Tác phẩm văn học là sản phẩm sáng tạo đặc biệt được hình
thành qua quá trình lao động đặc thù của nhà văn. Dù muốn hay không, nó cũng phải
mang dấu ấn sâu sắc của nhà văn. Hoạt động sáng tạo của nhà văn lại là hoạt động
đặc biệt mang tính đặc thù không giống với bất kỳ hoạt động nào khác. Hoạt động
này được thực hiện trong sự chi phối mạnh mẽ, sự tác động sâu sắc giữa các yếu
tố đặc biệt. Đó là khả năng quan sát tinh tế, tâm hồn nhạy cảm…và đặc biệt là
tài năng văn chương thực thụ.
Ai cũng có thể nhìn thấy mọi thứ đang hằng ngày diễn ra trong
cuộc sống nhưng rồi họ sẽ quên mau như quên đi một ngày mệt mỏi sau một thoáng
bâng khuâng, chỉ có nhà văn thì nhớ hoài, suy ngẫm mãi. Nó là biểu hiện của một
bản chất nào đó chăng? Nó là sự khởi đầu cho một cái gì đó sẽ khiến con người
ta đổi khác? Chúng trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng thúc đẩy khả năng tưởng tượng
phong phú của nhà văn bay cao, bay xa vượt qua mọi giới hạn và chắp cánh cho
nghệ thuật. Người nghệ sĩ hơn ai hết phải là người sở hữu một tâm hồn giàu cảm
xúc. Nhà thơ Tố Hữu khẳng địng: “Thơ là tiếng nói của những tâm hồn đồng điệu”,
Musset (Pháp) cũng khẳng định: “Hãy đập mạnh vào tim tôi / Thiên tài là ở đó.”
Tất cả đều nhấn mạnh vai trò của cảm xúc nơi trái tim con người
khi sáng tác văn học. Nghệ sĩ là người có “trái tim mong manh” luôn dễ dàng
rung lên bần bật trước mọi tác động dù là nhỏ nhất của cuộc sống và tự nhiên. Họ
còn phải là nguời có trí tuệ sắc sảo. Họ không chỉ là người dẫn đường chỉ lối
và định hướng cho những bước đi của nhân vật mà hơn thế họ là “nhà tiên chi”
tiên đoán được những điều sẽ xảy ra, có thể xảy ra. Mỗi tác phẩm văn học được
sáng tác trong một tình trạng tâm lý khác nhau, thậm chí chỉ một tác phẩm thôi
nhưng cũng được sáng tác trong nhiều trạng thái tâm lý khác nhau.
Người nghệ sĩ bao giờ cũng làm việc trong sự kết hợp giữa trí
tuệ và cảm xúc, trí tuệ là cái bất biến và luôn ổn định nhưng cảm xúc thì không
như vậy. Nó biến động rất phức tạp nhưng chính nó là yếu tố tạo nên sự khác biệt
giữa những người lao động nghệ thuật và những người lao động bình thường khác.
Người nghệ sĩ chỉ làm việc khi có cảm xúc, đôi khi là sự lắng đọng tới tận tiềm
thức. Thường thì cảm xúc luôn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của trí tuệ, trí tuệ
trở nên bất lực trước cảm xúc. Đúng như Victor Huygo tác giả của cuốn tiểu thuyết
nổi tiếng “Nhà thờ đức bà Pari” khẳng định: “Tình yêu có những quy luật riêng
mà trí tuệ không thể hiểu được”. Chính vì thế tác phẩm văn học là sự đan xen, sự
kết hợp một cách tinh vi giữa yếu tố thực và yếu tố ảo. Trong đó xuất hiện nhiều
khoảng trống, khoảng lặng hay những khoảng mờ nhạt mơ hồ. Bất kỳ tác phẩm nghệ
thuật nào cũng có những đoạn bị bỏ ngõ trong tình thế lửng lơ giữa đôi bờ hư thực
do quy luật của cảm xúc, cùng những đòi hỏi nghiêm ngặt của nghề văn. Chính điều
này làm cho mọi tác phẩm văn học đều trở nên khiếm khuyết mơ hồ và dở dang. Cái
ranh giới của sự bắt đầu và kết thúc trở nên nhạt nhòa như sương khói. Bản thân
“tác phẩm văn học là vật có ý hướng” thì làm sao hạn định được cái ý hướng ấy sẽ
đi tới đâu và dừng lại ở đâu? Đành rằng sự đan sen giữa yếu tố thực và hư, giữa
những khoảng trống, khoảng lặng và khoảng mờ và cả những đoạn bỏ ngõ lửng lơ đều
tồn tại trên cái phương tiện là ngôn ngữ. Nhưng nếu cố tình bám víu vào ngôn ngữ
để mong tìm thấy cái giới hạn cuối cùng của tác phẩm văn học thì hoàn toàn thất
bại bởi “ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể” (Roman Ingarden, Trên đường đến với
ngôn ngữ). Ngôn ngữ là phương tiện thẩm mĩ nhưng bản thân nó cũng tồn tại một
cách độc lập tương đối.
Đừng ngây thơ đến mức đi tìm một sự kết thúc của tác phẩm văn
học trên văn bản văn học. Trong cái văn bản ấy có hàng ngàn vấn đề bị bỏ ngõ, bị
treo lửng lơ, có hàng vạn khoảng trống, khoảng lặng và khoảng mờ âm u. Những điều
tác giả khao khát được người đọc hiểu nhưng nhất định không chịu nói mà để cho
nguời đọc tự tìm hiểu và phát hiện ra thông qua những điều khác đã được mã hóa
có trong tác phẩm. Phải chăng đó là bản chất của sáng tạo nghệ thuật, bản chất
của văn học? Hay vì tác giả sợ như sợ tình yêu sẽ chết? Vì “tình yêu là một con
quỷ, cho nó ăn no nó sẽ chết để cho nó đói khát nó sẽ sống lâu”. Muốn cho nó
không chết, chỉ còn cách duy nhất là để cho nó đói khát, thèm muốn và phải từng
phút từng giây lê lết đôi chân của mình đi kiếm tìm sự sống. Ngay cả khi ta
nhìn thấy tác giả đã đặt dấu chấm hết cho văn bản văn học của mình, thậm chí án
ngữ ngay cuối văn bản là một vệ binh khổng lồ và lạnh ngắt “The end” thì nó
cũng không phải là dấu hiệu của sự kết thúc mà thực ra lại là dấu hiệu của sự bắt
đầu, bắt đầu cho sự đối thoại (Đối thoại giữa người viết và người đọc). Bắt đầu
quá trình giải mã văn bản, nó mở đầu cho một đời sống văn học và khi có đời sống
văn học, văn bản mới trở thành tác phẩm văn học.
Hãy từ bỏ ý định, từ bỏ mong muốn tìm thấy cái giới hạn cuối
cùng của tác phẩm văn học bằng văn bản văn học bởi “không bao giờ ta đạt tới giới
hạn bằng văn bản”. Đó là còn chưa kể đến bản chất, đến tính độc lập tương đối
và khả năng tạo nghĩa của ngôn ngữ - cái vật liệu xây dựng nên văn bản văn học,
tác phẩm văn học.
Hoạt động đọc cũng không phải là hoạt động tiếp thu một cách
thụ động một chiều. Nó cũng là hoạt động sáng tạo có vai trò quan trọng không
kém gì so với hoạt động sáng tác nên người đọc cũng cần có sự nỗ lực tương
đương với người viết trong suốt quá trình tiếp nhận. Quá trình đọc là quá trình
lấp đầy những khoảng trống, khoảng lặng, khoảng mờ... Mức độ và hiệu quả của
công việc này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thẩm mĩ, trình độ học vấn, tình
cảm, tâm lý của người đọc...
Trong vô số vấn đề có trong tác phẩm, người đọc thấy tâm đắc
với vấn đề nào nhất, yêu thích vấn đề nào nhất vì nó hợp với tâm lý, với nhu cầu
thẩm mĩ của họ nhưng thực tế là trong khi xây đựng vấn đề ấy chính nhà văn cũng
không thể nào kiểm soát được giới hạn của nó, không thể khống chế được chiều hướng
phát triển của nó. Cái giới hạn của chỉ một vấn đề nhỏ trong tác phẩm đã là vô
định, thử hỏi làm sao người đọc có thể cụ thể hoá nó một cách rõ ràng như lấy
nước đổ đầy một cái lu? Trong khi đó chính người tạo ra nó cũng bất lực khi buộc
phải chỉ ra nó bắt đầu và kết thúc ra sao, khi nào. Chính các nhà văn khi đánh
giá lại tác phẩm của mình cũng phải thừa nhận: Không hiểu tại sao lúc ấy tôi lại
sáng tác được như thế. Khi nói về cùng một tác phẩm của mình, nhà thơ Xuân Diệu
đã từng nói hoàn toàn khác nhau thậm chí trái ngược nhau ở hai nơi khác nhau,
hai thời điểm khác nhau. Trong quá trình tiếp nhận văn học không thể nào có được
sự trùng khít giữa người viết và người đọc dù chỉ là trong một vấn đề nhỏ, một
khía cạnh đơn giản nhất của tác phẩm văn học.
Cái khoảng trống, khoảng mờ, khoảng lặng... trong tác phẩm
văn học xem ra không thể nào được lấp đầy vì nó được tạo ra bằng chính những
khoảng trống, khoảng lặng… trong tâm hồn nhà văn. Tuy vậy bản thân chúng lại tạo
nên bản chất của văn học, ở đó đời sống văn học bắt đầu và sự sống được duy
trì. Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả các khoảng trống được lấp đầy, các khoảng mờ
được làm rõ, các đoạn bỏ ngõ được nói rõ? Có lẽ giống như cái mênh mông của
không gian vũ trụ được chụp vào một bức tranh, đóng khung lại và treo bất động
trên tường. Xem như tác phẩm văn học đã được cấp “giấy chứng tử”, tất cả kết
thúc ở đây. Hoạt động cụ thể hóa đã hoàn thành vì không còn gì để tiếp tục...
Tác phẩm văn học phải có một đời sống riêng và để duy trì được
đời sống ấy tự bản thân nó phải luôn đòi hỏi sự bổ sung nghĩa. Giống như cơ thể
con người luôn có nhu cầu được cung cấp thức ăn, nước uống và không khí để thở
hằng ngày hằng giờ. Chỉ khác là cơ thể con người thì tồn tại trong một giới hạn
còn tác phẩm văn học thực thụ thì tồn tại vĩnh viễn luôn đòi hỏi sự bổ sung và
không bao giờ vươn tới được cái giới hạn cuối cùng.
Nguyễn Thanh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét