Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Thơ hay trong quan niệm của tôi

Thơ hay trong quan niệm của tôi
Từ sau 1975, đặc biệt là từ 1986 đến nay Đổi mới thơ Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của giới sáng tác, lý luận, phê bình và đông đảo bạn đọc. Đã có nhiều ý kiến sâu sắc có tác dụng gợi mở cho công việc sáng tác và tiếp nhận thơ đương đại. Theo dõi các bài viết, chúng tôi thấy một ý kiến khá thống nhất. Đó là Đổi mới thơ rút cục phải có thơ hay. Khó có thể đồng ý với nhà thơ Hoàng Cầm khi ông cho rằng: “Tôi lên đường nghĩa là tôi đã đến” (Báo Văn nghệ số 39, 24-9-1994). Thơ hay là một giá trị thẩm mỹ cụ thể, có thể thưởng thức một cách “khoái trá” như người xưa nói.
Nhưng thế nào là thơ hay?
Trả lời câu hỏi này không đơn giản do sự phân hóa về thị hiếu, quan điểm thẩm mỹ. Lưu Hiệp - nhà thi học cổ điển Trung Hoa đã phân tích rất rõ điều này trong cuốn Văn tâm điêu long: “Người khảng khái gặp được âm điệu kích ngang thì vỗ nhịp. Người hàm súc gặp bài văn chặt chẽ cứ theo đi. Người hời hợt thấy văn chương màu mè đã rung động. Người ưa tân kỳ được câu thơ lạ cứ thích nghe. Hợp mình thì ngợi khen, khác mình thì bỏ mặc”. Sự phân hóa về thị hiếu, quan điểm thẩm mỹ càng trở nên phức tạp cùng với sự phân hóa về các mặt văn hóa, xã hội. Cuộc sống đương đại đã trở nên vô cùng phong phú, phức tạp. Khi cánh cửa nhìn ra thế giới rộng mở, các quan điểm, trường phái thơ thế giới cũng theo đó mà ảnh hưởng vào Việt Nam. Những tranh luận quyết liệt xung quanh các xu hướng “thơ hiện đại”, “hậu hiện đại”, “tân hình thức”… trong thơ hôm nay là ví dụ tiêu biểu.
Tuy vậy, cũng lại phải thừa nhận rằng, thơ dù có hàng ngàn vạn nhánh phát triển thì cũng chung một gốc là nghệ thuật ngôn từ và phải là thơ trong bản chất. Thơ không chấp nhận bán thành phẩm và các loại hàng giả dù tinh xảo đến mấy. Có thể kể ra mấy tiêu chí đã trở thành bản chất của thơ để phân biệt với những văn bản không phải là thơ và phân biệt với các loại hình nghệ thuật ngôn từ khác. Đó là thơ phải có tính nhạc, phải giàu tính nghệ thuật, kết hợp, tổ chức ngôn từ theo nguyên tắc “lạ hóa”… Trên cơ sở chung ấy có khoảng tự do mênh mông cho sáng tạo. Có bao nhiêu nhà thơ chân chính thì cũng có bấy nhiêu cách cảm nhận thế giới, cảm nhận con người và cách thể hiện nghệ thuật khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú muôn mặt của thơ. Sự đa dạng đó không loại trừ cái chung trong quan niệm về thơ hay. Sự khác biệt thậm chí đến mức đối lập thường chỉ mang tính thời gian. Thơ tượng trưng, siêu thực của Hàn Mặc Tử, Bích Khê từ sự tri âm của Hoài Thanh, Chế Lan Viên dần dần đã được đông đảo người đọc tiếp nhận.
Điểm gặp gỡ có được trong quan niệm về thơ hay, theo chúng tôi là xuất phát từ các nguyên lý: “Không có gì thuộc về con người lại xa lạ đối với tôi” và “Nghệ thuật sáng tạo theo quy luật của cái đẹp”.
Thơ hay dù cao siêu, tân kỳ đến mấy cũng sẽ đến được với độc giả nhờ khả năng đồng cảm kỳ diệu của con người, trước hết là của những người có cảm quan tinh tế và am hiểu thơ ca hàng đầu. Thơ vô cùng phong phú. Nhưng tôi cho rằng thơ hay là thơ đẹp về phẩm chất nhân bản trong nội dung trữ tình, đẹp bởi những ý tưởng minh triết về đời sống, đẹp về ngôn ngữ và sáng tạo về thi pháp. Mỗi bài thơ hay có một vẻ đẹp độc đáo, không lặp lại nhưng nhìn chung có thể quy về mấy trường hợp chính sau đây.
1. Thơ hay là thơ xúc động lòng người bằng phẩm chất trữ tình cao đẹp và cường độ cảm xúc mãnh liệt.
Thi sĩ làm thơ khi có điều gì đó không viết ra không được. Thơ là giải thoát, giải thoát những suy tư, cảm xúc, tâm trạng, kinh nghiệm thẩm mỹ… chất chứa trong lòng. Trạng thái cân bằng, vừa phải trong cảm xúc là điểm chết của thơ. Thương người như Nguyễn Du đã thương Kiều, đã thương “thập loại chúng sinh”; yêu như Xuân Diệu đã yêu trong “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”; ghét thói tục như thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Maicovxky… đó là thơ hay. Cái đẹp ở đây nghiêng về cái đẹp của nội dung trữ tình. Câu thơ “Đòn gánh tre chín rạn hai vai” của Nguyễn Du trong “Văn tế thập loại chúng sinh” đẹp ở tấm lòng nhà thơ đối với những kiếp người lao khổ. Câu thơ “Cầu cho em được người tình như anh đã yêu em” của A. Pushkine làm ta xúc động bởi vẻ đẹp cao thượng của tâm hồn thi sỹ. Các thời đại đi qua nhưng trái tim con người có những hằng số, trong đó có sự xúc động trước cái đẹp, cái cao thượng. Thơ hay đi từ trái tim đến trái tim. Giản dị đến tận cùng là câu thơ dân gian:
Người về em có dặn rằng:
Nơi hơn người kết, nơi bằng đợi em!
Giản dị vậy thôi mà làm nao lòng hết thảy mọi người Việt Nam.
Thơ hay được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, mà đẹp trước hết là ở nội dung trữ tình. Những bài thơ dung tục bị phản ứng chính vì lẽ đó. Người đọc hôm nay có thể gạt bỏ thói đạo đức giả để chia sẻ những cuốn sách, những thông tin khoa học về tình dục một cách bình thường, nhưng lại dị ứng với những vần thơ về quan hệ nam nữ một cách trần trụi. Dị ứng của người đọc ở đây có nguyên nhân ở quy ước thể loại. Không có tài thơ nào đủ bào chữa cho việc kéo tình yêu của con người xuống hàng quan hệ động vật. Nguyễn Bỉnh Khiêm quan niệm: “Thơ lấy điều chí thiện làm tiêu chuẩn tuyệt đối”. Chủ nghĩa nhân đạo mỗi thời có những nội dung khác nhau nhưng không ngoài nguyên tắc cảm thông, tôn trọng, nâng đỡ con người, vươn tới chân, thiện, mỹ. Trong thơ Việt Nam đương đại không hiếm những bài thơ xúc động về mẹ, về quê hương, đất nước, về tình yêu làm xúc động người đọc một cách sâu sắc. Chủ nghĩa nhân văn là nguồn mạch muôn đời của thơ. Chả có lý do gì để lánh xa nguồn mạch đó chỉ vì để mà “mới”.
