Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Hồn nước trong thơ Việt

Hồn nước trong thơ Việt (*) 
Thân xác tiêu tan, nhưng linh hồn bất diệt. Quốc phá gia vong, nhưng tinh thần dân tộc không hề diệt vong, hay nói khác, hồn nước vẫn trường tồn. Tinh thần ấy chính là ý thức hệ, là triết lý làm nên đạo sống của cả một chủng tộc. Đối với Việt tộc, đó là triết lý âm dương và đạo sống thái hòa làm nên hồn nước Việt Nam. Hồn nước ấy chính là sở hữu văn hóa của dòng giống Việt mà một ngàn năm Bắc thuộc vẫn không đồng hóa được Việt tộc với Hán tộc, mà những chiến dịch thu gom trống đồng, sách vở cũng không thể tước đoạt được. Những chứng tích khảo cổ và những khám phá được khai quật sau này càng chứng minh hùng hồn rằng: tổ tiên chúng ta đã xây dựng từ ngàn xưa một nền tảng cho Việt Triết, nhận diện con người là trung tâm điểm của vũ trụ, là hội tụ của Đất Trời, là gạch nối trong tương quan Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân. Đạo Sống quy-tụ mọi nẻo ngả tương-liên giao hội về chung một mối, một đường. Hồn nước ấy chính là nét đặc thù của Việt tộc, tồn tại trong văn hoá Rồng Tiên, mênh mang trong Tiếng Việt tuyệt vời, bàng bạc trong văn chương truyền miệng. 
Khi chưa có chữ viết, tư tưởng của Việt tộc được thể hiện trên mặt các trống đồng, mà chính sử Hán tộc đã xác nhận kể lại trong tập tài liệu cổ quý giá nhan đề “Bách Việt Tiên Hiền Chí” tìm thấy trong đại bộ “Lĩnh Nam Di Thư” tàng trữ nơi thư viện Đại Học Đông Kinh (1). Nhưng còn một dấu tích sống động nhất, ghi lại được ý thức hệ của tổ tiên, ấy là tiếng nói của người Việt muôn thuở dù cho phiêu bạt nơi góc bể chân trời, để rồi sau này theo đà tiến hóa, khi chữ viết thành hình, tư tưởng ấy được chuyên chở qua các tác-phẩm văn-học, đặc biệt qua thi ca thuần tuý Việt Nam mà chúng tôi gọi là thơ Việt. 
Hồn nước ấy thể hiện trong tiếng Việt nói chung như chúng tôi đã đề- cập trong cuốn “Tiếng Việt Tuyệt-Vời”, nơi chương 8 bổ-túc. Trong bài dưới đây, người viết xin được triển khai thêm, hồn nước còn thể- hiện cả trong thơ Việt nói riêng. Chúng tôi trộm nghĩ có hai yếu-tố làm nên thơ Việt: 
- Yếu-tố thứ nhất: thơ Việt là sở-hữu riêng của người Việt 
- Yếu-tố thứ hai: thơ Việt còn là thơ chất chứa những nét đặc-thù của văn hoá Việt, đặc thù trong cấu trúc của ngôn ngữ, đặc thù trong tư tưởng của Triết Việt, nói khác, là mang theo hồn nước, là chuyên chở được hồn Việt. 
Cả hai yếu tố này đều được đề cập trong thơ lục bát & lục bát gián thất, là thể thơ duy nhất của riêng người Việt Nam. Riêng yếu tố thứ hai, với đặc thù trong tư tưởng, mở rộng cho cả các thể thơ du nhập khác như một yêu cầu để làm nên thơ Việt (Vienamese Poetry, Poetry of Vietnam) khác với thơ Việt ngữ, thơ bằng lời Việt (Poetry in Vietnamese). 
Nói rằng hồn nước trong thơ Việt là vì cấu trúc của thơ Việt thể hiện được những nét độc đáo của ngôn ngữ Mẹ Việt, và nói lên được tư tưởng triết lý của tổ tiên Việt tộc. Thật thế, 
A- THƠ LỤC BÁT VÀ SONG THẤT LỤC BÁT LÀ NHỮNG THỂ LOẠI ĐỘC ĐÁO THUẦN TUÝ CỦA NGƯỜI VIỆT 
I- Hai thể thơ này chỉ có trong văn học Việt Nam, không có trong văn học Trung Hoa và các nước khác, làm thành một thứ văn chương truyền miệng trong kho tàng văn học dân gian. 
1.1- Thơ Trung Quốc có thơ Đường hạn định số câu, hoặc bát cú hoặc tứ tuyệt. Riêng thơ Việt thể lục bát, hơi thơ bắt buộc đi liền để ngưng ở cuối câu bát làm thành một “liên”. Thơ song thất lục bát thêm hai câu thất cũng bắt buộc hơi thơ đi liền để ngưng ở cuối câu bảy dưới. Cả lục bát và song thất lục bát đều trường thiên bất tận. 
2.2- Thơ Trung Quốc và thơ Tây chỉ có cước vận. Duy nhất trong thơ Việt còn có cả yêu vận, gieo vần ở lưng chừng câu, và khi gieo vần như vậy, thanh bằng cũng đổi giọng theo. 
II- Thơ lục bát, một thiên bẩm của người Việt Nam. 
Thơ lục bát và song thất lục bát là con đẻ của tục ngữ ca dao. 
2.1- Người dân quê Việt Nam xuất khẩu thành thi: 
“Cao-Bằng, Cao-Bẳng, Cao-Băng, 
Cao lên tỉnh Lạng, cao bằng ngọn tre,” 
hoặc: 
“Giàu giảu giàu giau, kém mười trâu đầy một chục, 
Lợn đẻ nhung-nhúc, kém mười đồng đầy một trăm.” 
Phải chăng cước vận và yêu vận trong hai thể thơ này đã được định hình từ những cách gieo vần trên đây của ca dao tục ngữ? Thể thơ này, trước khi có văn tự, tổ tiên đã dùng để ký thác tình tự. Quần chúng dù chưa theo đòi nghiên bút, vẫn có thể tự nhiên diễn tả, nếu không đúng y theo lục bát thì cũng tương tự cho có vần có điệu. Những bài hát ru em, ca hò ở cả ba miền Trung, Nam, Bắc, với những câu dài ngắn không đúng là sáu tiếng, tám tiếng, thế nhưng vẫn có vần ăn khớp hòa hợp với nhau giữa câu trên và câu dưới, cho thấy rõ rằng đấy là những sáng tác tự nhiên của họ. Phải tận mắt tham dự những buổi hát trống quân, quan họ, chứng kiến những cuộc đối đáp giữa chàng trai xa lạ đi trên đường quê với các thôn nữ cấy lúa cắt rạ dưới ruộng vọng lên tiếng hát riễu cợt trêu gọi, mới thấy cái tuyệt vời của ngôn ngữ Việt, cái óc sáng tạo và tâm hồn dạt dào yêu nghệ thuật của con người Việt Nam. 
Cô gái Huế hò rằng: 
“Hò ơ …Con cá tróc vi hiềm vì nước chảy, 
Cần câu gẫy vì bởi bụi hóp cong, 
Bởi vì anh mượn người mai chước chưa xong 
Khiến xuôi (xui) nên căn duyên trắc trở, 
Hò ơ …xuôi (xui) tấm lòng em khó nguôi. 
Cô gái Bắc tay thoăn thoắt cấy lúa, miệng đỏng đảnh hát vọng lên bờ: 
“Cao-ly sắc với ngân hoàng, 
Uống không mát dạ bằng thiếp với chàng gặp nhau.” 
Người miền Nam bị bắt đi phu đồn điền cũng hát: 
“Ở làm chi đây mà phú lít và cò bót cản ngăn! 
Đi theo ông Lê Bá Cử một hai năm rồi về.” 
Những câu hát, hò trên đây, người hát như cố ý kéo dài để lựa lời tìm được ra một tiếng thích hợp gieo vần cho khớp nhau. Đó là sáng tác độc đáo tự nhiên của người Việt. 
2.2- Người trẻ hôm nay cũng xuất khẩu thành thi. Nhan nhản trên lưới điện toán, thơ của các bạn trẻ không vần nhưng có âm điệu trầm bổng, phảng phất khuôn dáng các bài thơ hay bài ca dao không luật như dẫn ở trên, đọc lên vẫn có cung bậc du dương nhịp nhàng. Về kỹ thuật của hai thể thơ này, chúng tôi cũng đã tóm lược trong chương 5 của cuốn Tiếng Việt tuyệt vời. 
B- THƠ VIỆT CHỨA ĐỰNG NÉT ĐẶC THÙ CỦA CẤU TRÚC TIẾNG VIỆT 
I- Cấu trúc một vần và cấu trúc lưỡng từ cho phép đảo lộn vị trí của từ hay đọc xuôi đọc ngược mà câu văn vẫn có nghĩa và có nhiều ý nghĩa khác nhau. Cho nên ta có thể làm những bài thơ Việt đọc xuôi đọc ngược mà thơ Tây không có. 
Riêng về thơ lục bát, để chứng minh vẻ đẹp độc đáo của ngôn ngữ Mẹ Việt, chúng tôi có đề xuất lối đọc xuôi đọc ngược này trong hai tác phẩm Tiếng Việt Tuyệt Vời và Về nguồn. 
Ngay cả lục bát gián thất, chúng tôi cũng khám phá lối đọc xuôi đọc ngược này, xin đan cử mấy bài trích trong các thiệp xuân mỗi năm của chúng tôi gửi đến các thân hữu: 
Bài 1- Chở nhạc Quê hương 
(Lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
Trường miên tấu nhạc quê hương, 
Tình xuân vương vấn, nhớ thương sao lường! 
Hương quê nhạc tấu miên trường, 
Lường sao thương nhớ, vấn vương xuân tình!  
Bình an hát khúc tang tình, 
Làng thôn xinh đẹp, thị thành quang vinh. 
Tình tang khúc hát an bình, 
Vinh quang thành thị, đẹp xinh thôn làng.  
Màng chi chốn lạ giàu sang! 
Thương yêu làng nước, thấy càng yêu thương, 
Sang giàu lạ chốn chi màng! 
Thương yêu càng thấy nước làng yêu thương. 
Trường miên tấu nhạc quê hương, 
Tình Xuân vương vấn, nhớ thương sao lường! 
Hương quê nhạc tấu miên trường, 
Lường sao thương nhớ, vấn vương xuân tình! v.v…
(Trích thiệp Xuân Đinh Sửu 1997, in lại trong thi phẩm Về Nguồn) 
Bài 2- Xuân vọng cố hương 
(Lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi, đọc ngược) 
Sang Xuân, Tết hội buôn, làng, 
Khang an mừng chúc thóc vàng đầy nong. 
Làng, buôn hội Tết Xuân sang, 
Nong đầy vàng thóc chúc mừng an khang. 
(đọc xuôi, đọc ngược) 
Lâng lâng nếp rượu tàng tàng, 
Tàng tàng nhung nhớ, nặng lòng chờ trông. 
Tàng tàng rượu nếp lâng lâng, 
Trông chờ, lòng nặng nhớ nhung tàng tàng.
(liên-hoàn) 
Sang Xuân, Tết hội buôn làng, 
Khang an mừng chúc thóc vàng đầy nong. 
Làng buôn hội Tết Xuân sang, 
Nong đầy vàng thóc chúc mừng an khang. 
(Trích thiệp Xuân Mậu Dần 1998)  
Bài 3- Vọng Cố hương 
(Lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi, đọc ngược) 
Chang chang nắng nhuộm nương đồng, 
Mông mênh vàng thắm núi sông, buôn, làng. 
Đồng nương nhuộm nắng chang chang, 
Làng, buôn, sông núi thắm vàng mênh mông. 
(đọc xuôi, đọc ngược) 
Trông vời quốc tổ Tiên Rồng, 
Bồng bềnh mong nhớ nặng lòng sao đong? 
Rồng Tiên tổ quốc vời trông, 
Đong sao lòng nặng nhớ mong bềnh bồng. 
(liên hoàn) 
Chang chang nắng nhuộm nương đồng, 
Mông mênh vàng…. 
(Trích thiệp xuân Kỷ Mão 1999) 
Bài 3: Mừng Xuân Mới 
(Song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Vang hát rộn, reo mừng chốn chốn, 
Nạn khổ xong, dẹp dọn tuyết băng. 
Làng, buôn nhuộm nắng, xuân sang, 
Mông mênh vàng thắm núi, sông, nương, đồng. 
(đọc ngược) 
Băng tuyết dọn, dẹp xong khổ nạn, 
Chốn chốn mừng, reo rộn hát vang. 
Sang xuân, nắng nhuộm buôn, làng, 
Đồng, nương, sông, núi thắm vàng mênh mông. 
(liên-hoàn) 
Vang hát rộn reo mừng chốn chốn 
Nån khổ xong, dẹp dọn tuyết, băng Làng, buôn....v.v... 
(Trích thiệp xuân Kỷ Mão 1999)  
Bài 5: Tình Xuân 
(song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Trăng gió quyến hoa cười lơi lả, 
Luyến vương lòng nghe gió gọi trăng. 
Dâng trào ước mộng lâng lâng, 
Tươi xinh, hồng thắm, sáng, trong, duyên nồng. 
(đọc ngược) 
Trăng gọi gió, nghe lòng vương luyến, 
Lả lơi cười, hoa quyến gió trăng. 
Lâng lâng ước mộng trào dâng, 
Nồng duyên trong sáng, thắm hồng xinh tươi. 
(liên hoàn) 
Trăng gió quyến hoa cười lơi-lả, 
Luyến vương lòng nghe gió gọi trăng…
Dâng trào ước...
(Trích thiệp xuân Canh Thìn 2000) 
Bài 6- Hịch Xuân Quốc Hận 
(Song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Đâu già trẻ? Đâu rồi? Nước mất! 
Bể mất rồi! Thôi, đất còn đâu! 
Sầu tuôn, đứt nối, tuôn sầu, 
Ngồi chung! Mau gọi bí bầu, ai ôi! 
(đọc ngược) 
Đâu còn đất! Thôi rồi, mất bể! 
Mất nước rồi! Đâu, trẻ già đâu? 
Sầu tuôn, nối đứt, tuôn sầu, 
Ôi! Ai bầu bí? Gọi mau chung ngồi! 
(liên hoàn) 
Đâu già trẻ? Đâu rồi? 
Nước mất! Bể mất rồi! Thôi, đất còn đâu! v…v… 
(Trích thiệp xuân Tân Tị 2001) 
Bài 7- Quốc hận 
(song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Không thấy đó? Coi làng nước mất! 
Đổ máu hồng, ngập lấp núi sông 
Thông ngàn hận uất rền vang: 
Quang xuân mừng đón khắp cùng chờ mong. 
(đọc ngược) 
Sông núi lấp, ngập hồng máu đổ, 
Mất nước làng! Coi đó, thấy không? 
Vang rền uất hận ngàn thông: 
Mong chờ cùng khắp đón mừng xuân quang. 
(liên-hoàn) 
Không thấy đó? 
Coi làng nước mất! 
Đổ máu hồng, ngập lấp….v.v…  
(Trích thiệp xuân Nhâm Ngọ 2002) 
Bài 8: Xuân Ngóng Đợi 
(song thất lục bát liên-hoàn thuận-nghịch-độc) 
(đọc xuôi) 
Sao se thắt, nghe gào sông núi! 
Mắt đỏ ngầu, hận tủi xót đau. 
Vào Xuân gió gọi mai đào, 
Đâu nào đào thắm, đỏ trầu, xanh cau? 
(đọc ngược) 
Đau xót tủi, hận ngầu đỏ mắt, 
Núi sông gào, nghe thắt se sao! 
Đào mai gọi gió Xuân vào, 
Cau xanh trầu đỏ, thắm đào nào đâu? 
(liên-hoàn) 
Sao se thắt, nghe gào sông núi! 
Mắt đỏ ngầu, hận tủi xót đau. 
Vào Xuân ..v..v..
(Trích thiệp xuân Quý Mùi 2003) 
Bài 9- Nhà Việt lâm nguy 
(Song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Mê ngủ mãi, đừng! Mau mau dậy! 
Dãi dầu sao! Dân thấy thảm thê! 
Tre phên mục nát rui mè, 
Nào ai che chống, quyết thề đi mau! 
(đọc ngược) 
Thê thảm thấy dân sao dầu dãi! 
Dậy mau mau! Đừng mãi ngủ mê! 
Mè, rui nát mục phên tre, Mau đi! 
Thề quyết chống che, ai nào! 
(liên hoàn) 
Mê ngủ mãi, đừng! Mau mau dậy! 
Dãi dầu sao! Dân thấy thảm thê! ..v..v....
(trích thiệp Xuân Giáp Thân 2004) 
Bài 10- Mơ Xuân Thái hòa 
(lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Ngàn hoa nhuộm nắng sương tan, 
Mây vang đàn tấu, ngập tràn bình an. 
Tan sương nắng nhuộm hoa ngàn, 
An bình tràn ngập, tấu đàn vang mây. 
(đọc ngược) 
Hây hây thóc lúa tràn đầy 
Tàn Đông, ngây ngất cỗ bày men say. 
Đầy tràn lúa thóc hây hây, 
Say men bày cỗ ngất ngây, Đông tàn. 
(liên-hoàn) 
Ngàn hoa nhuộm nắng sương tan, 
Mây vang đàn tấu, ngập tràn … 
(Trích thiệp xuân Ất Dậu 2005)  
Bài 11 -Hờn sông núi 
(Song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Nghiên bút tủi vẫn còn máu đổ, 
Núi sông hờn cuộn gió cuồng điên. 
Miên trường khổ cực dân hiền, 
Chồn chân kiên vững, oán phiền tràn lan. 
(đọc ngược) 
Điên cuồng gió cuộn hờn sông núi 
Đổ máu còn vẫn tủi bút nghiên 
Hiền dân cực khổ triền miên 
Lan tràn phiền  oán vững kiên chân chồn. 
(liên hoàn) 
Nghiên bút tủi vẫn còn máu đổ 
Núi sông hờn cuộn gió cuồng điên 
Miên trường … 
(Trích thiệp xuân Ất Dậu 2005) 
Bài 12- Cướp đã tới rồi! 
(song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Êm lặng mãi sao chưa tỉnh thức? 
Hãi sợ thêm, càng tức giận thêm, 
Xem kìa! Giặc cướp đầy thềm! 
Chưa lên đèn đóm? Lại xem soi đèn! 
(đọc ngược) 
Thêm tức giận càng thêm sợ hãi, 
Thức tỉnh chưa? Sao mãi lặng êm? 
Thềm đầy cướp giặc, kìa xem! 
Đèn soi xem lại, đóm đèn lên chưa? 
(liên hoàn) 
Êm lặng mãi sao chưa tỉnh thức 
Hãi sợ thêm, càng tức giận thêm ... v..v…
(trích thiệp Xuân Bính Tuất 2006) 
Bài 13- Xuân niệm
(song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Hương xuân ngát thơm đời tươi thắm, 
Đất với trời say đắm yêu thương, 
Phường thôn gội nắng triêu dương, 
Trời mù hương khói, niệm chuông dâng lời. 
(đọc ngược) 
Thương yêu đắm say trời với đất, 
Thắm tươi đời thơm ngát xuân hương. 
Dương triêu nắng gội thôn, phường, 
Lời dâng chuông niệm, khói hương mù trời. 
(liên hoàn) 
Hương xuân ngát thơm đời tươi thắm, 
Đất với trời say đắm yêu thương, 
Phường thôn....v..v.... 
(Trích thiệp xuân Đinh Hợi 2007) 
Bài 14- Xuân Nguyện 
(song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Bình an phúc tuôn tràn chan chứa, 
Chúc mừng ca đồng lúa mông mênh. 
Tình xuân đẫm ướp hương trinh, 
Rền vang kinh nguyện miếu đình gần xa. 
(đọc ngược) 
Mênh mông lúa đồng ca mừng chúc: 
Chứa chan tràn tuôn phúc an bình. 
Trinh hương ướp đẫm xuân tình, 
Xa gần đình miếu nguyện kinh vang rền. 
(liên hoàn) 
Bình an phúc tuôn tràn chan chứa 
Chúc mừng ca đồng lúa mông mênh v…v… 
(Trích thiệp Xuân Mậu Tí 2008) 
Bài 15- Xuân Ước Nguyện 
(song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Xuân pháo nổ vang lừng thôn ấp 
Lá hoa rừng hương ngát suối ngàn 
Buôn, làng ước nguyện luôn luôn, 
Cùng nhau thương mến kết đoàn lòng chung
(đọc ngược) 
Ngàn suối ngát hương rừng hoa lá, 
Ấp thôn lừng vang nổ pháo xuân. 
Luôn luôn nguyện ước làng buôn 
Chung lòng đoàn kết mến thương nhau cùng
(liên hoàn) 
Xuân pháo nổ vang lừng thôn ấp, 
Lá hoa rừng thơm ngát suối nguồn, .v…v…
(Trích thiệp Xuân Kỷ Sửu 2009) 
Bài 16- Đón Xuân Đất Tuyết 
(song thất lục bát thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi) 
Cây hỏi cỏ: “Nghe sao còn tuyết?” 
Gió gọi đào: Mai đến Tết đây! 
Hây hây nắng nhuộm trời mây, 
Nào vui, tay nắm dắt tay vui nào! 
(đọc ngược) 
Đây Tết đến, mai đào gọi gió, 
Tuyết còn sao? Nghe cỏ hỏi cây, 
Mây trời nhuộm nắng hây hây, 
Nào vui, tay nắm dắt tay vui nào! 
(liên-hoàn) 
Cây hỏi cỏ: “Nghe sao còn tuyết?” 
Gió gọi đào: Mai đến Tết đây! ..v..v… 
(Trích thiệp Xuân Canh Dần 2010)  
Bài 17- Chúc Xuân 
(song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(đọc xuôi)  
Nơi nơi chúc mừng Xuân đón Tết: 
Phúc Lộc tuôn, đoàn kết núi sông, 
Tươi vui, đạt thịnh, thành công 
Luôn luôn ngời sáng đức hồng, công huân. 
(đọc ngược) 
Sông núi kết đoàn, tuôn Lộc Phúc, 
Tết đón Xuân mừng chúc nơi nơi, 
Công thành, thịnh đạt, vui tươi, 
Huân công, hồng đức sáng ngời luôn luôn. 
(liên hoàn) 
Nơi nơi chúc mừng Xuân đón Tết: 
Phúc Lộc tuôn, đoàn kết núi sông, …
(Trích thiệp Xuân Tân Mão 2011) 
Bài 18- Thấy Tết vui không? 
(song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch đôc) 
(đọc xuôi) 
Sông núi quặn đau lòng tha thiết (*) 
Mận bảo hồng: “Thấy Tết vui không?”
 - Ông cha sản nghiệp, kìa trông! 
-Mông mênh đồng ruộng biển rừng còn không? 
(đọc ngược) 
- Không vui Tết, thấy hồng bảo mận. 
Thiết tha lòng, đau quặn núi sông. 
- Trông kìa! Nghiệp sản cha ông: 
Không còn rừng biển, ruộng đồng mênh mông. 
(liên hoàn) 
Sông núi quặn đau lòng tha thiết 
Mận bảo hồng: «Thấy Tết vui không?» .v….v 
(Trích thiệp Xuân Nhâm Thìn 2012)  
Bài 19- Xuân nguyện 
(song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc) 
(thuận độc) 
Xinh tươi sắc thắm xuân hưng phục, 
Khắp cùng tuôn lộc phúc an bình. 
Tình xuân đẫm ướp hương trinh, 
Gần xa, kinh nguyện miếu đình vang ngân, 
(nghịch độc) 
Bình an phúc lộc tuôn cùng khắp, 
Phục hưng xuân thắm sắc tươi xinh, 
Trinh hương ướp đẫm xuân tình, 
Ngân vang, đình miếu nguyện kinh xa gần. 
(liên hoàn) 
Xinh tươi thắm sắc xuân hưng-phục. 
Khắp cùng tuôn lộc phúc an bình. v.v… 
(Trích thiệp Xuân Quý-Tị 2013) 
II- Riêng trong thơ lục bát và song thất lục bát, cấu trúc của thể thơ này còn chứa đựng cả mô hình Việt Triết âm dương với hình tượng của lục khí bát quái, với nhịp phách song trùng như âm dương vận hành, với chu kỳ sinh và tái sinh tiếp diễn miên tục qua giòng thơ thanh thoát tự do, lang thang trên đường trường bất tận. Cặp lục bát trên sáu dưới tám gọi là một liên, liên kết một ngắn một dài, nối liền âm với dương, ràng buộc lục khí bát quái, và ngay trong mỗi câu dù lục hay bát, cung bậc và điệu thơ cũng chìm nổi nhấp nhô theo nhịp hai thành từng cặp songhành: 
Hoa giãi nguyệt (t),/ nguyệt in (b) một tấm (t) 
Nguyệt lồng hoa (b),/ hoa thắm (t) từng bông (b) 
Nguyệt hoa (b)/ hoa nguyệt (t)/ trùng trùng (b)/ 
Trên hoa (b)/dưới nguyệt (t)/ trong lòng (b1)/xiết đâu!(b2)/ Đâu xiết kể (t)/ trăm sầu (b)/ nghìn não (t), 
Từ nữ công (b),/ phụ xảo (t) đều nguôi (b), 
Biếng cầm (b) kim/, biếng (t) đưa thoi (b), 
Oanh đôi (b) thẹn dệt (t), bướm đôi (b2) ngại thùa (b1) (Chinh Phụ Ngâm Khúc)  
Về điểm này, tác giả Lê Công Tâm biện luận: “Tám quẻ trong Kinh Dịch gồm có: càn, đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn, khôn. Càn khôn là cha mẹ, sáu quẻ: đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn là sáu người con do càn khôn sinh ra và còn được gọi là lục khí. Cha mẹ vì đã già nên khó thay đổi, còn các con còn trẻ nên dễ thay đổi, vì thế gọi là lục khí… Theo quan niệm của Dịch thì lục khí bao giờ cũng quan trọng hơn càn khôn cho nên mới có câu: “Con hơn cha nhà có phúc” (6). 
C- THƠ VIỆT CHUYÊN CHỞ HỒN VIỆT
Thơ Vìệt chất chứa hồn Việt vì mang tính nhạc là nét độc đáo của tiếng Việt, và chất chứa tính dân tộc là Việt triết của tổ-tiên. 
I- Tính nhạc trong thơ Việt 
1.1- Tiết tấu: Vì cách phối trí thanh theo luật nhất định nên nhạc trong thơ Việt diễm ảo vô cùng, diễm ảo vì luật phối trí thanh hợp với tính nhạc có sẵn trong từ làm nên tiết tấu nhịp nhàng cho thơ. Nhịp phách này so với thơ Trung Quốc cũng khác hẳn.  
Minh hoạ sau đây cho thấy nét đặc thù trong giòng nhạc thơ Việt: 
Nhịp phách trong thơ lục bát: 
Nhịp phách của 2 câu 7 trong thơ Đường và song thất lục bát: 
1.2- Âm thanh: 
Dĩ nhiên như đã nói trong “Tiếng Việt Tuyệt Vời”, thơ Tây không có cung nhạc tự-nhiên, chỉ có điệu nhịp tiết-tấu. Nhạc trong thơ Tây là nhạc chế sẵn cho lời. Ý dìu lời đi vào nhạc-điệu, chứ lời không mang theo nhạc dẫn đưa tình ý. 
Trái lại vì mỗi lời Việt mang theo một nốt nhạc khác nhau, nên trong văn, nhất là trong thơ Việt, nhạc biến-ảo theo lời. Nhạc vốn đã làm nên duyên-dáng du-dương cho tiếng Việt thì hẳn nhiên nhạc cũng là yếu-tố cơ-bản trong thơ Việt. Ngôn-ngữ có nhạc là do cách sử-dụng từ sao cho réo-rắt, đấy là cách gieo bình và trắc-thanh, sao cho êm-ái du-dương, đấy là cách ngắt nhịp, lựa chọn âm vận. 
Người Việt ngâm thơ mà người ngoại quốc nói là hát thơ. Nói như thế không sai. Khi ngâm thơ, ta thưởng-thức giọng ngâm và điệu ngâm. Ngâm thơ là phổ nhạc vào thơ, một thứ nhạc đã được chế sẵn để chuyên chở ý thơ, cũng hệt như ngâm vọng cổ một bản mà lời chẳng có gì làm sâu-sắc văn-vẻ cho lắm nếu đem đọc lời của bản nhạc này. Vậy khi nói đến nhạc của thơ, là nói đến đọc thơ. Đọc thơ lột hết được tính nhạc của thơ tự nó đã có sẵn trong lời thơ. 
Nói như vậy là muốn nói đến thơ tự-do, thơ xuôi, tuy là vay mượn hình-thức thơ Tây, nhưng nếu không có nhạc trong thơ, thì chẳng hoá ra là thơ ngoại-lai. Thơ không có nhạc mà chỉ chuyên-chở ý-tưởng, đúng hơn chỉ là một bài dịch thơ sang tiếng Việt hơn là một bài thơ Việt. Nói là vay mượn, chứ thực ra trước khi ta có thơ xuôi gần đây, thì từ thuở xa xưa, ta đã có văn biền-ngẫu qua những bài vănsách, kinh-nghĩa của lối khoa-cử. Và trước khi du-nhập thơ tự-do của Tây-phương thì ca-dao với lối hát xẩm, ta cũng đã có thơ tự-do rồi, một thứ thơ tự-do với nhịp phách và cước-vận như của thơ Tây, lại còn mang tính dân-tộc với cung bậc thanh-âm rộn-ràng và với yêuvận gieo ở lưng chừng câu. Như bài sau đây: 
Ba mươi Tết, lại ba mươi Tết, 
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách 
Một tay cô cầm cái dù rách 
Một tay cô xách cái chăn bông 
Cô ra bờ sông 
Cô trông sang nước người 
Ới chú Chệt ơi là chú Chệt ơi! 
Một tay cô cầm quan tiền, 
Một tay cô cầm thằng bù-nhìn, 
Cô ném xuống sông; 
Quan tiền nặng, quan tiền chìm, 
Bù-nhìn nhẹ, bù-nhìn nổi, 
Ối ai ơi của nặng hơn người! 
Tản Đà nổi tiếng với những bài thơ mới, truyền cảm sâu xa, vì nó không còn gò bó theo luật lệ, chỉ giữ lại cái thanh tú của nhạc dấu, của âm iệu mà thôi. Chẳng hạn bài Thiên Thai: 
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai, 
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm-ngùi. 
Nửa năm tiên-cảnh, 
Một bước trần-ai. 
Ước cũ duyên thừa có thế thôi! 
Đá mòn rêu nhạt, 
Nước chảy huê trôi.  
Cái hạc bay lên vút tận trời! 
Cửa động, 
Đầu non, 
Đường lối cũ, 
Trời đất từ nay xa cách mãi! 
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng trôi. 
(Nguyễn Khắc Hiếu) 
II- Tính dân tộc trong thơ Việt 
Thơ Việt phải thể hiện bản sắc của giống nòi, nói lên được tâm thức của tổ tiên ngàn xưa truyền lại cho con cháu lập quốc và hưng quốc. Ta sẽ nghĩ thế nào khi thế hệ hậu duệ mình tìm trong lịch sử thi ca nước Việt, thấy rằng cha ông chúng đã đánh mất gốc nguồn? Nhân loại qua nền thi ca hiện nay đánh giá được thế nào là tính dân tộc của người Việt, ấy là tuỳ theo thơ Việt có chuyên chở được hồn nước hay không? Người ta sẽ thấy được đời sống vật chất, tình cảm, và tư tưởng của giống nòi, nhận rõ chân dung con người Việt Nam là thế đó, lai căn hay mất gốc? Những loại thơ truyền miệng sau đây liệu có gọi là thơ mang theo hồn nước hay không? 
“Thương cha, thương mẹ, thương chồng, 
Thương người: thương một, thương ông: thương mười.” 
Và: 
“Thằng Trời hãy đứng một bên, 
Để ông Thủy Lợi đứng lên làm Trời!” 
Hay: 
“Thắp đèn cho sáng ba gian, 
Lôi mi ra giữa đình làng đêm nay, 
Đấu cho tan-tác mặt mày, 
Đấu cho mồ mả tụi bay chẳng còn.” 
Và: 
“Thắp đuốc cho sáng khắp đường, 
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay, 
Lôi cổ bọn nó ra đây! 
Bắt quỳ gục xuống, đoạ đày chết thôi!” 
Liệu chúng ta có chấp nhận những lời thơ nghịch thiên lý và luân thường như thế để bảo rằng đó là thơ Việt, thơ mang hồn nước, thơ của chủng-tộc Việt hay không? 
Kết luận 
Việt thi hay Việt văn chỉ là những diện của một điểm chung là văn học, văn hóa làm nên văn minh. Khi nói Việt văn là đã tự nói lên vẻ đẹp của ngữ Việt rồi, vì văn là những nét vằn thể-hiện nên vẻ đẹp. 
Cái gì làm nên vẻ đẹp độc đáo tuyệt vời? Không hẳn chỉ là cấu trúc và nhạc tính của ngữ Việt mà còn là cái hồn nước trong ngữ Việt thể hiện qua Việt Triết âm dương, ấy là đạo sống Thái Hoà của tổ tiên, là nhân sinh quan và vũ trụ quan của giống nòi, cho phép nhận rõ chân dung con người là hội tụ giao thoa của Trời Đất, là tinh thần dân tộc, là ý chí bất khuất, độc lập, tự chủ, là lập trường không nghiêng ngả, là tương thân kết đoàn, là thuận thiên lý, trọng nhân luân, là tình yêu hài hoà, hài hoà với thiên nhiên với Trời Đất, với tha nhân, nói chung ấy là tinh thần nhân-bản của trăm con trăm trứng cùng sinh ra trong một bọc Mẹ, là phân tán nhị nguyên nhưng hòa đồng nhất thể như huyền thoại Rồng Tiên đã viết lên trang đầu của Việt sử làm thành hiến chương cho con cháu Hùng Vương lập quốc và hưng quốc. 
Vâng, hồn nước quả tiềm tàng trong văn hóa Rồng Tiên, bàng bạc trong ngôn ngữ Mẹ Việt. Lại biết rằng ngôn ngữ có thể làm bại hoại tư tưởng và ngược lại, nhất là đối với thứ ngôn ngữ vô cùng phong phú súc tích như tiếng Việt, bởi thế một khi tập quán xấu đã bén rễ, thì đây là một báo động cho các nhà làm văn hoá, cho tất cả những ai còn tha thiết tới tiền đồ văn học Việt Nam. Cho nên, tuy đường về quê hương mở ra nhiều phương lắm lối, song đối với thế hệ trẻ mai này sẽ theo gót cha anh xây đắp giang sơn, thiển nghĩ con đường văn học, văn hoá Mẹ Việt hơn bao giờ cũng vẫn là một chính lộ dẫn đưa họ về nguồn, bởi vì: 
Cội nguồn hoa thắm ngát hương, 
Đường về le lói ánh dương huy hoàng, 
Gió reo chim hót ca vang: 
“Việt Nam văn hiến vinh quang muôn đời!” 
Chú-thích: (*) Bàì viết nguyên là bài thuyết trình tại Văn Bút Ontario Canada năm 2000, sau được đăng lại trên quý san Định Hướng Paris số 28.  
Mùa Đông năm 2001, nay được hiệu đính lại mô hình âm dương trong thơ lục bát và song thất lục bát cùng thêm một số bài thơ lục bát liên hoàn thuận nghịch độc và song thất lục bát liên hoàn thuận nghịch độc. 
(1) Vũ Đình Trác: Triết Lý Truyền Thống Việt Tộc Dọn Đường Cho Thần Học Việt Nam (tập san Định Hướng số 11, 1996). Về cuốn "BÁCH VIỆT TIÊN HIỀN CHÍ": Năm 1984, trong dịp biện trình tại Đại học Sophia, Tokyo, luận án triết học Đông Phương nhan-đề “Vietnamese Humanism According to Nguyễn Du”, cố học giả Vũ đình Trác đã tìm thấy tàng trữ tại thư viện Đại Học Đông Kinh tập “Bách Việt Tiên Hiền Chí”, sau này ông đem giới thiệu nguyên bản và Dịch Nôm trên tạp chí Hội Hữu (kể từ số 3, ngày 15-3-1986), ông viết: “Chúng tôi cống-hiến văn-học giới Việt-Nam tập tài-liệu cổ quý giá nhan đề BÁCH VIỆT TIÊN HIỀN CHÍ, trích trong Đại Bộ Lĩnh Nam Di Thư của Trung Quốc”, với phần Hán văn và dịch nôm, mà theo ông đây là “tài-liệu ruột cho các nhà khảo cổ và nhân chủng học, cũng như cho các nhà văn hoá Việt-học đang xây dựng cho Việt Triết Việt Nho.” Mười năm sau, trong bài tham luận “Triết Lý Truyền Thống Việt Tộc Dọn Đường Cho Thần học Việt Nam” đăng trong quý san Định Hướng (số 11 mùa Đông 1996), ông lại nhắc tới: “Chúng tôi long trọng tuyên cáo: chúng ta còn hai ẩn-lộ có thể trở về nguồn. Đó là tập tài-liệu cổ bằng Nho văn: Bách Việt Tiên Hiền Chí và Trống Đồng Việt tộc.” Ở đây, người viết muốn chứng-minh ngoài hai ẩn-lộ trên, còn thêm một chứng-tích thứ ba sống động nữa là hồn nước với triết lý âm dương bàng bạc ngay trong tiếng Việt nói chung và trong thơ Việt nói riêng, đó là “Hồn Nước Trong Thơ Việt” 
(2) Đỗ Quang Vinh, Tiếng Việt Tuyệt Vời, chương 8: Tiếng Việt Với Triết Lý Âm Dương Và Đạo Sống Thái Hoà, (ấn bản lần 2, Toronto, 2000) 
(3) Khiếu Đức Long: Đặc tính gốc Nước của văn hóa Việt Nam, Vietnamologica, số 1, 1995, tr.176 & 177. 
(4) Kim Định: Cơ cấu uyên nguyên, Hội Hữu tập san, Việt Học Hàn Lâm Giáo Sĩ Việt Nam Hải Ngoại chủ trương, số 3, ngày 15-3-1986. 
(5) Thái văn Kiểm, Triết Việt: Đông-Hồ và triết lý nhân sinh, Vietnamologica, số 1, 1995, tr. 141) (6) Lê công Tâm: Vài suy nghĩ về mối liên hệ giữa tiếng Việt và văn hoá Việt, tạp chí Định Hướng, số 5, 1994.
Đỗ Quang Vinh 
Theo http://doquangvinhvenguon.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...