Thơ hiện đại và sự thiếu vắng
Bài tiểu luận của tác giả
Đông Nhân mà chúng tôi đã đề cập trong số báo tuần trước (bài "Thơ thế giới
hiện đại - Sự tàn phá của lười biếng và vẻ đẹp trần tục", Đông Nhân, Phụ
san Thơ của báo Văn nghệ, 2/2005), còn có một khía cạnh quan trọng: thông qua
việc đối lập những cái đẹp “trần tục” với những ý niệm về “Thượng đế” hay “cội
nguồn sự sống” v.v. mà những cái đẹp “trần tục” kia có tham vọng / coi chúng là
biểu hiện, tác giả Đông Nhân đã đặt “thơ thế giới hiện đại” vào thế đối lập giữa
cái trần tục với cái thánh thiêng.
Ý tứ này càng rõ rệt hơn ở
đoạn văn cuối bài tiểu luận đó với câu kết rất hùng biện nhắc đến Lễ Phục
sinh - ngày lễ trọng của thế giới Kitô giáo hàng năm dựa trên sự kiện đức
Jesus sống lại vào ngày thứ ba (theo Kinh Thánh) sau khi bị đóng đinh trên thập
giá - như một biểu tượng đầy tính ẩn dụ về một viễn cảnh (của Thơ?). Theo
chúng tôi, bài tiểu luận đã đem tính ẩn dụ đó đối lập với sự thất bại của
“thơ thế giới hiện đại” trong việc cố tìm cách đạt được một tính ẩn dụ như vậy.
Tính ẩn dụ đó không có gì xa lạ. Dưới một hình thức cụ thể nào đó của một biểu tượng tôn giáo bất kỳ / có lựa chọn, đó là tính ẩn dụ về nguồn gốc, mục đích và bản thể của hành động sáng tạo - ở đây, Thơ mặc nhiên là cái hành động sáng tạo đó. Từ lâu người ta đã “bị” quá quen với sự đại chúng hóa/ dân chủ hóa trong việc sử dụng ngôn ngữ. Thời của kiêng cấm húy kỵ và các kiểu đặc quyền trong sử dụng ngôn ngữ dường như đã qua đi từ lâu rồi, cho dù trong thực tế vẫn luôn còn những dạng thức tinh vi, tinh tế hơn của các tập quán như vậy tồn tại. Ngày nay hầu như không thể hình dung một tình trạng trong đó có những từ ngữ là “cao quý” còn những từ ngữ khác là “hạ đẳng”, hay có những từ ngữ nào đó chỉ được giới hạn sử dụng trong một giai tầng nào đó - trên bình diện ngôn ngữ nói chung với tư cách là một tài sản xã hội, là phương tiện chung cho mọi giao tiếp, biểu thị và ngôn luận của bất kỳ thành viên nào trong xã hội. Bởi thế, người ta có thể không phải lúc nào cũng có thời giờ để nghĩ đến việc có những từ ngữ - đặc biệt trong các ngữ cảnh của văn chương và thơ ca - mang tính chất đặc biệt và cụ thể riêng nó, bởi nó là một thứ “dấu vết” của những truyền thống cụ thể, đặc biệt, có bề dày lớn lao trong thời gian. Và “sáng tạo” là một từ ngữ thuộc loại đó. Ở đây tất nhiên cần nhắc lại rằng từ ngữ “sáng tạo” được sử dụng quen / thích hợp trong rất nhiều ngữ cảnh khác nhau từ chính trị - xã hội đến lịch sử, khoa học, v.v. Thậm chí trong các ngữ cảnh quen thuộc đó của đời sống xã hội, từ ngữ “sáng tạo” có thể đảm nhận vài ba chức năng ngữ pháp khác nhau tùy theo câu nói/viết mà trong đó nó được người ta dùng đến. Chỉ có một lĩnh vực mà ở đó từ ngữ “sáng tạo” không bao giờ được phép lạm dụng và chỉ được dùng cho một lần: trong các truyền thuyết về nguồn gốc vũ trụ và con người, và trong tôn giáo/tín ngưỡng. Với toàn bộ sự đa dạng của các truyền thống tôn giáo và sự đa dạng còn hơn thế của các truyền thuyết, có ít ra một điểm thống nhất: khởi nguyên là Ai/ Cái Gì Đó đã sáng tạo ra toàn bộ trời đất và giống người. Một lần cho tất cả. Trong nhãn quan đó, chỉ có một hành động sáng tạo và chỉ một mà thôi. Trên thực tế, tồn tại của tín ngưỡng / tôn giáo có thể ví như tồn tại của một chất phóng xạ mà bán chu kỳ phân rã tự nhiên của nó có lẽ phải tới nhiều triệu năm. Trong quá trình dài dằng dặc ấy có sự phát tán lặp đi lặp lại những phẩm chất của khởi nguyên. Trên bình diện đó, các hành động sáng tạo được xem như các biến thể từ hành động sáng tạo ra thế giới và giống người. Cũng theo nghĩa đó thì hành động sáng tạo có một mục đích là “sáng tạo” lại một “thế giới” - điều mà những nghi lễ và phẩm vật tín ngưỡng cổ truyền đã là những khuôn mẫu, thứ cấp nhưng nguyên thủy hơn nhiều so với sự “sáng tạo” trong văn chương và nghệ thuật về sau. Ta có thể thấy ví dụ về điều đó qua, chẳng hạn, “Sự tích bánh chưng bánh dày” hay một nghi thức “hô thần nhập tượng” (biến một sản phẩm nhân tạo thành một thế lực của Tự nhiên), v.v. Như vậy, từ ngữ “Sáng tạo” trong văn chương nghệ thuật phù hợp hơn cả trong khuôn khổ một hành động sáng tạo mang tầm truyền thuyết và lặp lại sự thể hiện niềm khao khát về một bản thể thần thiêng. Có thể nói rằng ý niệm về cái cao cả hay cái thiêng liêng đều đã bắt nguồn từ cái ý niệm về bản thể đó. Quá trình phát tán cái ý niệm đó trong những môi trường biến đổi kế tiếp nhau của thời gian lịch sử lâu dài đã dung hợp ý niệm về cái thiêng liêng vào các thể chế của con người từ đạo đức, tình cảm, tư tưởng đến quyền lực và lãnh thổ... Và tất nhiên, trên thực tế là suốt những hành trình dằng dặc đó, tín ngưỡng / tôn giáo và truyền thuyết vẫn tồn tại song hành, như những nguồn mạch của truyền thống không bao giờ đứt đoạn. Đó là nguồn nhựa sống trong cái cây của ý niệm về tính thiêng liêng hay tính thiêng thánh. Và đôi khi ta có thể thấy ý niệm về cái cao cả hiện thân trong một lý tưởng cụ thể nào đó mà vẫn mang ở mặt kia của nó - tiềm ẩn hay hiển lộ - tính thiêng liêng của các phạm trù thuộc về truyền thống. Đấy cũng là phép ẩn dụ mà thơ ca đã không ngừng sử dụng, hay cũng có thể nói là không ngừng quy chiếu về. Hơn nữa, đó là một nguồn cảm hứng lớn của thơ ca ở mọi thời và là nguồn ý nghĩa lớn. Do đó, chúng tôi thấy việc tác giả Đông Nhân, trong bài tiểu luận nói trên, đặt sự đối lập giữa những “vẻ đẹp trần tục” với cái đẹp cao cả - mà tác giả đặc định bằng những từ ngữ như “Thượng đế” hay “cội nguồn sự sống”, v.v. - chính là một phép ẩn dụ về sự thiếu vắng tính lý tưởng trong thơ hiện đại. Cho dù tác giả tỏ ra rằng mình đang nói về “Thơ thế giới hiện đại...” nhưng bài tiểu luận này rõ ràng nói về cái gọi là thơ hiện đại nói chung, ngay ở đây, vào lúc này. Và đó là một tình trạng mà mọi người yêu thích thơ ca đều có thể nhận ra. Trên thực tế, tính lý tưởng có nhiều cấp độ biểu hiện trong những phép ẩn dụ của thơ ca. Đó có thể là từ nguồn cảm hứng trực tiếp của một niềm tin tôn giáo, hoặc đó là niềm tin vào một lẽ sống, một kiểu tôn thờ mang tính phiếm thần đối với phẩm chất này hay phẩm chất khác của Sự sống (Cái đẹp, Nỗi u sầu, Tình cảm với xứ sở, v.v.). Đó cũng có thể là nguồn cảm hứng từ lịch sử hay đơn giản là từ những suy ngẫm đối với hiện tại đương thời... Nhưng tất cả những cấp độ biểu hiện đó đều cần đến một niềm tin, một niềm tin mà nếu không có được thì tất cả sự biểu hiện chỉ còn là một trò chơi chữ. Đòi hỏi về niềm tin là một đòi hỏi giản đơn nhưng luôn hàm chứa một lựa chọn bắt buộc, lắm khi là nghiệt ngã. Đó không hề là chuyện chỉ cần nói rằng tôi tin vào cái này rồi tin vào cái kia, “như thế này rồi như thế kia”... Và, thật sự khó khăn hơn, đòi hỏi này trước hết là đối với cá nhân trong tư cách làm người, chứ không phải là một tiêu chuẩn ưu tiên cho tư cách người làm thơ. Thực tế là khi cá nhân làm thơ chỉ để bộc lộ con người cá nhân của mình thì phần nhiều đã rơi vào tình cảnh mà tác giả Đông Nhân đã phê phán: lười biếng và phàm tục. Bởi thế, sự thiếu vắng tính lý tưởng trong những bối cảnh hiện thời đôi khi còn tệ hơn sự thiếu phẩm chất nghệ thuật, hay nói cho đúng hơn, chính là sự thiếu phẩm chất nghệ thuật. |
Nguồn Người Hà Nội,
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét