Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Về lại cánh đồng xưa

Về lại cánh đồng xưa
Nỗi nhớ của cô bạn kéo tôi trở về với cánh đồng mùa đông của hơn hai mươi năm trước. Ngày ấy, chúng tôi chỉ phải học có một buổi còn một buổi được mặc sức tung tăng trên cánh đồng. Chăn trâu, cắt cỏ, mót khoai...Thôi thì tất cả mọi thứ trò chơi được đám trẻ mục đồng đem ra đùa nghịch. Mùa đông, bầu trời đục mờ xám xịt, nhìn ra bốn phía chân trời chỉ một màu mịt mờ sương khói. Gió bấc hun hút thổi lạnh buốt trên cánh đồng chỉ chỉ còn trơ lại những gốc rạ xám ngoét. Mỗi đứa trẻ chúng tôi khi ra đồng đều kèm theo công việc
Chiều nay, cô bạn phương xa gọi điện hỏi thăm tôi tết nhất đã chuẩn bị đến đâu rồi.  Ở cái thành phố cao nguyên nắng gió ấy,trời lúc nào cũng xanh ngắt, nắng lúc nào cũng rực vàng, ngay cả giữa mùa đông. Thế nhưng, chiều nay, bạn bỗng nhớ đến nao lòng cơn gió bấc buốt lạnh, bầu trời đục khói sương và mùi khói rơm của đám trẻ mục đồng thời thơ ấu. Cô than thở rằng, ở nơi này bạn nhớ quá chừng cái mùa đông xứ Bắc. Nó trở thành nỗi ám ảnh trong cô, ngay cả trong miếng ăn, giấc ngủ. Cô nhớ, mùa này là mùa thu hoạch rau màu vụ đông, nào khoai tây, khoai lang, su hào, bắp cải, xà lách, ngô đồng...Nỗi nhớ của cô bạn kéo tôi trở về với cánh đồng mùa đông của hơn hai mươi năm trước. Ngày ấy, chúng tôi chỉ phải học có một buổi còn một buổi được mặc sức tung tăng trên cánh đồng. Chăn trâu, cắt cỏ, mót khoai...Thôi thì tất cả mọi thứ trò chơi được đám trẻ mục đồng đem ra đùa nghịch. Mùa đông, bầu trời đục mờ xám xịt, nhìn ra bốn phía chân trời chỉ một màu mịt mờ sương khói. Gió bấc hun hút thổi lạnh buốt trên cánh đồng chỉ chỉ còn trơ lại những gốc rạ xám ngoét.
Mỗi đứa trẻ chúng tôi khi ra đồng đều kèm theo công việc. Đứa thì giong trâu đi ăn cỏ, đứa thì đi cắt gốc rạ khô, đứa đi quét lá tống đầy vào bao tải cõng về đun dần. Đám trẻ chúng tôi ngày ấy dường như không biết đến giá buốt, quần áo mong manh, nhất bộ, đứa nào cũng chân trần chạy nhông khắp cánh đồng, mặt mũi chân tay lúc nào cúng đỏ ửng lên vì lạnh, cái lạnh thấu sương, cắt da, cắt thịt, cắt tai. Cô bạn và tôi ngày ấy cũng thân nhau lắm. Chúng tôi đi nhặt quả phi lao già khô rụng dưới đất, cho vào cái ống bơ, đem đốt lên, lập tức thành cái lò sưởi tuyệt vời. Ngô bẻ trộm, khoai đi mót, mấy đứa con trai đi tát vũng bắt vài con cá rô vể nướng cũng từ cái lò sưởi ấy. Những “bữa tiệc” vui vẻ nhất đời của chúng tôi chính là những ngày ấy.
Trong điện thoại bạn quả quyết với tôi rằng, có một giấc mơ, thấy chúng tôi đang thưởng thức những “bữa tiệc” đồng ruộng này. Khi tỉnh dậy, cô vẫn thấy phảng phất quanh mình mùi ngô, khoai nướng thơm phức. Cô nhắc tôi nhớ về con trâu sừng choãng, béo tròn như quả sim chín mà hai chúng tôi thường nhong nhong cưỡi ra cánh đồng ngày ấy. Buồn cười, hình như nó cũng biết giận dỗi, vì có lần mải chơi, lại sợ trâu ăn ngô, khoai, chúng tôi buộc nó vào gốc cây rồi ném cho nó vài nắm rạ khô, rồi thoả sức nô đùa. Không ngờ, nó chẳng thèm động tới. Chiều về, vừa đi, trâu vừa vùng vằng hất đầu, vẫy đuôi từ chối chẳng cho chúng tôi trèo lên lưng cưỡi nữa. Còn tôi, thương trâu những ngày mùa đông sương muối trắng trời, lại phải đi cày.

Buổi tối tôi thường đưa nước nóng vẩy vào rơm khô cho nó ăn. Sợ trâu bị lạnh, mẹ tôi lại đốt cho nó một đống củi ở góc chuồng. Tôi tìm mấy cái bao tải khâu thành áo mặc cho nó..hễ tôi lại gần nó lại nhe răng cười rất thân thiêt, trâu cũng hiểu được tình cảm mà chủ dành cho nó. Khi Tết đến, bao giờ tôi cũng cho nó ăn mẩu bánh chưng. “Cu cậu” cũng bỏm bẻm nhai, ra điều thú vị lắm. Thời gian qua đi nhanh quá, mỗi đó mà đã hơn hai chục năm rồi.
Nỗi nhớ của người bạn phương xa làm tôi chợt yêu thêm mùa đông xứ Bắc, cho dù đôi khi cái gía buốt làm chân tôi bị cước, sưng tấy. Tôi muốn nói với bạn rằng, tôi cũng nhớ lắm cánh đồng mùa đông những năm thơ dại. Nhớ lám những đứa bạn mục đồng đầu trần, chân đất, tóc vàng hung, chạy tung tăng trên những chân trời màu xám trắng. Và khi bạn trở về, chúng mình sẽ trở lại cánh đồng xưa.
  Trần Nam
Theo http://www.tacphammoi.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nếp xưa phong tục tiểu thuyết CHƯƠNG I Khoan lững thững bước vào lớp học. Cũng như mọi ngày ông đồ chưa tới, và lũ học trò lớn nhỏ c...