Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Đến với bài thơ hay: Đứng trước dòng sông

Đến với bài thơ hay: Đứng trước dòng sông
ĐỨNG TRƯỚC DÒNG SÔNG
Tôi trở về cúi mặt trước dòng sông
Những lầm lỗi xin một lần tha thứ
Bao năm tháng nhận về mình tất cả
Hay đâu sông nhăn mặt dưới vòm trời
Tôi trở về từng bước dọc triền sông
Tìm thăm thẳm lời ru của mẹ
(Đau đớn thế thuyền đi bến đợi...)
Câu ca dao nuôi lớn những kiếp người
Tôi trở về gặp mùa vải bên sông
Chim tu hú trong vòm xanh gọi nắng
Cầu - dải - yếm chông chênh bến cát
Tôi muộn mằn chẳng dám đặt chân
Thương bè bạn nay còn cái tên
Nỗi nhớ đầy mà tìm chẳng thấy
Bờ sông vắng, bên bồi bên lở
Hoa lau già trắng nỗi ưu tư
Tôi trở về dòng sông đã vào thu
Con đường nhỏ ba mươi năm nhớ
Mười bảy tuổi vuông khăn em để lại
Biền biệt đi không một chuyến trở về
Nay chỉ là sông cũ và tôi
Đứng đối mặt sau bao mùa xa cách
Những chìm nổi quá nửa đời phiêu bạt
Lại tìm về nguyên vẹn với dòng sông.
Sông Lô, tháng 6/1991
Trần Khoái
Lời bình của Lê Na
Nhà thơ Trần Khoái có cả một thời tuổi trẻ gắn bó với nhiều thế hệ học sinh trường cấp ba Tân Trào, Tuyên Quang. Những năm gian khổ đó thầy và trò phải đi sơ tán tránh máy bay giặc Mỹ ném bom. Sau Hiệp định Pari - 1973, trường lại về thị xã xây dựng mới. Ngôi trường bên sông ấy gắn liền với những mùa trong đục của dòng Lô. Trong thơ ông có hương di lăng mang nắng chiều vàng. Có tiếng sóng vỗ chuyến phà Nông Tiến. Có màu xanh áo thợ và hơn hết là màu phượng đỏ, tiếng ve ngân… Con sông Lô oai hùng đã chảy dọc một thời trai trẻ, mang nhiều khát vọng, tình yêu của thầy giáo, nhà thơ Trần Khoái. Khi được chuyển công tác về quê nhà Vĩnh Phúc, hình ảnh con sông ấy vẫn canh cánh bên lòng. Đứng trước dòng sông là cảm xúc trong một lần ông trở lại Tuyên.
Tôi trở về cúi mặt trước dòng sông
Những lầm lỗi xin một lần tha thứ
Bao năm tháng nhận về mình tất cả
Hay đâu sông nhăn mặt dưới vòm trời
Có chi đâu mà như mắc lỗi. Sông bây giờ như người mẹ. Quá nửa đời phiêu bạt, người về lại bên sông, nhà thơ lại như cậu học trò ấp úng trước dòng - sông - mẹ. Người ăn năn, hối lỗi mà sao sông vẫn ăm ắp yêu thương. Khi xa sông mới thấy thương quý, nhà thơ mới nhận ra bao khắc nghiệt của dòng trôi. Những mùa lũ lụt, nước dềnh lên nhấn chìm bao ngôi nhà, hoa màu của một vùng thị xã nghèo. Mùa thu dòng trong xanh in soi đôi bờ ngô mía. Những mùa đông nhô xương ghềnh đá, con nước hao gầy, teo tóp. Bao câu chữ chắt ra từ một thuở quặn thắt yêu thương: Hay đâu sông nhăn mạt dưới vòm trời. Sông Lô đã nuôi lớn từng kỷ niệm của nhiều thế hệ học trò. Theo các chàng học sinh cấp ba ngày ấy ra trận. Nó lưu lại trên các trang nhật ký của người con gái ở hậu phương. Là cảm xúc thi ca, nhạc họa cho mãi đến hôm nay và mai sau. Nó cũng là nỗi đau lở bồi bao cuộc tình giang dở. Nước đã về đâu và dòng chảy đã cuốn đi bao kỷ niệm theo dòng. Chỉ còn lại một tâm trạng rất thật, dội xiết tâm can:
Tôi trở về gặp mùa vải bên sông
Chim tu hú trong vòm xanh gọi nắng
Cầu - dải - yếm chông chênh bến cát
Tôi muộn mằn chẳng dám đặt chân
Điệp từ Tôi trở về được nhắc đi, nhắc lại khiến người đọc thấy nao lòng. Ngày ấy chưa có cầu Nông Tiến. Nhà thơ muốn mượn ca dao bày tỏ nỗi niềm. Thương sự chậm chân muộn mằn và cái chông chênh của bến cát để lỡ dở một con tim... Tràng Đà hay Nông Tiến, cô gái nào ngày ấy để bây giờ day dứt mãi khôn nguôi cho ngày trở về bên sông. Hay em chính là dòng - sông - thi - ca chan chứa tình sâu nặng. Xót cho kỷ niệm Mười bảy tuổi kia quá. Nó chưa mang dáng dấp gì, còn vẹn nguyên sự trong trắng ngây thơ. Ba mươi năm nữa rồi. Kỷ niệm ấy đã xấp xỉ năm mươi. Cái vuông khăn nào đã biền biệt ra đi không một chuyến trở về... Sông ơi, có giữ cho nhà thơ tháng năm xưa không? Bao người đã ra đi, chỉ còn lại cái tên trong nhau. Chỉ có dòng sông nguyên vẹn thuở ban đầu. Qua ngàn năm sông vẫn trẻ trung, chung thủy với người, với quê hương xứ sở.
Đứng trước dòng sông được viết năm 1991 tới nay đã một phần tư thế kỷ. Có sự trùng hợp gì chăng với Khúc sông quê của Lê Huy Mậu, đã được nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành Khúc hát sông quê?
Tôi trở về cúi mặt trước dòng sông
Những lầm lỗi xin một lần tha thứ…
...Những chìm nổi quá nửa đời phiêu bạt
Lại tìm về nguyên vẹn với dòng sông.
Giữa một ngày hè trong veo, tôi muốn hát lên giai điệu man mác buồn của một thời chưa xa. Tôi muốn ôm sông vào lòng để cảm nhận, trả công những gì sông dâng hiến cho dải đất quê hương. Xin cảm ơn thầy giáo, nhà thơ Trần Khoái đã nói thay lời những người con của Tuyên Quang xa quê.
Lê Na
Theo http://vanhocnghethuat.tuyenquang.gov.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ Trong Hồng lâu mộng có chuyện cái gương một vị đạo sĩ tặng cho nhân vật Giả Tường. Anh ta đưa gương lên...