Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Nhạc sĩ Phạm Duy với ‘‘Người yêu bé nhỏ’’

Nhạc sĩ Phạm Duy với ‘‘Người yêu bé nhỏ’’
Sau đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon (22-11-2005), nhạc sĩ Phạm Duy rủ tôi về thăm ngôi nhà mới của anh. Hơi bất ngờ nhưng tôi không bỏ lỡ cơ hội. Tôi đi theo anh và bảo sẽ ở lại với anh để nói tiếp những câu chuyện còn dở dang hôm anh ra thăm Huế hồi giữa tháng 7-2005 vừa qua. Anh OK vì nhà anh rộng lắm, có phòng ngủ riêng cho bạn, tha hồ. Nhờ thế tôi có một đêm gần nhạc sĩ Phạm Duy và «người yêu bé nhỏ» của anh.
Ngôi nhà mới nhạc sĩ Phạm Duy tạo dựng nên bởi nhuận bút 20 năm nhượng cho Công ty Văn hóa Phương Nam độc quyền khai thác tác phẩm của anh, nằm trên một con hẻm rộng yên tĩnh thuộc Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc ấy các con anh còn mải đi chơi khuya chưa về. Anh đưa tôi vào nhà, dạo qua hết các phòng trên ba tầng lầu. Anh giới thiệu phòng ngủ cạnh phòng làm việc của anh và các phòng sẽ dành cho các con trai, con gái của anh. Một cảm giác vắng vẻ, trống trải thoáng qua trong đầu tôi. Đọc được cảm nghĩ của tôi, anh bảo : 
- «Tuổi già tôi muốn được yên tĩnh. Đồ đạc vứt hết ở bên Mỹ, chỉ đem về ba cồng-ten-nơ những tác phẩm nghệ thuật và những gì thân thiết nhất với âm nhạc thôi. Hàng đang trên đường về».
Anh Phạm Duy rất tâm lý, nhưng anh không hiểu hay anh hiểu mà cố tình tránh né điều tôi đang suy nghĩ. Mắt tôi liếc qua giường ngủ của anh, chỉ thấy có một chiếc gối, tôi thật chạnh lòng. Tôi nhớ gần bốn mươi năm trước đến thăm nhà anh ở Chi Lăng (Phú Nhuận) cũng ở trong một ngõ hẻm rộng rộn ràng tiếng đàn tiếng hát của chị Thái Hằng mà anh từng gọi là «Á thánh» và đàn năm con nhỏ đang học làm ca sĩ, nhạc sĩ với cha mẹ của mình.
Đưa tôi thăm nhà xong, anh thay bộ đồ lớn sang trọng, đúng mốt (anh vừa mặc để lên sân khấu Sofitel Plaza Saigon đọc bài vinh danh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý) rồi ướm vào bộ bà ba màu lam nhà quê gây cho tôi cảm tưởng hình như anh đã giữ được bộ y phục nầy từ hồi đầu kháng chiến 1948 đến giờ.
Anh ngồi vào bàn, mở máy điện toán. Cái máy xách tay nhỏ và mỏng hơn một ram giấy A4 reo lên một điệu nhạc vui và trên giao diện của nó hiện lên những logo do chính anh tạo nên. Những logo ấy là cửa ngõ đi vào thế giới Phạm Duy. Để khỏi mất thì giờ anh kéo ghế bảo tôi đến ngồi bên cạnh để nghe anh giới thiệu những chuyện anh vừa viết từ sau ngày anh về nước đến giờ. Anh hồi ký về những người bạn đã đi qua đời anh. Từ chuyện những người bạn học thời thơ ấu ở Hà Nội, chuyện đồng chí đồng sự thời kháng chiến, chuyện bạn cùng họat động âm nhạc ngoài Bắc, trong Nam, cho đến những người bạn anh mới gặp sau nầy. Miệng nói, ngón tay anh sờ lên chuột máy điện toán «click» một cái, cửa sổ «bạn bè Phạm Duy» hiện ra. Một danh sách dài lắm, trong đó tôi chỉ nhớ được tên những người đã từng là thần tượng của lứa tuổi tôi như Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Văn Cao, Hoàng Cầm v.v.và có cả những người bạn trẻ hơn như Phạm Thiên Thư, Lưu Trọng Văn. Tự nhiên một câu hỏi hiện lên trong đầu tôi :
- «Thế còn chuyện những người tình đi qua đời anh thì sao?».
Ý đã đọng thành lời nhưng tôi không dám hỏi. Nhưng tôi tin là anh đã viết hoặc anh cũng đã có đề cương sẽ viết. Hiểu được những người tình đó càng hiểu nhạc tình của Phạm Duy hơn.
Anh nói:
- “Những người bạn nầy đã để lại trong đời mình nhiều kỷ niệm sâu sắc nhưng trong hồi ký là chuyện riêng không thể viết về bạn đầy đủ được. Nay phải viết riêng một cuốn. Không viết mang nợ suốt đời.”
Anh dán mắt vào máy, đọc một số chuyện với chất giọng ấm áp, hào hứng, khi lên bổng lúc xuống trầm, khi nhanh khi chậm rất hấp dẫn. Chuyện nào cũng có đầu có đuôi, có thời gian không gian, có tên người với địa chỉ rõ ràng và đặc biệt là có kèm theo ảnh, ảnh cũ, ảnh mới đủ cả. Từ sau năm 2000, anh đã về Việt Nam 8 lần trước khi về ở hẳn. Trong 8 lần ấy anh đã tìm thăm hầu hết những bạn cũ của anh trên ba miền Trung Nam Bắc. Người còn sống thì đến hàn huyên thăm nhau (Hoàng Cầm), người chết thì thăm gia đình vợ con, thắp hương khấn vái và hẹn ngày gặp lại ở cõi vĩnh hằng (Lưu Trọng Lư, Văn Cao), người còn trẻ thì hẹn nhau thực hiện những việc trước kia vì hoàn cảnh chưa thực hiện được, người nào không còn ai thân thuộc cũng bảo không tìm được. Năm 2002, anh đã ra Gio Linh tìm thăm lại mảnh đất của bà mẹ Gio Linh - người mẹ liệt sĩ đã gây cảm xúc cho anh viết bài ca bất hủ Bà Mẹ Gio Linh.
Phạm Duy là một cây đại thụ trong làng tân nhạc Việt Nam, ngờ đâu anh cũng là một nhà văn có kinh nghiệm viết chuyện người thật, việc thật chính xác, hấp dẫn, có giá trị lịch sử. Anh có một trí nhớ phi thường, có ý thức, có phương pháp sưu tầm và lưu giữ tư liệu hiếm thấy trong giới văn nghệ ở nước ta.
Cách đây mấy chục năm, bạn tôi ở bên Mỹ về cho biết Phạm Duy là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên biết sử dụng phần mềm tin học để soạn nhạc bằng máy điện toán. Thiên hạ phục lắm. Nghe thế và biết thế chứ tôi không thể hiểu Phạm Duy đã sử dụng cái kỹ thuật hiện đại ấy như thế nào. Giờ đây ngồi bên anh, tôi mới hiểu anh là một siêu «phù thủy» rất có uy lực với «đoàn âm binh» anh đã tạo ra và «nuôi sống» chúng trong cái máy điện toán nhỏ xíu lúc nào cũng để bên cạnh anh. Với 85 tuổi đời, trên 60 năm hoạt động nghệ thuật, sáng tác hàng ngàn nhạc phẩm, phổ thơ hoặc đặt lời cho hàng ngàn bài ca khác, viết hàng mấy chục cuốn sách và hồi ký, chụp và sưu tập hàng vạn bức ảnh, lưu giữ hàng ngàn bài viết khen chê anh (đặc biệt những bài viết ở Mỹ sau khi anh «hồi xứ»).v.v. Có thể nói là thiên hình vạn trạng. Thế mà, khi nhắc đến một vấn đề gì, anh truy cập ngay trên máy để dẫn chứng cho câu chuyện. Những bài nhạc tôi đã quên lời hay những bài nghiên cứu, bài phê bình dài dòng không thể đọc kịp trong đêm, anh cóp-pi vào đĩa CD để tôi đem về nhà nghe và đọc tiếp. Chỉ một bài Bà Mẹ Gio Linh trong máy anh có đến năm sáu người hát, trong những thời kỳ và hoàn cảnh khác nhau, có hiệu quả khác nhau, kèm theo những lời phê bình cũng có giá trị lịch sử. Anh gọi đó là nhạc tư liệu. Một bài mà đã như thế rồi, cứ như thế nhân lên các bài hát «lịch sử» khác thì biết nó phong phú đến mức nào. Cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật và «khóc cười theo mệnh nước nổi trôi» của anh được nén lại thành một khối nhỏ bằng một cuốn sách khổ lớn thì quả là một chuyện thần kỳ. Tôi tưởng tượng nếu in hết những tư liệu lưu giữ trong máy của Phạm Duy có lẽ cần phải có một tòa nhà cỡ như rạp hát mới trưng bày hết được.
Nhạc sĩ Phạm Duy sử dụng máy điện toán không những để sáng tác, để nghe nhạc, để lưu trữ tư liệu mà còn là phương tiện để anh theo dõi tình hình trong nước và ngoài nước, phương tiện liên lạc với bạn bè, người hâm mộ anh (và cả người không ưa anh) trên khắp thế giới. Mỗi ngày anh nhận hàng trăm cái e-mail và trả lời những e-mail anh thấy cần phải trả lời. Và, chính anh và các con anh bằng phương tiện kỹ thuật của chính mình đã tự sản xuất ra những băng đĩa nhạc Phạm Duy phát hành đi khắp thế giới.
Trước khi vào giường ngủ, tôi hỏi :
- « Anh Phạm Duy. Là một nhạc sĩ sáng tác, nổi tiếng lãng du, sao anh lại sớm có ý thức lưu trữ tài liệu lịch sử và sớm sử dụng thành thạo tin học vào công việc của anh như thế?”
-“Có gì đâu, nếu mình biết trân trọng công việc làm của mình, mình đi đến cùng khát vọng của mình, mình chịu khó học và biết chọn lựa phương tiện kỹ thuật gì hiệu quả nhất mà theo thì ai cũng làm được. Hình như anh thấy em cũng đã làm được như thế?”
- “Vâng. Em là một nhà nghiên cứu lịch sử, ở một chỗ trong nước làm việc đó thì có gì lạ đâu. Nhưng sự thực là em đã học tập anh đó!”
-“Vì thế anh yêu tin học, anh yêu máy điện toán lắm. Đời sống chúng ta bây giờ không thể không có com-puy-tơ! Tất cả những gì quý giá nhất của anh đều nằm trong cái máy nầy.”
-“Vậy thì một ngày anh làm việc mấy buổi?”
-« Không biết. Hằng ngày ngoài giờ ăn, ngủ, tiếp bạn bè, đi dự tiệc (từ ngày về đến giờ đêm nào cũng được mời dự tiệc), mình chơi với máy điện toán cũng như người ta chơi cờ, uống rượu, hút thuốc lá vậy!”
-“Thế thì vui quá!”
- “Không còn thì giờ để mà buồn nữa!”
Máy điện toán quả là một người tình bé nhỏ của anh. Nó giúp cho anh làm việc sáng tạo không biết mệt mỏi. Nó mang sự nghiệp của anh theo anh trên mọi nẻo đường đời. Nó luôn giữ cho anh hạnh phúc trong không gian và cả thời gian. Nó xích anh lại gần gũi với những người anh yêu quý.
Ôi, những ai trên cõi đời nầy còn cảm thấy cô đơn, thiếu hạnh phúc, “nghìn trùng xa cách” với mọi người thì hãy như anh Phạm Duy có một “người yêu bé nhỏ” xách tay, trung thành với “nàng” rồi thì thế nào cũng sẽ tìm được hạnh phúc.
Theo http://gactholoc.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão “Chõe Bò” Nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 19...