Còn đâu rau đắng mọc sau hè!
Trương Nguyễn Trường An
Tôi trở về nơi chôn nhau cắt rốn sau thời
gian dài xa cách và thật ngỡ ngàng trước cảnh đổi thay quá lớn ở quê mình. Con
đường này, ngày xưa là lối mòn quanh co uốn khúc, giờ thì thênh thang thẳng tắp,
nhựa đen bóng loáng dưới nắng hè. Cánh đồng trước mặt thuở ấu thơ tôi đào dế, bắt
cào cào, giờ san sát công ty, xí nghiệp.
Xa hơn nữa, những thửa ruộng liền bờ mà tụi
trẻ con chúng tôi thường mò cua, bắt ốc giờ tấp nập nhà máy, công trường. Đâu
còn mái tranh chái bếp, chỉ thấy ngói lợp đỏ tươi, tường rào kín cổng.
Tôi bước đi, đi mãi đến khi chân mỏi, cổ khô
mới tạt vào quán nước bên đường. Quán vắng, mình tôi thả hồn theo làn điệu dân
ca. Tiếng hát Hương Lan sao bỗng ngọt ngào, đầm ấm, lời bài ca sâu lắng tự đáy
lòng. Tôi đang khát khao tình thâm quyến thuộc, tôi đang thèm cái tình cảm quấn
quít của ruột thịt, họ hàng thì hình ảnh của hai chị em ở tuổi xế chiều còn ngồi
nhổ tóc bạc cho nhau sao mà đáng yêu đến thế. Mỗi lời của bài ca đều nói lên
đúng tâm trạng của tôi – nhớ quê da diết, nhớ từng hình ảnh thân thương, từng kỷ
niệm ấu thơ đã gìn giữ. Có lúc lại ao ước “Xin được làm mây mà bay khắp nơi
giang hồ, ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương. Xin được làm gió, dặt
dìu đưa điệu ca dao, chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau” và đôi
khi cũng xốn xang “Ai cách xa cội nguồn ngồi một mình nhớ lũy tre xanh dạo
quanh khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh...”.
Cô chủ quán chiều khách, quay lại cuốn băng
cho tôi nghe bài hát đến ba lần. Chưa có ca khúc nào cuốn hút tôi mãnh liệt như
bài Còn thương rau đắng mọc sau hè. Tiếng hát Hương Lan đã chuyển tải lời ca
vào sâu tận tâm hồn tôi. Xin cảm ơn ca sĩ Hương Lan, xin cảm ơn nhạc sĩ Bắc Sơn
đã cho tôi cảm xúc này. Tôi coi như mình chưa về quê, mãi mãi là người xa xứ,
mãi mãi là kẻ ly hương để tôi còn có cội nguồn mà hoài tưởng, mà nhớ thương. Nhớ
thương, hoài tưởng tôi sẽ nhẩm khúc ca này dù trong lòng đôi lúc cũng chạnh đau
bởi còn đâu rau đắng mọc sau hè!
Chiều dài nỗi nhớ
Nguyệt Quế (Q.8 – TPHCM)
Sẽ còn lại trong tôi mãi mãi buổi chiều mưa ấy.
Bóng anh đằng sau ô cửa thẫn thờ đưa bàn tay vẫy nhẹ vào khoảng không mờ giăng
mưa. Và ánh mắt anh nhìn vói theo tôi như thể một người đang hấp hối nhìn nuối
cái nơi mình đã sống qua hết một đời người.
Ngày tôi rời xa anh bước chân đi dứt khoát mà
câu chào sao ái ngại ngập ngừng. Tôi ra đi như một dự báo cuối cùng, kết thúc
ba mươi năm chung sống. Tôi ví tôi như con đò mà dòng sông anh không chở nổi.
Để rồi đêm nay, khi không còn anh bên cạnh,
ngồi một mình đếm giọt mưa rơi, tôi nhớ xiết bao ngôi nhà nhỏ có khung cửa sổ mở
ra một góc vườn. Ở đó, tôi hay ngồi buồn bã nghe tiếng nước rơi tí tách trên
tán lá trong những buổi chiều mưa. Hay tha thẩn dõi theo mấy con chim chìa vôi
chuyền cành làm rung rinh bóng nắng. Tôi nhớ xiết bao những bữa cơm chiều có
anh ngồi ở một góc bàn dù nó luôn diễn ra thật lặng lẽ, nặng nề. Tôi nhớ xiết
bao...
Nỗi nhớ cứ dài ra lơ lửng trong bóng đêm và nỗi
nhớ thật sự vỡ òa khi từ trên căn gác nhà bên vọng ra tiếng hát ai. Tiếng hát
chìm trong tiếng mưa rơi:
“Có một không gian nào đo chiều dài nỗi nhớ.
Có khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình thương” (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ:
Trần Hoài Thu).
Lần đầu tiên tôi biết mình nhớ anh. Nỗi nhớ
“mênh mông” “sâu thẳm” mà luôn phải giấu vào trong ngực. Nó làm cõi lòng tôi
chao nghiêng và trái tim đau thon thót.
“Ở đâu đây nỗi nhớ em mơ về bên anh. Ngôi sao
như xuống thấp cho ta gần nhau thêm”.
Ôi! Giấc mơ kia sẽ chẳng mãi mãi chỉ là giấc
mơ thôi. Nếu như tôi đừng mải mê xòe những ngón tay tìm kiếm ảo ảnh xa vời ở
bên kia kẽ ngón. Giá mà tôi biết khép ngón lại, biết nắm chặt tay vào để cảm nhận
rằng hạnh phúc không ở đâu xa.
Giá mà... thì đêm nay tôi đâu phải một mình
ngồi “nghe tiếng mưa rơi. Đếm mấy triệu hạt rồi. Mà chưa vơi nỗi nhớ”.
Lần đầu tiên trong đời, tôi xa anh, xa lâu đến
như vậy và sẽ còn xa mãi mãi. Và khi tôi nhận ra rằng: “Ở hai đầu nỗi nhớ yêu
và thương sâu hơn. Ở hai đầu nỗi nhớ nghĩa tình đằm thắm hơn” thì ở đầu nỗi nhớ
bên kia dòng sông anh đã xuôi về phía biển tan biến vào đại dương mênh mông.
Tôi biết tất cả muộn màng rồi.
Trên căn gác trọ, giọng hát đã ngừng buông và
tiếng đàn ai đã đánh rớt giọt cuối cùng. Ngoài trời, mưa cũng thôi rơi, trả đêm
về cho sâu thẳm. Tôi ngước nhìn lên trời tìm một ngôi sao xuống thấp.
Điều giản dị của tình yêu
Đêm nay, qua sóng phát thanh chợt nghe được lời
nhắn gửi của một cô gái tới người yêu đang làm nhiệm vụ ngoài biên cương: “Anh
hãy yên tâm làm nhiệm vụ. Em mãi yêu anh!”. Sau lời nhắn gửi ấy, ca khúc Điều
giản dị của nhạc sĩ Phú Quang vang lên trong đêm khuya thật sâu lắng, giàu cảm
xúc.
Có lẽ chàng trai nghe xong lời nhắn gửi ấy hẳn
sẽ có thêm sức mạnh để làm tròn nhiệm vụ của một người chiến sĩ nơi biên giới.
Tình yêu của họ thật đẹp và giản dị như chính lời bài hát đang ngân nga: “Người
yêu ơi dù mai này cách xa mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta. Và ta biết một
điều thật giản dị, càng xa em ta càng thấy yêu em”.
Dù đã nghe những câu hát ấy nhiều lần nhưng
không hiểu sao lần này tôi lại cảm thấy xúc động đến vậy. Có lẽ chỉ khi ở vào
trạng thái cảm xúc của những người đang yêu phải xa nhau mới có được những rung
cảm và nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của những lời hát ấy. Tình yêu là câu
chuyện của trái tim và nó có thể vượt qua mọi khoảng cách địa lý hay bất kỳ rào
cản nào khác. Dẫu vẫn biết hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế, nhưng nếu
không có người, cuộc đời trôi về đâu; nếu không có người, mặt đất hóa hoang vu.
Biết bao đôi lứa yêu nhau phải sống trong xa cách về không gian. Khoảng cách có
thể khiến họ tạm thời xa nhau, nhưng họ vẫn có thể ngân nga những Điều giản dị
để xua đi nỗi nhớ người yêu.
Hình ảnh của người yêu trong tâm trí mỗi người
chắc cũng lung linh như lời hát mà Phú Quang viết. Đôi môi, đôi mắt và sự mong
manh của người con gái gợi lên nỗi nhớ da diết: Dịu dàng hạt nắng đùa nhẹ trên
áo đôi môi em gợi bao khát khao, mắt em vời vợi đăm đắm trời cao. Em mong manh
tựa rừng cây trút rơi lá, gió chiều bất chợt xao xuyến mãi không nguôi.
Đêm nay, chợt nghĩ miên man. Đúng là khi xa
người yêu và những người thân ta mới cảm nhận rõ hơn tình cảm dành cho nhau. Bỗng
nhớ quá những người bạn mấy năm nay không gặp, những người bạn đang đi xa. Một
ánh mắt, một câu nói quen thuộc của ngày ấy, người ấy đủ sức làm ta rơi lệ.
Lối cũ trong hoài niệm
Có những ca khúc mà chỉ cần giai điệu bài hát
bắt đầu vang lên là cũng đủ khiến lòng ta chùng xuống, trong tim xao xuyến,
bâng khuâng... Lối cũ ta về của nhạc sĩ Thanh Tùng là như vậy đấy. Tôi không thể
dùng lời để diễn đạt được hết những cảm xúc của mình khi nghe ca khúc này, chỉ
biết rằng ca khúc đã làm trái tim tôi rung lên thổn thức...
Những giai điệu du dương vang lên và lời hát
bắt đầu đi vào trái tim “Lối cũ ta về, dường như nhỏ lại, trời xanh xanh mãi một
màu ấu thơ...”.
Tôi cũng đôi lần tìm về chốn cũ, nơi chất đầy
kỷ niệm những ngày sống bên anh, nơi tôi đã rời đi để trốn chạy ký ức yêu
thương từ khi anh xa mãi... Đó là vào những ngày cuối thu, cơn gió khô hanh hao
trút xuống trận mưa lá trên con đường sỏi dẫn bước chân nghiêng, nghe sỏi đá lạo
xạo dưới gót giày... Vẫn là lối cũ đấy thôi, thế mà giờ khi mình em bước đi thì
lối đi ấy “dường như nhỏ lại”, cô đơn và nhớ thương tràn lấp. Khung cảnh bình
yên, giản dị để trong em ùa về bao nhiêu yêu thương... Cảnh vật và con người
như cùng chìm sâu vào chốn xa xưa kỷ niệm...
Điệp khúc bài hát vang lên như xoáy vào nỗi
nhớ “Dù gió có trút lá úa xuống vườn chiều/ Bước chân ai đem lang thang về cô
liêu”. Sao mà trống tênh, quạnh quẽ quá! Những bước chân lang thang vô định mà
lại đi về chốn “cô liêu”. Nghe đã buồn lại càng buồn hơn. Để rồi trong tim như
đang tha thiết: “Chốn xa xôi kia bao nhiêu kỷ niệm cũ. Anh đã quên hay là vẫn
mang theo?”.
Tôi đã bật khóc khi nghe Thanh Lam hát đoạn
điệp khúc, dường như tất cả cảm nhận về nỗi đau mất đi một người yêu thương
đang gào thét trong tim cô ca sĩ ấy, để lời ca cất lên nồng nàn, da diết mà
cũng tuyệt vọng, đớn đau “Dù cho bên em nay anh không còn nữa, biết chăng trong
con tim em luôn hằng nhớ?" và tưởng như trái tim đang vỡ tan, chấp nhận sự
thật phũ phàng: Người ấy đã rời xa thật rồi, xa đến nỗi không tìm được nữa,
không thấy được hình dáng quen thuộc, không nghe được giọng nói ngày nào, và
đành nuốt vào tim những giọt nước mắt để tự nhủ, rằng “Người yêu ơi! Nay anh đã
bỏ em đi. Sao anh nỡ bỏ em đi mãi”. Anh đã đi mãi? Điều đó là thật sao? Để em
giờ đây giữa lối cũ, dừng chân trước căn nhà cất giữ bao yêu thương và... em
khóc...
Có lẽ tôi cũng chưa cảm nhận được hết những
gì sâu sắc trong ca khúc Lối cũ ta về của nhạc sĩ Thanh Tùng nhưng trái tim tôi
đã ngàn lần run lên thổn thức khi nghe Thanh Lam hát ca khúc này. Tôi đã hình
dung ra trong tưởng tượng một con đường mùa thu trải đầy những viên sỏi nhỏ,
cơn gió chiều vẫn trút xuống những chiếc lá vàng. Và trên con đường nhỏ ấy bước
chân một người lang thang, trong ánh chiều xa xa phản chiếu bóng dáng nghiêng
nghiêng. Người ấy dừng lại trước thềm căn nhà cũ, đứng thật lâu, cứ như thế lặng
lẽ hàng giờ để cảm nhận được hương ngọc lan thoảng trong gió, để nghe buốt giá
trong tim vì nhớ một người thân yêu đã đi xa mãi và để... hoàng hôn buông xuống...
Hoài niệm tháng tư
PHẠM TRANG THU (TPHCM)
Một ngày cách đây vài năm, tôi chợt nghe ca
khúc Tháng tư về qua tiếng hát tha thiết của Hồng Nhung qua một CD mới: “Mơ, em mơ, mơ về con đường nhỏ, quanh co lối mòn hoa dại nở, chỉ mình em bên anh, bên anh...”. Từ lần đầu tiên nghe được ca khúc này, tôi đã thích và ngày càng yêu mến.
khúc Tháng tư về qua tiếng hát tha thiết của Hồng Nhung qua một CD mới: “Mơ, em mơ, mơ về con đường nhỏ, quanh co lối mòn hoa dại nở, chỉ mình em bên anh, bên anh...”. Từ lần đầu tiên nghe được ca khúc này, tôi đã thích và ngày càng yêu mến.
Tôi thích nghe Tháng tư về trong những lúc thật
thảnh thơi, tâm hồn tĩnh lặng để cảm nhận được hết không gian mơ ước mà bài hát
mang lại cho mình. Đó là một buổi sáng cuối xuân đầu hè, khi tháng tư về. Ngọn
gió còn tươi mát của mùa xuân đã mang chút hơi thở nồng nàn của mùa hè thấp
thoáng. Tôi như bay lên, ngất ngây trong một không gian mênh mông, rực rỡ với một
chân trời xanh đến ngỡ ngàng, mây bay thanh thản. Và nắng, nắng trong lành rực
rỡ, rực rỡ trên những đám mây trắng lang thang, trên dòng sông lững lờ, cả trên
ngọn gió dịu dàng. Câu hát mang tôi vào khung cảnh như tôi hằng mơ ước được trở
về. Và đây rồi, "em mơ, mơ về con đường nhỏ, quanh co lối mòn hoa dại nở,
chỉ mình em bên anh, bên anh…". Con đường nhỏ ấy men theo một triền đồi
ngoại thị quê tôi. Chúng tôi bên nhau trong nắng và gió như vậy. Nắng đậu trên
đôi cánh trong suốt của những chú chuồn chuồn bay là là sát sườn đồi rồi bỗng
vút lên cao, lấp lánh xa dần. Những bụi sim xanh đậm với những chùm hoa tím ngắt.
Bất chợt anh thả vào tay tôi những quả sim chín mọng... Từ bao năm nay, những
hình ảnh, cảm xúc của buổi sáng đó vẫn trong lành, nguyên vẹn trong tôi. Tôi
như đang đắm mình trong nắng và gió ấy, để "Gió mát thổi từng chân tóc,
lòng bâng quơ, câu hát cũng bâng quơ". Từ cảm xúc bay bổng “mơ, em mơ...”
vút cao, câu hát lắng dần để trân trọng niềm hạnh phúc khi “chỉ mình em bên
anh, bên anh...”. Hai từ “bên anh” được láy lại để cảm xúc thật trọn vẹn. Và
nhành lựu đỏ ơi, đốm lửa đỏ mùa hè ấy cùng như đang "bâng khuâng" vẫy
gọi. Nó đỏ như một điểm nhấn bỏng cháy của kỷ niệm, mà sao nhẹ nhàng, vỗ về vẫy
gọi ta trân trọng ký ức nhưng đầy hy vọng vào một phía trước rộng mở. Tâm hồn
tôi tràn ngập niềm vui sướng, mơ ước về những gì trong sáng, thiêng liêng nhất
của một thời tuổi trẻ đã xa rồi.
Tôi thích những ca khúc của nhạc sĩ Dương Thụ
bởi ca từ thật đẹp và giai điệu thiết tha, trong sáng. Tôi yêu tiếng hát của Hồng
Nhung lúc nào cũng thật đắm say. Trong Tháng tư về, tôi thích cả nhóm hát bè
cho Hồng Nhung, họ như đã tạo một cánh đồng bát ngát, một vầng mây ấm nâng đỡ để
tiếng hát Hồng Nhung mặc sức bay lượn. Cảm ơn các nhạc sĩ và ca sĩ đã cho tôi đạt
tới một cảm xúc thật trong sáng, tinh tế. Cuộc sống chợt có nhiều ý nghĩa hơn
khi tôi thêm yêu cả những gì đã qua và những gì sắp đến, cũng như khi ta chia
tay mùa xuân êm đẹp để khao khát đón một mùa hè nồng nàn.
Đôi khi tình yêu vẫn thế
23 tuổi, chứng kiến những cuộc tình của bạn
bè, tôi cảm thấy tình yêu nhỏ bé, vụ lợi và dễ vỡ quá. Tuy nhiên, từ thẳm sâu,
tôi vẫn tin cuộc đời không thiếu những con người đến với nhau bởi sự thôi thúc
của trái tim chứ không phải sự giục giã của lý trí. Và mỗi lần mở máy tính,
click vào bài hát Chuyện tình trên thảo nguyên, nghe những giai điệu của Trần
Tiến thì niềm tin ấy trong tôi lại trở về nguyên vẹn.
“Chiều chiều người em gái vẫn đi trên thảo
nguyên xanh”, người em gái ấy trong trẻo như tiếng chim, như dòng suối trên cao
nguyên đại ngàn. Bông hoa đã khai nhụy, ong bướm rủ nhau rập rờn, “tiếng sáo ai
cũng tha thiết, em biết chọn tình yêu ai ồ liu ồ liu”. Hai tiếng “ồ liu” tạc
vào vách đá rừng vọng lại như muốn trêu ghẹo cô gái, làm cô bối rối hơn, lòng
cô không thể bình lặng trước những “lễ vật” mà các chàng Sơn Tinh đem tới ướm hỏi:
Anh chơi đàn thật hay đây... anh chơi kèn thật hay đây ... anh chơi trống thật
hay đây... Anh ca hát thật hay đây, theo anh, em nhé! Cứ tưởng rằng cô gái mới
lớn ấy sẽ không thoát khỏi vòng vây và sự quyến rũ của những chàng trai lực lưỡng
nơi núi rừng kia. Nhưng không! Cô không chọn ai cả. Tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng
trống và những lời ca ngọt ngào không thể đánh gục trái tim trinh nguyên. Cô vẫn
chờ một ngày.
“Rồi một chiều xa vắng có anh chàng thương
binh, trở về làng quê cũ với cây đàn gong xưa”. Chiến trận đã làm “đôi chân anh
thôi leo núi, đôi tay anh thôi chơi đàn”, anh không còn ngón nghề nào để tỏ
tình với cô gái, anh chỉ còn “đôi mắt xa xăm nhìn em, nhìn em”. Hai từ “nhìn
em” lặp lại âm điệu lắng dần làm cho khoảng cách giữa chàng trai sau chiến
tranh và cô thiếu nữ cứ dằng dặc. Những tưởng tình yêu lúc này chỉ là ngọn lửa
âm thầm cháy nơi góc khuất của trái tim người lính. Nhưng ta lại không ngờ đôi
mắt buồn ấy, đôi chân và đôi tay thương tật ấy lại làm “cô gái trót đem lòng
yêu anh”. Thật kỳ lạ! cô gái thật kỳ lạ hay chính xác hơn tình yêu thật kỳ lạ!
phải chăng cô gái kia không cần một lễ vật nào? Không, tôi nghĩ cô gái đã thấy
được một lễ vật lớn, đó chính là những vết thương hằn sâu trên thân thể người
lính sau chiến trận. Dù cho lễ vật ấy có làm cô nhọc nhằn nhưng nó lại giúp cô
hạnh phúc. Sự vạm vỡ của những chàng trai nơi thôn bản có ý nghĩa gì? Tiếng đàn
và lời ca của họ có ý nghĩa gì? Cô gái thơ ngây đã dũng cảm chọn lấy cho mình một
người tình đẹp- người biết sống vì những điều ý nghĩa nhất.
Những cánh bướm khép lại vì bông hoa đã có chủ.
Chàng thương binh về ở với cô gái “trong căn nhà nhỏ chênh vênh”. Tình yêu của
họ là vậy. Nó mộc mạc quá nhưng cũng đáng ngưỡng vọng quá.
Click “chia tay” Chuyện tình trên thảo nguyên
tôi vẫn nghe văng vẳng: “Đôi khi tình yêu vẫn thế yêu nhau chỉ vì yêu nhau ồ
liu ồ liu”. Quả thật sự giản dị đã làm nên giá trị của tình yêu.
Khắc khoải khoảng trời yêu dấu
Vũ Thị Thanh (TP Quảng Ngãi)
Đối diện với Ngân hàng Ngoại thương nơi tôi
làm việc có một tán điệp lâu năm. Thường các mùa trong năm cây xanh mát, lá nhỏ,
rì rào. Vào tầm tháng ba, tháng tư, cây trổ lộc xanh non lộng lẫy. Và sau đó là
đến mùa hoa, từng chùm, từng chùm sáng rỡ một sắc vàng trên nền lá xanh thẫm.
Những chùm hoa nở trước, rụng xuống rắc li ti
những cánh hoa vàng. Vốn đã mỏng manh, những cánh hoa vàng không nát mà chỉ khô
đi như những hạt bụi vàng lấm tấm theo gió vun đầy từng nắm trên vỉa hè, dưới
lòng đường. Có những buổi chiều đạp xe về qua, tôi cứ sững sờ nhìn theo hoa và
thấy lòng thầm hát: Em còn nhớ hay em đã quên... Có mặt đường vàng hoa như gấm,
có không gian màu áo bay lên... Và kỷ niệm lại ùa về trong tâm thức.
Ngày xưa, người tôi yêu thích bài hát đó...
Và cả tôi... Dẫu chẳng ai trong chúng tôi là người Sài Gòn. Bài hát đưa ta đến
với những kỷ niệm của người nghệ sĩ lãng mạn, những hình ảnh bất chợt, quen
thân thường nhật mà sao đẹp lên rất nhiều trong nỗi nhớ. Từ những nét tiêu biểu:
“...Sài Gòn, mưa rồi chợt nắng” đến những góc rất riêng: “vườn xưa vẫn có tiếng
mẹ ru, có tiếng em thơ, có chút nắng trong tiếng gà trưa”. Không phải Sài Gòn
hoa lệ, hòn ngọc của Viễn Đông, mà là đây có lẽ là Sài Gòn ngoại ô: bình dân,
lam lũ nhưng cũng thật là thân thương, thơ mộng: “Trong lòng phố mưa đêm trói
chân, dưới hiên nhìn nước dâng tràn, phố bỗng là dòng sông uốn quanh”, rồi “có
con đường chở mưa nắng đi”. Trong dòng âm thanh hoài niệm của tác giả, chúng
tôi cứ thích tìm ra những khám phá, gắn với những kỷ niệm riêng của mình. Và có
một lần hẹn ở Quy Nhơn, tay trong tay ngồi trong một quán bên đường, tình cờ được
nghe lại những âm thanh thật đẹp, thật xúc cảm của bài hát ấy, chúng tôi cho rằng
mình là những người hạnh phúc nhất.
Bây giờ, người tôi yêu đã thành người khác,
và tôi đã từ lâu cũng hết yêu anh rồi. Nhưng kỷ niệm thì tôi vẫn còn yêu. Và
bài hát ấy đôi khi chợt nghe lại bỗng thấy mắt mình ướt đẫm cùng với cảm giác
ngòn ngọt, se se nơi cổ họng. Ca từ thật đẹp, thật gợi, và lạ, như vẫn thường
thấy ở những bài hát của Trịnh Công Sơn: trăn trở và khắc khoải. Em còn nhớ,
hay em đã quên? Từng âm thanh chầm chậm buông như dòng nhớ trôi lan man, bất chợt,
chẳng biết bắt đầu từ đâu và không có kết thúc. Nét nhạc dìu dịu, đến gần như
không phải là buồn nữa, hay vẫn là buồn nhưng là một nét buồn nhè nhẹ, đem lại
cho người nghe cảm giác có thực của hạnh phúc - hạnh phúc trong hồi tưởng.
Quê nhà thôi thúc
Là một người con xa quê, khi nghe Trần Thu Hà
hát ca khúc Quê nhà của nhạc sĩ Trần Tiến, lòng tôi buồn vời vợi...
“Quê nhà tôi ơi...”, ca sĩ Trần Thu Hà đã cất
tiếng hát với giọng điệu thật mượt mà sâu lắng và tràn đầy xúc cảm. Khung cảnh
làng quê yên bình đẹp như một bức tranh với làn khói lam chiều, bờ đê, lũy tre
và con đường làng qua ngõ... Những hình ảnh ấy đã hằn sâu vào tâm thức của mỗi
chúng ta. Đối với những đứa con tha phương, quê nhà lúc nào cũng là nơi mọi người
muốn trở về. Nơi có lời ru à ơi của mẹ đong đầy khoảng trời tuổi thơ. Nơi bóng
cha ngồi trông ngóng con mình từ phương xa với biết bao nỗi nhớ thương. Nơi ấy
còn có chị, có em và biết bao người thân luôn mở rộng vòng tay.
Cuộc sống mỗi người khác nhau, quê nhà cũng
không giống nhau, nhưng ai cũng có một tình cảm rất đặc biệt dành cho quê
hương. Tôi phải xa quê vì cuộc sống mưu sinh vất vả, đã bao năm rồi chưa được
trở về. Quê nhà luôn là động lực giúp tôi vượt qua vòng xoáy khắc nghiệt của cuộc
sống thị thành với ước mơ về một ngày mai tốt đẹp hơn...
Ca sĩ Trần Thu Hà đã thể hiện ca khúc này bằng
tất cả tình cảm nhớ thương dành cho quê hương: “Bàn chân đã đi mà sao trái tim
quay trở về?". Ca từ mang âm hưởng dân ca dễ đi vào lòng người: “À ơi hoa
bay lên trời cây chi ở lại?...”. Giữa người nghe, người sáng tác và ca sĩ thể
hiện dường như tìm thấy được sự đồng cảm trong nỗi nhớ quê nhà.
Tiếng côn trùng rả rích trong phần hòa âm, phối
khí làm cho ca khúc mang đậm hơi thở của cuộc sống làng quê. Sống giữa phố thị
xa hoa, nhộn nhịp làm sao nghe được những thanh âm đặc biệt ấy? Tôi lại liên tưởng
đến quê mình với nỗi khát khao được trở về.
Ai cũng có dòng sông tuổi thơ!
CHUNG THANH HUY (TPHCM)
Có những bài ca không đơn thuần chỉ là
những nốt nhạc, tiết tấu hay lời ca mà còn là cả một ký ức trong mỗi tâm hồn. Để rồi, có lúc chỉ thoáng nghe qua giai điệu ấy trong tôi chợt sống lại bao kỷ niệm của những ngày thơ ấu.
những nốt nhạc, tiết tấu hay lời ca mà còn là cả một ký ức trong mỗi tâm hồn. Để rồi, có lúc chỉ thoáng nghe qua giai điệu ấy trong tôi chợt sống lại bao kỷ niệm của những ngày thơ ấu.
“Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà.
Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi” (Trở về dòng sông tuổi thơ của Hoàng
Hiệp). Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một xóm nhỏ nằm bên dòng sông Sa Đéc, nên
tuổi thơ tôi gắn liền với những kỷ niệm của một miền quê sông nước. Tảng sáng,
khi mặt trời chưa ló dạng, bến sông đã chộn rộn đủ loại xuồng, ghe cũng là khi
mẹ tôi tất bật chuẩn bị mấy thứ cây nhà lá vườn cho kịp buổi chợ. Chiều xuống,
khi con nước ròng, mấy dề lục bình lững lờ trôi ngược ra sông cái lại là lúc ba
tôi trở về sau buổi thăm đồng với những nhịp chèo mạnh mẽ. Những trò chơi của
tuổi thơ miền sông nước khó mà kể hết: nóng nực thì cứ nhảy ùm xuống sông vẫy
vùng cho đã cùng với những chiếc phao từ thân cây chuối trắng nõn; lúc khác thì
bì bõm tập chèo ghe, bơi xuồng. Nhưng thích nhất là những buổi trưa hè nằm vắt
vẻo trên những cành cây nhô ra mé sông mà ngủ. Nước lớn cứ việc vô đồng giăng
câu, thả lưới. Nước ròng thì ở nhà lội xuống bùn tát cá, đặt lờ, đặt lợp...
Để rồi ngày tôi xa quê, hành trang mang theo,
trong tâm trí tôi có cả hình bóng của dòng sông thân yêu: “Bao năm xa quê ấy.
Trong mơ tôi vẫn thấy. Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già”.
Có người nói rằng: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Nhưng
với tôi, bằng cảm nhận của con tim, tôi cho rằng dòng sông không hề có tuổi. Bởi
con sông quê tôi quanh năm vẫn đỏ nặng phù sa, vẫn vơi đầy theo từng con nước,
vẫn rặng trâm bầu sum sê nơi bến sông trước nhà và nhất là tuổi thơ tôi vẫn gần
như nguyên vẹn mỗi lúc tôi quay về đứng trước dòng sông. “Sông vẫn in màu mây .
Vẫn khi vơi đầy vẫn mang phù sa làm đẹp thêm làng quê yêu dấu. Sông vẫn như thuở
ấy. Có con đò ngang đón đưa người sang và từng đêm hát ru đôi bờ”.
Theo tháng năm, tôi có dịp đi qua nhiều vùng
của đất nước. Mỗi địa danh gần như gắn liền với mỗi con sông khác nhau: sông Hồng,
sông Hương, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu... nhưng tâm trí
tôi vẫn luôn khắc khoải nhớ về dòng Sa Giang yêu dấu. Nói khác hơn, tình yêu
quê hương đất nước trong mỗi con người luôn thấp thoáng hình bóng của một dòng
sông thơ ấu. “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình. Tim tôi luôn gắn
bó với dòng sông tuổi thơ. Con sông tôi tắm mát. Con sông tôi đã hát. Con sông
cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà”. Dòng sông cũng như người con gái miền
quê: đã yêu thì yêu nồng nàn, say đắm nhưng cũng có lúc vu vơ hờn ghen, giận dỗi.
“Sông cũng như người ấy. Có khi vui buồn có khi hờn ghen chỉ tình yêu tuổi thơ
mới thấy”.
Chiều nay, trong khi kẹt cứng giữa dòng xe cộ
lúc tan tầm, bất chợt nhận ra cô gái bên cạnh tai mang headphone, miệng hát lẩm
nhẩm: “Ôi những con thuyền giấy, những năm tuổi thơ đã đi về đâu để mình tôi nhớ
nhung bây giờ”. Tôi mỉm cười thầm nghĩ giữa nhịp sống Sài Gòn sôi động đâu chỉ
có mình ta hoài niệm về dòng sông của tuổi thơ!
Một khúc yêu thương
Trần Thị Mỹ Thương (SV ĐH KHXH & NV
TPHCM)
“Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh...”. Mỗi khi bài
hát ấy cất lên, lòng tôi lại rung lên những xúc cảm vô cùng mãnh liệt. Đó là nỗi
nhớ nhung da diết, sâu lắng của một người con xa quê nhớ về vùng đất mẹ, nhưng
đó cũng là nỗi lòng của tất cả những ai được sinh ra và lớn lên ở nơi đây.
Quê hương tôi - Hà Tĩnh - nằm bên dòng sông
La hiền hòa bao năm vẫn chảy vẫn bồi, tưới mát cho vùng đất khát cháy vì gió và
cái nắng khắc nghiệt của miền Trung. Quê tôi nằm tựa lưng bên dãy Trường Sơn
hùng vĩ ngóng trông về vùng biển Đông rộng lớn như gửi lời nhớ lời thương và mỗi
chúng tôi vẫn tự hào khi mang làn da rám nắng, giọng nói nằng nặng nhưng ấm áp
tình người níu chân những ai vô tình đến thăm. Và để lại trong lòng họ những ấn
tượng sâu đậm khi trở về. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng là một trong số đó. Một
khúc tâm tình của người Hà Tĩnh của ông đã ra đời.
Vâng, chỉ thế thôi là mô, tê, răng, rứa mà
sao nhớ sao thương đến vô bến vô bờ “Tình sâu nghĩa nặng biển ta lại nhớ rừng,
nên chỉ giữa đồng bằng (mà) gió ngàn bay về tìm âm vang sóng vỗ” để nhắn nhủ mỗi
người nhớ đến quê hương mỗi lúc đi xa... Đó là Đồng Lộc, Khe Giao, Đèo Ngang,
Linh Cảm... những con đường anh hùng, những địa danh lịch sử đã sống mãi trong
sử sách nước nhà mà những thế hệ đi trước đã đổ bao xương máu để giữ gìn cho
chúng tôi hôm nay được tự do cắp sách tới trường... quê hương, ở đó có gia
đình, bè bạn có những kỷ niệm của thời ấu thơ và những dấu ấn khó phai trong cuộc
đời của mỗi người.
Những ngày đầu mới vào TPHCM, tôi đã rất ngạc
nhiên khi có nhiều người ở đây lại thuộc ca khúc này. Trong suy nghĩ của tôi
lúc đó, tôi chỉ hình dung rằng nó là một bài hát nổi tiếng nhưng không ngờ lại
có nhiều người yêu mến đến như vậy. Khi tôi đưa thắc mắc này hỏi một bác người
Hà Tây, bác đã cười mà nói rằng: chẳng có gì lạ cả, tôi cũng xa quê và nhớ quê
hương mình. Bài hát này tuy không viết về quê hương tôi, nhưng lại giúp tôi gửi
gắm được tâm sự đó. Còn một thanh niên người TPHCM lại làm tôi ngạc nhiên khi
nói: Tôi không chỉ biết về Hà Tĩnh mà còn biết rất nhiều nhân vật lịch sử sinh
ra ở quê bạn, anh kể cho tôi nghe về những ca khúc mà anh biết: Hà Tĩnh mình
thương, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Mời anh về Hà Tĩnh...
Anh thú nhận với tôi là chưa bao giờ đến Hà
Tĩnh nhưng sau này nếu có dịp nhất định anh phải ra một lần cho biết. Và phải
chăng Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh cũng là một khúc yêu thương của mỗi
con người không chỉ của tôi, bạn mà là mỗi con người Việt Nam khi nhớ về quê
hương mình. Đó là động lực thúc đẩy mỗi chúng tôi biến ước mơ thành hiện thực để
xây dựng quê hương đất nước, để sống và yêu thương cả những quê hương khác trên
đất nước này nhưng vẫn đau đáu trông về quê mẹ mỗi lúc chiều lên hay nghe một
giọng nói thân thương gần gũi.
Song Anh (Quận 3-TPHCM)
Lần đầu tiên tôi làm con ngựa cho đứa cháu
lên hai của mình cưỡi trên lưng, tôi lại phát cáu vì con bé cứ giãy nảy ngọng
nghịu hét toáng “không giống ba”. Bực bội, tôi cũng dằn dỗi bảo “giống ba thì
tìm ba mà chơi” rồi dắt xe dong thẳng, mặc tiếng khóc thét của con bé.
Không như mọi lần mẹ tôi gọi với theo, mất
nhiều ngày sau, khi gần như tôi chẳng còn nhớ gì thì bố tôi lại gợi chuyện. Bố
bảo, nếu tôi không đủ kiên nhẫn chơi với con nít thì về phòng mà nghỉ chứ đừng
làm con bé và cả nhà khó xử như thế nữa. Tôi đâu biết, suốt hôm xảy ra sự việc,
con bé cứ khóc ngằn ngặt đòi “ba về chơi nhong nhong với con”, mà ba mẹ con bé
lại vừa chia tay nhau, vất vả lắm cả nhà mới “lôi” được hai mẹ con quay về đây.
Cùng một nhà nhưng chẳng mấy khi tôi gặp cháu
mình. Sáng tôi đi làm, con bé chưa thức, đêm tôi về nó đã ngủ say. Một đêm, tôi
ngang qua phòng chị, thấy chị đang loay hoay pha sữa cho con. Tôi xin lỗi về
chuyện cũ và “đánh bạo” hỏi chị về “con ngựa giống ba” mà con bé từng nói. Chị
bảo cũng chẳng biết nữa, mà chỉ nghe tiếng cười giòn tan của con bé khi “con ngựa
ba” sau một lúc bò quanh phòng thì ngã lăn quay ra rên hừ hừ... như trong bài
hát. Rõ rồi!
Ngay hôm sau tôi lên mạng tìm xem bài hát rồi
ghé nhà sách mua đĩa nhạc Xuân Mai có bài Nhong nhong nhong của nhạc sĩ Thế Hiển
về nghe, lẩm nhẩm hát theo. Những bài hát đồng ấu ngày xưa sống lại trong tôi
sau bao năm tôi ngỡ mình chưa từng trải qua tuổi thơ! Chẳng mấy chốc, hai cậu
cháu tôi có vô khối trò chơi từ mấy bài đồng dao trong các băng đĩa nhạc thiếu
nhi sau này tôi mua cho con bé. Nhưng con bé vẫn say sưa với trò cưỡi ngựa “lọc
cà lọc cà lọc”, để cả hai cùng “ngã lăn đùng”, hay “bốn vó lăn quay” để rồi con
bé lại “thỏ thẻ bên tai, con thương “cậu” con ngoan thật nhiều, ngựa “cậu” lại
cõng con nhong nhong”. Tự bao giờ con bé đã đổi lời bài hát, mặc dù nó vẫn nhớ
và mong “ngựa cha” ghé ngang thăm đôi lần, để lại cùng chơi trò nhong nhong. Và
mỗi tối tôi cũng tranh thủ về nhà sớm hơn để được thấy con bé chạy ra tận cổng
khoe “hôm nay con ngoan, ăn hết cháo, uống hết sữa mà không bị “ọi”... Cậu chơi
nhong nhong với con nhé?”. Chắc chắn thế rồi và cậu sẽ mãi là con ngựa để cô
cháu đáng yêu của mình luôn “vui thỏa tiếng cười”.
Tôi yêu hồn dân ca trong Ca dao em và tôi
Nguyễn Quang Sáu (TP Vũng Tàu)
Lần đầu nghe hát Ca dao em và tôi của nhạc sĩ
An Thuyên, nghe những “cắt nửa vầng trăng”, “chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ”,
tôi ngạc nhiên quá đỗi. Vầng trăng “ai xẻ làm đôi” trong Truyện Kiều, nay lại
còn được cắt. Câu thơ là cảm xúc thì làm sao chặt đôi và bẻ đôi ra được? Từ tò
mò, ngạc nhiên ấy, tôi đã nghiệm ra nhiều điều thú vị.
Dù đó là giọng ca của NSND Thu Hiền hay ca sĩ
Quang Linh, dù nghe hát ở Nhịp cầu âm nhạc hay hát trong những buổi chiều mấy
thằng bạn chí thân ngồi quán nghêu ngao, lúc nào bài hát cũng gợi trong tôi
hình ảnh của làng quê yêu dấu. Đó là bát nước chè xanh mẹ sai tôi gọi bà con đến
uống, đôi chân lấm bùn của người con gái tần tảo tôi yêu, chiếc áo tơi che nắng
che mưa cho cha những buổi đi cày, là tình nghĩa quê hương suốt đời theo tôi. Lời
bài hát chắt chiu từ những câu hò, câu hát, những điệu lý, tiếng sáo của các miền
Bắc, Trung, Nam tạo nên một bức tranh trữ tình làng quê Việt Nam giản dị mà
thanh thoát, mộc mạc mà ân tình. Âm thanh dào dạt, đầy ắp không gian và hình ảnh
thân quen ùa về tràn ngập hồn tôi: tiếng sáo diều vi vu, tiếng chân em lội nước,
tiếng mời nhau, cánh cò bay lả bay la và ánh trăng dát bạc trên đồng. Ca từ chọn
lọc, gom vào bài hát tinh hoa của ngôn ngữ ca dao.
Vẫn nồng nàn, đắm say là tình yêu đôi lứa,
tình chồng nghĩa vợ nhưng người hôm nay thừa hưởng sự tinh tế của người xưa, lại
táo bạo, dám “cắt nửa vầng trăng” để “làm con đò nhỏ”, biết “bẻ đôi câu thơ” để
“làm mái chèo lướt sóng” một cách dũng cảm, mạnh mẽ chung quy cũng chỉ để làm
phương tiện chở tình yêu cuộc sống: “Đưa tôi về với người tôi yêu”. Cũng là nỗi
nhớ, là tình yêu đấy thôi nhưng quyết đoán và chủ động hơn nhiều so với cái thời
yêu nhau chỉ dám nhớ thầm nhau thôi. Bài hát đẹp từ giai điệu lẫn ca từ càng
nghe càng thích, càng hát càng hay. Đó không chỉ đơn thuần là nghe nữa mà là
chân tôi đang trở về con đường ven đê mát rượi, bóng tre đổ dài che chúng tôi
buổi hẹn hò đầu tiên...
Đừng cay mắt, à í a...
Phương Trà (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú
Yên)
Mấy hôm nay, ngày nào đi làm tôi cũng gặp một
đàn bướm. Chúng rập rờn trên đường Trần Hưng Đạo - con đường lớn, náo nhiệt xe
cộ của TP Tuy Hòa. Chúng từ một vùng quê nào đó lạc đến đây, hay chúng về đây để
tìm một góc quê đã tan biến tự trăm năm rồi trong nhịp thở phố?
Đàn bướm vàng nôn nao gọi về những mái tranh,
những cánh đồng, vườn tược, những con đường mùa nắng gồ ghề, mùa mưa lầy lội đã
hun hút xa. Chợt nhớ đến bài hát À í a của nhạc sĩ Lê Minh Sơn:
Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi, chỉ còn
nho nhỏ nghĩa địa xa xa
Bên cạnh làng tôi yếm thắm lụa đào ngực cau
nhu nhú đã vội đi xa
Lê Minh Sơn viết về việc đô thị dần dà nuốt
chửng những làng quê Bắc Bộ, can chi đến mình mà thấy nao lòng? Hay tại hình ảnh
cái nghĩa địa nho nhỏ, quạnh hiu và cô độc, như thể đã bị lãng quên? Những “yếm
thắm lụa đào” cũng đã đi vào lãng quên, vậy mà vẫn thấy gần, gần lắm, như thể
các cô ấy vừa đứng ở đây rồi lướt qua mặt...
Ngôn ngữ âm nhạc của Lê Minh Sơn đẹp và không
giống ai. Ca từ của anh cũng đẹp. Như thơ. Như tranh.
Ngày xưa, lũ chim về đây, những bông cỏ may,
lay động bờ đê
Ngày xưa tiếng ru ầu ơ, tiếng ru mùa đông,
lay động nhà tranh
Rặng tre, hót giữa trưa hè, tiếng con sáo sậu
gốc rễ về đâu?
Đàn trâu lững thững qua cầu, đất bán hết rồi,
đàn trâu về đâu?...
Nghe đến đoạn này, lại thấy quê cũ hiển hiện
trước mắt, với những hàng tre vặn mình kẽo kẹt, với tiếng chim gù, với những
con bò cỏ lông vàng nhởn nhơ gặm cỏ. Những hình ảnh chân thực đến nỗi tưởng có
thể đưa tay ra là chạm vào được. Vậy mà đã hơn hai mươi năm rồi. Trong từng năm
của hơn hai mươi năm đó có biết bao thay đổi! Cảnh và người đều đã khác đi. Chỉ
có nhịp đập của trái tim là vẫn vậy, vẫn nôn nao mỗi khi đặt chân lên con đường
đất gồ ghề, một bên thấp thoáng mái nhà, một bên ngát xanh đồng lúa; mỗi khi
nghe tiếng bìm bịp kêu, nghe chim gõ kiến lốc cốc tìm mồi trong đêm...
Ít có bài hát nào làm dậy lên trong tôi cảm
xúc đặc biệt như À í a. Ca sĩ Trọng Tấn hát bài này nhẹ nhàng như đang kể chuyện.
Lần nào nghe “câu chuyện” ấy, tôi cũng thấy cay mắt và nhớ đến xốn xang những
hình ảnh, âm thanh nơi quê nghèo.
Nguyễn Thị Thu Hoa (TPHCM)
Với tôi, ca khúc Đứa bé có ý nghĩa hơn một ca
khúc bình thường mỗi khi nghe, bởi cũng giống như nhạc sĩ Minh Khang, tôi đã chứng
kiến ánh mắt buồn của một đứa bé, đứa bé chỉ của riêng tôi...
