Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Hồng nhan bạc mệnh

Hồng nhan bạc mệnh
Bình thơ Giang Hoa và Lu Hà
Cẩm Tú Quỳnh …
Ngọc nữ nhìn say cẩm tú Quỳnh
Bên vườn huyễn ảo ánh huyền linh
Ngày thu trúc liễu nghiêng bờ cội
Buổi hạ tùng thông rũ bóng mình
Trải bút tơ hồng tô ngõ đẹp
Buông mành nghĩa thắm dệt đường xinh
Thuyền trăng chở mộng đêm hồn lãng
Suối nhạc trầm mê giữa bể tình …
22.05.2016 
Giang Hoa
Hoa Tú Cầu
Họa thơ Giang Hoa: Cẩm Tú Quỳnh…
Lầu hoa hiu quạnh đóa thu quỳnh
Bướm trắng mờ sương quện khói linh
Thổn thức năm canh sương nguyệt bạch
Nghẹn ngào sáu khắc nắng hồng xinh
Thuyền mây chấp chới ngồi ôm bóng
Gác ngọc chông chênh đứng tựa mình
Tùng bách héo hon thương dáng liễu
Gieo cầu người đợi chút hương tình…!
22.5.2016 
Lu Hà
Hoa Cẩm Tú Cầu còn gọi là Dương Tú Cầu, hay Tử Dương nghe nói mọc nhiều ở tỉnh Đà Lạt. Vì hoa có dáng vẻ mềm mại giống như hoa Quỳnh nên Giang Hoa gọi là Cẩm Tú Quỳnh. Tôi thấy loại hoa này to bằng cái bát hình cầu sặc sỡ đủ các màu, cánh mỏng yếu ớt như kiếp phận hồng nhan bạc mệnh. Tôi tránh rườm rà về nguồn gốc ý nghĩa sự tích loài hoa mà xin phân tích luôn hai bài thơ đường mà Giang Hoa và Lu Hà đã làm: “ Cẩm Tú Quỳnh“ và“ Hoa Tú Cầu“
Giang Hoa:
“Ngọc nữ nhìn say cẩm tú Quỳnh
Bên vườn huyễn ảo ánh huyền linh“
Lu Hà:
“Lầu hoa hiu quạnh đóa thu quỳnh
Bướm trắng mờ sương quện khói linh“
Trong các sách cổ nhà Phật hay Đạo Giáo ta vẫn thường nghe về Thái Chân và Ngọc Nữ. Riêng Ngọc Nữ còn gọi là Long Nữ, con gái của Long Vương theo hầu Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát cùng với Hồng Hài Nhi con trai Ngưu Ma Vương .Cả hai đều được phong là thiện tài đồng tử. Kẻ phàm trần cũng quen ví các cô tiểu thư con nhà khuê các là ngọc nữ vậy. Ngọc nữ hay cô gái đẹp say sưa với bông hoa cẩm tú quỳnh hình quả cầu bên vườn một cảm gíac huyền ảo lung linh có khác chi cảnh ngộ con bướm trắng đơn côi hiu quạnh trong lầu hoa ngào ngạt hương thu, sương mờ mong manh như làn khói bay.
Giang Hoa:
„Ngày thu trúc liễu nghiêng bờ cội
Buổi hạ tùng thông rũ bóng mình“
Lu Hà:
„Thổn thức năm canh sương nguyệt bạch
Nghẹn ngào sáu khắc nắng hồng xinh“
Cùng cảnh ngộ chia sẻ với hoa cẩm tú cầu ngày thu trúc liễu nghiêng gốc và cả mùa hạ cùng tùng thông rũ bóng hình. Chứng tỏ hoa cẩm tú cầu có mặt cả 4 mùa tượng trưng cho tình yêu và sự thay đổi màu sắc, tính tình, phải chăng giống như sự hừng hờ của một cô gái xinh đẹp kiêu sa trước sự tán tỉnh dụ dỗ của cánh đàn ông?
Hoa cũng như lòng người thổn thức phiền muộn năm canh, còn ban ngày thì nghẹn ngào sáu khắc cả khi nắng hồng xinh buớm ong dìu dặt.
Theo lịch xưa, để tính thời gian trong một ngày và một đêm, người ta chia ra làm 12 giờ, từ giờ Tý đến giờ Hợi. Ban ngày được tính bằng Khắc; ban đêm tính bằng Canh. Chúng ta thường nghe những câu quen thuộc:
Đêm năm canh, ngày sáu khắc .
Canh Một dọn cửa, dọn nhà
Canh Hai dệt cửi, canh Ba đi nằm…
Hoặc: Nửa đêm giờ Tý canh Ba…
Trong Nam có hoa cẩm tú cầu hay cẩm tú quỳnh dáng vẻ giống như ngoài Bắc có hoa mẫu đơn, các cánh hoa chen chúc nhau to bẳng quả cam quả bưởi, khối hình cầu. Theo như tại hạ đọc qua vài truyền thuyết là chúa của các loài hoa đều gắn liền với nhũng câu chyện tình sử bi ai.
Lời Nguyền Năm Xưa *
Cảm xúc tấm hình Gina thần nữ hoa mẫu đơn
Ai hay câu chuyện mẫu đơn
Phu nhân Tào Quốc giận hờn tướng công
Nghìn thu hương thắm sắc hồng
Thanh tao yểu điệu điện rồng quân vương
Đa tình kẻ sĩ yêu thương
Quản chi mưa gió trèo tường tới thăm
Nồng nàn dưới ánh trăng rằm
Câu thần nối chữ tơ tằm kén mang
Nào ngờ ân nghĩa tào khang
Trang Sinh hóa bướm mơ màng mộng hoa
Ngậm ngùi châu nhỏ lệ nhòa
Nghìn thu biền biệt một tòa thiên nhiên
Mảnh mai thục nữ thuyền quyên
Trúc mai xum họp thề nguyền năm xưa
Hỏi rằng thuê thỏa đã chưa
Ân ân ái ái cho vừa lòng nhau
Dù cho nhân thế bạc màu
Núi mòn bể cạn nát nhàu cỏ cây
Tìm nhau giây phút ngất ngây
Yến anh đàn hạc vui vầy đêm nay
*Theo tích hoa mẫu đơn ở Tào Châu, còn gọi là hoàng hoa và tích liêu trai của Bồ Tùng Linh.
23.11.2014 
Lu Hà
Giang Hoa:
“Trải bút tơ hồng tô ngõ đẹp
Buông mành nghĩa thắm dệt đường xinh“
Lu Hà:
„Thuyền mây chấp chới ngồi ôm bóng
Gác ngọc chông chênh đứng tựa mình“
Ngày xưa các tao nhân thi khách thường dùng bút lông chứ không dùng bút máy bút chì bi như ngày nay, bút lông để viết chữ nho chữ nôm như rồng bay phượng cuốn, tạo ra các bút pháp riêng, vẽ tranh thủy mạc chim hoa tô hồng trau chuốt cho ngõ mộng mành tơ thêu dệt đường tình duyên đẹp theo chí tưởng tượng phong phú đôi hạc bay, loan phụng, điệp hồ…. Thuyền mây chỉ người nam nhi quân tử lướt sóng biển khơi, sóng đánh tả tơi cột buồm xơ xác ngồi ôm bóng dưới ánh trăng đối lập với hình ảnh thiếu phụ cô đơn trong lầu ngọc gác hoa đứng tựa bên lan canh chập chờn bóng hình dưới ngọn đèn hay cũng dưới ánh trăng vàng…
Nỗi thuơng sầu định mệnh tình duyên mộng tưởng dang dở cách đây gần một chục năm thi sĩ Lu Hà đã viết thành những dòng tâm tư hồi tưởng trong thơ:
Sầu Cố Quốc
Khắc khoải nhớ mong dạ ngẩn ngơ
Thời gian dừng bước gió nương hoa
Rung rinh sương lệ vương tàu lá
Mai trúc đầm đìà hạt móc sa
Kỷ Sửu quay tơ hẹn cuối muà
Mong hoa đơm trái chị Hằng Nga
Sinh sôi nảy nở thêm nòi giống
Thương đoá trăng ngà dang dở xưa….
Quân tử chưa yên với cuộc đời
Ngậm ngùi than thở kiếp bèo trôi
Sông thương huyết mạch tình non nước
Món nợ quê hương rụng rã rời….
Họ mạc xa gần cũng ngóng trông
Khói hương tiên tổ vắng tàn nhang
Ra đi tức tưởi đau lòng cuốc
Thương cái gia gia để lỡ làng
Chiều nay lữ khách xa vời quá
Thơ thẩn bâng khuâng tưởng xế chiều
Ngũ Tử Tư còn sầu cố Quốc
Thân Ngô hồn Sở xót thương đau
Bể khổ luân hồi trong thế gian
Phong sương tuế nguyệt biết bao lần
Đền ơn tiên tổ ai thờ cúng
Huyết thống bao đời cho cháu con….!
27.1. 2009 

Lu Hà
Anh Vẫn Chờ Em
Anh vẫn chờ em nỗi thiết tha
Vẫn mong vẫn ngóng đợi từng giờ
Mà sao em vẫn còn e lệ
Như đoá trà mi thẹn cuối muà
Cũng chẳng sao đâu em khỏi lo
Cung đàn giản dị gió sương mơ
Giang tay nghe đón lòng ta gọi
Năm tháng xa xôi chẳng xoá mờ
Anh vẫn ngồi đây dạ vẩn vơ
Thương chàng cát sĩ thuở xa xưa
Chiều buông Phúc Xá hồn cô lẻ
Thơ thẩn bâng khuâng mộng ngẩn sầu
Anh vẫn ngồi đây bao thiết tha
Mong thời gian đến tiếng hoa xưa
Mắt huyền yểu điệu vương cành liễu
Tiếng vọng hồn xưa lỡ chuyến đò…
Anh vẫn ngồi đây đan tấm buồn
Mảnh tình dang dở vẫn chưa tan
Yêu em chẳng được như tâm nguyện
Tủi hận ra đi lạc nẻo trần
Anh vẫn ngồi đây nợ gánh tình
Tình huynh nghiã đệ hỏi trời xanh
Nhớ ai chiu chắt từ tấm bé
Giã từ biền biệt lệ vòng quanh

Anh vẫn ngồi đây để chờ em
Thương em gái nhỏ nụ tầm xuân
Tình huynh nghiã muội bao vương vấn
Năm tháng qua đi lệ ưá tràn
24.1.12009 
Lu Hà
Giang Hoa:
“Thuyền trăng chở mộng đêm hồn lãng
Suối nhạc trầm mê giữa bể tình …“
Lu Hà:
“Tùng bách héo hon thương dáng liễu
Gieo cầu người đợi chút hương tình…!“
Chàng thì lênh đênh ngoài biển khơi long đong trọn kiếp hải hồ như con thuyền tình chở mộng hồn phiêu diêu, lãng du mê trầm theo cơn mê suối nhạc bể tình. Nay sống mai chết không biết cuộc đời sẽ ra sao?
Thiếp thì vò võ một mình đến tùng bách cũng phải thuơng dáng liễu héo hon bạch mệnh hồng nhan thầm mong hảo cầu gieo trúng đầu người quân tử chờ đợi một chút lửa lòng hương tình mong manh…
Khi Kiều phải bán mình, lấy tiền lo lót quan trên để Vương ông, cha của Kiều thoát khỏi cảnh tội tù bị người vu cáo, Vương ông đau lòng vật vã than khóc:
“…Nuôi con những ước về sau
Trao tơ phải lứa gieo cầu đáng nơi
Trời làm chi cực bấy trời
Này ai vu thác cho người hợp tan…“
„Trao tơ“ có sách chép:
Ðời nhà Ðường, Tể tướng Trương Gia Trinh có năm người con gái. Cả năm đều có sắc đẹp, mỗi người một vẻ, nhưng dáng người xấp xỉ ngang nhau. Họ Trương đương kén rể quý.
Có danh sĩ là Quách Nguyên Chấn đến cầu hôn. Trương thấy là bực tài danh nên rất bằng lòng, nhưng không biết phải gả cô nào?
Cuối cùng họ Trương nghĩ ra một cách, cho năm người con gái ngồi sau màn, mỗi nàng cầm một sợi tơ màu khác nhau. Năm sợi tơ ấy treo lủng lẳng bên ngoài, không ai nhìn thấy được bóng nàng nào ở bên trong cả. Nếu Nguyên Chấn rút phải sợi tơ nào tất được kết duyên cùng nàng cầm sợi tơ ấy.
Ðời nhà Ðường, khi Võ Hậu tiến quyền lập nên nhà Châu, nước Ðại Huyền có công chúa Cửu Hoàn, người có sắc đẹp lại có tài văn võ. Vua cha kén chọn phò mã. Nàng tâu với vua:
– Nhân duyên là do trời định. Vậy xin cha cho người lập một cái đài cao tại giáo trường, đồng thời thông báo cho các sắc dân trong nước, không phân biệt giàu nghèo xấu đẹp đều phải đến dự để tuyển lấy Phò mã. Riêng con có thêu một quả tú cầu. Ngày ấy, con sẽ khấn vái trời đất rồi lên lầu mà quăng quả tú cầu ấy xuống giữa đám đông. Nếu ai lượm được quả tú cầu thì con sẽ bằng lòng kết duyên người đó.
23/5/2016
Lu Hà
Theo https://binhtholuanvan.wordpress.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...