Tôi không tìm, tôi thấy!
(Pablo Picasso)
Những bạn đọc blog tôi hẳn để
ý dấu vết nhạc Phạm Duy (PD) có hầu hết khắp mọi nơi. Tuy vậy, tôi chưa từng viết
một bài nào để nói về ông. Lý do đơn giản: cuộc đời và âm nhạc PD là một đề tài
quá rộng lớn, tôi tự lượng hiểu biết của mình không đủ để mô tả về một con người
Việt Nam mà lại có thể phong phú đến vậy. Những ai muốn hiểuvề PD, tốt nhất
là… xin dừng tất cả việc đọc lại ở đây, kể cả đọc bài viết này. Tư liệu trên
internet về người nhạc sĩ vĩ đại này cũng khá nhiều, nhưng điều trước tiên cần
làm là tìm và nghe ít nhất thì cũng vài chục, nhiều thì vài trăm nhạc phẩm của
PD, để biết và hiểu ông từ khía cạnh ấy, trước khi đọc xem người khác viết những
gì.
PD, ông được gọi là một
người Việt Nam Việt Nam nhất. Hiểu theo nghĩa những gì tốt và xấu điển hình của
người Việt Nam đều có đầy đủ và sống động trong con người ông. Vậy nên xin nhìn
nhận ông như một con người bình thường như chúng ta, đừng đứng từ nhãn quan
chính trị, tôn giáo, lịch sử, thậm chí là cũng đừng từ quan điểm tư cách đạo đức
mà phán xét. Đến lúc này có thể nói một cách xác tín rằng ông là nhạc sĩ Việt
Nam vĩ đại nhất qua mọi thời đại, và tầm vóc vượt lên trên hẳn những tên tuổi
được đa số quần chúng tôn vinh hiện nay như Trịnh Công Sơn, Văn Cao. Tôi thường
nghĩ nếu so sánh Trịnh Công Sơn và Phạm Duy, cũng như đem đom đóm so với trăng
rằm. Phải xin lỗi những fan của nhạc sĩ họ Trịnh nhưng tôi không hề có ý đề cao
hay hạ thấp ai khi nói vậy, chỉ cố gắng đưa ra một so sánh không khập khiễng.
Nếu chúng ta cần những ca từ
uyên áo, trừu tượng, thì đó chính là nhạc sĩ TCS, nhưng nếu muốn nói đến âm
nhạc (musique), xin hãy nhường cho PD. Từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã nghe và hát nhạc
PD mà không hề biết chúng là của ông: Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu
sướng lắm chứ (Em Bé Quê), Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền, một
dòng sữa thơm xa xưa còn truyền (Tuổi thần tiên), Xuân trong tôi đã
khơi trong một đêm vui, một đêm một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về (Xuân
ca)… Lớn lên, lần đầu biết rung động, tôi lại hát nhạc ông mà vẫn chưa biết ông
là ai: Hôm qua tôi đến nhà em, ra về mới nhớ rằng quên cây đàn (Cây
đàn bỏ quên), Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho, mùa thu đã chết
rồi (Mùa thu chết), Trả lại em yêu, khung trời đại học, con đường Duy
Tân, cây dài bóng mát (Trả lại em yêu). Cuộc đời làm cho đôi bên yêu
nhau cách một biển sâu, hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau… (Hẹn
hò).
Bao giờ biết tương tư
– Tuấn Ngọc
Trả lại em yêu – Thái
Thanh
Tôi sẽ còn nhớ mãi một kỷ niệm
khó quên trong đời, năm tôi học lớp 8, ngôi trường Trưng Vương yêu dấu, thầy
Sinh, một thầy giáo của chúng tôi trước khi lên đường đi Mỹ, đã vào lớp kể cho
lũ học sinh 13, 14 tuổi chúng tôi nghe về những điều: Các em đã đến tuổi
biết, cần phải biết và cũng không nên che dấu. Rồi thầy kể chúng tôi nghe chuyện
tình Quasimodo và Esmeralda (Thằng gù nhà thờ Đức Bà – Victor Hugo) và ôm
đàn hát: Ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi, ôm mối tương tư, ngày nào
biết mong chờ, biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa. Cái tập thể lớp 8/6 ngày
đó đã biết Bao giờ biết tương tư cũng là nhờ người thầy nghệ sĩ của
chúng tôi.
Và còn rất rất nhiều ca khúc
khác, người ta vẫn hát, từ giới bình dân lao động cho đến giới trí thức, học giả,
vẫn hát đấy mà chưa hẳn đã biết đó là nhạc PD. Ông xem đó như một thành công,
khi quần chúng truyền tụng tác phẩm của mình mà không cần nhớ đến tác giả. Có
chuyện gần đây trên một chương trình của VTV3 phỏng vấn một cụ già trên 100 tuổi
nhưng sức khỏe, trí nhớ vẫn còn tốt, người ta đề nghị bà hát những khúc nhạc mà
bà còn nhớ, và bà đã hát một “bản dân ca bà được nghe lúc trẻ”: Ai có nghe
tiếng hát hành quân xa, mà không nhớ thương người mẹ hiền… (Nhớ người ra
đi).
Sau này, tôi mới có đủ điều
kiện để nghe PD một cách đầy đủ và có hệ thống, mới thấy cái gia tài âm nhạc
kia thật quá vĩ đại, vượt xa, rất rất xa tất cả những nhạc sĩ Việt Nam khác
không chỉ ở số lượng, mà còn ở chủ đề đa dạng phong phú, và đặc biệt là ở nhạc
thuật tinh vi, biến hóa, đa dạng, nhiều màu sắc, nhiều phong cách, nhiều cảm
xúc mới lạ, đến mức khó có thể nắm bắt hết được. Dưới đây, tôi xin mạn phép được
“cưỡi ngựa xem hoa”, điểm qua một số tác phẩm và các giai đoạn sáng tác của PD.
Và trong chừng mực có thể, tránh xa cái bối cảnh chính trị chia cách 2 miền đất
nước, và tránh luôn cả đời tư “nasty” của tác giả. Xin các bạn lượng thứ cho
quan điểm của tôi, nhưng cái câu hỏi vô lý nghệ thuật vì nghệ thuật hay
nghệ thuật vì nhân sinh, đến nay tôi vẫn chưa trả lời được. Cái gì đã tạo nên một
tâm hồn đa dạng phong phú đến thế, điều ấy đến nay tôi vẫn không thể tự lý giải,
chỉ biết mượn lời của Picasso để nói về một thiên tài: Tôi không tìm, tôi
thấy!.
Hai tiếng Việt Nam quá lớn, máu sẽ còn chảy bao nhiêu năm nữa để tô thắm hai chữ Việt Nam?
(Phạm Duy)
Tôi đặc biệt thích những tác
phẩm đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Duy, từ Cô hái mơ, Tình kỹ nữ… đến Thu
chiến trường, Bên cầu biên giới, Nhớ người ra đi, Bà mẹ Gio Linh…
Những tác phẩm ấy báo hiệu một Phạm Duy đầy sức sống và sức sáng tạo về sau. Và
cho đến bây giờ đó vẫn là đỉnh cao nhất trong những nhạc phẩm tiền chiến. Có lẽ
sẽ không ai kìm được nước mắt khi giai điệu như thôi miên Bà mẹ Gio Linh qua
giọng ca oán hờn “dựng tóc gáy” Thái Thanh: Mẹ già cuốc đất trồng rau,
nghe tin xóm làng kêu gào. Quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ cắt đầu.
Nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu. Chiều về trên xóm buồn
teo, xa xa tiếng chuông chùa ngân…
Bên cầu biên giới –
Thái Thanh
Thuyền viễn xứ – Lệ
Thu
Chỉ trong vài năm đầu của
kháng chiến 9 năm, gia tài âm nhạc của Phạm Duy đã đạt đến mức nhiều người phải
ngưỡng mộ và đố kỵ. Xin mượn lời của nhà nghiên cứu âm nhạc Canada,
G.E.Gauthier, để mô tả sự nhận thức của quần chúng thính giả đối với Phạm Duy
giai đoạn này (một đánh giá PD như người nhạc sĩ lớn nhất trong toàn bộ lịch sử
âm nhạc Việt Nam): Các lớp quần chúng của chàng thanh niên Phạm Duy đó chắc
chắn đã ngờ ngợ rằng một vì sao băng vừa mới xuất hiện trên nên trời nghệ thuật
Việt Nam, một vì sao băng có lẽ đã vụt đi từ bốn nghìn năm về trước…
Cái lời ca ấy ám ảnh tôi, và
tâm hồn non nớt lúc nhỏ tôi đã biết rưng rưng nước mắt khi nghe những lời ca: Nhưng
mỗi khi dưới mái nhà đơn sơ, dừng chơi nắm tay mẹ hỏi rằng, rằng, rằng: Cha
chúng con đâu, về mua bánh cho con, mẹ ơi! (Nhớ người ra đi). Những giai
điệu vừa là dân ca, vừa không phải là dân ca, thoát thai từ những gốc rễ bình dị
xa xưa, vừa mang đầy màu sắc hiện đại và tân kỳ. Phải nói chỉ có một mình ông,
PD, là đủ tài năng để làm một công cuộc Phục sinh cho dân ca dân nhạc. Những gì
mà các tác giả sau này làm: Trần Tiến, Phó Đức Phương, Dương Thụ, Nguyễn Cường…
chỉ là copy & paste lại dân nhạc, khó có thể gọi là “hồi sinh”. Trong số những
tác phẩm của giai đoạn này, tôi đặc biệt yêu thích hai bài: Thu chiến trường và Bên
cầu biên giới. Đến bây giờ chủ đề ấy vẫn còn được lặp lại đôi khi, ai đó vẫn
còn đặt câu hỏi: Đời tôi sao vẫn còn biên giới, lòng tôi sao vẫn ngừng nơi
đây?. Cái âm giai La thứ huyền bí, vừa thiêu thiếu, vừa đầy đủ trong Thu
chiến trường quả thật quá hấp dẫn, đặc sắc về mặt âm nhạc. Nghe Thu
chiến trường tôi cảm giác như nghe một giai điệu bắc phương nào đó của
vùng sa mạc, nghe không khí Biên tái của Đường thi trỗi dậy.
Thu chiến trường – Kim
Tước
Chiều về trên sông – Ý Lan
Mời các bạn nghe kỹ hai tác
phẩm này, chỉ một vài lần thôi để cảm thấy cái “touch”, cái khẽ chạm của thiên
tài. Bên cạnh những ca khúc làm rung cảm cả một dân tộc ấy, cùng một
lúc, con người nghệ sĩ Phạm Duy vẫn loan truyền đi niềm vui sống, nét phơi phới
yêu đời qua những giai điệu: Quê nghèo, Nương chiều, Gánh lúa, Về
miền Trung, Tiếng hát sông Lô, Chinh phụ ca… Lại là phục sinh dân ca
dân nhạc, nghe cũ đấy mà mới đấy, như một nguyên lý fractal đồng dạng vốn tiềm ẩn
trong tất cả hũy diệt và tái tạo của cuộc sống. Mẹ tôi đến giờ vẫn hay hát Quê
nghèo: làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài…,
cái lời ca làm bà nhớ lại không gian một làng Vĩ Dạ xanh biếc như ngọc xưa, nơi
nuôi bao kỷ niệm tuổi ấu thơ: nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy
bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười…
Trong những bài ca viết cho
quê hương ấy, PD đã lột tả chính xác đặc trưng của từng vùng miền, từ địa lý,
khí hậu, giọng nói đến tâm hồn. Ít ai có được cái cảm quan tinh tế sâu sắc như
ông. Ông là người đầu tiên đề cập vấn đề hệ ngũ cung Huế, nghe “lơ lớ” khác hẳn
những hệ ngũ cung khác, và đã có những ca khúc phản ánh chính xác được những cảm
nhận ấy. Trong số những tình ca quê hương này, ngoài Tình hoài hương mà
tầm vóc của nó đã phổ quát, tôi còn rất yêu thích bài Về miền Trung. Cái
giai điệu chỉ có thể thoát thai từ giọng nói, tâm hồn người xứ dân gầy ấy: Đêm
hôm nao gió u buồn trên sông vắng, có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng. Người
đi trên đống tro tàn, thương em nhớ mẹ hương vàng về đâu? Chiều khô nước mắt
rưng sầu, tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi… Về miền Trung, còn chờ mong núi
về đồng xanh, một chiều nao đốt lửa rực đô thành…
Về miền Trung – Ái Vân
Qua những năm 50, nhạc sĩ Phạm
Duy lại tiếp tục cho ra đời những nhạc phẩm vi diệu hơn nữa về nhạc thuật. Dáng
nhạc, lời ca không kém phần mỹ miều, nhưng đã được mài dũa để trở nên đài các,
sang trọng hơn. Giai đoạn này chủ yếu là những bài tình ca quê hương: Nụ tầm
xuân, Tiếng sáo Thiên Thai, Tình hoài hương, Tình ca, Thuyền
viễn xứ, Dạ lai hương, Bà mẹ quê, Lữ hành, Viễn du, Hoa
xuân, Ngày trở về, Hẹn
hò, Chiều về trên sông, Tiếng hò miền Nam…
Chưa ai xưng tụng quê hương,
vừa riêng tư, vừa phổ quát, thành công được như Phạm Duy. Riêng Tình ca phải
được xem như một tuyên ngôn cho tiếng nói, cho con người Việt, một tuyên ngôn
chan chứa yêu thương và tự hào (xem thêm bài về Tình ca trong một post trước của
tôi). Một tác phẩm để lại trong tôi dấu ấn rất lớn là Thuyền viễn xứ. Lần
đầu tìm nghe được, tôi đã nghe đi nghe lại suốt cả một ngày trời và tự nhủ với
mình: từ nay mình được biết một loại âm nhạc mới. Từ đó tôi dần dần chuyển qua
yêu thích các giai điệu ngũ cung huyền ảo. Một bản nhạc đặc biệt nữa mà tôi
cũng rất yêu thích: Chiều về trên sông, nửa ngũ cung, nửa thất cung, bản
nhạc được viết trên mode Dorian, lai lai gần giống hệ ngũ cung Oán của dân ca
Nam bộ, gây cảm giác buồn, buồn nhưng thanh thản.
Hãy nhìn cho khá sâu xa, và sẽ nhìn thấy khúc điệu.
(Carlyle)
Năm 1954 đánh dấu một bước
chuyển biến trong sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông hoàn thành phần đầu tiên của
trường ca Con đường Cái quan (phần Từ miền Bắc), và bắt đầu chuyển
hướng qua viết nhạc tình. Ở đây tôi xin phép được bỏ qua những phê bình hướng về
đời tư của tác giả, một người có hàng chục (nếu không muốn nói là hàng trăm)
người tình… Chỉ có một điều, nhạc tình của Phạm Duy cũng tuyệt diệu không kém
gì những loại nhạc khác của ông. Đường xưa lối cũ, Đường chiều lá rụng, Hoa
rụng ven sông, Cho nhau, Xuân thì, Tìm nhau, Đừng xa nhau, Ngày
đó chúng mình, Đường em đi, Thú đau thương, Còn gì nữa đâu, Kiếp
nào có yêu nhau… chỉ là một ít trong số rất nhiều bản nhạc tình tuyệt vời của
con người đào hoa Phạm Duy. Một số nhạc phẩm chỉ là những mối tình “sinh viên”
lãng mạn, hẹn hò, một số lại là những cuộc tình gây chấn động tâm tưởng và để lại
những vết cắt, vết đau lâu dài.
Kiếp nào
có yêu nhau – Bảo Yến
Đường chiều
lá rụng – Thái Thanh
Trong số đó Đường chiều
lá rụng là một bản nhạc đặc biệt, rất “khó chịu”, tinh vi về nhạc thuật,
tác giả đã bỏ ý định chiều lòng đa số quần chúng nghe nhạc mà đặt nghệ thuật
lên trên hết. Đây là một bản nhạc phức tạp, rất kén người biểu diễn và người
nghe. Tuy vậy, Kiếp nào có yêu nhau và Nghìn trùng xa cách mới
thực sự là một trong những đỉnh cao của nhạc tình PD. Có lẽ PD chỉ thực sự yêu
có một người, và dành tất cả những bài tình ca hay nhất của mình cho người ấy,
nhưng đấy lại là một tình yêu Platonic (chỉ có điều ông lại có những cái
non-Platonic ở quá nhiều những người khác!).
Nước mắt
rơi – Thái Thanh
Tôi còn
yêu tôi cứ yêu – Khánh Ly
Năm 1960, PD hoàn tất trường
ca Con đường cái quan, một công trình của nhiều năm làm việc và của một lời
hứa thời hoa niên: ghi lại những gì ông đã tai nghe mắt thấy trên chuyến du ca
xuyên Việt theo gánh hát Đức Huy. Qua những năm 60, khi cuộc sống gia đình đã ổn
định tại Sài gòn, khi đã hoàn tất những đại tác phẩm, nhạc sĩ PD quay sang sáng
tác những tác phẩm nho nhỏ xinh xinh: Xuân ca, Bài ca trăng, Bài
ca sao, Nước mắt rơi, Ngậm ngùi, Mộ khúc… Nói vậy chắc
không ai tin. Lúc tôi đã có vợ, tôi chỉ yêu một người phụ nữ trong 10 năm trời
với mối tình rất nghệ sĩ. Tôi không đụng chạm tới cái chân lông của cô ấy. Cô ấy
làm 300 bài thơ tặng tôi, tôi viết tặng cô ấy gần 50 bài tình ca hay nhất đời
mình…NS PD nói những lời này hiển nhiên là nói thật, tôi tin là như thế. Có điều
đó chỉ là một nửa sự thật. Có thể ông đã yêu một người 10 năm trời mà không
hề đụng chạm tới cái chân lông cô ấy, nhưng cũng trong thời gian đó, ông cũng
có thêm vài đứa con rơi ở đâu đó. Để biết về cái nasty reputation người
NS này, xin đọc 3 tập hồi ký của ông.
Ngoài ra, ông còn bắt đầu viết
những công trình nghiên cứu về dân ca cổ nhạc: Đặc khảo dân nhạc Việt Nam (NXB
Hiện Đại, 1972) và Đường về dân ca (NXB Xuân Thu, USA, 1990). Hiện
tôi mới chỉ tìm được soft-copy của công trình đầu, xin post ở
đây, (format ebook PRC), cuốn Đường về dân ca là một tác phẩm
quan trọng nhưng do xuất bản tại Mỹ nên đến giờ tôi vẫn chưa tìm được. Những
bài dân ca chúng ta còn nghe được hôm nay: Trèo lên Quán Giốc, Qua cầu
gió bay, Cây trúc xinh… là nhờ công của ông.
Điều tôi yêu ở những ca từ của
PD là chúng đẹp, tân kỳ nhưng đơn giản, gần gũi, không trừu tượng xa vời, không
đao to búa lớn. Ca từ cũng như nhạc của ông không triết lý, không siêu hình, chỉ
là những thoáng chớp thăng hoa của cảm xúc, của tâm hồn, vậy thôi: Vâng,
tôi còn yêu, tôi còn lẽo đẽo mang nhiều mộng nghèo, đường về cõi tiên xa vời,
nhạc trời đứt dây tơ rồi, thần đồng gẫy đôi cánh vàng tả tơi… Vâng, tôi còn
yêu, bên bờ suối vắng lạnh lẽo tiêu điều. Dòng lệ hết vơi lại đầy, ngập lụt thế
gian đêm ngày, chập chờn bóng ma kêu bầy cuồng quay… (Tôi còn yêu tôi cứ yêu).
Tôi biết rằng niềm đau khổ là sự cao thượng duy nhất.
(Baudelaire)
Cuối những năm 60, 10 bài tâm
ca của nghệ sĩ PD là một sự kiện có ý nghĩa xã hội lớn lao. Lúc này, quân đội
Hoa Kỳ chính thức có mặt tại miền Nam Việt Nam, về mặt xã hội, đây là một giai
đoạn đỗ vỡ về niềm tin và luân lý, một thời kỳ sợ hãi, hoài nghi và khinh
thị. 10 bài Tâm ca ra đời là để phản ứng với hoàn cảnh ấy. 10 bài Tâm ca: Tôi
ước mơ, Tiếng hát to, Ngồi gần nhau, Giọt mưa trên lá, Một
cành củi khô, Kẻ thù ta, Ru người hấp hối, Tôi bảo tôi mãi mà
tôi không nghe, Hát với tôi, là những ca khúc đơn giản về mặt âm nhạc,
nhưng thẳng thắn và ác liệt về ngôn từ. Nhiều trong số những bài tâm ca này đã
được các ca sĩ phản chiến Mỹ dịch và hát bằng tiếng Anh. Riêng tôi, tôi đặc biệt
yêu thích nét thánh nhạc đơn giản mà thiêng liêng trong Giọt mưa trên lá,
bài nhạc đã được post ở Phạm Duy - 1.
Kỷ vật cho
em – Thái Thanh
Ngày sẽ tới
– Lệ Thu
Chưa bao giờ tôi khóc khi
nghe người ta hát. Thế mà tối hôm đó nước mắt tôi cứ chực trào xuống trong suốt
thời gian tôi ngồi nghe nhạc sĩ Phạm Duy hát bài tâm ca số 5 của anh… Trong ánh
mắt của những trẻ tuổi hôm ấy, tôi quả đã đọc thấy tha thứ và tin yêu. (Thích
Nhất Hạnh).
Sau 10 bài tâm ca, PD viết Vỉa
hè ca, Tục ca, nhưng không phổ biến ra công chúng, bởi vì những ca khúc này chỉ
có tác giả mới dám hát! Người ta chỉ biết qua một số nhan đề và ca từ
được nhắc lại: Sức mấy mà buồn, Bỏ đi Tám, Okê Salem… Về những
chi tiết này xin xem Hồi ký Phạm Duy, tập 3, chương 19. Nhiều người phê bình Phạm Duy đã đem nghệ thuật
đến chỗ nhảm nhí, thô bỉ, nhưng tôi thiết nghĩ đó là những ca khúc viết chơi,
không phổ biến. Còn riêng về con người tác giả, cũng giống như mỗi người chúng
ta, tiếu lâm, tục tĩu đâu phải là cái gì không phổ biến trong cuộc sống, đâu phải
là chuyện gì quá to lớn?! Bên cạnh ngưỡng mộ tài năng, tôi còn thích PD ở chỗ
ông là một người Việt Nam điển hình, bao gồm cả rất nhiều điểm xấu: dễ dãi, bao
đồng, đôi lúc hời hợt, dung tục… nhưng ít ra ông vẫn thẳng thắn: sức mấy
mà buồn, nỗi buồn Giao Chỉ không lớn…
Để lại cho
em – Khánh Ly
Sau Tâm ca, tác giả PD viết
tiếp Tâm phẫn ca, một chùm ca khúc tuy ít hơn Tâm ca về số lượng, nhưng lại phẫn
uất hơn nhiều về ca từ. Những ca khúc này có bối cảnh ra đời chính là Tết Mậu
Thân 1968: Tôi không phải gỗ đá, Nhân danh, Bi hài kịch, Đi
vào quê hương, Người lính trẻ, Chuyện hai người lính và Bà
mẹ Phù Sa. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng những chùm ca khúc viết theo chủ đề
này (Tâm ca, Tâm phẫn ca), về mặt âm nhạc lại ít có bài hay, chỉ có những bài
ca lẻ, viết theo ngẫu hứng lại là những bài xuất sắc về mặt âm nhạc.
Một lúc nào đó, dưới nhiều
áp lực, PD cũng đã viết những ca khúc tuyên truyền chính trị (tuy vậy vẫn mang
tính trái khoáy, khôi hài ngấm ngầm, kiểu như Một hai ba ta đi lính Cộng hòa).
Tuy có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề này, nhưng tôi nghĩ, không dễ
gì khuất phục thâm tâm của một người nghệ sĩ lớn. Tự do tư tưởng, tự do sáng tạo
là cái tự do lớn nhất của một con người, nhất là một người nghệ sĩ như PD.
Thật ra cuộc sống ít thực bằng
nghệ thuật… Nghệ thuật phục thù cho cuộc sống!
(L.Pirandello)
Cuối những năm 60, mối tình đằng
đẵng 10 năm của nghệ sĩ PD dần dần nhẹ nhàng rút khỏi đời ông, để lại một khoảng
trống mà ông chỉ biết bù đắp bằng những bản tình ca đẹp nhất. Nghìn trùng xa cách,
Tóc mai sợi vắn sợi dài, Nha Trang ngày về, Giết người trong mộng, Phượng
yêu… Đó là những bản tình buồn da diết, có lúc mơ màng hoài niệm quá khứ: tôi
xây lại mộng mơ năm nào, bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau, có lúc giận dữ, oán
hờn vì một mất mát quá lớn lao: giết người đi, giết người trong mộng đã bội
thề… Một chuỗi những khúc nhạc tình đẹp nhất, đỉnh điểm nhất trong những tình
khúc của nhạc sĩ PD, đối với nhãn quan giới trẻ chúng ta bây giờ đôi khi “quá ủy
mị, quá tuyệt vọng”. Nhưng đấy là họ chỉ nhìn thấy phần ca từ của các bài hát,
còn tôi, tôi lại thấy đó là những dáng nhạc đẹp nhất trong sự nghiệp sáng tác của
PD.
Giết người
trong mộng – Thái Thanh
Một chuỗi những trăn trở
tình yêu nối tiếp nhau, đã có quá nhiều suy tư, dằn vặt để rồi kết thúc bằng Mùa
thu chết, bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Pháp Apollinaire ấy tìm được một chốn an
trú vĩnh hằng trong một mộ phần không kém phần đẹp đẽ: Ta ngắt đi, một cụm
hoa thạch thảo. Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi, mùa thu đã chết, em nhớ cho…
đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa, trên cõi đời này, trên cõi đời này…
Nhưng những tưởng kỷ niệm đã
chết, đã ngủ yên, kỷ niệm vẫn còn trở về thổn thức, dày vò trong Thu ca điệu
ru đơn: Mùa thu nức nở, tiếng thở dài, tiếng vĩ cầm, buồn ru điệu ru đơn…Lòng ta khốn khổ, đến mỏi mòn, buồn ru điệu ru đơn… Ta đi và ta đi, theo ngọn
gió cuốn ta đi, trôi dạt đây đó, như chiếc lá mùa thu, lá chết vàng khô… Lại
là một bài thơ Pháp nữa của Paul Verlain. Tôi đặc biệt thích ca khúc sau này,
vì lẽ những ca khúc trước đã nghe nhiều lúc nhỏ, Thu ca điệu ru đơn là
một tiếng thở dài mới mẻ. Hình như chỉ những điều đang tới và những điều đã qua
là duy nhất đẹp khi đối diện cái thực tại đằng đẵng tàn nhẫn này.
Truyền thống chân chính
không phải là làm lại những gì người khác đã làm mà là tìm lại cái tinh thần đã khiến thực hiện nên những đại sự ấy!
(Paul Valéry)
Phạm Duy, ông là một con người
kỳ lạ. Lúc xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ trước còn xem âm nhạc là dạng xướng
ca vô loàithì ông đã lang thang trên khắp những nẻo đường đất Việt theo chân
gánh hát Đức Huy, và làm bạn với tất cả những nhân vật tên tuổi trong nền âm nhạc
Việt Nam sau này như: Văn Cao, Hoàng Trọng, Hoàng Quý, Cung Tiến, Đặng Thế
Phong, Trần Văn Khê .v.v… Ông đã quyết con đường xướng ca vô loài đó,
khởi đi từ chỗ cơ bản nhất: nuôi sống gia đình bằng âm nhạc.
Em bé quê
– Ban Việt Nhi
Ông là nhạc sĩ đầu tiên và
duy nhất đương thời sống được và sống tốt bằng nghề nhạc: mua nhà, mua ôtô,
nuôi con, thảy đều bằng những hoạt động âm nhạc của mình. Khi những đứa con ông
lớn lên, những Duy Quang, Thái Hiền… sau này, ông có những nhạc phẩm cho riêng
những người con của mình.
Và những bài ca viết cho tuổi thơ, tuổi ô mai này đến bây giờ vẫn nằm trong top những bài ca hay nhất. Khoảng cuối cấp 1 đầu cấp 2, tôi có một băng nhạc chừng 20 bài ca viết cho tuổi thơ: Ông trăng xuống chơi, Chú bé bắt được con công, Thằng Bờm, Bé bắt dế, Đốt lá trên sân.. Nhưng mà cái tâm hồn ông cụ non của tôi lúc đó không hảo những món này lắm, chỉ khi lớn lên rồi mới biết những ca khúc này phù hợp với lứa tuổi như thế nào.
Và những bài ca viết cho tuổi thơ, tuổi ô mai này đến bây giờ vẫn nằm trong top những bài ca hay nhất. Khoảng cuối cấp 1 đầu cấp 2, tôi có một băng nhạc chừng 20 bài ca viết cho tuổi thơ: Ông trăng xuống chơi, Chú bé bắt được con công, Thằng Bờm, Bé bắt dế, Đốt lá trên sân.. Nhưng mà cái tâm hồn ông cụ non của tôi lúc đó không hảo những món này lắm, chỉ khi lớn lên rồi mới biết những ca khúc này phù hợp với lứa tuổi như thế nào.
Tuổi mộng
mơ – Thái Hiền
Tuổi ngọc
– Như Mai
Còn lúc đó thì đã bắt đầu
thích những bài ca cho tuổi ô mai rồi . Trong tất cả những tác giả
sáng tác cho tuổi nhỏ, tôi chưa thấy ai viết được hay như PD, nhạc điệu sinh động,
ca từ rất dể thương. Nhất là những ca từ viết cho tuổi ô mai, cái tinh tế, lãng
mạng kín đáo đã bắt đầu xuất hiện, đúng như vừa vào tuổi ấy: Xin cho em, một
chiếc áo dài, cho em đi, mùa xuân tới rồi. Mặc vào người rồi ra, ngồi lạy chào
mẹ cha, hàng lụa là thơm dáng tiểu thơ… Xin cho em một mớ tóc dài, cho em phơi
ngoài hiên nắng rọi. Rụng một vài sợi thôi, còn lại một con suối, dòng mượt mà
buông xuống chùm vai… Càng về sau, những ảnh hưởng của hòa âm phối khí Mỹ
đã thấy rõ trong nhạc PD, ông viết những bản “dân ca mới” cho trẻ em trên nền
tiết tấu nhanh, sôi động, và nhiều biến hóa hơn. Mỗi lần nghe lại những bản nhạc
cho tuổi ô mai này, tôi luôn rất thích phần hòa âm rộn ràng, sôi nổi bên dưới.
Chỉ có hiện tại là không dứt!
(Schrodinger)
Những ý tưởng sáng tạo luôn đến
một cách bất chợt, cóp nhặt… để đến một lúc nó trở thành những thay đổi trong
xu hướng, phong cách. Từ những năm 70 trở về sau, nhạc của PD chuyển theo một
hướng mà không phải ai cũng hài lòng. Một số tự bảo rằng: Ồ, PD, ông ta
đâu còn như trước!. Dĩ nhiên tôi cũng thích PD lúc trẻ hơn, nhất là những năm
60, khi nhạc thuật đã đạt đến chỗ chín muồi, và những phần hòa âm phối khí cũng
đã được tinh luyện.
Chàng dũng
sĩ và con ngựa vàng – Thái Thanh
Đó là lúc ông còn chưa bị cuộc
đời dằn vặt đến mức nhạc phải nhuốm màu suy tư triết lý. Nhưng từ những năm 70,
âm nhạc của ông đã chuyển theo một hướng thâm trầm hơn, bác học hơn, và thể hiện
đầy đủ hơn những gì được tích lũy, cóp nhặt là ông. Với những gì ông đã đạt được,
việc bắt ông phải lặp lại chính mình, phải sáng tác những ca khúc đỉnh cao như
lúc trước là điều không thể. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là PD đã bế tắc,
cạn nguồn trong nhạc hứng, chỉ có một điều nhạc của ông ngày càng ít cho công
chúng, mà càng cho riêng bản thân ông. Phàm những cái đạt đến đỉnh cao thì tự
quay vào chính mình vậy! Sau đây, chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc “cỡi ngựa xem
hoa” để điểm qua Thập mục ngưu đồ - tức mười bài Đạo ca.
Nghìn thu
– Thái Thanh
Về sau, nghệ sĩ PD còn tiếp
tục làm giàu cho gia tài âm nhạc của mình bằng 10 bài Thiền ca, 10 bài Rong ca.
Những ca khúc này được sáng tác khi ông đã định cư lâu năm ở Mỹ, nhiều bài thể
hiện ước mơ hồi hương từ rất sớm như: Hẹn em năm 2000. Trước đây tôi chỉ
được biết một phần nhỏ trong những ca khúc sáng tác sau này của ông. Sau này
nghe kỹ lại có thể thấy, những nguồn cảm hứng lớn cho các ca khúc này đã không
còn nữa, các giai điệu phần lớn là những trò chơi âm thanh của riêng tác giả, một
số rất đáng nghe, nhưng nhìn tổng thể những tác phẩm này không còn đạt đến đỉnh
cao như trước.
Âm nhạc là một sự khải thị lớn hơn mọi nền luân lý.
(Beethoven)
Viết đến đây, khi cố gắng hệ
thống hóa, “chia lô” những sáng tác của nhạc sĩ PD (sự phân chia này một phần dựa
trên sự tự phân loại của tác giả), tôi mới nhận ra rằng làm như thế vô hình
chung đã bỏ qua nhiều phần sáng tác quan trọng của nhạc sĩ. PD ông có nhiều
sáng tác không đơn thuần có thể chia vào một hạng mục nào cụ thể, hơn nữa nhiều
sáng tác lẻ lại có giá trị nghệ thuật quan trọng. Vì vậy ở phần này chúng ta lại
“thập di”, đi tìm bổ khuyết những thiếu sót trong 7 bài viết vừa qua.
Có rất nhiều ca khúc nhạc
ngoại quốc chúng ta đang hát có phần lời Việt do nghệ sĩ PD đặt, và nhiều khi
chúng ta được biết phần lời Việt này trước khi được biết nguyên tác. Trong số
những bài ca này có những bản nhạc cổ điển phương Tây: Dòng sông xanh (Le
beau Danube bleu), Trở về mái nhà xưa (Retour à Soriento), Vũ nữ
thân gầy (La Cumparsita), Dạ khúc (Serenade)… Một số là những
bài dân ca các nước hay nhạc Pháp, Mỹ: Clémentine, Khi xưa ta bé (Bang
bang), Em đẹp nhất đêm nay (La plus belle pour aller danser), Giàn
thiên lý đã xa (Scaborough fair), If you go away (Ne me quitte
pas), Hỡi người
tình Lara (Chanson de Lara)… và rất nhiều những bài khác.
Áo anh sứt
chỉ đường tà – Thái Thanh
Trong những ca khúc giai đoạn
đầu của ông, những ca khúc “dân ca mới”, tôi đặc biệt lưu ý một số ít ca khúc
có giai điệu rất cổ kính, nét tân kỳ ẩn tàng đi đâu mất. Trong số đó có Thu
chiến trường và Chinh phụ ca. Nghe những ca khúc này chúng ta có cảm
giác được thưởng ngoạn lại những gia tài âm nhạc cũ đã thất truyền, không còn
ai biết đến nữa. Cái biệt tài sáng tạo của nghệ sĩ PD là làm ra những cái mới
chưa ai có, thì một biệt tài khác, trong những ca khúc này, là hình dung lại những
cái cũ mà cũng không ai còn nhớ. Có lẽ đến một lúc nào đó, muốn có một hình
dung về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, chúng ta phải nhờ đến những bài như thế này
chăng?.
Chinh phụ
ca – Hà Thanh
Trong số những ca khúc giai
đoạn đầu của nhạc sĩ PD, có một ca khúc rất đáng để ý: Áo anh sứt chỉ đường
tà phổ thơ bài thơ nổi tiếng Đồi tím hoa sim của Hữu Loan. Liên
quan đến bài thơ này là một đời người đày đọa, Hữu Loan là một phần của vụ án Nhân văn giai phẩm ngày
trước, hẳn phải có lúc nào lịch sử lật lại vụ án này, với những lời xin lỗi và
công nhận chính thức. Riêng về ca khúc này, đây là một đỉnh cao trong nhạc thuật
của PD, khi nhỏ, mỗi lần nghe ca khúc này là tôi lại có cảm giác gió rờn rợn
trên mộ vàng… Có đến hơn 3, 4 ca khúc cùng phổ nhạc bài thơ này, nhưng chỉ mỗi
bản nhạc của PD là đáng nhớ (những bản khác còn chưa thoát ra được thể loại
boléro rẻ tiền, đàn ca nhạc nhậu.
Có một số bài hát hiện nay
chúng ta được biết qua phần lời đã sửa chữa của chúng. Một số bài hát phần nhạc
rất hay sáng tác trong kháng chiến 9 năm về sau bị nhạc sĩ PD sửa lại lời, phần
nhiều là vì những lý do chính trị. Như Bao giờ anh lấy được đồn Tây thường
được biết dưới cái tiêu đề Quê nghèo hay Tiếng hát trên sông Lô đã
được đổi thành Tiếng hát trên sông. Tuy vậy, hai bài hát được giới thiệu ở
đây đều có phần lới mới khá hay, nhất là bài Quê nghèo.
Khi còn bé, Mẹ bảo: lớn lên đi lính, con sẽ làm tướng, lớn lên đi tu, con sẽ làm giáo chủ. Ông đã soạn nhạc và trở thành Phạm Duy!
(Phỏng theo Picasso)
Kết thúc sêri 9 bài viết về
nhạc sĩ PD này, có lẽ không thừa nếu nhắc lại rằng PD xứng đáng là nhạc sĩ vĩ đại
nhất trong nền âm nhạc Việt Nam từ cổ chí kim, mà chưa một nhạc sĩ theo sau nào
bén gót được. Không thừa khi hiện tại chỉ có khoảng vài chục ca khúc của ông là
có trong danh sách những bản nhạc được phép lưu hành. Trong tình hình âm nhạc
đã khá nghèo nàn hiện tại, việc cấm không phổ biến những ca khúc của ông là một
tổn thất lớn cho công chúng yêu nhạc, khi họ chỉ được biết một Văn Cao chỉ với
mười mấy ca khúc nỗi bật, một Trịnh Công Sơn với rất nhiều ca khúc đáng yêu về
ngôn từ nhưng không mấy phong phú về nhạc.
PD, tác giả một gia tài tạm
gọi với cái tên Ngàn lời ca, là khoảng 1000 tác phẩm phong phú về âm nhạc,
tân kỳ về ngôn từ, mang nhiều phong cách, nhiều mảng nội dung đa dạng khác
nhau. Ngàn lời ca, đặc sắc nhất phải kể đến những bài “dân ca mới”, đem lại
sự hồi sinh cho dân nhạc Việt Nam, không phải là những thứ “nhại dân ca” hay
“tân cổ cưỡng duyên” như chúng ta có hiện nay. Đó là những bài nhạc hùng trong
kháng chiến 9 năm, những bài tình ca quê hương tuyệt đẹp. Tiếp đến nữa là những
bản nhạc tình bất hũ, nhiều bài chúng ta, vì đã nghe quá nhiều, quá quen tai: Cây
đàn bỏ quên, Em bé quê… mà không biết đó là của ông, không biết chúng có
giá trị như thế nào chăng? Đó là những bản du ca, tâm ca, tâm phẫn ca, đạo ca,
rong ca, thiền ca, và những “bé ca”, những bài ca viết cho tuổi nhỏ… Đó là hai
trường ca: Con đường cái quan và Mẹ Việt Nam, về sau tác giả còn
có thêm một trường ca Hàn Mặc Tử. Đó là những tác phẩm Minh họa Kiều,
Hương ca… sáng tác sau này.
Nhạc PD, với tôi không phải
chỉ là những kỷ niệm âm nhạc lúc nhỏ, đó còn là một mảng khuất trong nền ca
khúc VN không nhiều người biết đến giá trị. Nhạc PD là nơi tôi bắt đầu biết
cách lắng nghe những giai điệu ngũ cung, những cái chính là bản chất con người
Á Đông mình. Nhạc PD là ẩn dụ về những gia tài VN bị đánh mất, bị quên lãng vì
những lý do chiến tranh, chính trị, xã hội… những lý do không đứng vững trước
giá trị nghệ thuật trường cữu. Nhạc PD là ẩn dụ khác biệt, dằn vặt về những
nghèo nàn và phong phú, tầm thường và sáng tạo, bao đồng và tinh tế…, cùng một
lúc, trong tất cả những gì gọi là chúng ta, con người VN. Để kết lại sêri viết
về nhạc sĩ PD, mời các bạn nghe một ẩn dụ bằng âm nhạc khác; Cành hoa trắng - Thái Thanh, ca khúc kể chuyện nàng tiên vì tình yêu, làm huyên náo Thiên đường mà bị đầy xuống trần gian lạnh lẽo.
Cành hoa trắng - Thái
Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét