Nhạc sĩ Lê Anh: Một nốt Sol vàng
Cháy!
Tôi đã cháy ngọn lửa từ trái tim thơ ngây
Cháy!
Tôi đã cháy cả một cuộc đời ám gió si mê
Và tôi đã cháy. Cháy! Cháy về Em!
Nhạc sĩ Lê Anh đã hát cho tôi nghe những lời hát trên bằng một
giọng trầm ấm, thoát thai từ một trái tim ngập tràn tình yêu nồng nàn. Ông bảo
chữ Em này phải viết hoa. Bởi nó có thể là một người em ích-xờ (X) nào đó giữa
đời, và rộng ra, nói theo chữ của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì đó là “người Em cuộc
đời”. Ngày ấy còn nông nổi, nghe ông nói vậy, tôi chỉ biết cười. Bây giờ tóc đã
pha sương, ngẫm lại thấy thấm thía vô cùng…
Hồi còn học ở Quốc gia Âm nhạc Huế, tôi đã biết ông. Trường
tôi nằm cạnh Đoàn Ca Múa Bình Trị Thiên nên những khi rãnh rỗi, tôi thường sang
Đoàn Ca Múa xem dựng bài và tập dượt chương trình. Nhạc sĩ Lê Anh lúc đó là trưởng
đoàn, nổi tiếng với các ca khúc như Màu xanh yêu thương (Huy chương
Vàng Hội diễn Huế - Sài Gòn - Hà Nội - 1976) hay Thu Bồn ơi mềm mại,
duyên dáng, óng ánh như sợi tơ tằm: “Ai đặt tên cho dòng sông như tên em đi vào
nỗi nhớ/ con sông quê mềm như lụa/ anh mãi gọi, mãi gọi ơi Thu Bồn, mãi gọi ơi
Thu Bồn”. Không chỉ sáng tác ca khúc, Lê Anh còn viết nhạc không lời, nhạc nền
cho kịch. Đây cũng là lý do mà mấy đứa sáng tác trẻ chúng tôi thường qua nghe để
học cách phát triển giai điệu. Trong số đó, phục nhất là vở Nàng Si-ta,
ông đã viết bằng hai chất liệu: Chất ca Huế dựng cho Đoàn Ca Kịch Huế; chất bài
chòi dựng cho Đoàn dân ca Nghĩa Bình (tỉnh Nghĩa Bình cũ). Chưa hết, Lê Anh lại
còn nhảy vào lãnh địa Opéret với vở Cô gái sông Hiền (kịch bản nhà
văn Xuân Đức) và vở kịch hát hiện đại Chuyện tình xứ Hô-ra-xan (1988)
của nhiều tác giả. Đó là những vở diễn gây ấn tượng mạnh với người xem, là “thử
nghiệm liều lĩnh”, là việc làm “can đảm, đúng đắn” rút ngắn khoảng cách âm nhạc
bác học với cuộc sống đời thường.
Năm 1989, Quảng Trị được lập lại. Tôi viết Khúc ru nghĩa
trang Trường Sơn tập cho đội Văn nghệ quần chúng thị xã Đông Hà tham gia Hội
diễn nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Quân đội
Nhân dân Việt Nam. Nhạc sĩ Lê Anh từ Huế ra đưa cho Trần Tích (đạo diễn chương
trình) bài hát Giọng hò thương nhớ. Ông hát thử. Cả bọn ngẩn ngơ vì hay
(không, phải nói là quá hay!). Bằng những nốt luyến láy rất tình trong âm hưởng
điệu hò Như Lệ, cách đảo phách, chuyển điệu, ly điệu đầy tinh tế, mềm mại và uyển
chuyển đã tạo nên sự đồng vọng xốn xang về một “mảnh đất thân thương, hiền
lành, giản dị” nhưng cũng rất đỗi anh hùng. Hai ca khúc kể trên cùng với vở kịch
của Công Bảy đã đạt Huy chương Vàng Hội diễn lần ấy, đưa Đội Văn nghệ quần
chúng thị xã Đông Hà giành giải Nhất toàn tỉnh.
Sau này, nhạc sĩ Lê Anh còn cho ra đời nhiều bài hát hay
khác. Có thể kể như bài Thành Cổ tôi yêu được các đoàn nghệ thuật
chuyên và không chuyên dàn dựng theo hình thức Acappella (hợp xướng không nhạc
đệm) giành nhiều Huy chương Vàng tại các kỳ Hội diễn toàn quốc và khu vực, hay Quê
mẹ là quê anh (thơ Lê Bá Tạo) được phát triển nhuần nhuyễn từ điệu hò giã
gạo, đậm đà chất liệu dân ca Quảng Trị. Ngoài ra các ca khúc khác cũng đem đến
cho ông sự thành công như: Triệu Phong lời ru của mẹ, Bài ca Hướng Hóa,
Gio Linh yêu thương, hay các nhạc phẩm Ơi Hiền Lương, Người mẹ vá cờ…được
công chúng đón nhận nồng nhiệt vàđã đem đến cho ông giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt
Nam.
Như một đốm lửa nhỏ được ngọn gió nghệ thuật thổi bùng lên,
thắp sáng trên các nẻo đường công tác, chiến đấu, nhạc sĩ Lê Anh đã sáng tác những
ca khúc phản ánh cuộc sống hào hùng trên mảnh đất giới tuyến Vĩnh Linh trong những
ngày nóng bỏng ác liệt nhất. Trăn trở với tình yêu quê hương, đất nước, con người,
một tình yêu của người nghệ sĩ đích thực được cảm nhận và thể hiện qua hàng
trăm tác phẩm giàu tính nghệ thuật, trữ tình, triết lý mà ông đã miệt mài lao động
qua nhiều năm tháng.
Say sưa với dân ca đến mức đam mê, nhưng Lê Anh cũng là một
nhạc sĩ rất sắc nhạy với đời sống âm nhạc. Khi phong trào nhạc nhẹ thịnh hành,
Lê Anh đã đứng được giữa bầu trời nhạc nhẹ đầy giông bão bằng một giai điệu Hoa
hồng của tôi (1980) mà giới trẻ Bình Trị Thiên thời ấy vẫn thường ngân
nga: Sương đêm long lanh hay là mắt em lấp lánh/ sao đêm lung linh hay là
làn môi em cười… Hay như bài hát Khẩn cầu chất nhạc nhẹ trong âm
hưởng dân ca Vân Kiều hoang dại: Nghe tiếng khèn anh đêm đêm/ em không sao
ngủ được/ em dối cha dối mẹ/ em lên rừng lên rẫy với anh/ như con trăn quấn lấy
con nai vàng / không buông tha/ không buông tha…Chất nhạc của Lê Anh nghe rất
dân dã nhưng cũng không kém phần sang trọng, đó là cái sang trọng của ca từ, sự
chặt chẽ của khúc thức và giai điệu mượt mà, chải chuốt. Các yếu tố đó được đặt
vào trong một âm hưởng dân ca với những note đảo phách (syncophe) nhuần nhuyễn
và đắc địa tạo nên sức quyến rũ của tác phẩm. Không dễ dãi với thị hiếu tầm thường,
âm nhạc của Lê Anh luôn mang một dáng vẻ riêng, khó trộn lẫn. Đó là dòng nhạc đầy
cá tính, đặc trưng cho phong cách sáng tác của ông: lung linh tâm cảm, rực lửa
thiết tha.
Như các nghệ sĩ cá tính gai góc khác, nhạc sĩ Lê Anh nghèo
và… cô đơn. Cái “cô đơn” cần thiết của người nghệ sĩ. Có lần ông tặng tôi tuyển
tập nhạc và nói: Đây là những nhạc phẩm được tạo nên từ nhiều năm
tháng, của nhiều đêm trắng và của nhiều lúc… tay trắng.
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức tặng Giải thưởng Văn học
Nghệ thuật Chế Lan Viên, giải thưởng cao quý dành cho các tác phẩm xuất sắc về
văn học nghệ thuật, định kỳ 5 năm một lần. Nhạc sĩ Lê Anh đã được trao giải Nhất
với cụm ca khúc: Giọng hò thương nhớ, Ơi Hiền Lương.
Nghệ sĩ - người đãi
cát tìm vàng, nhiều khi chỉ còn lại là cát. Nhưng tôi thấy những dòng giai điệu
của Lê Anh lóng lánh những hạt vàng được chắt lọc từ lòng sâu cát bạc, từ trầm
tích quê hương để sinh hạ một nốt Sol vàng trong trời đất.
Võ Thế Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét