Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Phương pháp cải biến nâng cao trong nghệ thuật múa Chăm

Phương pháp cải biến nâng cao 
trong nghệ thuật múa Chăm
Phương pháp cải biên nâng cao là một trong những phương pháp vừa giúp cho nghệ thuật múa bảo tồn kho tàng chất liệu ngôn ngữ múa dân gian dân tộc vừa mang lại cho ngôn ngữ múa dân gian dân tộc một vóc dáng, diện mạo mới phù hợp với thời đại. Trong di sản múa dân gian các dân tộc Việt Nam, nghệ thuật múa dân tộc Chăm là một trong những điển hình về việc sử dụng hiệu quả phương pháp cải biên nâng cao. Từ các tác phẩm múa dân gian đến các tác phẩm múa biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp đều thành công nhờ vận dụng hiệu quả phương pháp này. Những thành công đó cho thấy đây là một trong những phương pháp cần được phát huy nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa dân gian Việt Nam.
Trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay, không một quốc gia nào có thể phát triển trong sự tách biệt với thế giới. Hội nhập kinh tế, giao lưu về văn hóa giữa các nước đang diễn ra hết sức sôi động. Nhưng nếu không có một bản lĩnh vững vàng, một chiến lược phát triển đúng đắn thì việc giao lưu đó sẽ dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Để mở rộng giao lưu, hội nhập mà không đánh mất bản sắc của mình thì phải song song cùng tiến hành hai nhiệm vụ lớn là bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc. 
Cuộc sống luôn vận động và phát triển, nghệ thuật múa cũng không thể tĩnh tại. Con người mới với những yêu cầu mới đang đòi hỏi nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng phải có những chuyển biến để thỏa mãn nhu cầu mới.
1/ Phương pháp cải biên nâng cao trong nghệ thuật múa
Phương pháp cải biên nâng cao là một trong những thủ pháp nghệ thuật cơ bản của nghệ thuật múa. Bởi lẽ, động tác múa là một trong những thành phần quan trọng cấu tạo nên một tác phẩm múa. Động tác như những âm, những vần cấu tạo thành từ, thành câu trong một đoạn văn, một bài văn. Do đó, muốn tác phẩm múa cuốn hút người xem thì phải quan tâm đến động tác múa. Những động tác, điệu bộ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày là nguồn chất liệu phong phú của nghệ thuật múa. Tuy nhiên, khi đem những động tác ấy vào nghệ thuật múa phải qua bàn tay sáng tạo của nhà biên đạo múa. Ví dụ như cùng những động tác trong sinh hoạt lao động hàng ngày như chèo thuyền, hái lá, xe tơ dệt cửi... nhưng khi vào tác phẩm múa, những động tác thân thuộc trong cuộc sống ấy đã được chọn lọc, cải biên và nâng cao để những động tác đó có tính thẩm mỹ hơn và trở thành ngôn ngữ nghệ thuật. Để làm được như vậy, nhà biên đạo múa không những phải nắm chắc các thủ pháp nghệ thuật mà còn phải hiểu rõ luật động cơ bản của động tác để tìm ra và giữ được những nét tiêu biểu nhất của động tác. Đặc biệt, nhà biên đạo tài ba là nhà biên đạo dù có phát triển động tác đến đâu cũng không được làm mất đi dáng vẻ, thần thái vốn có của động tác. 
Các cách cải biên, nâng cao động tác:
Thứ nhất, từ những động tác, hành động trong hoạt động xã hội, chọn lọc lấy một cử chỉ đặc trưng nhất, quan trọng nhất rồi thêm vào yếu tố luật động, yếu tố thẩm mỹ, trau chuốt đường nét động tác theo ý đồ của nhà biên đạo múa.
Thứ hai, sử dụng một bộ phận của động tác đã có rồi thay đổi, bổ sung các bộ phận khác để tạo nên động tác mới: lấy bộ phận chân của động tác đã có rồi sáng tạo, bổ sung bộ phận tay và thân trên theo các mục đích ý nghĩa mới để cải biên động tác.
Thứ ba, sử dụng một phần của động tác đã có rồi thay đổi, bổ sung các phần khác để tạo nên động tác mới: lấy phần đầu của động tác đã có rồi sáng tác tiếp phần sau của động tác theo hướng mới và mục đích ý nghĩa mới để tạo nên động tác mới.
Thứ tư, cải biên bản chất hoặc các yếu tố của động tác đã có để tạo nên động tác mới: từ động tác nhanh, mạnh cải biên thành động tác chậm, nhẹ nhàng mang sắc thái mới mềm mại, trữ tình; từ động tác tại chỗ cải biên thành động tác di chuyển, động tác đi thành động tác nhảy...
Thứ năm, cải biên động tác theo hướng sử dụng những đặc điểm, đặc trưng của ngôn ngữ động tác để rồi từ đó sáng tạo ra những động tác mới hoàn toàn nhưng vẫn giữ được sắc thái của ngôn ngữ chất liệu cũ.
Thứ sáu, với những động tác dạng biểu hiện sắc thái tình cảm thì nhà biên đạo phải tự chủ bằng cảm nhận của riêng mình để kết hợp ngôn ngữ múa với âm nhạc, tạo ra động tác múa thích hợp. 
Ngày nay, khi sự giao lưu văn hóa phát triển thì ngôn ngữ múa dân tộc càng đóng  vai trò quan trọng, là ngôn ngữ riêng, là cái để phân biệt múa của dân tộc này với dân tộc khác, của quốc gia này với quốc gia khác. Do vậy, dù trong điều kiện hoàn cảnh nào cũng phải lấy ngôn ngữ của dân tộc mình làm cơ bản. Nó quán xuyến trong mọi tác phẩm của nghệ thuật múa. Đây là sự sống còn đối với nền nghệ thuật múa của một dân tộc, một quốc gia.
2/ Phương pháp cải biên nâng cao trong nghệ thuật múa Chăm
2.1. Phương pháp cải biên nâng cao trong múa dân gian Chăm
Trong múa dân gian Chăm, phương pháp cải biên nâng cao được các nghệ nhân sử dụng để nghệ thuật hoá các hoạt động trong đời sống, biến hoạt động trong đời sống trở thành ngôn ngữ của nghệ thuật. Từ những động tác, hành động trong hoạt động xã hội - tự nhiên, nghệ nhân chọn lọc lấy một cử chỉ đặc trưng nhất, quan trọng nhất rồi thêm vào yếu tố luật động, yếu tố thẩm mỹ, trau chuốt đường nét động tác để tạo ra những động tác mới bổ sung vào hệ thống ngôn ngữ múa. Phương pháp cải biên nâng cao trong múa dân gian Chăm được sử dụng để cải biên nâng cao các sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên (Múa quạt Pì diền) và các hoạt động trong lao động, sinh hoạt của con người (Múa Vãi chài).
Múa quạt Pì diền
Múa quạt Pì diền (múa chim công, có nơi còn gọi là Chàm rông) là điệu múa dân gian phổ biến và được yêu thích của dân tộc Chăm. Điệu múa quạt Pì diền thường được biểu diễn trong những ngày vui, ngày lễ hội của người Chăm. Nếu như điệu múa dân gian nhảy lửa là điệu múa chỉ dành riêng cho nam thì điệu múa quạt Pì diền lại chỉ dành riêng cho nữ. Các động tác múa quạt Pì diền điển hình cho phong cách, đặc điểm, tính chất múa Chăm. Nhiều động tác múa quạt trong nghệ thuật múa Chăm được nảy sinh từ các động tác múa quạt Pì diền. 
Múa quạt Pì diền được người Chăm sáng tạo trên cơ sở những động tác, điệu bộ của con chim công. Ở điệu múa này, phương pháp cải biên nâng cao của nghệ thuật múa được sử dụng rất hiệu quả. Từ những hình ảnh và động tác của những con chim công trong tự nhiên, chỉ với hai chiếc quạt bằng đôi tay điêu luyện khéo léo của nghệ sỹ đã cải biên, nâng cao để thể hiện được hình ảnh con chim công khi thì nhẹ nhàng xòe ra đôi cánh của mình, khi thì bay lượn trong không trung. Điểm đặc trưng của múa quạt Pì diền là “bật”, “hất”, “nẩy” cổ tay. Sự vận động của động tác múa quạt Pì diền:
Hai tay cầm quạt mở, mép quạt quay vào nhau, mặt quạt vát xuống, khung tay duỗi tròn, để cách hông khoảng 10 phân. “Bật”, “hất”, “nẩy” cổ tay để nhấn mũi quạt lên ba lần. Thu khủyu tay, kéo quạt về trước bụng, đồng thời mở quạt, hai mép quạt mở sát nhau tạo thành hình chữ V. Sự vận động này dựa trên chuyển động đóng mở đuôi của con chim công nhưng đã được cải biên, nâng cao với hiệu ứng nhún của phần chân để tạo cảm giác mềm mại, độ nghiêng của đầu để tạo cảm giác duyên dáng của những cô thiếu nữ Chăm.
Múa vãi chài
Điệu múa hát vãi chài là điệu múa mang dấu ấn của một dân tộc sống bằng kinh tế biển. Điệu múa vãi chài mô là một câu chuyện về lao động và chiến đấu với thiên nhiên của người Chăm trên biển được tái hiện bằng nghệ thuật múa hát. Mở đầu bằng tiết tấu trống dồn dập, các chàng trai xuất hiện, múa những động tác chèo thuyền, mang lưới, quăng lưới, bắt cá, kế đến là đoạn múa ngả nghiêng, bơi, cản nước… diễn tả sự chống chọi với phong ba bão táp nổi lên, sóng to ập đến, nước cuốn trôi. Những động tác từ trong lao động qua bàn tay của nghệ sĩ đã được cải biên, nâng cao để đi vào ngôn ngữ múa. Những động tác quăng lưới, chèo thuyền, bơi, cản nước không còn đơn thuần là những động tác lao động mà trong nó còn thể hiện ý chí, quyết tâm của người dân lao động cần cù chịu khó, dũng cảm chiến đấu chống lại thiên tai. Tiết tấu trở nên mạnh mẽ, dữ dội, âm nhạc xáo động, tạo ấn tượng hỗn loạn; cuối cùng bằng sự can đảm, quyết tâm những chàng trai đã vượt qua nguy nan để chiến thắng. Trời quang mây tạnh, chiếc thuyền bình yên trở về. Có thể nói với điệu múa hát vãi chài, từ những hoạt động hàng ngày trong lao động, sinh hoạt, nghệ nhân múa Chăm đã cải biên, nâng cao, để đưa vào trong ngôn ngữ múa, nghệ thuật múa ý chí, tinh thần của người Chăm. 
2.2. Phương pháp cải biên nâng cao trong các tác phẩm múa Chăm biểu diễn thành công trên sân khấu múa chuyên nghiệp
Trong các tác phẩm múa Chăm biểu diễn thành công trên sân khấu múa chuyên nghiệp có thể kể đến: “Những cô gái Chăm”, “Khát vọng”, “Khúc biến tấu từ pho tượng cổ”, “Những cánh hoa Chàm”, “Thiếu nữ Chăm”, “Huyền thoại mẹ lúa”, “Đoa pụ” (còn gọi là múa Đội nước)… Trong đó, “Khúc biến tấu từ pho tượng cổ” của PGS.TS.NSND. Ứng Duy Thịnh và “Những cánh hoa Chàm” của NGND. Phạm Minh Phương là hai minh chứng rõ nét cho việc sử dụng phương pháp cải biên nâng cao để tạo ra sự mới lạ, độc đáo cho tác phẩm.
Múa “Khúc biến tấu từ pho tượng cổ”
Biên đạo: PGS.TS.NSND. Ứng Duy Thịnh
Âm nhạc: NSND. Đặng Hùng
Sáng tác năm: 1983
Chưa từng đặt chân tới những tháp Chăm, chưa từng tận mắt chiêm ngưỡng những bức phù điêu, những pho tượng cổ Chăm, nhưng NSND. Ứng Duy Thịnh đã tìm ra con đường cho riêng mình để rồi tác phẩm của ông đã được khán giả trong và ngoài nước hoan nghênh nhiệt liệt. NSND. Ứng Duy Thịnh đã phải dày công nghiên cứu những tác phẩm điêu khắc Chăm để tìm ra cái “động” của múa trong cái “tĩnh” của những pho tượng, những bức phù điêu. Theo ông, những pho tượng mang trong nó dấu ấn văn hóa của một dân tộc; là hình ảnh cô đọng, tiêu biểu của những giá trị, những đặc điểm tín ngưỡng tôn giáo, quan niệm thẩm mỹ của người Chăm. Ông đã tìm ra đặc điểm của những pho tượng Chăm. Đó là tính uốn lượn gấp khúc của các tư thế, tạo hình, là những đường cong mềm mại, quyến rũ và đặc biệt là những pho tượng Chăm ít có những dáng tay, dáng chân thẳng cứng.
Từ những đặc điểm đó, ông đã sáng tạo cho tác phẩm “Khúc biến tấu từ pho tượng cổ” của mình một ngôn ngữ tác phẩm độc đáo vừa có tính truyền thống vừa mang hơi thở của thời đại.