2. Thơ hay là thơ sâu sắc, lóe sáng những tư tưởng minh triết về đời sống.
Thoạt kỳ thủy văn học của loài người nằm trong một hợp chất văn - sử - triết bất phân. Một phần không nhỏ thơ của các thi hào R. Tagor, B. Brecht, R. Gamzatov, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… đậm chất minh triết. “Di cảo thơ” của Chế Lan Viên được đón đọc vì đó là tiếng nói của con người cuối đời nhìn lại, nhận thức lại bao điều từng giả trang chân lý trong cuộc sống. Vẻ đẹp của thơ “minh triết” là vẻ đẹp của chân lý được cảm nhận từ chính sự từng trải máu thịt của nhà thơ trước cõi đời, cõi người. Loại thơ này khác với thứ thơ lý sự khô khan hoặc phát ngôn cho những tư tưởng được “bao cấp” ở bên ngoài nhà thơ mà đôi khi ta nhầm tưởng là “thơ trí tuệ”. Một số nhà lý luận, nhà thơ hiện đại trên thế giới và kể cả ở ta đang lớn tiếng đòi đuổi trí tuệ ra khỏi vương quốc của thơ ca. Một nhà thơ phương Tây đã viết: “Vai trò của trí tuệ trong thơ cũng giống như vai trò của cô giáo đối với một ả đại giang hồ”. Viết vậy đọc rất vui nhưng không đúng với thực tế thi ca nhân loại. Trí tuệ và cảm xúc là hai cánh của con chim thi ca. Vấn đề là thể hiện trí tuệ trong thơ như thế nào mà thôi.
 Điểm tựa của những người ra sức phủ nhận trí tuệ trong thơ, là lý thuyết vô thức trong sáng tạo nghệ thuật của S. Freud: “Quan niệm về hoạt động tinh thần vô thức lần đầu tiên cho phép ta có được khái niệm về thực chất hoạt động sáng tạo của nhà thơ” (S. Freud: Gesammelte verke, B. d. x London, 1950, tr. 76). Đây là một tư tưởng cực đoan, không đúng với thực tế sáng tạo của nhà thơ. Vô thức (và cả tiềm thức, trực giác nữa) có tham gia vào việc hình thành tác phẩm, nhưng vai trò chủ yếu vẫn là trí tuệ và cảm xúc của nhà thơ.
Trên báo Văn nghệ số 8 (ngày 22 - 2 - 1990) nhà nghiên cứu Hoàng Thiệu Khang cho rằng: “Với thơ ca mà giương cao ý thức thì đó chỉ là sự tự hủy bản chất thể loại” và tiên đoán: “Thế kỷ XXI thơ ca sẽ là một dòng tinh thần hồn nhiên lấp lánh chất tiềm thức nguyên khởi”. Vừa sáng tác vừa phát biểu, Hoàng Hưng cổ vũ cho lối thơ “vụt hiện”. Thơ vô thức, “thơ vụt hiện” có thể là những bông hoa lạ và hãy cứ để những bông hoa ấy tự tỏa hương sắc bí ẩn nếu nó thật sự là thơ. Điều đáng nói là ngả đường tìm tòi này không hứa hẹn bao nhiêu sự gặt hái. Trong thơ của nhóm “Xuân Thu nhã tập” (1942) may ra người đọc còn nhớ được bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Ở thời điểm hiện nay, khi con người Việt Nam đang phải căng óc ra để tìm đường cho sự phát triển có lẽ cần đến thứ thơ sáng suốt hơn chăng? Xu hướng “thơ hiện đại” hôm nay có tác dụng kích thích sự tìm tòi và tính sáng tạo của chủ thể. Nhưng xem đó là loại thơ duy nhất mà nền thơ Việt Nam phải hướng tới thì thật vô lý.
Thơ truyền thống Việt Nam nghiêng về trữ tình. Từ phong trào Thơ mới trở đi yếu tố trí tuệ đã dần được tăng cường do con người hiện đại quen sống với tư duy phân tích, nhận thức, khái quát hóa. Những câu thơ minh triết cổ kim, Đông Tây luôn làm ta yêu thích:
- Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống
(Marat)
- Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút ấy sang tôi phút này
(Đi thuyền - Xuân Diệu)
- Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)
Có thể nói trí tuệ trong triết học là trí tuệ của cái đầu, trí tuệ trong thơ là trí tuệ của trái tim.
3. Thơ hay là thơ mới lạ, sáng tạo về nghệ thuật.
 Lịch sử thi ca cũng là lịch sử của sự tìm tòi những biện pháp nghệ thuật mới, bởi vì trong bản chất, thơ không cho phép lặp lại. Thơ và văn học nói chung luôn luôn đặt ra vấn đề “nói cái gì?” và “nói bằng cách nào?”. Trong thơ “nói bằng cách nào?” có một tầm quan trọng đặc biệt. Đỗ Phủ từng trăn trở: “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu”. Có tư tưởng sâu sắc, cảm xúc đẹp chưa đủ mà những yếu tố nội dung đó cần chan hòa trong một hình thức thơ đẹp như ánh nắng chan hòa trong pha lê. Một bài thơ hay phải là một sinh thể nghệ thuật toàn vẹn, hay ở mọi phương diện. Nói rõ hơn là:
- Bài thơ hay thường có tứ thơ mới lạ.
Tôi nhớ mãi một bài thơ chống chiến tranh phát xít của Bertol Brecht chỉ gồm 2 câu:
Hôm nay những lứa đôi yêu nhau
Ngày mai những đứa trẻ mồ côi ra đời.
Thật là độc đáo!
Tứ thơ như thiết kế của một công trình kiến trúc. Mọi thành phần kết cấu đều tập trung cho ý đồ nghệ thuật, không thiếu, không thừa. Koleritgiơ đã viết: “Một bài thơ hay là những ngôn từ sáng giá trong một cấu trúc hoàn hảo”. Tứ thơ cho thấy rất rõ tài năng của nhà thơ.
 - Bài thơ hay thường có nhạc tính độc đáo.
 Thơ lãng mạn và đặc biệt là thơ tượng trưng rất quan tâm đến nhạc tính của thơ. Bàn về thơ, Mallarmé cho rằng: “Nhạc phải đi trước mọi sự”. Các bài thơ bình thanh của Bích Khê như: Hoàng hoa, Tỳ bà có một chất nhạc rất lạ và hấp dẫn. Còn có thể dẫn ra rất nhiều bài thơ hay có nhạc tính độc đáo như: Say (Vũ Hoàng Chương), Màu thời gian (Đoàn Phú Tứ), Nguyệt cầm (Xuân Diệu)… Có một thực tế là khi đọc thơ hiện đại nhiều bài ta chưa kịp hiểu thì đã bị nhạc tính của bài thơ lôi cuốn, hấp dẫn.
- Bài thơ hay thường có ngôn ngữ thơ mới lạ.
Thơ là nghệ thuật ngôn từ. Nhà thơ là nghệ sĩ ngôn từ. Thơ không chấp ngôn ngữ quen thuộc đến sờn mòn. Mới lạ là yếu tính của thơ. Đã có hàng triệu câu thơ về tình yêu, Maiacovsky vẫn tìm được cách nói mới:
Anh yêu em
Như người thương binh yêu cái chân còn lại của mình.
Có nhiều câu thơ găm vào trí nhớ của ta như vậy:
- Từ trời xanh rơi vài giọt tháp Chàm
(Văn Cao)
- Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.
(Thu Bồn)
- Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời
(Trần Dần)
Một nguyên lý thường trực của thơ là ngôn ngữ phải lạ hóa. Thơ không chấp nhận ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ hàng ngày và rất kỵ lời nói thẳng. Có vô vàn thủ pháp nghệ thuật để lạ hóa ngôn ngữ thơ: Nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, cường điệu, nói giảm, nói vòng, động từ hóa tính từ…
Thơ đồng nghĩa với sáng tạo và sáng tạo thì nới rộng đường biên lãnh địa thơ. Nghĩ về Bích Khê, Chế Lan Viên đã viết: “Có những người làm thơ. Lại có những người vừa làm thơ vừa đẩy thơ về phía trước. Khê thuộc loại thứ hai”. Các trường phái thơ hiện đại đã mở rộng quan niệm thơ, khám phá miền vô thức, tiềm thức, tâm linh, bản năng và chấp nhận cả cái phi lý. Đó là thứ thơ dành cho lớp người đặc tuyển. Cách đây nửa thế kỷ, Hoài Thanh - Hoài Chân đã viết: “Chúng ta cần một thứ thơ không chỉ dành cho một bọn người có học mà làm nao lòng hết thảy mọi người Việt Nam” (Thi nhân Việt Nam). Ngày hôm nay chúng ta có thể nghĩ khác. Thơ là một hiện tượng nghệ thuật, mà đặc trưng của nghệ thuật là sự đa dạng, phong phú. Hãy cứ để cho mọi tài năng, mọi khuynh hướng được tự do nảy nở và phát triển. Đó mới là đổi mới thật sự.
Cũng cần xem lại một số phát biểu mang tính tranh luận. Chế Lan Viên khi bàn về thơ đã viết: “Phân chia bờ cõi thơ bằng hai chữ mới, cũ chẳng có ý nghĩa gì”. Voznexenxky - nhà thơ Nga hiện đại cũng cho rằng: “Không có mới và cũ, chỉ có tài và bất tài mà thôi. Ai có tài thì người đó mới”. Theo chúng tôi, vấn đề không đơn giản như vậy. Có nội dung thời đại thì cũng có hình thức của thời đại. Nhu cầu thẩm mỹ của bạn đọc luôn luôn có tính lịch sử. Cùng một cô gái đẹp nhưng ăn vận áo tứ thân, nón thúng, quai thao và diện “model 2016” cho ta hai vẻ đẹp khác nhau: Một cái đẹp đã thuộc về quá khứ và một cái đẹp cho hôm nay. Thơ cũng vậy. Tuổi trẻ hôm nay không ai tỏ tình bằng ca dao: “Đến đây mận mới hỏi đào/ Vườn hồng có lối ai vào hay chưa? hay làm một bài thơ thất ngôn bát cú. Để diễn tả cảm xúc yêu đương thơ hôm nay sẽ có cách nói khác, phù hợp với tâm lý cảm nhận của người đọc hiện đại.
Chúng ta đang chứng kiến một sự đổi mới toàn diện đất nước trong đó có văn học. Việt Nam đang vươn lên hòa nhập vào thế giới hiện đại. Con người Việt Nam hôm nay có khát vọng và tâm lý mới. Con người đô thị hiện đại với tất cả sự tồn tại phong phú, phức tạp đầy kịch tính của nó đang được văn học quan tâm thể hiện. Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ vừa có mặt tiếp tục truyền thống, vừa vượt lên để đạt tới tầm cao của con người đầu thiên niên kỷ mới. Chắc chắn đó không phải là con người mang chủ nghĩa cá nhân cực đoan mà tìm sự hòa hợp với cộng đồng, với cái ta nhân loại. Con người mới sẽ không phải là con đà điểu rúc đầu vào các loại ảo tưởng hoặc đống chữ nghĩa hỗn độn, phi lý mà vươn tới sự minh triết. Con người trong thơ hôm nay sẽ sống hết mọi chiều kích của mình. Theo chiều rộng, đó là tương quan nhân loại. Theo chiều sâu, đó là khám phá cái chưa biết, cái vô thức, tâm linh… 
Có nhu cầu, sẽ có đáp ứng nhu cầu. Nền thơ Việt Nam đang cần những tài năng có niềm say mê những tư tưởng nhân bản mới và tình cảm thiết tha với sự phục hưng dân tộc. Thiếu những tư tưởng, tình cảm lớn, sáng tác của nhà thơ sẽ chỉ còn là nghệ thuật bonsai. Tự do sáng tạo và ý thức trách nhiệm cao trước đất nước và dân tộc sẽ là điều kiện nảy nở những tài năng. Có thể tin ở điều đó, bởi vì “Tài năng bao giờ cũng sống trong nhân dân như tia lửa nằm trong đá lửa” (Stendahl).
Phạm Quốc Ca
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...