Nhà thơ Thu Nguyệt: “Ta ngồi
đo đếm mênh mông”
Sinh ngày 02 tháng 8 năm 1962 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp Tốt nghiệp
Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa III).Hiện công tác ở Báo Tuổi Trẻ, thành phố Hồ
Chí Minh Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Bài “copy” sau đây là cuộc trò chuyện giữa
nhà thơ Thu Nguyệt và nhà báo Diễm Chi, đăng trên báo Phụ nữ chủ nhật thành phố
Hồ Chí Minh.http://thunguyetvn.com/.
“Giơ tay là hái được tình/ Một mình mình nắm, một mình mình
buông”. “Ta ru đá lẫn ru mình/ Buồn ngây ngất giữa chông chênh đất trời”. “Ước
gì ta được buồn như đá/ Nước giỡn mà ta khuyết thật thà”. “Hoa vô tư nở bên đời/
Ta vô tình lại học đòi xót xa”. “Ta ra thành phố xa đồng/ Đốt nhang nhìn khói
bay vòng mà thương/ Nhớ cồn cào nước kinh mương/ Vắng mình rải lá xem đường nước
trôi/ Đã xa thì lỡ xa rồi/ Buồn! Đem thau nước ra soi bóng mình”. “Trút tình
vào chốn hư không/ Ta như sợi chỉ đèo bòng treo chuông/ Loay hoay giữa một con
đường/ Chuông không ai gióng mà buồn cứ ngân”. “Ta ngồi đo đếm mênh mông/ Không
đèn, trăng… để cùng không bóng mình”… Thơ Thu Nguyệt là vậy - mở ra một
“cõi lạ” (*) tràn đầy cảm xúc và chiêm nghiệm. Trong thời buổi mà không ít người
làm thơ dễ dãi và thơ xuất hiện quá nhiều đến mức khiến cho người ta ngán đọc
thơ thì thơ Thu Nguyệt vẫn cuốn hút và gây ấn tượng đặc biệt với người đọc.
Không có gì lạ khi thơ Thu Nguyệt nhận được sự đánh giá cao của nhiều nhà văn,
nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học. Cũng không có gì ngạc nhiên khi thơ chị
đã nhiều lần được trao giải thưởng: giải C (không có giải A) cuộc thi sáng tác
văn học năm 1998-2000 của báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, giải B (không có
giải A) giải thưởng văn học năm 2000 của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Văn
học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh năm 2000-2002… Không chỉ là tác giả của 5
tập thơ (Điều thật, Ngộ, Cõi lạ, Hoa cỏ bên đường, Theo mùa), Thu Nguyệt còn
sáng tác nhiều truyện ngắn, tản văn, bút ký…
* PV: Nhiều cây bút cho rằng văn chương đối với họ chỉ là một cuộc chơi. Với chị thì sao? Thơ có tầm quan trọng như thế nào trong đời sống tinh thần của chị? Chị có coi văn chương là sự nghiệp?
Nhà thơ Thu Nguyệt: Văn chương là tất cả đời sống tinh thần của tôi. Tôi đã viết: “Tôi không bao giờ xem văn chương là trò tiêu khiển, giải trí...” (Một chút với nghề). “Nếu không có văn chương thì chắc cuộc đời này không còn gì hấp dẫn tôi nán lại” (Phương tiện). Văn chương là người bạn thân thiết nhất, đồng hành cùng tôi trong cuộc đời này. Sự nghiệp văn chương của tôi, dù “mỏng dính”, rất quèn, nhưng không vì thế mà tôi xem đó chỉ là đồ chơi.
* Người ta bắt gặp trong thơ chị những giọt nước mắt, những nỗi buồn tưởng như không gì có thể an ủi hay hóa giải, nhưng rồi chị lại tự dỗ dành với nụ cười vô ưu, với sự tự trào tỉnh táo để nỗi buồn bỗng trở thành nhẹ tênh, trong trẻo… Đó là nhờ sức mạnh của thơ hay sức mạnh nội tại của chị, hay cả hai?
Theo tôi, nỗi buồn không thể hóa giải được bằng bất cứ sức mạnh nào. Hóa giải được tận gốc những nỗi buồn “bao la” ấy chỉ có thể bằng sự thấu hiểu thấu đáo lẽ đời, qui luật…
* Người ta cũng nhận xét là thơ chị giàu tính triết lý. Chị có chủ trương dùng thơ để triết lý hay đó chỉ là sự chiêm nghiệm tất yếu của người làm thơ về niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, đau khổ, sự có không, được mất… của kiếp người?
Nếu chủ trương dùng thơ để triết lý thì e rằng thơ không còn là thơ nữa. Trong thơ có triết lý nhưng trong triết lý chưa chắc đã có thơ, vậy thì thơ “oách” hơn triết lý rồi, dại gì ta chủ trương đem thơ đi mần triết lý. Thơ hay, trong đó ắt sẽ có nhiều thứ và triết lý là một thành phần.
* Trong thơ cũng như truyện ngắn, bút ký, tản văn của chị đều ít nhiều mang màu sắc đạo pháp Phật giáo. Hình như không riêng gì trong tác phẩm mà ngay chính trong cuộc sống chị cũng bị ảnh hưởng và chi phối bởi tư tưởng Thiền?
Đó là hướng đến của tôi. * Trong thơ chị ít khi xưng “em” như số đông các nhà thơ nữ khác. Thu Nguyệt trong thơ thường xưng “ta” và cái “ta” ấy luôn độc thoại… Tại sao vậy? Sự độc thoại triền miên trong thơ khiến chị vơi bớt cô đơn hay càng cảm thấy cô đơn nhiều hơn?
Tôi không có nhu cầu vơi bớt cô đơn nên cũng không lúc nào cảm thấy cô đơn nhiều hơn hay ít hơn. Khi ta còn độc thoại là chưa đi đến tận cùng sự cô đơn đâu. Cô đơn đến tận cùng sẽ là sự hòa nhập với tất cả. Tôi mong ước đều đó.
* Nhiều người trong giới chuyên môn đã đánh giá rất cao và hết lời khen ngợi thơ chị. Riêng chị, chị có hài lòng với thơ mình?
Dại gì giả vờ khiêm tốn mà trả lời là hài lòng nhỉ? Người hời hợt sẽ bảo mình chảnh, người sâu sắc sẽ bảo mình thấp, người thâm thúy sẽ biết mình giả bộ (cười…). Thật ra, nếu có sự hài lòng thực sự thì thế giới này đã khác rồi. Người ta chỉ hài lòng từng lúc thôi. Tôi nhớ nhà văn Sơn trong nhiều câu chuyện thường hay nheo nheo mắt hồn nhiên nói “Ê, cái này tui hay à nghen!” Tôi có lúc bất chợt trong hoàn cảnh bồng bột nào đó bỗng nhớ vài câu thơ mình và cũng mắc nói như ổng. Nhưng hú hồn là tôi kịp nín! Và bây giờ, khi công tâm tự “quýnh giá” thơ mình, tôi dự tính không làm thơ nữa. (Nhưng thơ là thứ không thể dự tính!).
* Trong thơ và trong văn xuôi của chị chỉ có một Thu Nguyệt hay có nhiều Thu Nguyệt khác nhau? Nếu Thu Nguyệt thơ khác Thu Nguyệt văn xuôi thì Thu Nguyệt nào là thật nhất?
Thu Nguyệt nào cũng thật quá trời là thật hết! Tôi mà biết Thu Nguyệt nào là thật nhất thì tôi đã thành Phật rồi.
* Nhìn lại những năm tháng đã qua, chị có hối tiếc gì không? Hiện nay chị mong ước điều gì?
Không có điều gì trên đời không mang lại cho ta bổ ích nếu ta biết vận dụng nó. Mọi sự trong vũ trụ đều có căn nguyên và quy luật của nó nên “hối tiếc” là hai từ vô bổ nhất… Tôi chỉ có một hướng đến. Sở dĩ tôi còn quanh quẩn “Theo mùa” (*) chưa thoát ra được là vì “nợ trần chưa dứt”. Điều mong ước nhất hiện nay của tôi là đừng mong ước gì ngoài những điều tôi có thể làm được. * Cách đây vài năm, chồng chị - họa sĩ Việt Hải đã đột ngột qua đời vì tai nạn. Chị còn lại cô đơn, hụt hẫng với các con bé dại. Từ một phụ nữ vốn quen với sự bảo bọc của chồng, chỉ biết làm thơ và nội trợ, chị đã phải gượng dậy từ nỗi đau mà bươn chải nuôi các con… Chị đã trải qua thời kỳ đau xót và khó khăn ấy như thế nào, điều gì giúp chị sức mạnh để có thể đứng vững trong hoàn cảnh nghiệt ngã và thích nghi với cuộc sống hiện nay?
Là một con bé nhà quê đến “nằm mơ vẫn mớ lời dân miệt đồng”, là một người phụ nữ làm thơ không thuộc trường phái “bản lĩnh”, tôi không thể hình dung được mình sẽ sống ra sao giữa đất Sài Gòn với một đàn con 3 đứa nhóc nheo. Biến cố năm 2003 đối với tôi như một vụ big-bang! Trong vòng 6 tháng tôi phải chịu 2 cái đại tang: tang chồng và tang cha. Nếu không có tinh thần Phật giáo, tôi chắc mình sẽ không thể trụ nổi! Cũng may, ngoài sự thấu hiểu của bản thân, tôi còn được sự thông cảm, giúp đỡ của mọi người.
* Chẳng những chị đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn để nuôi con, giữ vững gia đình mà còn… cầm chắc tay cây bút, chị có thấy “Ê, cái này tui hay à nghen!” không?
Thực ra, người ta không ai sử dụng hết khả năng của mình. Khi hoàn cảnh bắt buộc, con người sẽ phải thích ứng. Tôi thấy mình cũng bình thường thôi, có biết bao người phụ nữ khác hoàn cảnh còn thê thảm hơn tôi, và họ cũng đã vượt qua còn ngoạn mục hơn tôi. Với một người cầm bút thì hoàn cảnh khó khăn không dễ rứt cây bút ra khỏi tay ta hơn là hoàn cảnh thuận lợi. Có trang viết để sẻ chia, tôi thấy mình hạnh phúc và “có phước” hơn nhiều người phụ nữ (không biết viết văn) khác. Thiệt tình thì không phải tôi cầm chắc cây bút mà là nương tựa vào cây bút.
* Hoàn cảnh khó khăn, neo đơn có ảnh hưởng đến thời gian sáng tác của chị?
Sống trong thời đại ngày nay, người rảnh rỗi cũng chẳng thể bảo mình không bận. Vấn đề là cách ta xử lý thời gian thế nào cho hiệu quả nhất. Mà cái này là cái… nhà thơ lúng túng nhất! Có lần nhà thơ Nguyễn Duy đã phải thốt lên: “Việc thiên, việc địa, việc nhà/ Một mình anh vãi cả ba linh hồn”. Vợ bệnh có một ngày mà ổng còn “vãi linh hồn” như thế, huống là tôi… có lẽ không còn biết linh hồn nằm ở đâu mà “vãi” nữa!!! (cười). Thật ra mọi sự đều nằm ở tâm ta. Một tâm thế bình an, không loạn động sẽ mang lại cho ta sự cân bằng, mọi vấn đề sẽ lần lượt được giải quyết một cách nhẹ nhàng không rối rắm. Một điều quan trọng không kém là ta đừng quá tham lam, chớ đặt ra cho mình quá nhiều áp lực. Tôi rất thích câu thơ của Trần Nhân Tông và tôi thường lấy đó làm phương châm sống: “Ở đời vạn sự cứ tùy duyên/ Đói đến thì ăn mệt ngủ liền”. Cứ thế. Và tôi đã từ từ làm được những việc cần làm. * Chị có dự định gì cho những ngày sắp tới - trong đời sống gia đình và trong sự nghiệp văn chương?
Tôi có tới 3 cô con gái, cô bé nhất chưa đầy 10 tuổi. Quãng đường hồi hộp và quá xa, xa đến mức tôi chẳng biết phải dự định gì! Trước mắt là phải kiếm mồi nuôi con như bao gà mẹ khác. Mong ước của tôi là sau này khi các con khôn lớn, tự lo được cho bản thân, tôi sẽ lui về ở ẩn trong một vùng núi rừng xa xôi nào đó. Hành trang mà tôi mang theo - nếu có - cũng sẽ chỉ là cây viết. Năm nay tôi dự định sẽ in một tập văn xuôi. Tôi vẫn viết thường ngày lai rai trên trang web cá nhân “thunguyetvn.com”. Đó là công việc tôi yêu thích nhất. Tôi mong muốn trang viết của mình sẽ mang lại cho người đọc đôi điều bổ ích, có thể chia sẻ và gợi mở cho mọi người những điều mà tôi trăn trở nghĩ suy. Với mong ước như thế, những trang viết là tâm huyết, là tấm lòng của tôi đối với cuộc đời này.
(*) “Cõi lạ”, “Theo mùa”: tên các tập thơ của Thu Nguyệt.
* PV: Nhiều cây bút cho rằng văn chương đối với họ chỉ là một cuộc chơi. Với chị thì sao? Thơ có tầm quan trọng như thế nào trong đời sống tinh thần của chị? Chị có coi văn chương là sự nghiệp?
Nhà thơ Thu Nguyệt: Văn chương là tất cả đời sống tinh thần của tôi. Tôi đã viết: “Tôi không bao giờ xem văn chương là trò tiêu khiển, giải trí...” (Một chút với nghề). “Nếu không có văn chương thì chắc cuộc đời này không còn gì hấp dẫn tôi nán lại” (Phương tiện). Văn chương là người bạn thân thiết nhất, đồng hành cùng tôi trong cuộc đời này. Sự nghiệp văn chương của tôi, dù “mỏng dính”, rất quèn, nhưng không vì thế mà tôi xem đó chỉ là đồ chơi.
* Người ta bắt gặp trong thơ chị những giọt nước mắt, những nỗi buồn tưởng như không gì có thể an ủi hay hóa giải, nhưng rồi chị lại tự dỗ dành với nụ cười vô ưu, với sự tự trào tỉnh táo để nỗi buồn bỗng trở thành nhẹ tênh, trong trẻo… Đó là nhờ sức mạnh của thơ hay sức mạnh nội tại của chị, hay cả hai?
Theo tôi, nỗi buồn không thể hóa giải được bằng bất cứ sức mạnh nào. Hóa giải được tận gốc những nỗi buồn “bao la” ấy chỉ có thể bằng sự thấu hiểu thấu đáo lẽ đời, qui luật…
* Người ta cũng nhận xét là thơ chị giàu tính triết lý. Chị có chủ trương dùng thơ để triết lý hay đó chỉ là sự chiêm nghiệm tất yếu của người làm thơ về niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, đau khổ, sự có không, được mất… của kiếp người?
Nếu chủ trương dùng thơ để triết lý thì e rằng thơ không còn là thơ nữa. Trong thơ có triết lý nhưng trong triết lý chưa chắc đã có thơ, vậy thì thơ “oách” hơn triết lý rồi, dại gì ta chủ trương đem thơ đi mần triết lý. Thơ hay, trong đó ắt sẽ có nhiều thứ và triết lý là một thành phần.
* Trong thơ cũng như truyện ngắn, bút ký, tản văn của chị đều ít nhiều mang màu sắc đạo pháp Phật giáo. Hình như không riêng gì trong tác phẩm mà ngay chính trong cuộc sống chị cũng bị ảnh hưởng và chi phối bởi tư tưởng Thiền?
Đó là hướng đến của tôi. * Trong thơ chị ít khi xưng “em” như số đông các nhà thơ nữ khác. Thu Nguyệt trong thơ thường xưng “ta” và cái “ta” ấy luôn độc thoại… Tại sao vậy? Sự độc thoại triền miên trong thơ khiến chị vơi bớt cô đơn hay càng cảm thấy cô đơn nhiều hơn?
Tôi không có nhu cầu vơi bớt cô đơn nên cũng không lúc nào cảm thấy cô đơn nhiều hơn hay ít hơn. Khi ta còn độc thoại là chưa đi đến tận cùng sự cô đơn đâu. Cô đơn đến tận cùng sẽ là sự hòa nhập với tất cả. Tôi mong ước đều đó.
* Nhiều người trong giới chuyên môn đã đánh giá rất cao và hết lời khen ngợi thơ chị. Riêng chị, chị có hài lòng với thơ mình?
Dại gì giả vờ khiêm tốn mà trả lời là hài lòng nhỉ? Người hời hợt sẽ bảo mình chảnh, người sâu sắc sẽ bảo mình thấp, người thâm thúy sẽ biết mình giả bộ (cười…). Thật ra, nếu có sự hài lòng thực sự thì thế giới này đã khác rồi. Người ta chỉ hài lòng từng lúc thôi. Tôi nhớ nhà văn Sơn trong nhiều câu chuyện thường hay nheo nheo mắt hồn nhiên nói “Ê, cái này tui hay à nghen!” Tôi có lúc bất chợt trong hoàn cảnh bồng bột nào đó bỗng nhớ vài câu thơ mình và cũng mắc nói như ổng. Nhưng hú hồn là tôi kịp nín! Và bây giờ, khi công tâm tự “quýnh giá” thơ mình, tôi dự tính không làm thơ nữa. (Nhưng thơ là thứ không thể dự tính!).
* Trong thơ và trong văn xuôi của chị chỉ có một Thu Nguyệt hay có nhiều Thu Nguyệt khác nhau? Nếu Thu Nguyệt thơ khác Thu Nguyệt văn xuôi thì Thu Nguyệt nào là thật nhất?
Thu Nguyệt nào cũng thật quá trời là thật hết! Tôi mà biết Thu Nguyệt nào là thật nhất thì tôi đã thành Phật rồi.
* Nhìn lại những năm tháng đã qua, chị có hối tiếc gì không? Hiện nay chị mong ước điều gì?
Không có điều gì trên đời không mang lại cho ta bổ ích nếu ta biết vận dụng nó. Mọi sự trong vũ trụ đều có căn nguyên và quy luật của nó nên “hối tiếc” là hai từ vô bổ nhất… Tôi chỉ có một hướng đến. Sở dĩ tôi còn quanh quẩn “Theo mùa” (*) chưa thoát ra được là vì “nợ trần chưa dứt”. Điều mong ước nhất hiện nay của tôi là đừng mong ước gì ngoài những điều tôi có thể làm được. * Cách đây vài năm, chồng chị - họa sĩ Việt Hải đã đột ngột qua đời vì tai nạn. Chị còn lại cô đơn, hụt hẫng với các con bé dại. Từ một phụ nữ vốn quen với sự bảo bọc của chồng, chỉ biết làm thơ và nội trợ, chị đã phải gượng dậy từ nỗi đau mà bươn chải nuôi các con… Chị đã trải qua thời kỳ đau xót và khó khăn ấy như thế nào, điều gì giúp chị sức mạnh để có thể đứng vững trong hoàn cảnh nghiệt ngã và thích nghi với cuộc sống hiện nay?
Là một con bé nhà quê đến “nằm mơ vẫn mớ lời dân miệt đồng”, là một người phụ nữ làm thơ không thuộc trường phái “bản lĩnh”, tôi không thể hình dung được mình sẽ sống ra sao giữa đất Sài Gòn với một đàn con 3 đứa nhóc nheo. Biến cố năm 2003 đối với tôi như một vụ big-bang! Trong vòng 6 tháng tôi phải chịu 2 cái đại tang: tang chồng và tang cha. Nếu không có tinh thần Phật giáo, tôi chắc mình sẽ không thể trụ nổi! Cũng may, ngoài sự thấu hiểu của bản thân, tôi còn được sự thông cảm, giúp đỡ của mọi người.
* Chẳng những chị đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn để nuôi con, giữ vững gia đình mà còn… cầm chắc tay cây bút, chị có thấy “Ê, cái này tui hay à nghen!” không?
Thực ra, người ta không ai sử dụng hết khả năng của mình. Khi hoàn cảnh bắt buộc, con người sẽ phải thích ứng. Tôi thấy mình cũng bình thường thôi, có biết bao người phụ nữ khác hoàn cảnh còn thê thảm hơn tôi, và họ cũng đã vượt qua còn ngoạn mục hơn tôi. Với một người cầm bút thì hoàn cảnh khó khăn không dễ rứt cây bút ra khỏi tay ta hơn là hoàn cảnh thuận lợi. Có trang viết để sẻ chia, tôi thấy mình hạnh phúc và “có phước” hơn nhiều người phụ nữ (không biết viết văn) khác. Thiệt tình thì không phải tôi cầm chắc cây bút mà là nương tựa vào cây bút.
* Hoàn cảnh khó khăn, neo đơn có ảnh hưởng đến thời gian sáng tác của chị?
Sống trong thời đại ngày nay, người rảnh rỗi cũng chẳng thể bảo mình không bận. Vấn đề là cách ta xử lý thời gian thế nào cho hiệu quả nhất. Mà cái này là cái… nhà thơ lúng túng nhất! Có lần nhà thơ Nguyễn Duy đã phải thốt lên: “Việc thiên, việc địa, việc nhà/ Một mình anh vãi cả ba linh hồn”. Vợ bệnh có một ngày mà ổng còn “vãi linh hồn” như thế, huống là tôi… có lẽ không còn biết linh hồn nằm ở đâu mà “vãi” nữa!!! (cười). Thật ra mọi sự đều nằm ở tâm ta. Một tâm thế bình an, không loạn động sẽ mang lại cho ta sự cân bằng, mọi vấn đề sẽ lần lượt được giải quyết một cách nhẹ nhàng không rối rắm. Một điều quan trọng không kém là ta đừng quá tham lam, chớ đặt ra cho mình quá nhiều áp lực. Tôi rất thích câu thơ của Trần Nhân Tông và tôi thường lấy đó làm phương châm sống: “Ở đời vạn sự cứ tùy duyên/ Đói đến thì ăn mệt ngủ liền”. Cứ thế. Và tôi đã từ từ làm được những việc cần làm. * Chị có dự định gì cho những ngày sắp tới - trong đời sống gia đình và trong sự nghiệp văn chương?
Tôi có tới 3 cô con gái, cô bé nhất chưa đầy 10 tuổi. Quãng đường hồi hộp và quá xa, xa đến mức tôi chẳng biết phải dự định gì! Trước mắt là phải kiếm mồi nuôi con như bao gà mẹ khác. Mong ước của tôi là sau này khi các con khôn lớn, tự lo được cho bản thân, tôi sẽ lui về ở ẩn trong một vùng núi rừng xa xôi nào đó. Hành trang mà tôi mang theo - nếu có - cũng sẽ chỉ là cây viết. Năm nay tôi dự định sẽ in một tập văn xuôi. Tôi vẫn viết thường ngày lai rai trên trang web cá nhân “thunguyetvn.com”. Đó là công việc tôi yêu thích nhất. Tôi mong muốn trang viết của mình sẽ mang lại cho người đọc đôi điều bổ ích, có thể chia sẻ và gợi mở cho mọi người những điều mà tôi trăn trở nghĩ suy. Với mong ước như thế, những trang viết là tâm huyết, là tấm lòng của tôi đối với cuộc đời này.
(*) “Cõi lạ”, “Theo mùa”: tên các tập thơ của Thu Nguyệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét