Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

70 năm tình ca Việt Nam - Dzoãn Mẫn và Đặng Thế Phong

70 năm tình ca Việt Nam
Dzoãn Mẫn và Đặng Thế Phong
Lời giới thiệu: “70 năm Tình Ca trong tân nhạc Việt Nam” do Hoài Nam phụ trách và đã phát sóng trên đài phát thanh SBS ở Úc châu. Là một chương trình có sức hút mạnh mẽ đến thính giả và được lan truyền khắp nơi. Nhận thấy đây là một công trình biên soạn rất giá trị, nhạc sĩ Nam Lộc đã giúp chúng tôi liên lạc tác giả Hoài Nam và được phép tác giả đăng lại trên Trẻ. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
Theo lời Hoài Nam - người biên soạn - đây chỉ là một chương trình giới thiệu tân nhạc, với mục đích chính là phục vụ nhu cầu thưởng thức của thính giả, tác giả tự xét không có tham vọng và cũng không đủ tư cách để đánh giá các tác phẩm và các tác giả như một nhà phê bình, và trong chủ đề chỉ chuyên về tình ca này, tác giả tạm gác qua lập trường chính trị cũng như cuộc sống cá nhân của từng người. Mời quý bạn đọc theo dõi và xin được lắng nghe tất cả ý kiến từ quý bạn đọc…
Ga Hàng Cỏ xưa, nơi Dzoãn Mẫn 
lấy cảm hứng sáng tác Biệt Ly. nguồn: mapio.net
Bước sang đầu năm 1939, một số sáng tác đã được xuất bản và bày bán tại các tiệm sách, trong đó được đón nhận và ưa chuộng nhất phải là ca khúc Biệt Ly của Dzoãn Mẫn. Biệt Ly không chỉ là ca khúc tiêu biểu nhất của Dzoãn Mẫn, mà còn là tiêu biểu của tình ca trong nền tân nhạc Việt Nam buổi sơ khai. Nghe nói ca khúc này đã được Dzoãn Mẫn sáng tác khi ông còn là một học sinh trung học, khi ấy mang tựa là Huyền Trân, nằm trong vở kịch Huyền Trân công chúa. Vở kịch này Dzoãn Mẫn viết để các bạn cùng trường (Trường Bưởi sau này là trường Chu Văn An), trình diễn trong một đêm văn nghệ cuối năm của học sinh, tại nhà hát lớn ở thành phố Hà Nội. Ca khúc có một nội dung lãng mạn, ngọt ngào, lời hát như một bài thơ tình buồn, nửa thực, nửa hư.
Dzoãn Mẫn. nguồn: dongnhacxua.com
“Biệt ly sóng trên dòng sông… Ôi còi tàu như xé đôi lòng ….”. Còi tàu ở đây là còi tàu thủy, mà nhà thơ Nguyễn Ðình Toàn đã mô tả. Ðó là tiếng còi tàu của những chuyến tàu Nam, tức từ Hà Nội xuống Nam Ðịnh. Những người sống hai bên ven sông Hồng gần bến Phà Ðen, chắc không ai quên được tiếng còi tàu này. Nhất là, vào những buổi chiều mùa đông, đất trời u ám. Cái tiếng ù ù trầm nặng, ngắn ngủi của còi tàu, chỉ nghe thôi, cũng đã đủ não lòng, nói gì đến phải chia ly trong cảnh ấy. Thời ấy, sinh viên, học sinh, ở Hà Nội chịu ảnh hưởng văn chương lãng mạn Pháp, hầu như ai cũng thuộc lòng bản Biệt Ly. Khi đang yêu, và nhất là yêu mà được đáp trả, chẳng ai muốn biệt ly, hoặc đi tới ly biệt. Nhưng lạ một điều, ai cũng thích hát và thích nghe hát bản Biệt Ly. Hình như trong thi ca, trong âm nhạc, cái buồn sầu, khổ đau, bi lụy, đã vượt lên trên ý nghĩa của đời thường, để chỉ còn lại những nét đẹp và thơ. Dzoãn Mẫn, không chỉ là một trong những nhạc sĩ tiên khởi của nền âm nhạc Việt Nam, mà còn là một tác giả chuyên biệt về tình ca. Trong những năm đầu của nền tân nhạc Việt Nam, ngoài bản Biệt Ly ông còn sáng tác các ca khúc Sao hoa chóng tàn, Tiếng hát đêm thu v.v.. Rất tiếc, từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ và tiếp theo là “Quốc Cộng phân tranh”, người ta không thấy có thêm sáng tác mới nào của ông nữa. Có thể vì máu lửa của chiến tranh, mặt trái của chủ nghĩa, khinh bạc của con người, đã khiến nguồn tình trong ông khô cạn.
Biệt Ly  Dzoãn Mẫn - Tuấn Ngọc trình bày:
Biệt ly nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay
Biệt ly sóng trên giòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi
Về hình thức, ca khúc Biệt Ly cũng giống như tất cả các ca khúc của nền tân nhạc Việt Nam buổi sơ khai, là một sự dung hòa giữa hệ thống Ngũ Cung của nhạc dân tộc và hệ thống Thất Cung của nhạc Tây Phương. Một số người cho rằng nền tân nhạc của Việt Nam đã dứt bỏ hoàn toàn âm hưởng của Ngũ Cung. Ðây là một nhận xét không chính xác. Thật ra, các nhạc sĩ Việt Nam cũng như Trung Hoa, Nhật Bản v.v…khi soạn nhạc theo khuôn khổ và hình thức nhạc Tây Phương, vẫn giữ được âm hưởng của Ngũ Cung.  Một điển hình tuyệt vời nhất, là trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương vào những năm sau đó, viết theo cung bậc của nhạc Tây Phương mà vẫn chất ngất, dạt dào, thấm đượm và phô diễn dáng nét đặc thù của nền nhạc dân tộc. Dĩ nhiên, tùy theo xuất thân và cảm quan cá nhân, mức độ và hình thức dung hòa giữa hệ thống Ngũ Cung và hệ thống Thất Cung của mỗi nhạc sĩ, có thể khác nhau. Hầu hết các nhạc sĩ có công khai sáng nền tân nhạc Việt Nam, đều không được học đến nơi đến chốn về âm nhạc Tây Phương. Năm 1927, nhạc viện Viễn Ðông được mở ra tại Hà Nội, nhưng ba năm sau đó đã phải đóng cửa, vì những khó khăn kinh tế của cuộc đại khủng hoảng. Những người muốn học nhạc, ai may mắn thì tìm được một vị thầy người Pháp, bằng không thì chỉ còn cách tự học qua sách vở, hoặc theo học hàm thụ các trường nhạc bên Pháp. Cũng có một số người, lương cũng như giáo, có cơ duyên theo học nhạc với các vị tu sĩ Công Giáo và sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng lối viết nhạc và hòa âm của loại nhạc tôn giáo cổ điển Gregorian mà người Việt dịch là Vãn Ca hoặc Bình Ca.
Đặng Thế Phong. nguồn: sbs.com.au
Nhạc sĩ được nhiều người đánh giá có trình độ nhạc lý cao nhất đó là Dương Thiệu Tước. Sở trường của ông là Hạ Uy Cầm. Ông có một tiệm bán đàn và lớp dạy Hạ Uy Cầm ở phố Hàng Gai, Hà Nội. Giữa thập niên 1930, ông cùng với Thẩm Oánh và vài nhạc sĩ khác thành lập một ban nhạc lấy tên là Myosotis. Lúc đầu, chỉ chuyên trình bày nhạc Pháp hoặc nhạc Việt, lời Pháp, chẳng hạn hai bản Joie d’aimer và Souvenance do Dương Thiệu Tước viết nhạc và Thẩm Bích (bào huynh của Thẩm Oánh), đặt lời. Hoặc bản nhạc không lời Ton Doux Sourire do Dương Thiệu Tước soạn riêng cho Hạ Uy Cầm. Nhóm Myosotis thường hòa nhạc tại các tư gia để trau dồi nghệ thuật. Chỉ thỉnh thoảng mới trình diễn tại các rạp chiếu bóng trong các dịp gây quỹ từ thiện. Năm 1939, nhóm Myosotis đã đi tiên phong trong việc xuất bản những ca khúc nhạc cải cách, tức nhạc Việt, lời Việt của các thành viên trong nhóm. Nếu ở Hà Nội có nhóm Myosotis thì Hải Phòng có nhóm Hải Phòng, gồm những tên tuổi lẫy lừng bậc nhất trong nền tân nhạc Việt Nam thời tiền chiến, như Văn Cao, Canh Thân, Hoàng Quý, Lê Thương v.v… Nhưng đó là chuyện của mấy năm về sau. Còn vào năm 1939, người thứ nhì sau Dzoãn Mẫn đã chinh phục thính giả với một tình khúc bất hủ, là một thành viên của nhóm Nam Ðịnh, cũng là một trung tâm văn hóa quan trọng ở miền Bắc thời bấy giờ. Nhạc sĩ ấy là Ðặng Thế Phong, tình khúc ấy là bản Ðêm Thu.
Ðêm Thu - Ðặng Thế Phong - Thu Hà trình bày:
Vườn khuya trăng chiếu
Hoa đứng im như mắt buồn
Lòng ta xao xuyến
Lắng nghe lời hoa
Cánh hoa vương buồn trong gió
Ánh hương yêu nhẹ nhàng say
Gió lay
Bìa nhạc Con Thuyền Không Bến
Vào thuở sơ khai của nền tân nhạc Việt Nam, một sáng tác đầu tay mà đạt tới mức tuyệt vời về cả hình thức lẫn nội dung, như bản Ðêm Thu của Ðặng Thế Phong, không phải là chuyện bình thường.
Những lời ca mông lung trữ tình, “Vườn khuya trăng chiếu, hoa đứng yên… Lòng ta xao xuyến, lắng nghe lời hoa….” theo nhịp 3/4 khoan thai, êm ái tức điệu Boston, để chuẩn bị cho lời ca dồn dập, theo điệu Valse lả lướt. “Hoa lá cành,.. bóng trăng lam dịu dàng,.. ru hồn bao nhớ nhung”, đã có sức thu hút thính giả ngay khi thưởng thức lần đầu. Ðặng Thế Phong, một nhạc sĩ trẻ và chết trẻ. Ông mất khi mới ngoài 20 tuổi, chỉ để lại cho đời ba sáng tác, cả ba đều nói về Thu, cả ba đều là những tình khúc bất hủ. Ðêm Thu mà quý vị vừa thưởng thức, rồi Con Thuyền Không Bến và cuối cùng là Giọt Mưa Thu.
Con Thuyền Không Bến  
Ðặng Thế Phong - Ánh Tuyết trình bày:
Ban kịch Học Sinh, báo Học Sinh, 
23 tháng 11 năm 1939, tr 14. 
Cố nhạc sĩ Lê Thương đã nhận xét rằng, “Trong cả ba ca khúc của Ðặng Thế Phong đều như chứa đựng một mê luyến mông mênh, như tiên kiến cho cuộc đời đoản mệnh”. Một số người khác, chi tiết hơn, thì cho rằng, vì cả ba sáng tác của Ðặng Thế Phong đều nói về thu. Mùa thu là mùa lá rụng để chuẩn bị chết theo mùa Ðông, cho nên nó ám vào người. Thông thường cái chết của các danh nhân luôn luôn được huyền thoại hóa, nhất là cái chết trẻ như trường hợp của Ðặng Thế Phong. Ngày còn nhỏ, Ðặng Thế Phong ôm mộng trở thành họa sĩ. Cũng giống như Nhất Linh, ông thi đậu vào trường Mỹ Thuật, nhưng sau đó bỏ dở ý định theo đuổi hội họa. Huyền thoại kể lại rằng, khi thi vào trường, Ðặng Thế Phong vẽ một thân cây cụt, không có ngọn rất đẹp. Vị thầy người Pháp chấm điểm không tiếc lời khen ngợi, nhưng nói thêm, e rằng Ðặng Thế Phong sẽ không sống lâu được. Ðấy là một sự tiên đoán, còn muốn lý giải, thì có thể nhắc lại cái chết của một người họ Ðặng khác vào thời xa xưa, Ðặng Trần Côn, tác giả Chinh Phụ Ngâm. Ngày ấy, sau khi đọc xong tác phẩm này, một học giả Trung Hoa đã nói, người này nhiều lắm chỉ sống thêm được 5 năm nữa, bởi vì bao tinh hoa đã trút hết ra đây cả rồi.
Ðặng Thế Phong cũng thế, tuy ông chỉ viết được ba ca khúc, nhưng tinh hoa chất chứa trong đó, có thể còn nhiều hơn cả một đời sáng tác của một số người. Cả ba ca khúc ấy, lại đều là tình khúc, cho nên tính cách bất tử là một điều khẳng định. Một trong những điểm độc đáo và tuyệt vời trong ba ca khúc ấy là tình khúc, mà không có hình ảnh của một người tình. Chỉ có gió trăng, hoa lá, dòng sông, con thuyền và những giọt mưa thu. Làm sao một thanh niên ở lứa tuổi 20 như Ðặng Thế Phong lại có thể cảm nhận được “Dương thế bao la sầu….”, như ông đã viết trong Giọt Mưa Thu.  Nghe nói, khi mới viết xong ca khúc này, Ðặng Thế Phong đã đặt tên là Sầu Vạn Cổ, nhưng sau đó thấy nó buồn quá, ông mới đổi thành Giọt Mưa Thu. Nhưng dù gọi là Giọt Mưa Thu hay Sầu Vạn Cổ thì ca khúc ấy, cũng đã để lại cho dương thế biết bao nỗi sầu. Hay vì đời người vốn dĩ đã man mác những nỗi sầu, như con thuyền trôi trên dòng sông mà không biết đâu là bờ bến.
Giọt Mưa Thu  
Ðặng Thế Phong - Thái Thanh
Bài Sáng Trăng, Đặng Thế Phong 
viết cho báo Học Sinh, 24 tháng 8 năm 1939, tr. 8.
Chú thích của Thanh Thư:
Hình “Ga Hàng Cỏ xưa” là nơi Dzoãn Mẫn lấy cảm hứng sáng tác bài “Biệt Ly” như trong đoạn tâm sự “Tôi viết Biệt ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi, chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Ðiều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia ly. Tôi nghĩ rằng tôi sáng tác bài Biệt ly với rất nhiều kỷ niệm. Qua những cuộc chia ly mà tôi được chứng kiến ở sân ga Hà Nội, ở bến cảng Hải Phòng đã cho tôi rất nhiều xúc động….” Trích trong bài viết ‘Biệt Ly (Dzoãn Mẫn) của Ðỗ Ðình Hoạt.
Bài Sáng Trong Rừng và Sáng Trăng là hai bài nhạc Ðặng Thế Phong viết cho báo Học Sinh theo bài viết “Ðặng Thế Phong - sống và chết trước khi thời cơ đến (phần 1)” của Jason Gibb. 
Hoài Nam biên soạn
Thanh Thư chuyển văn bản
Theo http://baotreonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...