Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Ta đi tìm mình

Ta đi tìm mình
Quả thật "ta" so với vũ trụ thì rất là cực vi tiểu đến độ con số không = "O"
Thế nhưng "ta" lại đi so với cái cực vi tiểu thì "ta" cũng rất vĩ đại!
Đó là cách "so sánh vật lý"! Hệ qui chiếu so sánh này là hệ vật lý! Đây là chuyến du hành của Gulliver!!! Ta mặc cảm nhỏ bé gì trước một cái núi thái sơn? Ta tự hào gì với một hạt cát trong sa mạc?
Một cuộc du hành thật lý thú...một chuyến viễn du của suy tưởng đầy bổ ích = “Ta đi tìm Mình”!
Ta đặt ta trong hệ vũ trụ hay ta đặt ta trong hệ tế bào???
Có khi nào ta đặt ta trong hệ nhân loại chưa? Mối liên hệ nhân quần giữa người với người? Cái mà Hán ngữ gọi là "nhân nhị" [chữ nhân đứng có hai gạch] = mối liên đới giữa người với người gọi là tiếp nhân xử thế. Với cái "nhân" này chắc con người không cô đơn! Có vợ có chồng...có cha có mẹ...có anh có em...có bằng hữu...có láng giềng...có đồng bào...có nhân loại!
Ta có gì lớn hơn chồng ta/vợ ta? Ta có gì nhỏ hơn bạn bè ta? Tôi có gì lớn hơn người hàng xóm của tôi? Tôi có gì nhỏ hơn tổng thống của tôi?
Tiểu nhân có gì lớn hơn đại nhân? Đại nhân có gì nhỏ hơn tiểu nhân? Lại một câu hỏi đưa ta về một hệ qui chiếu khác: Hệ qui chiếu đức lý! Hệ qui chiếu dùng bảng giá trị đạo đức của lương tri làm thành cái qui chuẩn (barème) để lượng định cái giá trị (phẩm giá) của một người. Nhỏ hay Lớn...Tiểu hay Đại là đây!
Người bé gọi là nhỏ
Người to gọi là lớn
Tiểu hay đại cũng là nhân
Mà giận cái điều:
- Đứa nhỏ mọn nuốt trọn đại nhân!
Ta có đủ sức đưa trí tưởng tượng ta đến cái bao la, cái vô cùng (infini) của vũ trụ thuận này chưa? Ta có đi đến cái mép bìa của vũ trụ này để nhòm qua bên kia cái vũ trụ nghịch nào đó chưa? Rồi ta đã đi đến hết đường của một nhân tế bào chưa?
Chắc chắn dù có chưa đến ta vẫn cứ đi…đi mãi…đi hoài…và còn sẽ tiếp tục đi nữa…đi miết !!!
Đi cho biết đó biết đây chứ ở nhà với vợ/chồng biết ngày nào khôn.
Hành trình đi tìm chính mình cũng thế: có khởi đầu nhưng miên viễn không hề kết thúc.
Sự tiến hóa của nhân loại thật kỳ vĩ…cả về mặt sinh học lẫn tâm thức.
Tế bào não càng ngày càng tăng…qua từng thế hệ…từng thế hệ: thế hệ sau thông minh hơn thế hệ trước. Christian de Duve, Giải Nobel Y học, nhận xét: “Trong vòng 3 triệu năm, số tế bào thần kinh của con người tăng gấp 3 lần. Hãy hình dung, khi số tế bào ấy tăng lên gấp 2 lần nữa, lúc ấy, con người sẽ tạo ra một công cụ hiểu biết có khả năng nhận biết và nghĩ ra nhiều điều mà ngày nay chúng ta không thể lĩnh hội được. Tôi cho rằng, bước tiến hóa ấy sẽ đem tới những con người, những bộ não có khả năng tiếp cận cái mà tôi gọi là “cái thực tế cuối cùng.” [Theo Chân trời UNESCO]
Văn hóa càng ngày càng hóa…càng ngày càng văn…”Văn” là vẻ “Đẹp”! Cứ đẹp lại càng đẹp thêm hơn…Văn cứ hóa…cứ hóa văn mãi không có điểm dừng. Nó hóa từ thú tính đến nhân tính…rồi nhân tính không ngừng hóa văn (esthéticisationner). Có khởi điểm nhưng không có đoạn kết. Đoạn kết của nó là lúc nhân loại bị tận diệt!.
“Ta đi tìm Mình”: - Ta đến từ đâu? và Ta đi về đâu? – Câu hỏi đã từ bao ngàn năm được các tôn giáo đưa ra: họ vẫn còn đang tranh luận, bàn thảo…và chưa ngã ngũ. Còn đó vấn đề! Thôi, để cho họ thảo luận tiếp…
Còn ta, ta đi tìm mình thì không khó nhìn thấy: - Tôi ? – Tôi đây! Tôi đứng trước mặt bạn đây.
Bạn đang đứng trước mặt tôi đây. Bạn và tôi đang hiện diện nơi đây và bây giờ! Tôi và bạn đang hiện hữu như tôi và bạn đây.
Ta thử leo lên tầng 10 của tòa nhà chọc trời, nhìn xuống một đám đông: con người như con kiến! Ta leo lên nữa…đến tầng thứ 50: chỉ thấy mờ mờ nhân ảnh một màu sương! Nhưng trong đám đông đó có vợ con cha mẹ ta…có ông Khổng tử, Socrate, Jesus, Thích ca…và một quả bom nổ ở đó: ta có nhận ra giá trị của người thân, người ta yêu mến không? Chắc chắn ta không cảm nhận họ như con kiến nữa…dầu tầm nhìn của ta từ vị trí nào…mà ta nhìn họ với vị trí cá nhân giữa ta và họ: cái nhân vị ấy! Somalie nằm bên kia nữa địa cầu…ta không nhìn thấy họ…nhưng ta biết họ đang chết đói vì hạn hán…lòng ta còn thấy xót thương thay.
Có lẽ Khổng tử, Socrate, Jesus, Thích Ca thật vĩ đại!
Có lẽ vợ/chồng, con cái, cha mẹ ta thật đáng quí trọng!
Tuy hai mà một: tôi và bạn cùng đồng mẫu số chung: “nhân tính”. Tuy một mà hai: nhân cách sống của tôi và bạn có đôi điều khác nhau…làm cho bạn khác tôi và tôi không giống bạn. Nhân tính thì giống nhau nhưng “nhân cách” thì đôi điều không đồng đều. Nghĩa là cái “cách làm người” thì mỗi người mỗi vẻ. “Sách học làm người” đang còn đắc khách!".
Vũ Ngọc Anh 
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...