 Để chuyển từ bức tượng “tĩnh” thành “động”, từ ngôn ngữ điêu khắc sang ngôn ngữ múa, NSND. Ứng Duy Thịnh đã dựa trên những đặc điểm phong cách chủ yếu của các pho tượng cổ Chăm phát triển ngôn ngữ tác phẩm múa của mình. Một pho tượng chỉ luôn ở một vị trí nhất định nhưng khi chuyển thành ngôn ngữ múa, tác giả đã sử dụng phương pháp cải biên, nâng cao để phát triển ở mọi tầm: cao - thấp, xa - gần, mạnh - nhẹ khác nhau để bức tượng có sức sống hơn. Đặc biệt, trong tác phẩm múa “Khúc biến tấu từ pho tượng cổ” ngoài việc khai thác các ngôn ngữ tạo hình trong điêu khắc Chăm, NSND. Ứng Duy Thịnh đã kết hợp một cách hài hòa yếu tố luật động trong nghệ thuật múa cổ điển châu Âu, biến thành tựu nghệ thuật múa của các nước phương Tây thành công cụ phục vụ cho nghệ thuật múa nước nhà. Phương pháp cải biên nâng cao với sự kết hợp tinh tế của múa dân gian Chăm với múa cổ điển châu Âu đã hòa quyện và ngôn ngữ múa ballet cổ điển châu Âu trở thành ngôn ngữ múa Chăm, mang sắc thái văn hóa Chăm. Đó là những bước nhảy assemblé, jeté được Chăm hóa bằng độ chùng ở đầu gối và móc cổ chân.
Tác phẩm được kết cấu thành 2 đoạn: 
             A-------------------B
Đoạn 1: (Âm nhạc chậm) Pho tượng cổ im lìm trong tiếng trống bỗng dần thức dậy sau bao năm tháng trầm tư, hoài niệm. Sự chuyển động từ những cánh tay của thần Siva với phần cổ tay bật mạnh, dứt khoát tạo cảm giác uy nghiêm và sức mạnh của vị thần. Pho tượng chuyển mình, từ một hóa thân thành ba. Động tác vừa mềm mại vừa dứt khoát, vừa kính cẩn vừa nghiêm trang. Đặc biệt động tác gập lưng cúi xuống sát chân (chân thế 5) kết hợp với động tác tay tạo cảm giác như có một hơi thở, một luồng sinh khí đang cuộn chảy trong mỗi pho tượng.
Đoạn 2: (Âm nhạc chuyển tiết tấu nhanh) Các pho tượng như hồi sinh, tràn trề sức sống. Động tác múa được đẩy nhanh, dồn dập đội hình di chuyển linh hoạt từ đội hình hàng ngang sang đội hình vòng tròn, đội hình mũi tên... theo các hướng linh hoạt như hướng 1, hướng 2, hướng 4, hướng 6, hướng 8... Các pho tượng đang chuyển động nhanh, linh hoạt bỗng đột ngột dừng lại trong vài giây. Hiệu quả của thủ pháp đột biến trong tình huống này tạo người xem cảm giác như bừng tỉnh trở về với thực tại. Âm nhạc chậm lại, điệu múa như chùng xuống để rồi lại rực sáng lên, lóe lên ánh sáng cuối cùng, hơi thở cuối cùng và các pho tượng trở lại tạo hình ban đầu để đưa người xem ra khỏi giấc mơ về một khúc biến tấu từ pho tượng cổ.
Múa “Những cánh hoa Chàm” 
            - Biên đạo: NGND. Phạm Minh Phương
            - Âm nhạc: Y Vân
            - Sáng tác năm: 1990
“Những cánh hoa Chàm” là một trong những tác phẩm của NGND. Phạm Minh Phương để lại ấn tượng sâu sắc đối với khán giả yêu múa. Trong một lần đi thực tế tại Nha Trang, ghé thăm Tháp Bà, chiêm ngưỡng các pho tượng Apsara, NGND. Phạm Minh Phương thật sự ấn tượng bởi các giá trị văn hóa nghệ thuật mà người Chăm đã sáng tạo. Đặc biệt, pho tượng nữ thần Pô Inư Nagar - thần mẹ xứ sở của người Chăm với hàng trăm cánh tay đã mang lại cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho bà.Với con mắt của nghệ sỹ, bức tượng nữ thần Pô Inư Nagar giờ đây không chỉ là hình ảnh của một người mẹ xứ sở tay trồng lúa, tay dệt vải, tay đan lưới... tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người Chăm mà còn là một hình ảnh đầy thi vị. Những cánh tay như những cánh hoa nở dần trong sương sớm, làm đẹp cho đời, cứ nở mãi, nở mãi không bao giờ rụng. 
Sử dụng hệ thống động tác tay trong múa dân gian Chăm để thể hiện tác phẩm, nhưng NGND. Phạm Minh Phương không sử dụng một cách đơn thuần mà đã cải biên, nâng cao để đưa ra những luật động mới nhằm tạo được sự độc đáo, hấp dẫn cho người xem. Đó là chuyển động úp 2 cổ tay vào nhau, kết hợp với đánh vai và nhún chân tạo ra sự duyên dáng gợi cảm mà huyền bí.
Tác phẩm được kết cấu làm 3 đoạn: 
        A--------------------B--------------------A’
Đoạn 1: Trong buổi sáng sớm, từng cánh hoa nở dần, nở dần thật khẽ khàng, e ấp. Những cánh hoa tượng trưng cho các cô gái Chăm xinh đẹp uốn mình trong sương sớm, khoe sắc dưới ánh nắng ban mai. Trong đoạn này, NGND. Phạm Minh Phương khai thác cải biên và phát triển các tạo hình của pho tượng nữ thần Pô Inư Nagar và các pho tượng Apsara với sự phô diễn các đường cong. Theo quan điểm của người Chăm, vẻ đẹp của người phụ nữ gắn với sự tròn trịa, đầy đặn, gắn với khả năng sinh nở như phần thắt lưng nhỏ, hông nở rộng, ngực đầy đặn. Đặc biệt, luật động mở được khai thác nhiều trong đoạn này làm cho động tác dài rộng hơn, thoáng hơn.
Đoạn 2: Âm nhạc chuyển nhanh, với tiết tấu giật xanh cốp như hòa cùng nhịp múa, bước chân của các thiếu nữ Chăm. Trong đoạn này, vẻ đẹp của các cô gái Chăm, những cánh hoa Chăm còn là vẻ đẹp hồn nhiên, sự linh hoạt, vui tươi, rộn ràng với động tác mạnh mẽ, dứt khoát. Sự chuyển động của từng phần cơ thể, từ dập bàn chân đến lắc hông, lắc vai đã khắc họa sự nhí nhảnh đáng yêu của các cô gái. Sự mạnh mẽ, dứt khoát trong từng động tác như còn nhằm nói lên tinh thần, bản lĩnh khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại của người Chăm.
Đoạn 3: Trở về với chủ đề đầu. Những bàn tay như những cánh hoa muốn thu về. Rồi những cánh hoa lại nở tròn xòe ra thể hiện sự viên mãn, thể hiện ước vọng của người Chăm về các giá trị chân - thiện - mỹ.
Nghiên cứu và trải nghiệm văn hoá Chăm một cách sâu sắc, NGND. Phạm Minh Phương đã sử dụng phương pháp cải biên, nâng cao để đưa những hình ảnh Chăm, cuộc sống Chăm vào trong tác phẩm múa của mình.
Trang phục trong điệu múa “Những cánh hoa Chàm” dựa trên trang phục từ các pho tượng cổ với kiểu nhấn hở phần bụng, NGND. Phạm Minh Phương đã cải biên, kết hợp thêm vào phần váy những tà cong lượn như những cánh hoa. Màu sắc của trang phục là màu vàng. 
Có thể nói, sự thành công của các tác phẩm múa trên là sự đầu tư nghiên cứu, sáng tạo của các biên đạo để cải biên, phát triển ngôn ngữ múa Chăm, đưa múa Chăm đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật.
Nghệ thuật múa dân tộc Chăm là một di sản văn hóa quý báu của dân tộc, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - xã hội, giá trị nghệ thuật sâu sắc. Bảo tồn và phát triển múa Chăm không chỉ là nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm múa mà còn phải bổ sung thêm những yếu tố mới góp phần làm phong phú thêm cho vốn di sản văn hóa ấy. Ngày nay, nhiều nhà biên đạo múa đã nghiên cứu và tìm ra hướng đi mới nhằm phát triển nghệ thuật múa Chăm. Đó là sự cải biên nâng cao, kết hợp với yếu tố tiên tiến làm cho tác phẩm múa mang hơi thở và nhịp sống hiện đại mà không làm mất đi cái bản sắc, cái riêng của nghệ thuật múa Chăm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lê Ngọc Canh (1998), Múa tín ngưỡng dân gian Việt Nam: Một số dân tộc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Đặng Hùng (1998), Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật múa cung đình Chăm, Nxb Tp HCMinh, Tp. HCM.
Inrasara (1999), Các vấn đề văn hoá xã hội Chăm, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
Ngân Quý (2007), Vấn đề kế thừa và phát triển múa dân gian Việt Nam, Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, Hà Nội.
Nguyễn Khánh Ngọc
Theo http://www.spnttw.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tìm về Bến My lăng Tôi nghe nhiều người nhắc đến bài thơ Bến My Lăng của Yến Lan. Ừ! Sao người ta yêu thích bài thơ này đến thế nhỉ? N...