Có nhiều người bảo rằng Việt
Nam là một dân tộc lãng mạn. Cứ đọc ca dao của chúng ta để biết ra điều đó. Đêm
qua ra đứng bờ ao - Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ...
Và hãy đọc Kiều, Chinh Phụ
Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, để hiểu vì sao tình ca lại làm nên những bản anh hùng
ca: Áo chàng đỏ tựa ráng pha - Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in... Chiến
tranh lan rộng và hình ảnh người lính đẹp như thế đó. Và cũng lãng mạn vô cùng
trong giây phút chia tay dù có đau lòng xé ruột.
Cùng trông lại mà cùng chẳng
thấy - Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu - Ngàn dâu xanh ngắt một màu - Tình
chàng ý thiếp ai sầu hơn ai (Chinh Phụ Ngâm)
Nhạc tình muôn thuở
Buồn và đẹp bởi có lẽ ai
cũng hiểu rằng, ở nơi đâu tình ca biến mất, ở đó con người nhìn nhau không ra
người nữa. Tình ca dạy chúng ta cách yêu nhau và cả cách xa nhau nữa... Nhạc Tiền
chiến có thể coi là cái tên chung cho tất cả nhạc Việt Nam được viết trước năm
1954. Đó là thời kỳ phôi thai nhưng cũng mau chóng trở thành thời kỳ giàu có của
nền tân nhạc Việt Nam. Các tác giả và tác phẩm xuất hiện vào thời đó, đều tồn tại
cho tới hiện nay, và chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài nữa, vì như chúng ta đã thấy,
giá trị đã được xác định qua nhiều thế hệ, qua nhiều thử thách, qua sự thăng trầm
của lịch sử. Các thế hệ trẻ so với tuổi các tác phẩm, đã có lúc tỏ ra không
thích nhạc tiền chiến vì họ cho rằng nhịp điệu chậm quá. Nhưng tới một cái tuổi
nào đó họ lại yêu trở lại. Hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn.
Dĩ nhiên mỗi thời đại, người ta sống khác nhau, suy nghĩ khác nhau. Nhưng trở lại ngọn nguồn người ta dễ dàng gặp lại nhau. Âm nhạc là một ngọn nguồn kề cận nhất. Tình yêu là ngọn nguồn gần gũi nhất. Cũng không thể tách rời tình yêu ra khỏi quê hương được. Vì tình yêu cũng là tình hoài hương thu nhỏ.
Dĩ nhiên mỗi thời đại, người ta sống khác nhau, suy nghĩ khác nhau. Nhưng trở lại ngọn nguồn người ta dễ dàng gặp lại nhau. Âm nhạc là một ngọn nguồn kề cận nhất. Tình yêu là ngọn nguồn gần gũi nhất. Cũng không thể tách rời tình yêu ra khỏi quê hương được. Vì tình yêu cũng là tình hoài hương thu nhỏ.
Đoàn Chuẩn tuy được xếp
chung với lớp các nhạc sĩ tiền chiến, nhưng ông xuất hiện sau những Lê Thương,
Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Phạm Duy. Các ca khúc mượt mà của ông, có một khí hậu
rất Hà Nội, tung ra đời là được yêu, được hát ngay. Có thể nói Đoàn Chuẩn không
viết gì khác ngoài tình ca. Tình ca của Đoàn Chuẩn chất chứa tất cả cái ngọt
ngào say đắm của một người tình. Một chiếc lá rơi, một cánh hoa rụng, một xác
pháo hồng, đều phảng phất hình bóng của tình. Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau
- phong thư ngào ngạt hương - nét bút đa tình lả lơi - nhớ phút ngập ngừng lòng
giấy viết rằng - chờ đến kiếp nào - tình đầu trong gió mùa - người yêu ơi...(Lá
thư, Đoàn Chuẩn)
Gửi gió cho mây ngàn bay - Gửi
bướm muôn màu về hoa - Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư - Về đây với thu trần
gian...
Vẫn biết chỉ ở trong một cái
tuổi nào đó người ta mới có thể yêu như thế. Nhưng vì nó được ghi lại trong nhạc,
chụp lại trong thơ, nên nó đã trở thành nỗi ám ảnh, nếu người ta không có được
một lần trong đời, hình như người ta đã đánh mất tuổi trẻ mà không được gì cả.
Tình yêu là một thứ kho tàng quý báu, nếu người ta không kịp khám phá lúc còn
trẻ, người ta sẽ nghèo khó khi già đấy!
Dù tình yêu trong nhạc Đoàn
Chuẩn chỉ là thứ tình người ta đánh mất chứ không giữ lại được. Nhưng mất là mất
người yêu thôi, tình yêu vẫn còn. Và tình yêu vẫn còn nên người yêu cũng không
thể mất.
Gửi gió cho mây ngàn bay - Gửi
bướm muôn màu về hoa - Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư - Về đây với thu trần
gian...
Một trong những cái đáng quý
nhất của nghệ thuật là nó có thể chia sẻ hạnh phúc cho mọi người, dù nguyên cớ
của nó có khi chỉ do một người mà được tạo ra. Cái thích thú khi nghe nhạc Đoàn
Chuẩn - nói riêng - nghe tình ca Việt Nam nói chung là người ta cảm thấy hạnh
phúc. Cũng phải có một thuở yên bình nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó, người
ta mới yêu như thế được. Chúng ta phải tin một điều, dù gương mặt tình yêu ngày
nay có khác xưa, nhưng tình không bao giờ làm mỏng thêm tình mà chỉ làm dày
thêm.
Nguyệt Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét