)
Đây một loài hoa lấp lánh thơ
Lẻ loi bên cỏ bụi sương mờ
Ngẩn ngơ xanh tím, xanh hoang dại
Luôn nhắc người đi có kẻ chờ.
(Hoa Lưu li)
Em trưng nụ biếc bông vàng
Cho nhân gian chút mơ màng đầu xuân
Rồi buông rơi… chả ngại ngần
Bướm ong có nhớ cát lầm có vui
(Hoa Mai)
Cố thi sĩ Nguyễn Hải Phương
Mỹ nhân hơn hoa vì hoa biết nói. Hoa hơn mỹ nhân bởi biết tỏa hương. Người đẹp thường vô duyên. Hoa đẹp thường không thơm. Trong mọi loài hoa Nguyễn Hải Phương mô tả, hoạ chăng có mai là toàn bích.
Mọi vẻ đẹp ở hoa có thể gợi lên trong tri giác của nhà thơ ý niệm về những quan hệ. Cái đẹp đối với Hải Phương là tất cả những gì gợi lên ý niệm đó.
Trong thiên nhiên, cái đẹp nhiều nhưng không dễ nói ra. Cái đẹp tự nhiên là sự ngẫu nhiên. Cái duyên dáng nhân tạo mới thuộc về mỹ thuật. Vẻ đẹp là sự tự cảm, nó phản chiếu trong mắt bạn. Đó không phải là một hiện tượng vật lý. Cái đẹp là sự phối hợp các chất liệu khác nhau tạo ra một hình thức có thể khuấy động lên tình cảm, lý trí sức mạnh khơi dậy ở con người sự ngạc nhiên, niềm vui sướng trước khả năng sáng tạo của mình. Nguyễn Hải Phương hiểu rõ cái đẹp, yêu thích và chiêm ngưỡng cái đẹp để tự nâng cao tâm hồn, tự tạo một khoái cảm thẩm mỹ, làm thay đổi cả tâm trạng.
Thật thú vị biết chừng nào nếu trong cuốn Hoa phổ được chua những dòng thơ trên đây của Hải Phương về các loài hoa.
Đó còn là một mối tình nữa: Tình yêu Âm nhạc! Sống trong một gia đình ngập tràn âm thanh có phu nhân là Giáo sư nhạc viện tài danh Phạm Thúy Hoan, có các con gái Hải Phượng, Hải Yến đều là hai nhạc công nổi tiếng, Nguyễn Hải Phương thẩm âm tinh tường để viết nên những vần thơ điệu đàng về đặc tính từng nhạc khí  mà nhà thơ yêu quý.
Một dây căng giữa đất trời
Cần nghiêng nghiêng tựa dáng người vươn cao
Tiếng ngân, ngân tận cõi nào?
Dư âm ngơ ngẩn rơi vào tim ai.
(Đàn bầu)
Tay em như ướp bằng thơ,
Hóa thân thành bướm, vườn hoa sóng dài
Mặt đàn như nước sông đầy
Cho cầu nổi gió, cho bầy nhạn sa.
(Đàn tranh)
Dáng liễu ôm đàn xinh dáng liễu,
Tay mềm lượn sóng, bóng trăng rung.
Bốn dây tơ mảnh mà chiêng trống,
Mà vó câu dồn thuở kiếm cung
(Đàn tỳ)
Dây vuốt ve dây lời dịu ngọt
Lả lơi lơi lả cánh cò bay
Sầu ai kẻ ở người đi nhỉ?
Mà gió mưa về trong cánh tay…
(Đàn nhị)
Nương nhau cặp trống Rồng Tiên
Khi gầm thét sấm, khi rền rĩ mưa
Gieo dùi trời ngẩn đất ngơ
Quân thù rớt kiếm rơi cờ bao phen
(Trống đồng)
Bềnh bồng trăng lọt vòng tay
Khúc Chầu văn chất men say bao giờ?
Gió nào đổ xuống dây tơ?
Lung linh ánh nhạc, vật vờ bóng trăng.
(Đàn Nguyệt)

Trái tim nghệ sĩ trao lòng đá,
Nhắn nhủ ngàn sau chẳng tiếc lời
Chưa gặp tri âm đành khách lạ
Gặp rồi lời đá cũng châu rơi.
(Đàn đá)
Tên em tuy có mà không
Ba dây vẫn sóng trăm sông về nguồn
Ca trù đổ hội, phách giòn
Tuổi phai xanh chạm tiếng đờn lại xanh.
(Đàn đáy)
Nứa tre dang cánh đại bàng
Lời hoang sơ bỗng reo vang thị thành
Tay mềm uốn lượn âm thanh
Áo Tây Nguyên gợi nhạc hình Tây Nguyên;
Mưa nguồn, gió núi, lời chim
Vó câu ai ruổi rong tìm lũng xa?
Âm lơi, âm thoảng, âm hờ
Cồng chiêng dòn dã bao giờ còn ngân?
Lênh đênh vui bổng, sầu trầm
Đèn pha… tưởng bóng trăng ngần non cao.
(Đàn t’rưng)
Lênh đênh mười sáu dây tình
Mới nghiêng cánh nhạn đã thành câu rao.
Gió mưa nương náu dây nào?
Tình anh sao bỗng lạc vào nước mây?
Khúc đàn bạc mệnh nào đây?
Nỉ non khóe mắt, hao gầy dáng thơ.
Ngón tay ướp lệ bao giờ?
Giọt rơi cung oán, giọt chờ cung ai.
Cung nào mà tóc tơ bay?
Mà hiu hắt gió, mà cay nắng vàng.
Tay em nhẹ níu cung đàn
Ru anh về với biển ngàn xót thương.
Sao không chuyển khúc tơ vương?
Cho xanh ánh nhạc, cho hường bờ môi.
(Ánh Nhạc)
So dây vào cuộc nổi chìm
Mới hay bạc mệnh săn tìm tài hoa
Mắt thơ chênh bóng trăng tà

Hồng nhan lạc bước canh gà cầu sương
Xe đời vô lại cầm cương
Rửa hờn đành cậy thước gươm chọc trời
Mười lăm năm cánh hoa trôi
Bến Tiền Đường bỗng gặp người tình xưa
Vật vờ vì mấy đường tơ
Cuốn dây từ ấy sao giờ còn ngân?
(Tiếng đàn Kiều)
Một người bình thường thể hiện thế giới nhạc cụ như tai mắt họ nghe nhìn thấy, Nguyễn Hải Phương thể hiện bằng suy nghiệm. Nói theo cách của Nguyễn Việt Chiến là “Mở đàn ra gặp trầm luân kiếp người”.
Những nhạc khí đó qua bàn tay của người nghệ sĩ thì thành âm nhạc. Âm nhạc đốt lửa và dâng lệ trong tim con người. Con người sống trong khát vọng yêu thương. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát bởi tiếng hát mang trong mình nó tâm hồn con người. Étga Pô bàn rất hay về điểm này “Nhạc, khi chưa chứa ý tưởng sảng khoái thì đấy là thơ. Nhạc nếu không có ý tưởng thì chỉ là nhạc suông. Ý nếu không có nhạc thì chỉ là văn xuôi trần trụi”
Âm nhạc là tiếng động đắt giá nhất trong các âm thanh, là thứ ngôn ngữ chung của loài người. Là thuốc chữa bệnh đau tim, nó kéo dài tuổi sống cho con người. Âm nhạc có khả năng hướng thiện kỳ diệu. Ai ca hát là đang đuổi bệnh ra khỏi cơ thể.
Có thể xem những bài thơ của Nguyễn Hải Phương viết về những đặc tính bản chất của các nhạc khí dân tộc là lời đề từ tao nhã cho các bức tứ bình hay đại bình mà các họa sĩ không cần phải phân vân về chất lượng nghệ thuật của ngôn từ.
(Rút trong bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI, chưa xuất bản)
(*) Nhà thơ và Giáo sư triết Nguyễn Hải Phương (1933-2002). Quê quán Hải Hậu, Nam định; gốc Nghệ An; sinh sống tại Sài Gòn.
Tác phẩm đã xuất bản: Tìm về xóm Lạc (Kịch thơ) 1955; Thanh gươm tiền sử (Kịch thơ), 1958; Đêm chầy trăng cao (Thi phẩm), Nxb Lao Động 1992; Dặm về (Thi phẩm), Trẻ 1995; Thoáng vàng bay (Thi phẩm), Thanh Niên 2002.

THÁI DOÃN HIỂU
Theo http://trannhuong.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng Nhuận Cầm “mà thơ là nợ, mà tình là đau” Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà thơ liệt s...