“Trong đêm một bàn chân bước, bé xíu lang
thang trên đường...". Lần đầu tiên nghe bài hát, ùa về trong tôi là một kỷ
niệm buồn. Tối ấy, anh và tôi vui vẻ trò chuyện trong một quán nước sau một tuần
làm việc và học tập căng thẳng. Một bé gái tay mang túi tre chứa đầy những cây
kẹo kéo trắng ngần đến gần mời anh mua. Tôi mỉm cười lúc cô bé quay sang nhìn
tôi, cô bé cũng nhoẻn miệng cười, ánh mắt long lanh niềm vui. Nụ cười ấy làm bừng
sáng khuôn mặt đen nhẻm vì nắng của em. Thế mà anh nhất định không mua. “Anh có
thể mua cho em bất cứ thứ gì nhưng không phải là hai cây kẹo vớ vẩn kia, ăn vào
chỉ tổ hại người”, anh thanh minh sau khi lớn tiếng đuổi cô bé đi. Tôi chỉ còn
kịp nhìn thấy ánh mắt vụt tắt niềm vui của cô bé khi bước nhanh chân ra khỏi
quán, hòa vào dòng người ngược xuôi trên phố. Tôi buồn vì anh vô tâm quá, tôi
đòi mua kẹo đâu phải vì tôi thích ăn kẹo, chúng tôi đang vui sao anh nỡ dập tắt
niềm vui của một đứa bé.
Nghe bài Đứa bé, tôi tìm thấy sự đồng cảm sâu
sắc. Hiện rõ trong tôi hình ảnh cô bé ngày nào với hai cây kẹo kéo xinh xinh, về
một lời hứa tôi chưa thực hiện dù đã đưa ra khi tôi mỉm cười lúc cô bé nhìn
tôi. Thành công của bài hát, theo tôi chính là ở ca từ mộc mạc, bình dị nhưng rất
có sức gợi hình nên dễ đi vào lòng người. Khi bài hát vang lên cũng là lúc hiện
ra trước mắt người nghe hình ảnh những đứa bé đang lang thang kiếm sống ở từng
góc chợ, con đường, trong đó chắc chắn có cô bé kẹo kéo của tôi. Sẽ chẳng còn ý
nghĩa gì nếu để ca sĩ nào đó một mình thể hiện ca khúc này. Sự kết hợp giọng
hát của 60 nghệ sĩ đã tạo thành chiếc cầu nối yêu thương cứ lan tỏa, lan tỏa
mãi. Lời kêu gọi về lòng nhân ái, về trái tim con người Việt Nam ngân vang tha
thiết cuối bài hát bằng tất cả tình cảm của những người nghệ sĩ có tâm huyết với
người, với đời. Một bài hát tập trung được sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, nhất
là khi bài hát ấy lại là lời nhắc nhở về trách nhiệm xã hội đối với thế hệ
tương lai của đất nước, trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không của riêng
ai.
Hãy để bài hát này mãi vang lên như một giai
điệu tình thương và chúng ta hãy đáp lại lời kêu gọi thiết tha này bằng những
hành động thiết thực để một ngày không xa, không còn bắt gặp quanh ta những đứa
bé lang thang kiếm sống như thế.
“...Gọi tên em mãi trong cơn mê này, mình nhớ
thương nhau”. khi những câu hát cuối cùng vang lên, khi tiếng nhạc và lời ca lặng
vào khoảng không trống vắng, tôi chợt bừng tỉnh sau phút giây hoài niệm về em.
đã lâu lắm rồi, tôi mới được nghe lại tình khúc Riêng một góc trời của Ngô Thụy
Miên qua giọng ca trầm ấm, tha thiết của Tuấn Ngọc, từng câu hát, từng điệu nhạc
như vô tình đưa tôi vào hoài niệm của những ngày đã qua.
Giờ đây, ở một góc nhỏ trong quán cà phê vắng
vào một buổi trưa, không hiểu sao tôi lại nhớ về em da diết, nỗi nhớ đã từ lâu
bẵng đi nay trở về đầy tiếc nuối. Tôi thẫn thờ nhìn ra khoảng sân đầy nắng trước
mặt, lòng đầy suy tư “Tình yêu như nắng, nắng đưa em về bên dòng suối mơ, nhẹ
vương theo gió, gió mang câu thề xa rời chốn xưa...”. Tình yêu của tôi và em
như những giọt nắng kia, có lúc tha thiết ấm nồng như những tia nắng sớm, nhưng
cũng có lúc phai nhạt như màu nắng lúc chiều về. Em đã đem đến cho tôi làn gió
mát xoa dịu tâm hồn đang khao khát được yêu. bằng tình yêu trong sáng, em đưa
tôi vào cõi mơ, một cõi mơ dành cho cả hai đứa, nhẹ nhàng, đằm thắm như những nốt
nhạc kia. Và... chính em lại ra đi, mang theo lời yêu thương ngày nào về bên ấy,
bỏ lại nơi xưa chỉ còn riêng tôi lẻ bóng “ Người vui bên ấy, xót xa bên này,
thương hình dáng ai, vòng tay tiếc nuối, bước chân âm thầm nghe giọt nắng
phai... Em đã xa tôi, tôi vẫn chơi vơi riêng một góc trời”.
Nhìn dòng thời gian trôi từ lúc em đi, trong
khoảng lặng dài đó, đã có lúc tôi tưởng quên được em, nhưng không, bây giờ tôi
mới biết nỗi nhớ bấy lâu tưởng chừng quên ấy nay vẫn còn dai dẳng trong tôi.
“Người yêu dấu, người yêu dấu hỡi, khi mùa xuân về qua chốn nay... Tìm đâu thấy,
tìm đâu thấy nữa, khi mùa đông về theo cánh chim bay, là chia cách đôi nơi, là
hạnh phúc rã rời, người ơi”. Giọng ca trầm ấm ấy đã vút lên theo cao trào của
bài hát, phải chăng Ngô Thụy Miên lẫn ca sĩ Tuấn Ngọc như muốn đưa người nghe đến
đỉnh điểm của nỗi nhớ, làm cho hoài niệm tình yêu chợt thức dậy trong lòng mọi
người? Và phải chăng dĩ vãng đã xa lại chợt về qua sự giao hòa tuyệt vời giữa lời
ca và tiếng hát? Ngô Thụy Miên đã khéo léo giao hòa cả bốn mùa tình yêu vào bản
nhạc nhưng sao ta thấy trầm buồn quá, như đưa ta vào giấc mơ, với hy vọng mỏng
manh “Một mai em nhé, có nghe thu về trên hàng lá khô, ngàn sao lấp lánh hát
câu mong chờ em về chốn xưa’’ dẫu biết đó chỉ là giấc mơ. bài hát khép lại với
nỗi tiếc nuối muốn gào thét theo nhịp con tim đang rung lên nỗi bồi hồi, chợt thấy
lòng băng giá tự lúc nào “Gọi tên em mãi, trong cơn mê này, mình nhớ thương
nhau”...
Cảm xúc dâng trào, cảm xúc lại vội vàng ra đi
khi không gian im lắng trở lại. Nhìn ra xa, những giọt nắng đã dịu đi, không
gian thoáng đãng hơn. Riêng một góc trời là đây sao? tôi chợt nghĩ và khẽ mỉm
cười vu vơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét