(Dựa trên bài viết của Sam Quinones, đăng trên Los Angeles
Times, bản dịch của Nguyễn Bá Trạc, báo Việt Mercury, nội dung về đời một người.
Ông Ngoy, Vua Donut thuở thiếu thời, tị nạn sang Mỹ làm ăn phát đạt, thất thế
sa cơ bại sản, ông giữ vững một niềm tin và lạc quan: đời vẫn có cái đáng để sống.
Đây là một câu chuyện có thực, được tác giả tiểu thuyết hóa, thay đổi tên nhân
vật và vị trí địa dư, để viết lại. Bản truyện chia ra từng mảng, đăng từng kỳ,
thay vì đi một lúc quá dài, chiếm nhiều trang báo. NTD)
Phiệt là đứa trẻ nhà nghèo. Mẹ cậu phải tần tảo làm ăn sinh sống
độ nhật nhờ vào gánh hàng rong. Mỗi buổi sáng, bà phải dậy thật sớm. Buổi tối,
bà thường thức rất khuyạ Dậy sớm nấu chín nồi xôi, chuẩn bị thúng mẹt và những
thứ cần thiết để hoàn tất trước khi bóng đêm đã loãng, quẩy ra chợ ngồi, hay
bán quanh ở hang cùng ngõ hẻm. Thức rất khuya, bà làm đủ thứ việc vặt vãnh mà một
ngày vắng nhà, bà không có đủ thì giờ để có thể lo được. Đời sống vất vả cực nhọc,
bà mẹ của Phiệt vẫn cắn răng chịu đựng, chấp nhận với số phận hẩm hiu hèn mọn của
mình. Khi cha Phiệt còn sống, ông đạp xích lô kiếm tiền giúp mẹ Phiệt, nhưng
khi người cha đã quá cố, còn một mình mẹ Phiệt, bà đưa đôi vai gánh nặng mưu
sinh để nuôi cho mình, Phiệt thấy mẹ chịu cực khổ thay vì như trước đây, mẹ có
cha để đỡ đần chia sẻ.
Được đi học, Phiệt là một cậu bé thông minh. Bài vở thường có
điểm tốt. Một học sinh gương mẫu xuất sắc về nhiều mặt, đấy là nhận xét đánh
giá của thầy hiệu trưởng trường Phiệt đang học. Năm 17 tuổi, Phiệt đã bước vào
ngưỡng cửa bậc trung học. Giọng nói đổi khác. Tính tình cũng không như xưa.
Hình thể vóc dáng phát triển nom nở nang, cao hơn. Phiệt đã dậy thì. Đấy là lúc
Phiệt hay ngồi mơ mộng, mắt thường chăm chú ngó con gái, và rạo rực da thịt khi
nghĩ đến đàn bà. Tình yêu và tình dục đang nẩy nở ở thời kỳ Phiệt đang tới tuổi
dậy thì.
Mê chơi đàn, Phiệt nài nỉ mẹ mua cho cây "guitar".
Đàn cũ, giá rẻ, bà mẹ của Phiệt đã chiều lòng con, nhín tiền để thực hiện ước
mơ của Phiệt. Phiệt có cây "guitar", sẵn năng khiếu về âm nhạc, cậu tự
học, hay học mót từ bạn bè, đánh dở rồi thấy khá. Trước, năm ngón tay bấm đàn
còn loạng quạng, đệm nhịp còn lúng túng, sau nhiều ngày kiên nhẫn tập dượt, Phiệt
đã thấy quen, gảy nhuần nhuyễn thuần thục. Phiệt thích nhất những bài nhạc
tình, đánh đã dễ, nghe lại êm tai.
Từ đó, mỗi khi trời vừa nhập nhoạng tối, Phiệt lại ra ngoài
hàng hiên, ngồi ôm cây "guitar" búng dây, vỗ thùng, miệng nghêu ngao
hát. Vào những đêm có trăng hay đêm mưa rả rích, tiếng đàn của Phiệt vang vọng
trong xóm ngõ, ảo não và buồn bã động đến tai người nghẹ Đã mê đàn, Phiệt còn
thích đọc tiểu thuyết. Không cuốn truyện tình nào Phiệt không mượn ở thư viện,
rồi đem về nhà ngồi đọc ngấu nghiến. Truyện càng éo le tình tiết, Phiệt càng
thích. Truyện càng lâm li bi đát, Phiệt càng nghiền coị Cái lãng mạn đã tiêm
nhiễm Phiệt như người ta nghiền thuốc lá, hút thành thói quen rồi, nghiện không
bỏ được.
Từ đấy, Phiệt sao lãng học hành. Bài vở điểm thấp. Kết quả
các kỳ sát hạch dưới hạng các bạn bè. Phiệt bây giờ là con chim thích hót hơn
là lo đi kiếm mồi. Là con ve sầu lười biếng nghêu ngao hát không như con kiến
biết lo cho tương lai. Thường mỗi ngày từ nhà đến trường và từ trường trở về
nhà, sau giờ mãn học, trên con đường đi, Phiệt phải ngang qua một ngôi nhà lầu
tọa lạc ở đầu con ngõ. Đứng từ ngoài nhìn vào bên trong, mắt thấy cái mái ngói
đỏ, tường quét vôi vàng, chu vi đất đai rất rộng. Chung quanh có sân lát gạch,
vườn cảnh trồng hoa hồng, một giàn bông giấy mầu tím. Bên cạnh những cây thân gốc
lớn và cao, như cam, xoài, còn thấy đặt những cái chậu sành, màu xanh da lươn,
trồng sứ Thái Lan, hoa mào gà, và cây mãn đình hồng hoa mầu đỏ. Để phòng ngừa
đêm tối kẻ gian đột nhập, ngoài những bức tường xây cao quá đầu người, hàng rào
lưới sắt loại chống đạn B 40, chủ nhà còn nuôi cả chó. Phải giầu có như thế nào
người ta mới bận tâm lo giữ của cải, nuôi chó và xây tường, vì chắc chắn bên
trong nhà, đồ đạc, vật dụng đều là những thứ nhiều tiền, quí giá cả.
Có hôm, mẹ con ngồi với nhau, Phiệt đã lẩn thẩn hỏi bà mẹ:
- Mẹ à. Con thấy cái ông có ngôi nhà lớn ở đầu ngõ, ông ấy
làm gì mà giầu thế mẹ nhỉ.
Bà mẹ Phiệt đang cặm cụi làm việc, nghe thế thì cười:
- Mẹ cũng không biết, nhưng nghe người ta bảo, ông ấy là cảnh
sát trưởng. Ông ấy chắc là có quyền có chức nên mới có xe riêng để đi, tài xế
riêng để lái cho ổng.
- Còn cái ông thỉnh thoảng ghé đến đây, ông này đi xe jeep,
có cả xe hộ tống đi theo ổng. Nom ông ấy oai ghê mẹ ạ.
- À. cái ông con nói hình như là Tướng thì phải. Ông này là
em ruột vợ của ông cảnh sát đó con ạ.
- Con thích được giống như ông Tướng ấy.
Bà mẹ Phiệt nhìn Phiệt cười:
- Thích thì trước nhất con phải chịu khó học hành. Sau này đỗ
đạt thành tài, con vào lính đeo lon, thăng quan tiến chức, thì con không là Tướng
cũng là Tá. Mà ...
- Mà sao hả mẹ.
- Mà, mấy lúc này mẹ thấy con đánh đàn và đọc tiểu thuyết nhiều
quá. Như thế còn thì giờ đâu để con chăm lo đèn sách nữa. Con muốn được như người
ta, trước nhất là con phải có bằng cấp mới được. Bố con vì hoàn cảnh khó khăn,
thất học nên ra đời chịu thua kém với bạn bè, thấp hèn trong xã hội. Mẹ muốn
con phải ăn học bằng người, có danh có giá với họ hàng hai bên. Con hơn cha là
nhà có phúc.
Nói thấy con ngồi cúi mặt lặng thinh, sợ con buồn, bà mẹ của
Phiệt biết lỡ lời nên dịu giọng:
- Bổn phận làm bố mẹ, mẹ thay bố con để bảo ban dậy dỗ con.
Con nghe mẹ nói thực lòng đừng nên buồn phiền phật ý.
- Không đâu mẹ. Mẹ nói con hiểu ý mẹ, đấy là mẹ muốn con nên
người.
- Vậy thì con phải cố công học tập, để báo đáp công lao của mẹ,
được vậy mới là có hiếu.
Phiệt cảm thấy cậu là người có lỗi, cúi mặt ngồi nghe. Đúng
như mẹ cậu nhận xét, thời gian gần đây, Phiệt đã chểnh mảng bài vở, phí phạm thời
giờ để ngồi mơ mộng viển vông. Trong đầu óc Phiệt, hình ảnh người con gái đứng
trong sân nhà ông cảnh sát cứ hiện ra như một con bướm lượn lờ trước mắt. Không
những chỉ lúc ngồi một mình thẫn thờ, mà cả đêm hôm khuya khoắt, Phiệt còn thấy
người đẹp trong những giấc mợ
Một hai lần Phiệt đi qua ngôi nhà đó, cậu thấy cô gái con ông
cảnh sát ngồi dưới giàn hoa bông giấy tím, áo vải phin mầu hoa cà, tóc để dài chấm
bờ vai, Phiệt đứng nhìn mê mẩn. Một lần cô gái ngẩng lên nhác thấy Phiệt, đôi
môi cô hé mở một nụ cười, đôi mắt bồ câu của cô chớp chớp, vẻ bẽn lẽn thẹn thò
dễ thương làm con tim Phiệt rung lên như những sợi dây đàn có người đụng tay
vào. Đó chính là tiếng gọi của tình yêu cất lên từ cõi lòng Phiệt. Phiệt từ đấy
như người bị hớp hồn, từ đấy ngẩn ngơ như kẻ mất trí, từ đấy nằm thì tay vắt
trán, và cũng từ đấy ngồi thì gục mặt tơ tưởng đến người con gái mà mình yêu.
Bà mẹ đoán ra tình yêu nẩy nở ở đứa con trai mới lớn của bà.
Một bữa, bà lựa lời khuyên răn Phiệt:
- Tuổi của con, theo mẹ nghĩ, chuyện yêu đương tình ái vướng
vào không có lợi. Trước mắt, con phải lo học hành tiến thân hơn là mơ tưởng tới
việc vợ con. Mẹ thấy con cứ để đầu óc mơ mộng hão huyền như thế chỉ làm mất thì
giờ vô ích mà cuối cùng không đi tới đâu cả. Con gái ông cảnh sát trưởng là
cành vàng lá ngọc, con đừng nên mơ ước người đó có thể cúi xuống để ban phát
tình yêu cho con được. Mà nếu nó có yêu con thật lòng, vợ chồng ông cảnh sát
cũng chẳng bao giờ chấp nhận đồng ý để gả con ông bà ta cho con đâu. Mẹ chỉ là
một mụ bán hàng rong, nghèo khó và hạ cấp, so với ông bà ta là người quyền quí
cao trọng, con chim cú làm sao đứng ngang hàng với con phượng hoàng để gia đình
hai bên làm sui gia được. Cưới vợ gả chồng, phải môn đăng hộ đối, điều đó con phải
biết mà giữ phận mình.
Dù nghe mẹ nói, Phiệt biết là mẹ nói có lý, nhưng cậu ta vẫn
bênh vực lý lẽ của con tim mình:
- Con thấy khi người ta đã yêu nhau thực lòng rồi, thì dù có
phải chết, cả hai cũng không thể xa nhau được.
- Con đọc quá nhiều cuốn tiểu thuyết lãng mạn nên con tưởng
tình yêu trong cuộc đời cũng đều lãng mạn như trong tiểu thuyết hay sao. Mẹ
khuyên con cần phải sống thực để đừng tiểu thuyết hóa tình yêu như những cuốn
sách con đọc. Mà mẹ cũng phòng ngừa trước chuyện đó như thế thôi, chứ hiện tại,
con và con gái của ông bà cảnh sát đã có gì đâu để phải bận tâm nhắc tới. Thôi.
Theo mẹ, điều tốt nhất là con quay trở lại việc chuyên tâm học hành, còn chuyện
vợ con, vài năm nữa con đỗ xong mảnh bằng, có công ăn việc làm, mẹ sẽ đứng ra
chọn người làm vợ cho con.
Lời khuyên của bà mẹ xem như gió thoảng, là bởi vì Phiệt như
người đang say thuốc phiện, thiếu thuốc thì vật vã người, yêu đương nhung nhớ
thì hồn và xác lúc lìa lúc nhập. Vẫn với cây đàn, Phiệt tối ngày đem ra gãy để
tải nỗi buồn nung nấu theo gió bay đi.
Góc ngôi nhà của ông cảnh sát trưởng, đất ngoài bức tường xây
cao quá đầu người, ở đó có một cây đa cổ. Chạc ba của cây đa chia ra ba nhánh,
đấy là chỗ người ta có thể leo lên và ngồi thoải mái như ngồi trong lòng một
cái ghế. Một đêm trời trong thanh gió mát, có lẽ lúc tình yêu là động lực mạnh
mẽ thúc đẩy, Phiệt đã trèo lên đó với cây đàn mang theo. Mới sẩm tối, trăng vừa
nhô lên phân nửa, đường từ phố vào trong xóm thưa thớt người. Ở chỗ Phiệt ngồi,
mắt cậu thanh niên nhìn qua khoảng sân lát gạch, tới gốc cây hoa ngọc lan, có một
căn phòng. Phòng còn sáng ánh đèn.
Cửa sổ cánh mở. Từ chỗ tối nhìn vào chỗ sáng thì mắt Phiệt thấy
hết mọi vật ở bên trong. Cái giường ngủ có trải tấm đắp mầu trắng. Cái kệ sát
tường có những cuốn sách để ngay ngắn gọn gàng. Cái bàn viết kê gần cửa sổ có một
người đang gục đầu cắm cúi viết. Mà người ngồi cắm cúi viết đó, Phiệt nhận ra
ngay mái tóc thề chấm ngang đôi bờ vai. Phiệt không ngờ cái chỗ mình ngồi lại
ngay chóc cái nơi người mình trộm yêu thầm nhớ đúng dưới tầm mắt nhìn. Bàn tay
trái đã ghìm trên cần đàn, bàn tay phải đã thả xuống mặt đàn, Phiệt cấu từng sợi
dây cho dây đàn phát ra tiếng. Sáu cái dây bị búng, gảy, cùng lúc như thức giấc,
hòa thành một chuỗi, khởi đầu cho một bản nhạc.
Tập nhạc của Phiệt có rất nhiều bài. Sàng lọc để chọn, Phiệt
chỉ chọn một bản duy nhất và ưng ý nhất để dượt. Nguyệt Ca, đó là tên mà nhạc
sĩ sáng tác đã đặt tựa, nội dung chỉ để nói về trăng. Yêu Trăng là một cái cớ để
yêu người. Bạn bè kể, thuở ông Phạm Duy yêu cô Hằng, ông cũng làm ra một bài
hát có những lời: "Tôi yêu cô Hằng. Đêm xưa xuống trần" rồi đưa lên
đài hát. Cô Hằng nghe bài hát mang ngụ ý tâm sự của tác giả, tình yêu của cô ca
sĩ được đáp lại bằng trái tim thổn thức của mình. Kết quả: ông Phạm Duy đã lấy
được cô Hằng làm vợ. Phiệt đem kinh nghiệm tình yêu đó làm bài học cho mình.
Chính vì thế, bản Nguyệt Ca đã được Phiệt khảy để mượn tiếng đàn thổ lộ tình
yêu với cô gái tên Nguyệt - con ông cảnh sát.
"Từ khi Trăng là Nguyệt/Đèn thắp sáng trong tôi/Từ khi
Trăng là Nguyệt/Em mang tim bối rối/ Từ khi Trăng là Nguyệt/Tôi như từng cánh
diều vui/Từ khi Em là Nguyệt/Trong tôi có những mặt trời".
Ở góc sân, con "berger" đang xoạc cẳng nằm lơ mơ ngủ,
bỗng nghe thấy tiếng đàn, nó ngẩng ngay đầu dậy. Sủa vài tiếng như cảnh cáo cho
kẻ gian biết "ta vẫn còn thức đây", rồi nằm im vểnh tai nghe ngóng.
Vì thế, Phiệt phải ngưng gảy. Tiếng đàn tịt. Ở cửa sổ căn phòng, cô gái vẫn mải
mê viết, như thể cô ta chẳng để ý có người vừa đánh đàn. Chờ một lúc khá lâu,
Phiệt thấy con chó lại tựa đầu trên hai cẳng trước ngủ, Phiệt mới khảy tiếp với
những lời: "Từ khi Trăng là Nguyệt/Tôi nghe đời gõ nhịp ca/ Từ khi Em là
Nguyệt/ Cho tôi bóng mát thật là/ Từ khi Trăng là Nguyệt/Tôi nghe đời vỗ về
tôi/Từ khi em là Nguyệt/Câu kinh đã bước vào đời..."
Càng đánh, Phiệt càng say sưa đến độ ở dưới chân tường, phía
trong sân, con "berger " đã đứng và nhận ra người lạ, nó vừa nhẩy xổ
đến, vừa há mõm sủa kêu inh ỏi. Hoảng hốt, Phiệt tụt xuống gốc cây, thiếu chút
nữa thì té lăn cù. Thất bại, Phiệt ôm đàn lầm lũi đi về nhà, lòng buồn rười rượi.
Không nản chí, sau đó một hai lần, Phiệt lại leo lên chỗ chạc ba, ngồi với cây
đàn để gảy. Phiệt đã quyết chí dùng tiếng đàn để chinh phục người đẹp, bằng mọi
cách vượt qua trở ngại, vượt qua khó khăn, bất chấp hiểm nguy, để quyết chiến
thắng cuộc tình Phiệt đang theo đuổi. Trong những lần đó, Phiệt hối lộ con chó
bằng một chú chuột nhắt đã thui chín, đấm mõm nó để nó câm họng trong lúc Phiệt
thoải mái đi suốt bản đàn. Kết quả đạt được mĩ mãn: chó nằm ăn, tai nghe đàn,
Phiệt chơi đi chơi lại bản Nguyệt Ca đến mười ngón tay tê buốt và bầm máu đỏ.
Cô con gái ông cảnh sát tên Nguyệt đêm nghe tiếng đàn bắt đầu
chú ý và ngạc nhiên nhưng không hiểu ai là người đánh. Mỗi lần như thế, cô thường
ngưng viết đưa mắt nhìn ra cửa sổ hướng về phía góc sân có cây thụ già. Nhưng
chỗ có ánh sáng của bóng đèn thì mắt cô còn nhận thấy vật này vật nọ, chỗ hoàn
toàn là bóng tối ở vườn cây thì mắt cô chẳng còn nhận ra hình thù vật thể gì.
Sách cô đọc viết về chuyện anh lái đò thổi sáo ở trên sông, tiếng sáo lọt vào
cung vàng gác tía của một vị quan đại thần trong triều đình, bay đến tai cô tiểu
thư sống nơi đài các trưởng giả. Yêu tiếng sáo rồi yêu người thổi sáo, Mỵ Nương
ốm tương tự Thầy thuốc giỏi được mời tới chữa nhưng bệnh đã không giảm còn mỗi
ngày thêm nguy kịch. Đoán được căn nguyên bệnh phát sinh, ông quan sai lính đi
tìm người lái đò thổi sáo rồi điệu đến bắt trình diện ngài.
Người có tài thổi sáo đó tên là Trương Chị Nhưng diện mạo
Trương Chi lại xấu xí quá. Đấy là câu chuyện xưa kể lại. Còn câu chuyện nay, chẳng
lẽ người nhạc sĩ chơi "guitar" thay cho ống sáo, để mượn đêm tối tỏ
tình yêu bằng tiếng đàn. Cô Nguyệt con gái ông cảnh sát cứ ngồi suy nghĩ mãi về
một điều nghi hoặc mà cô không có thể dễ dàng giải đáp được.
Một đêm trời mưa lâm râm. Cánh cửa phòng học cô vẫn để mở. Cô
ngồi học ở bàn nhưng tai vẫn để ý nghe xem có tiếng đàn gảy hay không. Mọi khi
vào giờ này, tiếng đàn đó cô đã nghe thấy, sao bữa nay, bên ngoài chỉ có tiếng
gió và tiếng những giọt mưa từ máng xối mái hiên rơi tóc tách, còn tiếng đàn
thì không. Tự thầm bảo, cô nói với mình: "Trời đất thế này, ai ngu dại gì
lại ngồi khảy đàn cho ướt mưa".
Bài vở đã học xong, cô Nguyệt xếp gọn sách, đứng dậy tính
đóng cửa sổ, thì đúng lúc đó, cô nghe thấy một tiếng bộp. Một cuộn giấy bay vèo
vào trong phòng, nhanh như một con bướm trắng liệng cánh vút tới, đụng bức vách
tường thì rớt xuống nằm lăn quay. Nguyệt cúi người lượm cuộn giấy tròn như một
cục phấn trắng, rồi mở ra. Đấy là một lá thư tình.
Nguyễn Trung Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét