Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Nghĩ về một nét thơ từ “Mùa bấc biển”

Nghĩ về một nét thơ từ “Mùa bấc biển” 
Nói đến ”bấc biển” là nói đến những ngày trở gió, những ngày không bình thường cho người lao động biển. Nhưng  xuyên suốt tập thơ, đâu có chuyện tả gì về biển bấc, mà gặp ở đó là những cơn bấc lòng. Ấy là, những xao xuyến, bâng khuâng, là những nôn nao gợi nhớ, những gợn sóng yêuthương  và bất chợt những xúc cảm vui buồn.
Đoàn Thuận làm thơ khá sớm. Thơ chọn đăng trong tập “Mùa bấc biển” là những bài anh viết từ khi chưa tới tuổi ba mươi. Anh lặng lẽ làm thơ như cuộc đời khiêm tốn, hiền từ và lặng lẽ của anh. Nói lặng lẽ nhưng anh có một nội lực dồi dào, bền bĩ cho ngòi bút. Viết rồi để đó, hoặc đọc cho bạn bè nghe, hoặc chép tay tặng bạn, thỉnh thoảng mới gởi đăng báo…
Đọc thơ Đoàn Thuận, người ta có thể phát hiện ra ngay cái thế mạnh của anh, đó là khi anh viết những dòng lục bát. Làm thơ lục bát không khó, nhưng để có những câu thơ lục bát đọng lại nơi lòng người quả không dễ. Thế mà Đoàn Thuận đã có được những dòng thơ nghe bâng khuâng đến tận cõi lòng:
“Tiếng chuông rơi phía đồng sâu
Mơ hồ như giọt đàn bầu ai xưa.”
Tất cả như loãng ra, rồi ngưng đọng, bao trùm lắng lại một không gian hoài niệm, hoài niệm đến chơi vơi, ngỡ ngàng. Nhiều lúc anh dùng lục bát để thử sức với ngôn ngữ và tỏ ra chắc tay, có khả năng thật sự. Hãy đọc thử “Chiều nhớ quê”:
“Chiều xuân mây trắng về xa
Cuối chân trời ấy quê nhà chiều xưa
Mhớ chiều nao chuyến đò đưa.
Chở chiều qua bến sông mưa đợi chiều.
Mây chiều hay tóc người yêu
Lòng ta phố cổ chín chiều vì đâu”.
Chữ “chiều” cứ xoay đi xoáy lại đến ám ảnh.  Qua chữ “chiều” ở câu cuối lại là chuyện khác…Té ra, “chiều” trong bài đâu phải chỉ có “chiều” của thời gian, mà “chiều” của không gian tâm trạng, của những “vùng chiều ” kỷ niệm đã trôi xa, nhớ mong, lưu luyến:
“chở chiều qua bến sông mưa đợi chiều”
Đến bây giờ thì Đoàn Thuận thực sự tóc đã hoa râm, nhưng cách đây 24 năm (tức từ năm 1970) mà anh viết: “Giật mình tóc đã hoa râm lâu rồi” làm tôi thấy ngờ ngợ. Câu thơ ấy nằm trong bài thơ mà tôi rất thích:
“Người đi đãi cát tìm vàng
Ta còn mê mải về ngàn rong chơi
Qua con suối vắng tìm lời
Gieo câu lục bát vào nơi lặng thầm
Chợt nghe bấc lạnh căm căm
Giật mình tóc đã hoa râm lâu rồi”.

Tôi nghĩ, trên là bài tự cảm, nói chính xác hơn là bài tự hoạ. Ngẫm về một quãng đời, với cuộc “rong chơi” sang trọng, - tôi nói “sang trọng” vì chơi với văn chương là cuộc chơi sang trọng. Quãng đời chỉ dành cho nàng thơ, nhưng cũng hết sức oái ăm khi cảm thấy: “Gieo câu lục bát vào nơi lặng thầm”.
Ấy, chơi với nàng thơ đâu phải chuyện đùa, một sự trả giá nghiệt ngã đến phải sợ. Một cuộc hành trình lặng lẽ đến cô đơn, với  “suối vắng”, với “bấc lạnh”, để rồi thảng thốt khi nghe tiếng thời gian điểm xuống đỉnh đầu,”tóc đã hoa râm” Đó là cách cảm nghĩ của anh, một cảm nghĩ hết sức chân thành. Nhưng đến bây giờ, những câu lục bát của anh không còn gieo “vào nơi lặng thầm” nữa. Bởi bạn đọc đang đón nhận thơ Đoàn Thuận, đang mong đợi anh, chứ đâu như anh nói:
“Đâu còn ai nhớ ai mong”
Ta như  một chiếc bóng không đường trần”.

Đến với thơ Đoàn Thuận là đến với những lời thỏ thẻ tâm tình, nhẹ nhàng kín đáo, nhiều lúc  tưởng chừng như bâng quơ nhưng thấm đẫm một nỗi đời.
Võ Nguyên
Theo https://doanthuan.wordpress.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...