Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Trịnh Công Sơn và chút tình gởi gió

Trịnh Công Sơn và chút tình gởi gió...
Tôi không phải là người mê nhạc Trịnh Công Sơn. Có những sáng tác của ông tôi nghe rất mệt - ngay cả giai điệu lẫn ca từ đều không thể cảm thụ được - như ca khúc Bống Bồng ơi gì đó mà ca sĩ Hồng Nhung vẫn hát chẳng hạn. Có lẽ vì tôi vẫn chưa thoát khỏi tâm lý thích nghe nhạc kiểu dễ nghe, dễ thuộc, dễ hiểu và cũng dễ…quên. Nhưng cũng có những bài của ông, nếu lỡ để những thanh âm của nó lay động thì khó mà dứt ra được.
Tôi muốn nói đến những ca khúc người ta chỉ vô tình được nghe một lần để rồi sau đó thổn thức kiếm tìm một cái gì vô định. Người ta không biết rằng dư ba của bài hát cũng theo đó mà dao động mãi. Những lúc ấy, tôi thường tưởng tượng như đang đứng trong một căn phòng ngột ngạt, bất chợt mát rượi một cơn gió nhẹ, dù chỉ là thoáng qua… Người ta có thể được nghe nhạc nhiều lần, nhưng mấy khi có được cảm giác như thế. Tôi cho như vậy là may mắn lắm. Tôi cũng đã từng may mắn như vậy khi nghe “Để gió cuốn đi” của Trịnh Công Sơn. Nếu một lúc nào đó, tự thấy lòng mình không thể thanh thản thì hãy để gió cuốn đi, để cho mây trôi qua dòng sông và sông sẽ cuốn trôi tất cả…
Nhạc Trịnh Công Sơn thường triết lý, người ta bảo vậy. Nhưng tôi thì lại thấy khác. Có người làm nghệ thuật nào lại chẳng muốn gửi gắm một chút suy nghĩ của mình vào đứa con tinh thần. Nhưng phải chăng vì thế mà người ta cố gắng gò nặn ra triết lý?
Với Trịnh Công Sơn, phải chăng ông cũng thích đưa vào tác phẩm của mình những cái phù du, bồng bềnh, khó hiểu? Đánh giá một con người là một việc làm hết sức tế nhị. Hơn nữa đây lại là một nhạc sỹ, một nhạc sĩ có tên tuổi và có vị trí trong lòng thính giả hẳn hoi. Thực tình mà nói là tôi không dám tự mình đưa ra kết luận nào cả trong chuyện này. Nhưng vẫn bằng cái trực quan của một thính giả, tôi thấy đơn giản là ông chỉ muốn đưa những rung cảm của mình vào giai điệu, vào ca từ… rồi tự nhiên nó thành ra triết lý. Chẳng hạn như bài để gió cuốn đi có những câu: 
“Ôi trái tim đang bay theo thời gian, 
làm chiếc bóng đi rao lời dối gian”. 
Phải chăng khi viết như vậy là ông đang nghĩ đến chính bản thân mình?
Bài hát có thể kết thúc đã lâu nhưng người ta dường như vẫn cảm thấy những cơn gió lòng còn đang ngập tràn dòng xúc cảm. Gió khi lăn tăn, lúc nhẹ nhàng, chợt im lặng… lúc lại tưng bừng mịt mù cát bụi. Soi vào không gian vô chừng ấy, người ta như người mộng du, bởi vì ngay từ đầu tác giả đã ru người nghe bằng một lời thủ thỉ: “Sống trong đời sống, 
cần có một tấm lòng. 
Để làm gì em biết không? 
Để gió cuốn đi. 
Để gió cuốn đi…”
Bình thường nếu có ai bất chợt hỏi tôi câu này, tôi sẽ tìm cách lấp liếm hoặc trả lời chung chung vì chẳng biết trả lời sao cho thỏa đáng cả. Không phải câu hỏi khó mà vì nó đụng đến phạm trù đạo đức. Mà hễ nhắc đến đạo đức thì chẳng có chuẩn mực nào là tuyệt đối. Cần có một tấm lòng để đùm bọc? Yêu thương? San sẻ?… biết trả lời thế nào cho đủ. Thế mà câu trả lời của người đặt câu hỏi lại chẳng ăn nhập gì tới vấn đề này cả. Đó là một cách trả lời trốn tránh, nhiều người có thể cho là như vậy. Tác giả đang trốn tránh phải trả lời câu hỏi hóc búa, hay ông chỉ muốn làm cho ca từ thêm bâng khuâng khó hiểu để thu hút người nghe? Hoặc giả chính ông cũng đang không hiểu nổi cảm xúc của mình. Tất cả vẫn chỉ là điều giả định. Có một điều chắc chắn là để gió cuốn đi rồi người ta sẽ thấy lòng mình nhẹ nhõm. Nhưng rồi sau đó, lòng ta sẽ đi đâu?
"Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông. 
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông. 
Ôi trái tim đang bay theo thời gian. 
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian”.
Ngày lên hay đêm xuống chỉ là một cách diễn đạt, có khác chăng là tâm trạng nhân vật trữ tình đang bi quan hay phơi phới niềm tin cuộc sống. Đến bây giờ người ta mới hiểu. Người ta có thể thấy thanh thản khi thả hồn theo gió. Nhưng có còn thanh thản nữa không khi gió đã cuốn nó vào dòng đời trôi nổi. Góp vào đời những tiếng nói, người ta thấy nói ra thì dễ mà nghe lại thì không dễ chút nào. Trong biết bao nhiêu lần nghe lại những gì mình đã nói, sẽ có lúc ta phải dằn vặt vì đã có những lời “làm chiếc bóng đi rao lời dối gian”. Người ý thức được nỗi sợ hãi đó và biến nó thành bi kịch của mình là không ai khác ngườI nghệ sỹ. Họ có sứ mệnh phảI tạo ra những tiếng vọng đúng đắn cho đời, ca ngợi những cái đẹp đích thực chứ không phải lọc lừa người thưởng thức bằng những giá trị dối trá. Càng thấy cái đáng sợ của nghề nghiệp, họ càng phải biết nghiêm khắc với chính mình.
“Những khi chiều tới, 
cần có một tiếng cườI 
để ngậm ngùi theo lá bay. 
Rồi nước cuốn trôi. 
Rồi nước cuốn trôi…”
Tại sao cứ phải tự ép mình một nụ cười giả tạo khi mà người ta còn không thể vui nổi? Ấy thế, vì không có mới phải cần. Nếu như ai cũng biết quên để mà vui sống, biết cái sứ mệnh cao cả của chiếc lá khi chấm dứt màu xanh nguyên thủy là để chuẩn bị cho một màu xanh vĩnh hằng thì đời làm gì có nỗI buồn, người ta làm gì biết đến thất bại và biết đâu làm gì còn phần con trong chất ngườI được nữa?!!…
Dường như cả bài ca, tác giả chỉ đưa vào đó nào gió, nào mây, nào sông nước mênh mông. Nhưng đây không đơn thuần là ca khúc mô tả thiên nhiên, bởi nếu thế đã không còn là Trịnh Công Sơn nữa. Ta có thể thấy đằng sau đó là một con người, một tâm hồn đang đi tìm kiếm chân lý, tìm kiếm con người thật của mình. Sau cuộc hành trình ấy, người ta đã quên hết mình đã phiêu du những đâu, đã trăn trở như thế nào. Chỉ có một điều duy nhất mà ai cũng có thể nhận ra: không thể cứ mãi phiêu du được nữa khi “nhìn suốt một mối tình” mà “chỉ lặng nhìn không nói năng”. Nhìn mà không nói thì chẳng thay đổI được gì cả. Hoặc giả chính tác giả đang sợ sự thay đổI, sợ sẽ lại “làm chiếc bóng đi rao lời dối gian”. Chẳng thà cứ như thế, “tình không lên tiếng là tình trăm năm” (Mưa Thì Thầm - Tôn Thất Lập).
Nếu để nói về một con người, không nên chỉ nhận xét qua một câu nói của người ấy. Nói như vậy để thấy rằng không thể chỉ bằng một ca khúc hay một bản nhạc mà thâu tóm phong cách của một nhạc sỹ, nhất là khi đó lại là một phong cách lớn. Đối với Trịnh Công Sơn thì lại càng không thể. Nhưng qua “Để gió cuốn đi” và một số bài khác của ông như “Hoa vàng mấy độ”, “Chuyện đóa quỳnh hương”… tôi mới hiểu nhạc Trịnh Công Sơn liên kết với người nghe bằng một sợi tơ vô hình mà bền chắc. Có thể qua thời gian vô số những sợi tơ như vậy sẽ bao bọc trái tim người nghe bằng cả tấm mạng mang tinh thần Trịnh Công Sơn. Làm sao người ta có thể quên một người nghệ sĩ suốt đời gởi hương cho gió để đến với đời như Trịnh Công Sơn?…
Nguồn: Giaidieuxanh.com.vn
Theo http://www.epu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...