Ngoài các khóa tu “Thiền trực tiếp”, thầy Nhựt Cẩn còn tổ chức
khóa tu Niệm Phật dành cho tất cả thiện nam tín nữ khắp mọi nơi vào hai ngày rằm
và ba mươi mỗi tháng. Để tạo điều kiện thuận tiện, dễ dàng cho phật tử tham gia
tu tập
Tôi ăn chay mỗi tháng mười ngày. Sáng mùng tám, vợ tôi rủ tôi
đi chợ, dẫn tôi vào một quán ăn chay “có món bún bò Huế ngon lắm”. Bà ấy khoe
như vậy. Tôi đã từng ăn món nầy từ miền Nam đến miền Trung nhưng chưa ăn ở quê
nhà nên cũng muốn thử một lần cho biết.
Quán khá đông khách. Vợ tôi kêu hai tô và chờ khá lâu cô gái
chạy bàn mới bưng ra. Vợ tôi thêm gia vi, trộn đều, ăn ngon lành. Loáng cái tô
bún của bả chỉ còn vài muỗng nước tráng đáy. Phần tôi, thương và nễ vợ lắm cũng
chỉ ăn được nửa tô. Vợ tôi nhìn tôi ái ngại. Tôi nói :
- Tại ở nhà tui đã uống cà phê, tô bún lại hơi nhiều nên ăn
không hết.
Nói dối cho bà xã vui chứ đối với tôi ăn chay hay ăn mặn đều
phải ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng, đạm bạc kham khổ quá tôi ăn không nổi. Còn
tô bún vừa rồi nó chỉ mới tới đèo Hải Vân hoặc đã đi tuốt ra tận Quảng Trị rồi
chứ không có ở Huế, không phải đặc sản xứ Huế!
Rời quán ăn, vợ tôi vô chợ, tôi xuống bến phà về nhà. Đi một
đoạn tôi gặp Minh Tâm. Anh ấy bắt tay tôi mừng rỡ:
- Ồ! Lâu quá mới gặp anh. Khoẻ không, làm gì ở miết bển vậy
cha nội? Hổm rày có đi thăm Nhựt Cẩn không?
Tôi không trả lời Minh Tâm mà hỏi lại anh:
- Nhựt Cẩn làm sao mà thăm? Hiện giờ ông ấy ở đâu?
- Sau rằm tháng mười mấy ngày bệnh viêm đại tràng của ông ấy
tái phát khá nặng. Tui cùng vài huynh đệ đưa ông ấy lên bệnh viện Chợ Rẫy mổ. Nằm
viện hai tuần mới xuất viện về chùa hơn nửa tháng nay, sức khoẻ đã ổn. Nè, hay
tới nhà tui chơi rồi cùng đi thăm Nhựt Cẩn? Minh Tâm đề nghị. Tôi gật đầu đồng
ý.
Hồi học phổ thông, tôi với Minh Tâm và Bình Trọng rất thân
nhau, được bạn bè gọi là “ba chàng ngự lâm pháo thủ”. Thi tú tài phần một xong
mỗi đứa mỗi nơi. Thời gian sau tôi và Minh Tâm nắm tay nhau bước chân vào đời
còn Bình Trọng một mình lặng lẽ…bước chân vào chùa với pháp danh Nhựt Cẩn. Chiến
tranh kết thúc chúng tôi mới gặp lại nhau. Để cho tình bạn ngày xưa không bị trở
ngại bởi cái đầu và chiếc áo, tôi và Minh Tâm nhiều lần thuyết phục Bình Trọng
hoàn tục nhưng anh cương quyết đi theo con đường đã chọn. Mặc dù đạo và đời đôi
ngã nhưng chúng tôi không quay lưng lại với nhau mà cùng đi song song về phía
trước như con tàu hướng đến sân ga. Hiện Nhựt Cẩn làm trụ trì một ngôi chùa khá
lớn và nổi tiếng với những khoá tu “Thiền trực tiếp” (hay còn gọi là Tổ sư thiền).
Vào những ngày rằm ngươn, lễ vía hoặc rỗi rãnh, tôi và Minh Tâm thường đến chùa
trò chuyện, trao đổi với Nhựt Cẩn có khi cả buổi, cả ngày không biết chán.
Cửa hàng nhôm nhựa và tiệm chụp hình của Minh Tâm nằm liền
nhau trên một con đường. Anh đưa tôi lên lầu hai tiệm chụp hình, dẫn vào một
căn phòng rộng rãi và cho biết đây là không gian riêng của anh. Căn phòng bày
trí gọn gàng, ngăn nắp nhưng tôi rất ngạc nhiên. Một người giàu có như anh ấy
mà đồ đạc trong phòng không có món nào quí giá. Không máy điều hoà, không
sa-lông. Giường ngủ không lót nệm. Bàn ghế toàn đồ nhựa và ván ép mi-ca. Thậm
chí, một bàn Phật có đủ chuông mõ, hoa tươi và khói nhang nghi ngút rất trang
nghiêm cũng được kê trên chiếc bàn tầm thường. Tủ kệ đều bằng nhôm, chất đầy
kinh sách Phật giáo. Có lẽ đây là số tài sản quí nhất trong căn phòng.
Tệ hại hơn cả là Minh Tâm tiếp tôi chỉ bằng nước lọc
với vài viên kẹo chứ không có lấy một bình trà ngon cùng đĩa bánh cao cấp hay
chí ít cũng một chai nước ngọt hoặc ly cà phê đá! Đây không phải là phong cách
sống và nếp sinh hoạt trước kia của Minh Tâm. Nguyên nhân nào khiến anh ấy thay
đổi mau thế!?
Minh Tâm có vẻ không để ý đến thắc mắc của tôi, anh nhìn tôi
hỏi:
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi mà đầu bạc trắng hết vậy?
- Sáu mươi lăm, tuổi Bính Tuất, sanh năm bốn sáu. Tôi đáp.
- “Tâm sầu bạch phát”, vậy mà hồi nào tới giờ tui tưởng anh lớn
hơn tui té ra nhỏ hơn hai tuổi. Tui tuổi Giáp Thân, sanh năm bốn bốn. Trong ba
đứa mình Nhựt Cẩn nhỏ nhứt, ông ấy mới sáu bốn.
Tôi nhìn Minh Tâm. Thân thể khoẻ mạnh. Mặt mày đầy đặn. Mái
tóc màu tiêu nhiều hơn màu muối. Trán chưa có nếp nhăn. Đôi mắt cũng chưa có dấu
chân chim, tinh anh, sáng rực. Nhìn bề ngoài đúng là anh ấy nhỏ tuổi hơn tôi.
Nhiều người quen cũng nói tôi già trước tuổi.
Tôi đưa tay xem đồng hồ rồi nhắc Minh Tâm:
- Chừng nào đi thăm Nhựt Cẩn?
- Chừng nào cũng được. Bữa nay có anh đến chắc ông ấy mừng lắm.
Ông ấy nhắc anh hoài, không biết anh có khỏe không, không biết vì lý do gì anh
không đi chùa, không biết làm sao nhắn anh sang chơi, rủ anh đi tham quan các
chùa, tu viện, thiền viện bạn. “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” mà thiếu một chàng
cũng buồn.
Nghe Minh Tâm nói tôi cảm thấy xấu hổ và có lỗi với hai bạn.
Hơn một năm nay, hay đúng hơn là sau khi cất ngôi biệt thự, tôi thỉnh thoảng mới
đi chợ nhưng không ghé nhà Minh Tâm cũng không đi chùa. Tình cảm bạn bè giống
như men rượu, uống nhiều say nhiều, uống ít say ít, không uống không say. Tôi
đã quá vô tình, quá ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình chứ không biết đến cảm
nhận của hai bạn trong khi hai bạn lúc nào cũng quan tâm đến mình! Tuy nhiên,
suy cho cùng thì hai bạn cũng không thể trách tôi. Hiện nay, không chỉ riêng
tôi mà hầu hết mọi người đều bị cuốn vào dòng chảy của cuộc đời như những chiếc
xe lưu thông trên xa lộ. Tất cả đều chạy tới, làn nào theo làn nấy với tốc độ
càng lúc càng nhanh. Cho nên tôi không dám lơ là chễnh mãng vì chỉ một sơ xuất
nhỏ thôi cũng đủ gây ra tai nạn, chạy chậm một chút thôi sẽ bị người ta qua mặt
bỏ mình lại phía sau ngay. Ngoài ra tôi còn phải trông nom nhà cửa cùng lũ cháu
nội ngoại. Giữ bọn nầy cưc hơn giữ bầy trâu. Chúng cứ chạy nhảy khắp nơi, hết lục
lạo chỗ nầy đến phá phách chỗ nọ, sơ ý một chút chúng làm đồ đạc đổ bể lung
tung.
Nghe tôi giải thích, Minh Tâm gật gù nói:
- Thì ra là vậy. Tui và Nhựt Cẩn rất khâm phục anh, một người
giàu nghị lực và ý chí. Ở đời, số người tạo ra vườn tược, tàu bè, xe cộ, nhà cửa
khang trang, cuộc sống ấm no sung túc từ hai bàn tay trắng như anh không nhiều.
Đối với gia đình anh đã làm tròn trách nhiệm của một người chồng người cha mẫu
mực, đối với xã hội anh là một nông dân tiên tiến và thành đạt, là tấm gương phấn
đấu vượt khó cho người ta noi theo. Tuy nhiên, về mặt tinh thần anh còn cần phải
nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa mới đạt được mục tiêu tối thượng, mới chuyển hoá
được tư tưởng, mới có cuộc sống tự do tự tại chân thật.
- Mục tiêu gì mà ghê gớm và lợi hại đến thế? Tôi có ý đùa.
- An tâm. Minh Tâm đáp gọn lỏn.
Tôi bật cười:
- Tưởng gì chớ chuyện đó tui đã nghĩ đến từ lâu nhưng chưa phải
bây giờ mà chí ít cũng phải mười năm nữa tui mới tính chuyện “vui thú điền
viên”.
- Gần nửa thế kỷ lặn ngụp trong dòng đời, anh không cảm thấy
mệt mỏi sao?
- Cũng có nhưng chưa đến đỗi.
Minh Tâm chợt hỏi sang chuyện khác:
- Hai thằng con trai anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi, có gia
đình hết chưa?
- Một thằng ba mươi bốn, một thằng ba mươi hai, đều đã có vợ
con.
- “Tam thập nhi lập”, thanh niên ở độ tuổi nầy đều có ý thức
lập thân, người có gia đình ý chí càng cao. Anh lại có cơ sở vững chắc nên cơ hội
thành công của hai thằng con anh càng lớn. Nếu anh muốn vui thú điền viên sao
không giao tay lái cho tụi nó mà cứ ôm khư khư rồi than mệt?
- Tại anh chưa biết nên khuyên tui như thế. Thú thật với anh
là hai thằng con tui đi làm ở thành phố mới về đôi ba năm nay, chưa
đủ kinh nghiệm quản lý điều hành thành ra tui chưa dám giao cho
chúng.
- Chuyện đó đâu có gì khó? Chúng thiếu kinh nghiệm thì anh
truyền đạt cho chúng rồi chúng học thêm ở bạn bè, hàng xóm và tự học vào nghề
nghiệp của mình. Tục ngữ chẳng phải có câu “nghề dạy nghề” đó sao?
- Nhưng…
- Còn nhưng nhuỵ gì nữa?
- Anh hãy để cho tui nói hết đã. Sở dĩ tui không dám giao cho
chúng bởi hai lý do. Một là tui sợ tui “đốn củi ba năm” chúng sẽ “thiêu một giờ”.
Hai là tui sợ bị chúng ngược đãi, bỏ rơi. Hai trường hợp nầy không phải không
có xảy ra trong xã hội nên tui không thể không cảnh giác đề phòng anh ạ!
Minh Tâm bật cười:
- Đây cũng chỉ là cái cớ do anh tạo ra thôi. Hồi nãy anh nói
chưa dám giao có nghĩa là có thể giao, còn bây giờ anh lại nói không dám giao
có nghĩa là không thể giao? Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ nầy, nằm ở chỗ tại
anh không muốn xa rời sự nghiệp và tài sản do anh tạo ra bằng công sức và mồ
hôi nước mắt của mình suốt mấy chục năm nay rồi tự trói chặc mình
vào chúng. Anh Lân! Giọng Minh Tâm trở nên thiết tha. Của cải vật chất là vật
ngoài thân, có đó rồi mất đó, không chừng đỗi gì. Tuy nó cần thiết và thoả mãn
được nhu cầu của chúng ta trong cuộc sống nhưng cũng đem đến không ít đảo điên,
phiền não cho chúng ta. Quan trọng là cái tâm của mình. Để được an tâm và để
không bị của cải vật chất quấy rầy, gây đảo điên phiền não, anh hãy
mạnh dạn và dứt khoát xa rời chúng bằng cách tự cởi trói cho mình. Đây là việc
làm cực kỳ khó khăn và đầy thách thức. Bởi vì, sợi dây trói anh đã xuyên qua da
thịt vào tận trong tâm, giống như sợi dây buộc quanh thân cây lâu ngày bị da
cây liền bít lại nên muốn tháo nó ra phải lột da cây mới tháo được. Tuy nhiên,
tui tin rằng anh sẽ vượt qua được khó khăn thách thức bằng nghị lực và ý chí phấn
đấu sẵn có của anh. Vua Trần Thái Tông có hai câu thơ rất hay: “Thiên giang hữu
thuỷ thiên giang nguyệt. Vạn lý vô vân vạn lý thiên” (Ngàn sông có nước ngàn
sông có trăng. Vạn dặm không mây vạn dặm trời). Nếu anh xa rời được của cải vật
chất, diệt được đảo điên phiền não thì cái chơn tâm của anh sẽ hiện ra rực rỡ
như bầu trời bao la trong suốt vậy.
Minh Tâm hết thiết tha rồi sôi nổi, nhiệt tình như một nhà
hùng biện. Những lời nói thẳng thắn của anh ấy có thể giải toả những hoài nghi
và khai thông mọi bế tắc trong cách nghĩ cách làm của tôi, cũng có thể làm cho
lòng tự trọng của tôi bị tổn thương. Không biết Minh Tâm có nhận ra điều đó
không? Anh ấy đã làm được chưa mà thuyết phục mình? Có lẽ đây là nguyên nhân
khiến anh ấy thay đổi phong cách sống và nếp sinh hoạt mà mình đã thắc mắc? Để
kiểm chứng xem suy nghĩ của mình đúng không, tôi hỏi Minh Tâm:
- Tui đã hiểu ý anh nhưng còn một điều muốn hỏi anh cho rõ?
Minh Tâm đưa tay ngăn tôi lại, nói:
- Anh không cần hỏi để tui nói cho nghe. Làm bạn với tui từ
lâu chắc anh biết sản nghiệp của tui không thua gì anh. Tôi rất tự hào và hãnh
diện trước thành quả đó nên nhìn đời bằng thái độ “mục hạ vô nhân”, bảo vệ và
hưởng thụ nó như một ông vua. Hậu quả là tui mắc một số bệnh như cao huyết áp,
men gan tăng… nhưng đáng sợ nhất và đau khổ nhất là bệnh cô đơn. Tính tự phụ của
tui đã làm cho người thân và bạn bè “bằng mặt chứ không bằng lòng” nên họ dần dần
xa lánh tui gần hết. Đi đến đâu tui cũng nghe lời chê trách nhiều hơn lời khen.
Tui bất chấp, “chó sủa mặc chó đường ta ta cứ đi”. Nhưng, tui càng phản ứng
tình hình càng tồi tệ. Đúng lúc ấy Nhựt Cẩn ném cho tui cái phao cứu sinh.
Tui tỉnh ngộ, giao hết sản nghiệp cho các con, quay về với bản thể của tự tánh bằng cuộc sống mà anh đã chứng kiến. Hơn năm nay, thời gian tuy không dài nhưng tôi thấy cách sống ấy rất hiệu quả nên có tâm nguyện là sẽ thuyết phục anh, nếu anh không đồng ý thì coi như tui chưa nói gì hết, chưa có cuộc hội ngộ hôm nay.
Tui tỉnh ngộ, giao hết sản nghiệp cho các con, quay về với bản thể của tự tánh bằng cuộc sống mà anh đã chứng kiến. Hơn năm nay, thời gian tuy không dài nhưng tôi thấy cách sống ấy rất hiệu quả nên có tâm nguyện là sẽ thuyết phục anh, nếu anh không đồng ý thì coi như tui chưa nói gì hết, chưa có cuộc hội ngộ hôm nay.
Tôi hứa với Minh Tâm sẽ suy nghĩ lại.
Ngoài các khóa tu “Thiền trực tiếp”, thầy Nhựt Cẩn còn tổ chức
khóa tu Niệm Phật dành cho tất cả thiện nam tín nữ khắp mọi nơi vào hai ngày rằm
và ba mươi mỗi tháng. Để tạo điều kiện thuận tiện, dễ dàng cho phật tử tham gia
tu tập, nhà chùa bao ăn sáng, ăn trưa và chi phí xe tàu cho những người ở xa
nên mỗi khóa tu có đến hàng trăm người tham dự. Tôi được thầy Nhựt Cẩn phân
công làm phó ban tổ chức ngoại vụ phụ trách việc tiếp đón, chiêu đãi Phật tử và
khách tham quan.
Tôi còn là thành viên trong ban “Công tác từ thiện xã hội” của
chùa, thỉnh thoảng cùng với Minh Tâm và Tăng Ni Phật tử đi giúp đỡ đồng bào
nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai trên khắp mọi miền đất nước. Có những chuyến
đi thật dài thật xa, trèo đèo lội suối, trải nắng dầm mưa, cực khổ vất vả nhưng
tôi vẫn thích thú, tham gia nhiệt tình vì nhờ các chuyến đi đó tôi mới tìm được
sự an vui của tâm hồn. Tôi cũng tạo cho mình một không gian riêng như anh Minh
Tâm và mỗi ngày đều thực hành pháp “Thiền trực tiếp” do thầy Nhựt Cẩn truyền dạy
nhằm phát khởi nghi tình, minh tâm kiến tánh, vừa đẹp đạo vừa tốt đời.
TRƯƠNG HOÀNG MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét