Có một sự kiện trong năm vừa qua đã không được
các nhà báo chí bầu chọn: việc những người nông dân ở một thôn vùng sâu thuộc
vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) lên mạng Internet qua chiếc máy vi tính của câu lạc
bộ xã, tìm kiếm những thông tin về thị trường gạo xuất khẩu và quyết định của
Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo sau một thời gian tạm ngưng; nắm bắt
những thông tin này, dân ở đây quyết định giữ thóc lúa lại, không bán vội, và kết
quả là họ đã bán được giá cao hơn đến hai ba lần. À vâng, thế là ở đấy, trên
cái chân trời hun hút rộng và xa của đồng bằng rặng tràm cây thốt nốt và dãy Thất
Sơn, đã hiện lên ít ra là một điểm nhấp nháy đánh dấu chân trời của mạng thông
tin toàn cầu.
Có một sự kiện khác dường như cũng đã, như
người ta hay nói, trôi đi trong dòng sự kiện: ở Trung Quốc đã có người thử nghiệm
việc đưa vài tác phẩm văn chương cổ điển vào điện thoại di động; có một nhà văn
đương thời đã tìm cách "phát hành" một cuốn tiểu thuyết của mình qua
mạng mobilphone. Đó là một ý tưởng quá mới mẻ và lập dị chăng? - Có lẽ là
không. Người ta đã và vẫn đang sản xuất những đồ minh khí: từ cái trống đồng
con con trong một ngôi mộ cổ đại đến một cái chặn giấy tạc theo hình con Nhân
sư Ai Cập, từ một cái móc chìa khóa hình cây vĩ cầm - được mệnh danh là Nữ
hoàng của dàn nhạc thính phòng - cho đến một điệu nhạc chuông điện thoại trích
dẫn Beethoven... Không nói đến mặt thương mại của thời toàn cầu hóa khi mà người
ta phát hiện giá trị hàng hóa trong hầu như bất cứ một vật phẩm nào, ở đây, đó
là cái chân trời của một nền văn hóa được quý thuộc vào quảng đại quần chúng
đang tiếp tục mở rộng vô bờ bến, đang nhân danh người tiêu dùng (mà có ai bây
giờ không là cái người ấy) để biết tất cả những gì có thể thành những thông tin
di động. Và thông tin trên báo chí cho hay, năm 2005 này sẽ chứng kiến số lượng
điện thoại di động trên toàn cầu lên tới một con số ước bằng 1/3 dân số thế giới
- cùng với sự tăng trưởng vùn vụt của mạng Internet, kỹ thuật băng tần rộng của
net và truyền thông kỹ thuật số - tất cả sẽ đua nhau cung cấp các dịch vụ truyền
hình, truyền thanh, trang tin online, đến phim ảnh, liveshow, các trận thi đấu
thể thao, trò chơi điện tử v.v... đến tận túi quần túi áo của mỗi người, nhằm
thỏa mãn yêu cầu của mỗi người vào bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu... Người ta
tin rằng công nghệ thông tin đang và sẽ thay đổi lối sống, lối làm việc của con
người hơn bao giờ hết. Sự kiện nêu trên là một thí dụ rõ ràng: văn chương có thể
trở nên một dạng thông tin di động. Ưu điểm của một sự đổi thay như thế có vẻ
hào nhoáng: người ta sẽ có thể đọc văn chương ở bất cứ đâu và bất kỳ khi nào
người ta muốn. Thưởng thức dăm câu thơ hay một đoạn mươi dòng truyện trong khi
chờ xe bus hay trong khi chờ đèn xanh ở một giao lộ - liệu các nhà làm văn
chương có nhảy lên vì sung sướng trước một triển vọng có rất nhiều tri âm tri kỷ
tiềm tàng như thế không? Phải chăng đã có hẳn một chân trời của cái văn chương
đang trong quá trình "lồng ghép" vào đường chân trời của mạng thông
tin toàn cầu?
Và còn một sự kiện nữa: báo chí đưa tin nhà
xuất bản từ điển nổi tiếng ở Mỹ Marrian Webster đã bầu chọn từ "blog"
là Từ của năm 2004 (tương tự việc bầu chọn Người của năm, chẳng hạn). Từ này để
chỉ loại hình "Trang nhật ký trên mạng" mà người sử dụng Internet có
thể tự tạo cho mình. Loại hình này đã phát triển rất nhanh trong năm qua và gây
tiếng vang do dịp bầu cử Tổng thổng ở Mỹ và trong đại thảm họa sóng thần ở vùng
Nam Á mới rồi. Trước tiên những trang nhật ký trên mạng nổi tiếng như một diễn
đàn thảo luận các vấn đề chính trị và phê bình các phương tiện truyền thông. Rồi
nhiều người đã trở thành tác giả những bài viết và ảnh về những công việc và
con người ít được biết đến trong đời sống, về gia đình, về âm nhạc, về nỗi buồn
chán... Họ đã làm nhiều chuyện như giới truyền thông chuyên nghiệp. Trong việc
này họ có ưu thế của người chứng kiến, thậm chí là tham gia, tại chỗ, chứ không
phải như một người lạ từ nơi khác đến. Những người truy cập vào blog đều có thể
tham gia đưa ý kiến, quan điểm và bình luận của mình. Và rồi một ngày nào đó, một
người viết nhật ký trên mạng rất có thể sẽ lần hồi viết một cuốn tiểu thuyết để
rồi hàng ngày hàng giờ sẽ có những người đọc/ truy cập chứng kiến sự hình
thành một sáng tác văn chương đồng thời có thể góp ý riêng của mình, nếu thích.
Một khi chuyện này xảy ra, có phải là cấu trúc của tác giả - việc sáng tác -
tác phẩm văn chương - người đọc sẽ nhảy một cú chí mạng ra khỏi cái cấu trúc
truyền thống của nó.
Dường như có một tình trạng tương tự đang tiệm
tiến. Văn chương trên các trang báo điện tử đang nở rộ: truyện ngắn, bài phê
bình văn học, điểm sách, giới thiệu các tác gia nước ngoài, diễn đàn tranh luận
v.v... luôn bày sẵn ê hề trên Vannghedongbangsongcuulong, eVăn, tienve, v.v...
với đủ các tên tuổi từ rất quen đến rất lạ. Cuộc cạnh tranh của những tờ văn
nghệ Internet ấy với những tờ văn nghệ in trên giấy hiện hành là một cuộc cạnh
tranh không/ hay là chưa phát tiếng ồn. Trong khi có vẻ như đa số người đọc
(là khoảng bao nhiêu phần trăm? - tôi không chắc) hay người viết (và đặc biệt
là người viết) vẫn coi văn chương in ấn là chính tắc hơn, nghĩa là có
"giá" hơn, có hệ số thẩm định cao hơn v.v... thì văn chương
trên mạng có vẻ tin rằng mình tự do hơn, "thật" hơn và do vậy mà hình
thức "đích thực" hơn (chưa kể là được phổ biến tiện lợi và nhanh hơn,
như thế hy vọng được đọc nhiều cũng có hơn!). Thực tế thì mạng thông tin toàn cầu
mang lại một số đặc điểm gần với những ưu thế ấy của văn chương trên mạng: các
dịch vụ truyền thông đa hệ khiến thông tin trở nên đa chiều, tính liên kết toàn
cầu đi liền với xu hướng địa phương hóa, cá nhân hóa thông tin, thêm vào đó là
tốc độ gần như tức thời của các thông tin đó. Nhưng hiển nhiên chưa phải là văn
chương liên mạng sẽ hội nhập đầy đủ các đặc tính ấy. Nền tảng của văn chương và
cũng là cái hàng rào quan yếu nhất của văn chương chính là ngôn ngữ - tiếng mẹ
đẻ.
Thời hiện đại đi đến đâu cũng gây ra những
tình thế khủng hoảng ngắn hạn hay dài hạn cho các thiết chế, các thực tại và cấu
trúc cổ điển/ truyền thống. Cuộc tranh luận nổi tiếng quanh đề tài "cái
chết" của Tiểu thuyết vào những năm 1960 chẳng hạn. Rõ ràng là tiểu thuyết
không "chết" và "cái chết" nhãn tiền sau đó nhiều năm là của
phong trào "Tiểu thuyết mới" (ở Pháp - eVăn). Thực ra, "cái chết"
của Tiểu thuyết mới là một bước mở rộng, giống như những điều mà các nghệ sĩ tiền
phong đã làm. Và giáo hội Ki-tô giáo, còn lâu đời hơn tiểu thuyết gấp nhiều lần,
cũng gặp một tình thế khủng hoảng vào những năm 1970 còn kéo dài về sau này, một
tình thế được gọi là "tục hóa". Phát biểu về thực tại này, các nhà thần
học nói rằng: chân trời của thế tục càng lan rộng bao nhiêu thì chân trời của
cái thánh thiêng càng thu hẹp bấy nhiêu. Một trong những nội dung thực tế của
tình trạng "tục hóa" được các nhà thần học mô tả là sự tách rời niềm
tin tôn giáo khỏi các cấu trúc tôn giáo (có thể hiểu là: khỏi các cơ cấu giáo hội,
giáo sĩ, đền thờ). Trên phương diện là những thực tại tinh thần/ hoạt động tư
tưởng - văn hóa, điều này tương đương với tình trạng tách văn chương ra khỏi
các cơ cấu nhà văn và xuất bản - phát hành. Hãy thử hình dung sự tương đương đó
trên một bình đồ xoáy trôn ốc: ở đó là văn chương đang "trèo" lên
Internet.
Ta quen nói về những nền văn học, vậy có thể
nói về một nền văn chương trên mạng được không? Có lẽ, vào lúc này, nói thế thì
cũng giống như tranh cãi về một "cái chết" nào đó của tiểu thuyết.
Nhưng rồi sau cuộc tranh luận nổi tiếng ấy đã có bao nhiêu lớp nước chảy qua dưới
chân cầu. Hẳn là có những người viết hy vọng rằng một ngày đẹp trời những người
nông dân vùng sâu vùng xa bỗng tình cờ giở một trang văn học trên mạng... Tại
sao lại không chứ?!
Nguyễn Chí Hoan
Nguồn Người Hà Nội,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét