Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Yêu thương trong cõi tạm

Yêu thương trong cõi tạm *
Tập sách đầu tay có thể đánh dấu cho sự khởi đầu nghiệp văn và cũng có thể kết thúc nghiệp văn. Điều đó tùy vào sự tự trọng khi làm nghề của từng người. Một người viết văn có ý thức biết cách chăm chút ngay từ câu chữ đầu tiên, ngay từ cuốn sách đầu tay. Cái chuẩn mực đó khiến những người yêu sách có một thú vui tò mò là tìm những cuốn sách đầu tay của các tác giả trẻ. Khi đó, người đọc vừa thưởng thức như ăn một món lần đầu, vừa phán đoán như một người xem tướng, sau đấy là chờ đợi những bước đi tiếp theo.
Tôi có được ba cảm giác đó khi đọc một số truyện của Diệu Ái, tác giả trẻ Quảng Trị. Lúc đầu, truyện Ái có vẻ như quen quen với một giọng văn xứ sở miệt vườn nào đó. Nhưng rồi Ái đã khẳng định được giọng văn của mình bằng sự mộc mạc, chân thành và dùng ngôn ngữ của chính quê hương mình. Rồi khi cầm tập truyện ngắn Mưa từ cõi tạm do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM ấn hành thì mới hay Ái còn là người kiên trì, bền bỉ giữ giọng văn và nhất quán giọng kể trong tất cả các truyện. 
Để giữ được người đọc đi hết một cái truyện ngắn đã khó, huống nữa là hết một tập sách, nó đòi hỏi người kể chuyện cần có ngôn ngữ và biết cách sắp xếp tình tiết. Diệu Ái nhẩn nha kể tự nhiên, mỗi đoạn văn tự thân đã là một câu chuyện có thắt mở, khiến người đọc tò mò muốn biết cái đoạn tiếp theo. Cái đó gọi là người kể chuyện có duyên. 
Văn chương hiện đại thoát khỏi lối kể chuyện truyền thống. Mỗi truyện ngắn đương đại có khi không cần tứ truyện mà chỉ có văn. Truyện của Diệu Ái kết hợp được lối kể chuyện tuyến tính truyền thống, có bố cục và tứ truyện rõ ràng, đồng thời nhiều đoạn xen vào chỉ có văn mà không có tứ vẫn ăn nhập vào truyện. “Sau này, những vết thương như tấm áo cũ sẽ có ngày bung chỉ vì năm tháng nhưng rồi cảm giác đau ắt sẽ nguội dần” (Mùa mộng mơ). 
Điều thường gặp ở các cây bút trẻ là ưa đưa triết lý vào tác phẩm, nó là một phương thức như dao hai lưỡi. Có khi trau chuốt được cho cả một truyện ngắn, và cũng có khi cắt đứt mạch văn. Diệu Ái khá cẩn trọng khi đưa những triết lý kiểu châm ngôn vào truyện, đủ để người đọc gật gù khen như thế là khéo. Trong truyện Mưa từ cõi tạm, khi kể chuyện người đời đến chùa thường ân cần với những đứa trẻ khôi ngô mà bỏ qua những đứa khiếm khuyết, Ái viết: “Tình người tưởng như chan chứa mà nhiều khi cũng được phân loại và chọn lọc”. Đấy là một câu nhận định như đánh trúng vào tâm ý người đọc. À, hóa ra lâu nay ta cũng vậy.
Nếu lấy một nét chung về chủ đề tập truyện này, thì đó là tình người – một hàm nghĩa rộng nhưng gói gọn lại trong hai chữ nhân ái. Tình yêu thương giữa những con người trong một không gian chật hẹp: một lối đi nhỏ trong truyện Xứ Cùa vơi gió, một hàng chè tàu trong Sông còn khắc khoải câu hò, một chỗ ngồi khuất tối trong Người bán lộc… Và đấy là những truyện ngắn thành công viết về quê nhà Quảng Trị, mảnh đất nhỏ hẹp nhưng bao la tình người. Mỗi một vùng đất quê hương được tác giả lẩy ra một cái tứ riêng gắn liền với nét văn hóa tập tục. Qua truyện ngắn giới thiệu được với bạn đọc về quê nhà của mình, cũng là một cách tri ân mảnh đất nơi mình được sinh ra. 
Nhân vật trong truyện của Diệu Ái là những người giản dị, chân chất quê mùa, vẻ như đáng thương, vẻ như cam chịu. Lòng chung thủy, sự vị tha biểu trưng cho tính cách con người nơi mảnh đất gian khó. Những thân phận đàn bà cố gắng nhẫn nhịn, gắng gượng đợi chờ và chịu đựng đớn đau. Đấy là những người không ý thức nữ quyền, hay đấy là sự thật khách quan mà những người phụ nữ trên mảnh đất này muốn chấp nhận. Cái hay của Diệu Ái là không đẩy sự đau khổ đến thê lương, cứ thản nhiên thong dong như kiểu đàn bà là phải thế, cứ mặc nhiên coi đau khổ cũng là một vị thức và mòn mỏi đợi chờ đôi khi là niềm hạnh phúc. Và điều này dễ thấy khi đọc hết mỗi truyện của Ái, cái kết truyện luôn khép kín tròn trịa. Một cuộc gặp lại tình nhân cũ tưởng vui vẻ hân hoan, một cuộc đoàn viên sum họp tưởng đầm ấm, lại diễn ra khi hai người vừa thuộc về hai thế giới. Phải chăng niềm vui thường đến muộn, phải chăng hạnh ngộ thường mong manh, như cái vô thường trong cuộc đời. Có lẽ đấy cũng là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc. Ngay từ tên tập sách “Mưa từ cõi tạm” đã có một dự cảm rằng sau bìa sách là một chuỗi các truyện ngắn phảng phất nỗi u hoài về bản ngã đời sống, về tự tính sắc không thoáng chốc. Đời ngắn nên gọi là cõi tạm. Đời ngắn nên được và mất đừng toan lo làm chi, cứ yêu thương trong từng phút giây hiện diện. 
Trong tập, những truyện ngắn viết về tình yêu đã thoát ra khỏi cái lối văn vẻ ướt át thường gặp ở những người mới viết. Bối cảnh không gian các truyện này thường có một khu vườn, một khóm hoa, một ban công… là những hình ảnh dễ thương, dễ gặp và cũng dễ miêu tả. Ái tả khá nhẹ nhàng, như dẫn người bạn đi xem một vòng cái vườn hoa nhà mình, rồi khi xong thì thốt ra một câu suy tư dửng dưng mà có ý. “Căn nhà đó ban công rộng, cổng vào nhà mùa này hẳn sẽ có hai lối bông cúc vàng ươm. Minh bảo sẽ trồng đủ hoa, mùa nào hoa nấy để em không còn thờ ơ với từng năm tháng đang trôi thế này” (Những giấc mơ trôi về một phía). Đọc những đoạn văn kiểu ấy, dễ thấy người viết yêu thiên nhiên, biết chăm chút thiên nhiên, và cả biết chăm chút câu chữ để thiên nhiên được đa nghĩa trong tác phẩm. 
Khu vườn trong tim là một truyện tình yêu có bố cục chặt. Đời sống sinh viên thơ mộng, nhẹ nhàng với những chi tiết ngộ nghĩnh dễ thương. Nhưng đối lập với ngoại cảnh là nội tâm nhân vật khá phức tạp. Nhìn ngoài trơn tru mát ngọt mà bên trong đau rát cồn cào. “Đau rồi mới nhận ra, bài học của tuổi trẻ, của tuổi hai mươi là đừng đánh giá người khác, đừng hoài nghi người khác khi mình chưa chắc chắn được điều gì”. Nhận định như thế là sâu sắc của một người đang chín trong tuổi trẻ của mình. 
Những câu tự nhiên thốt ra kiểu châm ngôn về lẽ sống, về tình yêu thương khá nhiều trong truyện của Ái. Và như đã nói ở phần đầu, kỹ thuật này phải chắc tay mới sử dụng được. Một cuốn sách đầu tay mà tác giả dám bày ra đấy một mâm đắc nhân tâm thì hẳn là tự tin, dám sống với triết lý của riêng mình. Và bạn đọc cũng có quyền hy vọng về một tác giả văn xuôi triển vọng, tâm huyết với nghề. 
* Mưa từ cõi tạm - Tập truyện ngắn - Tác giả Diệu Ái, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, 2016.
Trúc An 
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...