Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Văn Cao và Phạm Duy - Tiên cảnh và trần gian

Văn Cao và Phạm Duy 
Tiên cảnh và trần gian 
Văn Cao thuộc lớp người ấy mà chúng tôi, thế hệ 40-50, sinh Bắc, sống Nam chưa bao giờ gần gụi để có thể nhớ lại mà chỉ có thể mơ về. Lớp người ấy có Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng... Có Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán, Sĩ Ngọc, Tử Phác, Bùi Xuân Phái... Có Ðặng Ðình Hưng đã ra đi hai năm trước, để lại sáu tập thơ, chỉ riêng BẾN LẠ được phép chào đời sau khi ông mất. Lớp người ấy có khi muốn khóc mà phải ngót 30 năm mới bật ra tiếng. (Bài thơ khóc Nguyễn Huy Tưởng năm 1960 mãi đến 1987 mới được in vào tập LÁ) (1) .
Ở Văn Cao, từ những năm 60 hay nhiều năm trước nữa đã phảng phất, đã linh cảm:
Có những bức tường lê từng bước một
Ðến gần chân chúng tôi hằng ngày
Chúng tôi nhìn nhau chậm chạp
Chậm chạp một cái chết
Thời gian đang héo
Thời gian đang rụng
Tắt thật nhanh một cái chớp mắt...
(Với Nguyễn Huy Tưởng - LÁ)
Ở Ðặng Ðình Hưng, trọn đời thèm khát một chút ra đi, và có lúc ông đã húp ra đi từng bát, những nhạt nhạt mềm mềm và thấy rất ngon. Nhiều lần Ðặng Ðình Hưng thử ra đi, ra đi để cứ đi, ông lại lộn về... cứ như thế, như thế... cho đến lúc ông cảm thấy : tôi già rồi... tôi không làm gì được quyển lịch (2). Lần cuối cùng đi thoát thì lại vĩnh viễn không về.
Chúng tôi thường nghĩ về những người ấy, những người không làm gì được quyển lịch, những nguời nhìn thời gian đang héo, thời gian đang rụng, thời gian bỏ neo trên mặt biển mà ngậm ngùi so sánh với những người may mắn hơn, những người được quyền tùy nghi sử dụng thời gian, không gian của mình, mở tung cửa ra khơi, để thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới, thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới : Phạm Duy với Văn Cao.
Hai thiên tài cùng thế hệ. Phạm Duy trong nửa thế kỷ sáng tác trùng điệp hơn ngàn bài ca. Phạm Duy khua động thời thế, nói lên cái khát vọng và dục vọng của mình và của người. Phạm Duy xúi giục chúng tôi yêu tiếng tôi từ khi mới ra đời. Phạm Duy hiện diện trong đời sống tình cảm của mỗi người, từngày đó có em đi nhẹ vào đời cho đến trùng dương ơi có sót sa cũng hoài mà thôi. Phạm Duy chia chác với chúng tôi những kỷ niệm, những rung động, những đẩy xô, trong cuộc tình, trong cuộc sống. Hình ảnh Phạm Duy là hình ảnh bề thế, vững chãi : Tôi đi từ Ải Nam Quan và hiện thực : Tôi về tôi nhớ hàm răng cô mình cười. Tiếng Phạm Duy là tiếng hát to, vang thời quân Chi Lăng reo hò cất lên, chủ quan, trong một chiều rừng im bóng những oan hồn xưa, tiếng hát hiện hữu to và cao, bằng xương, bằng thịt dù ở trần gian hoặc ở vô hình.
Văn Cao thì không thế, Văn Cao bé nhỏ, mong manh, hình hài sẵn sàng rách bươm theo cơn gió. Sự vững chãi của Văn Cao tiềm ẩn trong sự vắng mặt, trong sự im lặng đằng đẵng lâu dài: Văn Cao là sự hiện diện của khiếm diện. Trên trái đất ba phần tư nước mắt, Văn Cao đi biệt một hành tinh (3) , một cõi Thiên Thai nào xa lắc. Tiếng Văn Cao là tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng, là tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung, là tiếng đàn xui ai quên đời dương thế... Hình ảnh Văn Cao là hình ảnh ảnh ai lướt đi ngoài sương gió. Nhạc Văn Cao là những khúc nhạc xa vời trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi...
Phạm Duy hữu hình, chủ quan, xác định và trần thế. Văn Cao vô hình, khách quan, phiếm định và tiên cảnh, nhưng vẫn hiện diện như một toà án lương tâm, âm thầm đo lường dung lượng dưỡng khí mà con người có thể thở được. Khi Văn Cao xa vắng thì chính Phạm Duy là người du ca đầu tiên đem nhạc Văn Cao đi gieo buồn khắp chốn. Và sau này, những dòng đẹp nhất viết về Văn Cao cũng lại bởi Phạm Duy.
Ngày ấy, một mùa thu năm xưa, Phạm Duy, Văn Cao và bao nhiêu người khác đã ra đi, cuốn đi, trôi theo đoàn người đi miên man trên đường gian nan... in hình qua mây núi, Phạm Duy đã có lúc cảm thấy:
Hồn say khi máu xương rơi tràn ngập biên khu
Oán thù khắp nơi
Từng bụi lốc cuốn rơi
Tùng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thét oai hùng đưa...
XUẤT QUÂN
Tráng sĩ Phạm Duy dũng mãnh kêu gọi máu xương nhưng... sức mấy mà làm! Người hùng... sợ. Sợ máu. Ngược lại ở Văn Cao tiên phong đạo cốt, nợ máu xương đòi hỏi cấp bách và quyết liệt hơn:
 TIẾN QUÂN CA
Chiến sĩ Văn Cao không những thề mà còn thi hành: Văn Cao bắn chết ''Việt gian'' ÐÐP. Từ đó, và vì thế mà sau này, Văn Cao chỉ viết nhạc không lời (Xem bài ''Cảm Nhận Văn Cao'' của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong cũng số này).
Rồi Phạm Duy vào thành, Văn Cao tiếp tục kháng chiến. Hồi ấy, Văn Cao thấy buồn không tả [...] việc Duy dinh tê vừa khó hiểu, vừa gây những nhiễu loạn trong dư luận. Không phải là không để lại những hoang mang cho nhiều người ở lại, Duy đã đứng sang hẳn một chiến tuyến đối đầu với kháng chiến (4) .
Phạm Duy - Văn Cao: hai chiến tuyến đối đầu? Phạm Duy - Văn Cao không chỉ xa nhau vì định mệnh. Họ còn xa nhau - từ lâu, từ những ngày đầu kháng chiến - vì hai sự lựa chọn khác nhau, tiêu biểu cho hai lối sống, hai phong cách cảm nhận cuộc đời và nghệ thuật khác nhau.
Phạm Duy - ''kẻ du ca'' (tiếng của anh) là người của quần chúng; sự lựa chọn của Phạm Duy đi kháng chiến hay về thành là sự lựa chọn tương đối và thiết thực của con người trong cõi đời thường. Con đường sống và nghệ thuật của Phạm Duy nằm trong quỹ đạo ấy: trần tục nhưng không dung tục, sáng tạo bằng trực giác, không lao lung và thiết thực sống.
Văn Cao, huyền mơ, dứt khoát lựa chọn hành hương trong lộ trình thiên thai để đi tìm cái mới, cái tuyệt đối cho cuộc đời, cho sáng tạo, trong một đào nguyên, vượt trần thế. Trên đường đi tìm tuyệt đối, Văn Cao sẵn sàng loại trừ những trở ngại. Tuyệt đối của Văn Cao, trong thời thanh niên kháng chiến là lòng ái quốc. Tuyệt đối của Văn Cao, cho đến bây giờ còn là nghệ thuật. Văn Cao đã từng loại trừ Việt gian bán nước vì lòng ái quốc, thì Văn Cao tất phải loại trừ mọi hình thức cấm đoán, xúc phạm đến tự do sáng tạo vì lòng yêu nghệ thuật. Với Văn Cao, sự thất bại thường gặp trong một bài thơ là sự khép lại: khép tất cả sự muốn nghĩ và muốn nói (Một Vài Ý Nghĩ Vê Thơ). Văn Cao dứt khoát từ chối sự khép lại trong thơ và trong đời. Những dứt khoát đó ngạo nghễ giúp Văn Cao - từ NHÂN VĂN - GIAI PHẨM - vươn lên qua bao dập vùi, đàn áp, để tồn tại đến ngày nay. Cái tuyệt đối đó là khí phách và nhân cách của Văn Cao. Người ta yêu Văn Cao vì yêu những người cố mở đường mà thất bại, và cũng vì yêu những người biết thất bại mà dám mở đường (MỘT VÀI Ý NGHĨ VỀ THƠ).
Ở miền Nam, nhạc Phạm Duy, ai ai cũng có thể thuộc lòng những giai điệu thần sầu qua tiếng hát Thái Thanh. Nhạc Văn Cao, những bản hay nhất :Sông Lô, Thiên Thai, Trương Chi... có nghe ai hát? Miền Nam hoạ hoằn. Miền Bắc tắt hẳn trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi ''hát'' và ''nghe'' nhạc Văn Cao trong trí tưởng tượng và trí tưởng tượng càng phong phú, tiếng nhạc Văn Cao càng lung linh, cao lộng... Tiếng hát Văn Cao không cất lên, không xương thịt, không vào đời như tiếng hát Phạm Duy bởi tiếng hát vô hình, vô thể ấy chưa bao giờ đích thực hiện diện. Chúng tôi sống với hình hài Phạm Duy nhưng không ai quên bóng dáng Văn Cao.
Tiếng hát Văn Cao, khiếm diện, âm thầm, vang trong tiềm thức, sống âm ỉ trong nội tâm của mỗi chúng ta, như chờ đợi một khoảnh khắc nào đó sẽ được cất lên ở một chốn thiên thai, bồng lạc. Cho nên, nếu Phạm Duy là cuộc đời sinh động, là sức sống toả ra bát ngát, là người lữ hành cùng bước với chúng ta nơi trần thế, thì Văn Cao là nghị lực tiềm ẩn, là sự bất khuất nghẹn ngào chìm đắm trong ta, là khí phách ngậm ngùi chờ ta ở một vùng bồng lai tiên cảnh.
Chú thích:
(1) trích VĂN CAO, NGƯỜI ÐI DỌC BIỂN, trang 6, Nguyễn Thụy Kha. Nhà xuất bản LAO ÐỘNG 1991.
(2) Thơ Ðặng Ðình Hưng, BẾN LẠ, nxb VĂN NGHỆ, thành phố Hồ Chí Minh 1991.
(3) Thơ Hoàng Cầm.
(4) trích VĂN CAO, NGƯỜI ÐI DỌC BIỂN
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Dứng vùng lên, gông xích ta đập tan
Thề phanh thây uống máu quân thù...
Thụy Khuê
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...