Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

“Một thế kỷ - Mấy vần thơ” vẫn còn sống mãi

“Một thế kỷ - Mấy vần thơ” vẫn còn sống mãi!
Nhà thơ Truy Phong (1-10-1925 - 8-5-2005), tên thật là Dương Tấn Huấn, sinh tại xã Thanh Bình (Cù lao Dài), huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Thuở nhỏ, ông Truy Phong học ở trường làng rồi trường huyện Càng Long, đậu bằng Certificat của Pháp. Sau đó ông học trường tư ở Sa Đéc và đi làm việc ở tòa báo Tân Tiến ở Sa Đéc năm 1943. Có lúc ông về dạy học ở Trà Vinh. Lĩnh vực hoạt động của ông là viết báo, sáng tác thơ văn trong phong trào văn hóa - văn nghệ yêu nước công khai ở thành thị, cùng với các ông Sơn Nam, Nguyễn Phương, Kiên Giang, ông Bùi Kinh Lăng ở Tiểu ban văn nghệ Trung ương Cục miền Nam…
Thời chống Pháp, ông đã từng đoạt giải nhất về thơ của Hội Văn nghệ kháng chiến khu 9 với tác phẩm “Tấm lòng quê” năm 1948. 
Bài thơ “Một thế kỷ – Mấy vần thơ” ra đời năm 1956, đã thật sự có tác dụng to lớn đối với nhiều cán bộ trong phong trào thanh niên học sinh, sinh viên Sài Gòn, trí thức và các đô thị lớn ở miền Nam trước đây. “Một thế kỷ – Mấy vần thơ” âm thầm len lỏi vào các nhà tù của Mỹ – Ngụy ở Sài Gòn đến tận Côn Đảo, vào trong công nhân lao động, văn nghệ sĩ… Nhiều người đã thuộc nằm lòng bài thơ và sử dụng nó như một thứ vũ khí sắc bén trong công tác vận động của mình. “Một thế kỷ – Mấy vần thơ” đã đem đến một sức mạnh mãnh liệt đi vào lòng người, trong rèn luyện ý chí đấu tranh, trau dồi tình cảm yêu nước, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, căm thù giặc, xây dựng và củng cố niềm tin đối với nhiều cán bộ cách mạng. Đây là một bài trường ca rất đặc biệt vừa mang phong cách biền ngẫu của văn tế, của phú, của cáo, vừa mang âm hưởng hò Nam bộ, thể thơ trường đoản chuyên chở được phần nào đề tài rộng lớn vừa “tráng”, vừa “bi”.
Ngày 27-4-1956, tờ báo Tiến Thủ đăng bài “Một thế kỷ – Mấy vần thơ”. Ngay sáng hôm ấy, ở Sài Gòn báo Tiến Thủ bị tịch thâuvà tòa báo bị đóng cửa ngay. Lần đầu tiên, Tiến Thủ đăng bài thơ của ông Truy Phong trên trang nhất với cái “tít” màu đỏ thật lớn, thật đẹp chạy suốt bề ngang tờ báo khổ rộng. Hàng chữ “Một thế kỷ - Mấy vần thơ” nổi hẳn lên cốt làm cho độc giả đặc biệt chú ý như một tin thắng lợi lớn lao, 1/3 bài thơ (khoảng 50 câu) cùng đăng liền bên phải dưới cái “tít” hoành tráng ấy (chưa có tờ báo nào ở Sài Gòn đăng thơ một cách đặc biệt và trang trọng như vậy). Lối trình bày như trên như là thách thức làm “xốn mắt” nhà cầm quyền lúc bấy giờ.
Nhà văn Sơn Nam viết: “Theo thiển ý của chúng tôi thì đây là một trong những bài thơ đẹp nhất của thế kỷ XX này”.
Ông Việt Tha, Chủ nhiệm tờ báo Tiến Thủ viết: “Theo tôi thơ như vậy mới là thơ, thơ của thời đại chúng ta”.
Thi sĩ Kiên Giang (Nhật báo Tin Sáng) nói: “Ông Truy Phong là một thi sĩ có chân tài với hồn thơ nồng đậm tình yêu quê hương đất nước… Truy Phong đã làm chấn động thi đàn năm 1956 với bài “Một thế kỷ – Mấy vần thơ”, một thi phẩm mang giá trị vượt thế kỷ…”.
Tuần báo Khởi Hành: “Những người trẻ hôm nay đã không quên ông, không quên một tác phẩm đáng lưu lại mãi mãi trong lòng người dân Việt”.
Anh Lê Hồng Tư, một chiến sĩ tử tù ở Côn Đảo, kể: “Năm ấy, giữa lúc địch đánh phá ác liệt thì “Một thế kỷ – Mấy vần thơ” xuất hiện trên trang nhất báo Tiến Thủ Sài Gòn là một tin vui, một người đọc, mười người đọc, trăm và ngàn người đọc, không riêng học sinh, sinh viên, trí thức, mà cả công luận ở Sài Gòn và các thành thị miền Nam phấn khởi vì bài thơ công khai lên án tội ác tày trời của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam suốt một thế kỷ qua. Bài thơ hấp dẫn đến nỗi đọc qua một vài lần trên 100 câu, ai cũng muốn thuộc, chúng tôi coi bài thơ như là một thứ vũ khí tuyên truyền sắc bén chống lại kẻ thù. Tận dụng lợi khí này, chúng tôi kéo nhau lên Đà Lạt dàn dựng và trình diễn với đồng bào “Một thế kỷ – Mấy vần thơ” như một vở nhạc kịch rất “thời sự” ai cũng tin là ăn khách. Chúng tôi mượn đồn điền của người Pháp gần suối Cam Ly làm sân khấu, mục đích nhắm họ làm đối tượng tuyên truyền. Đêm ấy, đồng bào hiện diện khá đông. Hầu hết chồng là người Pháp, vợ là người Việt và công nhân trong đồn điền đến xem (người Pháp ở đây nghe và nói được tiếng Việt).
… Giờ trình diễn đến, màn kéo lên hiện ra một nghĩa địa âm u, một tốp lính Pháp cúi đầu ủ rũ̉… trông thật buồn thảm. Tất cả chủ và người làm công của đồn điền có vẻ quan tâm chú ý… Cả một đoạn thơ dài kể tội ác thực dân không làm họ khó chịu. Đến màn “thân thiện” mô tả nước Pháp có thành Paris đẹp rực rỡ, có Côte d’Azur người thanh cảnh lịch, có bờ Marseille đẹp nhất sơn hà, có anh hùng dân tộc Joffre Jeanne d’Arc… thì Tây bộc lộ cảm tình, tỏ thái độ thân thiện… Tới hai câu:
Bây giờ anh xuống tàu binh
Trăm năm chuyện cũ
thôi mình bỏ qua…
Thì thấy họ vui hẳn lên…

Sau cùng, khi chấm dứt vở kịch bằng câu “Au revoir”, nghe đây đó có tiếng vỗ tay cười nói… Xong buổi trình diễn, Tây trên đồn điền đối xử với chúng tôi rất lịch sự, tử tế.
Trong các tiết mục đêm ấy, cũng như trong các lần biểu diễn sau này, “tiễn chân quân viễn chinh Pháp” là tiết mục thành công hơn cả! Cho đến bây giờ nhắc lại, chúng tôi thấy còn nguyên cảm giác năm xưa. Bài thơ sẽ sống mãi!
Có thể nói “Một thế kỷ – Mấy vần thơ” cái phát minh về hình thức chính là sự kết hợp văn biền ngẫu với thơ ca dân gian, tạo ra một phong cách đặc biệt vừa gần gũi, uyển chuyển, vừa bi hùng. Bằng phong cách ấy, tác giả khám phá cảm xúc của mình về chiến thắng thực dân Pháp của dân tộc và cổ vũ nhân dân chống Mỹ.
Suốt những năm chiến tranh ác liệt, cho đến ngày 30-4-1975 anh em học sinh chúng tôi cố tìm tác giả bài thơ có bút danh là T.P không biết là ai, ở đâu? Mãi những năm sau, trên báo Sài Gòn Giải Phóng có tin anh Ba Cảnh, tức Lê Minh Châu, người chiến sĩ tử tù ở Côn Đảo, nguyên là Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã đến tận nơi thăm tác giả T.P. Từ đó chúng tôi lần theo thăm gia đình tác giả và khi nhà thơ qua đời, chúng tôi cũng đến tận nơi thắp nén hương cuối cùng tiễn biệt nhà thơ.
Nhà thơ Truy Phong đã viết “Một thế kỷ – Mấy vần thơ” tạo được sự xúc động mãnh liệt đối với người đọc, tình cảm khêu gợi phong phú hơn, sự thưởng thức đa dạng hơn.
Bắt đầu tác giả xót thương đoàn quân viễn chinh Pháp bại trận xuống tàu về nước:
Cờ rũ và súng xếp
Cúi đầu và lặng thinh
Nghẹn ngào giã biệt người thiên cổ
Đất lạ trời xa sớm bỏ mình.
Trước cảnh rút về nước của đoàn quân thực dân chiến bại:
Giựt mình bấm đốt ngón tay
Trăm năm một giấc
mộng dài hãi kinh.
Đó là thời gian từ năm 1862-1956.
Nghĩ đến 100 năm “hãi kinh”, nhà thơ như thấy hiện lên trước mắt:
Tay gươm, tay súng
Bước nghinh, bước ngang
Anh bắn!
Anh giết!
Anh đâm!
Anh vằm!
Anh đày Bà Rá, Côn Nôn
Anh đọa Sơn La, Lao Bảo
Anh đoạt hết cơm, hết áo
Anh giựt hết bạc, hết vàng.
Cảnh đàn áp dã man của quân giặc:
Chặt đầu ông lão treo hàng thịt
Mổ mật thanh niên
giữa chiến trường
Cối quết trẻ thơ văng nát óc
Phanh thây sản phụ đốt thành than.

Nhà thơ thấy rằng, “hận thù nhắc lại” không bao giờ “dứt” và “bút mực” không làm sao “kể hết lời”. Nhưng với tâm hồn cao thượng cố hữu của dân tộc, tác giả nghĩ mình có thể nói với anh lính Pháp bại trận:
Những gì tôi hận
Những gì tôi khinh
Bây giờ anh xuống tàu binh
Trăm năm chuyện cũ
thôi mình bỏ qua.
Đó chính là chất nhân văn trong tâm hồn người Việt. Lê Lợi từng cấp ngựa và lương thực cho tướng bại trận Vương Thông:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Hơn thế, nhà thơ còn thẳng thắn nói cho anh lính Pháp biết rằng mình vốn coi trọng những thành tựu sáng chói của nước Pháp, như những vị anh hùng cứu quốc của dân tộc anh, những đóng góp của đất nước anh vào nền văn minh nhân loại như cuộc cách mạng 1789 với bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền, sau đó việc thay thế chính thể quân chủ bằng chính thể cộng hòa:
Tôi là người ở phương xa
Ngày anh xán lạn cũng hòa niềm vui.
Nhưng nhà thơ cũng nhắc quân lính bại trận nhớ rằng:
Việt Nam nước của tôi
Già như trẻ
Gái như trai
Chết thì chịu chết
Không cúi lòn ai
Tham lam ai muốn vô xâm chiếm
Thì “giặc vào đây, chết ở đây!”.
Và sau cùng, tác giả khuyên anh lính Pháp:
Tàu anh rời bến Việt Nam
Hãy xuôi một ngả, một đàng mà đi!”.
Bài thơ của Truy Phong sinh động và khiến người đọc xúc động với những tủi sầu, oán hận, xót thương, hứng khởi của cuộc sống trong cả một thế kỷ.
Thơ có tiết tấu nhặt khoan theo kết cấu bài văn tế. Những vế đối dạng biền ngẫu, đối từng vế trong câu, từng cặp câu đối ý chan chứa, từng đoạn đối nhau tạo nên văn tế “hồn ma” bi thương của đội quân viễn chinh Pháp. Lịch sử đã lập lại: họ thất bại giống như những đội quân xâm lược Nguyên - Mông trước đây ở Bạch Đằng, Hàm Tử.
Chiều nay trên nghĩa địa
Có một đoàn tinh binh
Cờ rũ và súng xếp
Cúi đầu và lặng thinh.
Những hình ảnh, những bóng ma thực dân cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Câu thơ:
Cửa Hàm Tử lao xao sóng gợn
Bến Bạch Đằng lởn vởn hồn quê.

Mang âm hưởng của văn tế, thể hiện sự bi thương của đội quân viễn chinh, nhưng lại làm hiện lên cái hùng tráng của lịch sử dân tộc Việt. Kết thúc, đoạn thơ trở về câu thơ lục bát mang âm hưởng hò Nam bộ, như một cây đinh được đóng nhẹ nhàng mà sâu sắc để chốt trên “nắp quan tài” chủ nghĩa thực dân:
Bước đi những bước nặng nề
Ngày đi chẳng biết ngày về chẳng hay.
Cái vô thủy, vô chung trong tiềm thức thực dân chính là cái bắt đầu và kết thúc của những tham vọng. Một câu lục bát nhẹ nhàng kiểu hò Nam bộ, nhưng mang một triết lý phương Đông.
Khi người Pháp đến Việt Nam, “Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” trong thơ cụ Đồ Chiểu. Thì giờ đây, trong thơ Truy Phong: “Kèn kêu tức tưởi nghẹn lời, tiếng ngân xúc động, dạ người viễn chinh”.
Khi họ đến đem tang tóc cho dân tộc bao nhiêu, thì khi thất bại, họ ra đi trong tức tưởi, nhục nhã bấy nhiêu.
Bằng sự kết hợp tài tình giữa phong cách thơ truyền thống của dân tộc, được kế thừa từ nghệ thuật phú, cáo, văn tế với thơ mới, thơ dân gian, Truy Phong tạo ra một phong cách thơ đặc biệt, dùng nó để nói lên tư thế của người chiến thắng, để “tế” chủ nghĩa thực dân. Sức mạnh của phong cách thơ Truy Phong hàm chứa cả một lịch sử, văn hóa dân tộc và thời đại mà ông đang sống. Kẻ thù sau này như đế quốc Mỹ cũng không hiểu nổi nền văn hóa của Việt Nam.
Tiếp theo, cũng với giọng văn biền ngẫu, có hơi hướng dân ca, có chất thơ mới, tác giả kể rõ tội ác của thực dân Pháp trong suốt một thế kỷ xâm lược. Thế nhưng, người đọc liên hệ và cảm thấy ngay đó chính là tội ác tày trời của bọn Mỹ - Diệm: những năm họ lê máy chém giết hại những “người kháng chiến”:
Hỡi ơi! Xương máu dẫy đầy
Chân anh dẫm tới, đất này tóc tang
Tay gươm, tay súng
Bước nghinh, bước ngang…
Tác giả dùng mũi tên mà bắn chính xác hai đối tượng. Tất cả tội ác ấy cũng chính là tội ác của bọn Mỹ - Diệm đang thay chân thực dân Pháp xâm chiếm miền Nam. Văn biền ngẫu của đoạn này được sử dụng như một bản cáo trạng đanh thép. Người đọc cảm nhận một giọng thơ vừa quen vừa mới, nhưng không cảm thấy gò bó của loại văn biền ngẫu cổ điển.
Tác giả khẳng định một chân lý bất biến sáng ngời chính nghĩa và nêu ra bài học nhớ đời đối với mọi kẻ thù xâm lược:
Cái gì bạo ngược và phi nghĩa
Là trái lòng dân nghịch ý trời
Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ
Không sao thắng được
trái tim người!
Kết thúc khúc ca bi tráng, hào hùng, một lần nữa tác giả muốn nhấn mạnh lời cảnh báo nhắn gửi thực dân Pháp và với “ai” đang lao vào vết xe đã đổ:
Việt Nam nước của tôi
Già như trẻ
Gái như trai
Chết thì chịu chết
Không cúi lòn ai
Tham lam ai muốn vô xâm chiếm
Thì giặc vào đây chết ở đây!
Tác giả minh chứng lịch sử kháng chiến để nói lên một chân lý: đế quốc đã, đang và sẽ thất bại trước quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam với một niềm tin tất thắng không gì lay chuyển được:
Thì anh hãy nhớ một lời
Ngày mai thống nhất liền đôi bến bờ.
Lịch sử dân tộc đã điễn ra đúng như thế. Niềm tin của nhà thơ Truy Phong đã thành sự thật. Có lẽ giá trị lớn nhất của bài thơ “Một thế kỷ- Mấy vần thơ” là ở chỗ ấy.
Đỗ Quốc Hùng 

Nguồn Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 381

Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đọc lại trường ca của Hữu Thỉnh: ‘Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình’ Kỷ niệm 46 năm thống nhất đất nước, tôi muốn trở lại với một ...