Sống thứ sinh: Nguồn gốc
Thế nào là một người sống thứ sinh? Đấy là người sống với
mục đích gây ấn tượng với người khác, lấy sự đánh giá của người khác làm thước
đo bản thân.
Mục đích cuộc đời anh ta là gì? Là sự vĩ đại trong mắt
người khác. Là danh vọng, sự ngưỡng mộ, sự ghen tị của người khác, của công
chúng. Công chúng quyết định giá trị của anh ta và anh ta hài lòng với những gì
người ta nghĩ là anh ta có. Công chúng là động lực sống của anh ta, là mối quan
tâm lớn nhất của anh ta. Anh ta không muốn giỏi, mà muốn được nghĩ là giỏi. Anh
ta không muốn lao động, mà muốn tỏ vẻ lao động và được người ta nghĩ là lao động
giỏi. Anh ta vay mượn giá trị và ảnh hưởng của người khác để gây ấn tượng với
những người khác nữa. Chính anh ta mới thực sự là kẻ không vị kỷ bởi vì anh ta
hoàn toàn không quan tâm tới mình muốn gì hay nghĩ gì, mà chỉ quan tâm đến người
khác nghĩ gì về anh ta và hành động theo ảo tưởng đó.
Chúng ta thường hỏi nguồn gốc của mọi hành vi ti tiện, xấu xa
trong xã hội là gì? Thực ra không phải là sự vị kỷ, ích kỷ như người ta vẫn
nghĩ. Trái lại, nó thủ tiêu hoàn toàn sự vị kỉ, như trường hợp của những kẻ sống
thứ sinh. Hãy nhìn vào những kẻ sống thứ sinh. Họ tự biết là mình dối trá nhưng
bằng lòng với việc người khác nghĩ là họ chân thật và họ tạo lập lòng tự trọng
cho bản thân trên nền tảng đó. Họ tự ảo tưởng bản thân dựa vào những gì họ cho
là người khác nghĩ về họ và hoàn toàn không đếm xỉa tới việc họ thực sự nghĩ
gì. Họ nhận về mình những thành quả mà họ không tạo ra. Họ tự biết mình là tầm
thường, kém cỏi, nhưng hài lòng với việc đã tạo được cho mọi người ấn tượng rằng
họ giỏi giang.
Những kẻ sống thứ sinh không hề quan tâm tới sự thật, tới dữ
kiện, tới ý tưởng, tới sự sáng tạo hay lao động. Họ không hỏi “Điều đó có đúng
không nhỉ?” Họ hỏi “Không biết mọi người có nghĩ điều này là đúng không nhỉ?” Họ
không bao giờ tự đánh giá, phán xét mà chỉ lặp lại những gì người khác đánh
giá, phán xét. Họ không lao động mà chỉ muốn làm ra vẻ lao động. Họ không sáng tạo,
mà chỉ muốn khoe khoang và gọi tên những thứ trang sức phù phiếm có thể đánh
bóng cho tên tuổi họ. Họ không quan tâm tới năng lực, mà chỉ quan tâm tới quan
hệ. Họ không nghĩ giá trị, mà chỉ quan tâm tới ảnh hưởng. Thế giới sẽ ra sao nếu
chỉ có toàn những kẻ sống thứ sinh, những kẻ không lao động, không tư duy,
không sản xuất, không sáng tạo?
Người ta không thể tư duy bằng não của người khác, cũng như
không thể lao động bằng tay của người khác. Nếu một người tự nguyện chối bỏ khả
năng đánh giá và tư duy độc lập của mình, anh ta đã chối bỏ sự nhận biết, sự tỉnh
thức, tức là sự tồn tại của anh ta như một thực thể riêing biệt, độc lập. Anh
ta chỉ còn tồn tại thông qua người khác như mọt thực thể phản ánh, sống thứ yếu.
Những kẻ sống thứ sinh, vì thé, không hề có được cảm nhận đúng đắn, xác thực về
thực tại. Thực tại đối với họ không nằm trong nhận thức của họ, do họ xác định,
mà nằm đâu đó trong cái khoảng không gian phân cách các cá thể khác ở bên ngoài
họ. Thực tại với họ không phải là một thực thể khách quan, mà chỉ là một hệ thống
các quan hệ - tức là một thứ không được neo vào đâu cả. Nói cách khác, nó là một
sự trống rỗng, vô hình và vô nghĩa thực sự.
Thảm họa của thế giới là gì? Là sự đầy rẫy những kẻ
không có cái tôi độc lập của mình. Là sự đầy rẫy những ý kiến được phát biểu
không thông qua quá trình tư duy độc lập. Là sự tràn ngập các hành vi thiếu động
cơ và cân nhắc. Là việc quyền lực không đi kèm với trách nhiệm. Những kẻ sống
thứ sinh hành động, nhưng động lực hành động của họ lại nằm rải rác ở trong các
cá thể khác. Chúng ở khắp nơi mà lại không ở đâu. Bạn không thể nói lý với một
kẻ sống thứ sinh. Anh ta không hề biết tới lý lẽ. Anh ta không bao giờ có thể
hiểu bạn đang nói gì vì anh ta có cơ chế tư duy hoàn toàn thứ sinh. Nói lí với
anh ta cũng giống như là bị đấu tố bởi một tòa án khống vậy. Một đám đông vô
hình và mù quáng hậu thuẫn anh ta và sẽ đè bẹp bạn không thương tiếc bằng sự vô
hướng trong hành vi.
Những kẻ sống thứ sinh sợ hãi một thứ duy nhất: những người
tư duy độc lập. Họ có thể tha thứ cho bọn tội phạm, ngưỡng mộ những kẻ độc tài,
nhưng họ không thể dung thứ cho những người tư duy độc lập. Bởi vì với những
người tư duy độc lập, họ không thể tồn tại; mà đó lại là thứ tồn tại duy nhất họ
biết tới - tồn tại trong người khác và bằng sự công nhận của người khác. Cứ
nhìn vào thế giới này, có thể thấy dấu hiện của sự thù ghét đó ở việc những kẻ
sống thứ sinh nhạo báng và cố gắng chối bỏ bất cứ tư tưởng nào biểu hiện sự độc
lập. Họ phỉ báng, bôi nhọ, và cố gắng vùi dập những người tư duy độc lập, những
người sống với sự nhất quán trong tư tưởng.
Chính việc con người tìm kiếm sự công nhận của người khác như
thước đo giá trị, như nền tảng của lòng tự tin và tự tôn đã mở đường cho những
sợ hãi, hoảng loạn trong đời sống. Người ta phàn nàn rằng người ta cố gắng tìm
kiếm hạnh phúc mà không bao giờ thấy. Giá như họ chỉ cần nghĩ một chút xem họ
đã từng bao giờ có một mong muốn thực sự nào của mình chưa, họ sẽ biết câu trả ời
cho sự khốn khổ của họ. Họ sẽ nhận thấy rằng những ước muốn, nỗ lực, ước mơ,
tham vọng của họ đều có động lực là người khác. Họ thậm chí không muốn làm giàu
và kiếm tiền như một mục đích rốt ráo, tự thân và chân chính; mà chỉ muốn kiếm
tiền như công cụ để có danh vọng và gây ấn tượng với người khác. Họ coi thanh
thế như một thứ huân chương. Do đó họ không cảm thấy niềm vui trong những gì họ
làm và họ cũng không thể cảm thấy niềm vui trong những gì họ làm và họ cũng
không thể vui vẻ hưởng thụ thành quả của mình. Họ hầu như không thể tự nhủ “Đây
là điều tôi muốn bởi vì tôi muốn, chứ không phải vì điều đó làm cho người khác
ghen tỵ, ngưỡng mộ tôi”. Và sau đó, họ lại băn khoăn vì sao họ không thực sự cảm
thấy hạnh phúc.
Tất cả các dạng thức của hạnh phúc đều có tính riêng tư. Những
giây phút hạnh phúc nhất là những giây phút thực sự riêng tư, tự tạo, và về bản
chất là không thể chia sẻ. Những thứ mà chúng ta thực sự coi là thiêng liêng là
những thứ chúng ta sẽ không mang ra trước thị phi. Thế mà bây giờ đa số chúng
ta có ý nghĩ rằng hạnh phúc là phải ở giữa mọi người; và chúng ta tìm kiếm hạnh
phúc trong đám đông, các phòng tiệc ồn ào. Chúng ta không biết rằng chúng ta
thiếu cái phẩm chất duy nhất để có hạnh phúc thực sự: đó là sống tự thân (về tư
tưởng). Không có sự sống tự thân, mọi thứ khác đều chỉ là ước lệ và ảo ảnh.
"Suối Nguồn" là một tác phẩm đồ sộ có sự tác động mạnh
mẽ đến độc giả Mỹ trong thế kỷ 20 và được liên tục tái bản hằng năm.
Suối nguồn là câu chuyện về Howard Roard, một kiến trúc
sư tài năng nhưng chưa bao giờ có bằng cấp. Howard Roard đã đi hết hành trình
sáng tạo thăng trầm nhưng đầy đam mê của mình với một niềm tin mạnh mẽ: Từ
những thứ thiết yếu đơn giản nhất cho đến những khái niệm tôn giáo trừu tượng
cao nhất, từ cái bánh xe cho đến các tòa nhà chọc trời, tất cả những gì mà
chúng ta đại diện và tất cả những gì chúng ta có đều đến từ một thuộc tính của
con người - đó là khả năng tư duy.
Cũng giống như số phận của Howard Roard, cuốn tiểu thuyết Suối
nguồn cũng đã trải qua nhiều thăng trầm khi từng bị 12 nhà xuất bản từ chối
vì họ cho rằng cuốn sách "quá triết lý”, “quá nhạy cảm” và sẽ không thể
bán được vì không có độc giả. Nhưng cuối cùng Suối nguồn đã được độc
giả đón nhận một cách nồng nhiệt vì nó tái khẳng định tinh thần của tuổi
trẻ, nó tuyên bố về chiến thắng của con người, nó chỉ ra người ta có thể làm được
những gì (lời phát biểu của tác giả Ayn Rand trong dịp lễ kỷ niệm 25 năm Suối
nguồn được xuất bản).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét