Dấu ấn truyền
thống trong
1. Thơ mới, lâu nay vẫn được biết đến là một loại hình thơ hiện
đại, nhằm đối lập với loại hình thơ trung đại có nguồn gốc chủ yếu từ Trung quốc,
nhất là thời Đường - Tống (với các thể thơ cách luật). Cái tên gọi ban đầu chỉ
có ý nghĩa phân biệt loại hình ấy, như ta biết, sau này nghiễm nhiên trở thành
tên gọi của một phong trào thơ như một thỏa thuận văn hóa, văn học.
Bằng cái hồ hởi, bằng cả áp lực phải chiến thắng để tranh một
chỗ trên thi đàn, bằng sự chờ đợi của một thế hệ mà lý tưởng thẩm mỹ, hay tầm
đón đợi của họ đã tỏ ra quá xa lạ với những quy phạm thẩm mỹ truyền thống, những
người tiên phong (và cũng sẽ là kiện tướng - trừ Phan Khôi, không phải là kiện
tướng, dù đã là người đầu tiên “trình chánh” lối thơ mới này giữa làng thơ), và
nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân, Thơ mới buổi đầu dường như đã cố gắng phủ
nhận một cách triệt để thơ cũ, vừa bằng phê bình luận học, vừa bằng tự thân
thơ. Tuy nhiên, Hoài Thanh là người nhạy cảm. Việc ông rước anh hồn Tản Đà về
chứng giám cho “buổi hòa nhạc tân kì” này, có lẽ không chỉ nhằm mục đích an ủi
và thừa nhận những đóng góp mới của một tác giả đã quá cố cách đấy (thời điểm
ra đời của Thi nhân Việt Nam) không lâu, mà hình như ông cũng nhìn thấy sự
vô tâm của những người đã khẳng định vị thế của mình trong làng thơ không phải
bằng chính những gì của tự thân, mà thực sự họ đã dựa rất nhiều vào truyền thống,
vào cái nền thơ mà họ đã dường như muốn “xúc đổ đi” trong cơn cuồng hứng rất
thơ?
Sở dĩ nói như vậy, vì rằng, dù có là một cuộc cách mạng, có
làm nên “một thời đại trong thi ca” đích thực, chuyển hẳn thơ Việt từ phạm trù
trung đại sang phạm trù hiện đại, thì Thơ mới vẫn không thể đoạn tuyệt với kinh
nghiệm thẩm mĩ đã được tích lũy ngàn năm trước. Họ đã không thể vứt bỏ lục bát,
thậm chí còn có những nhà thơ ghi được tên mình vào danh sách kiện tướng của
phong trào bằng lục bát như Nguyễn Bính, hoặc có những tác giả dù không viết nhiều
với thể thơ này nhưng nếu viết, cũng có bài có thể coi là để đời như Huy Cận (Ngậm
ngùi), Xuân Diệu (Chiều). Ngay trên những bài thơ không thuộc thể lục bát, những
dẫu ấn truyền thống vẫn đeo đẳng họ như một ám ảnh, thậm chí đấy là điều khiến
họ thành công. Lưu Trọng Lư chẳng hạn, thuộc số người đầu tiên và hăng hái nhất
trong cuộc tấn công vào thành trì thơ cũ bằng những phát biểu ngạo nghễ và mỉa
mai, nhưng bài Tiếng thu, ngoài cái ngơ ngác của con nai vàng, ngoài tiếng
xào xạc bâng khuâng của lá thu, thì những gì để lại trong lòng người đọc lại dường
như là những cái mà chúng ta gặp, không phải trong thơ Pháp, mà trong thơ Đường - Tống, trong thơ Việt thế kỉ XIX trở về trước: nào là mùa thu, trăng thu, gió
thu, và ngay cả lá thu, kẻ chinh phu, người cô phụ, ngay cả hình ảnh con nai
vàng có lẽ là cái đặc sắc nhất của bài thơ nữa! Gần như hồn cốt của truyền thống
được dồn về, chỉ có điều nhà thơ đã nhìn những sự vật ấy bằng cái nhìn hơi khác
lạ của một cái tôi cá nhân đang còn non nớt, đang còn hăm hở và bâng khuâng. Thậm
chí, nếu không tính đến thủ pháp trình bày các ý tưởng dưới dạng những câu hỏi
để tỏ cho được nỗi bâng khuâng, lạ lẫm và mơ hồ, thì cách thể của Tiếng
thu có khác gì một bài thơ cổ phong, nhất là nếu ta chú ý đến cái mang
mang buồn phảng phất một chút gì của Trần Tử ngang hay Lý Thương Ẩn! Huy Cận sẽ
là ai đây khi thiếu đi Tràng giang, một bài thơ mà hầu như mọi biểu hiện của
thi pháp đều có ngọn nguồn từ thơ Đường, thơ Tống - thậm chí ngay cả cái nỗi nhớ
nhà, không phải được gợi từ lá khói hoàng hôn trong Hoàng Hạc lâu của
Thôi Hiệu, nhưng rõ ràng được gợi tứ chính từ câu thơ cuối cùng của kiệt tác
này. Ly khách trong Tống biệt hành của Thâm Tâm, Hạng Vũ trong Tiếng
địch sông ô của Huy Thông hay ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình
Liên… đấy chẳng phải là những cái của một thời xưa cũ?
2. Xuân Diệu được Hoài Thanh đánh giá là nhà thơ “mới nhất
trong những nhà thơ mới”. Điều này thật khó phủ định, không phải bởi vì nhận định
đó là của Hoài Thanh, mà bằng tự thân những sáng tác, cũng như sự cổ xúy của
ông cho những lối thơ ca mới có gốc gác phương Tây. Sự xuất hiện của cái tên
Xuân Diệu trong làng thơ hồi đó đã khiến độc giả “có lẽ trừ thanh niên, còn hầu
hết mọi người trí thức đều chắc lưỡi mà kêu: Thơ đâu lại có thứ thơ quái gở như
thế! Những người chê ngây ngô quá, “Tây” quá; nhất là về âm điệu, những bài
hoàn toàn mới của Xuân Diệu có nhiều câu gắn với lời nói tầm thường” (1);
còn Thế Lữ trong bài đề tựa cho tập Thơ thơ đã không khỏi tỏ ý băn
khoăn cho số phận của tác phẩm khi thiết tha rằng “loài người hãy hiểu cho con
người ấy” (2). Ngoài việc gây “sốc” cho người đọc đương thời bằng thơ, Xuân Diệu
còn là người giới thiệu, giải thích… tóm lại là nỗ lực cho người đọc hiểu về
thơ, quan niệm thơ của Stéphane Mallarmé, Charles Baudelere, Paul Valéry.(3).
Người ta biết đến nhiều hơn cái tên Xuân Diệu, cơ bản là về sự
mới mẻ ở cảm xúc và thi pháp lãng mạn (4). Thơ ông, phần lớn đều dễ hiểu,
lời thơ trong sáng và vì viết nhiều nên không khỏi có một số bài lặp lại mình,
kể cả cảm xúc và cách diễn đạt. Cảm hứng, tứ thơ được xác lập trên tinh thần của
chủ nghĩa lãng mạn, nhiều bài thơ chịu ảnh hưởng rõ ràng của thơ Pháp, sự tổ chức
câu thơ điệu nói linh hoạt, phù hợp gần như tuyệt đối với cảm xúc, thậm chí còn
là bệ đỡ tinh tế cho sự thể hiện cảm xúc…, tóm lại là Xuân Diệu biết vận dụng tối
đa những ưu thế của thời đại Thơ mới để tổ chức thế giới nghệ thuật của mình.
Nhưng Xuân Diệu cũng không hoàn toàn vứt bỏ cái cũ, thậm chí, ông còn kế thừa
và kế thừa một cách xuất sắc những thành tựu thẩm mĩ của thi ca truyền thống.
Tính chất cổ điển trong thơ Xuân Diệu không đậm đà bằng một số
tác giả khác của Thơ mới như Huy Thông, Thế Lữ, Quách Tấn, Đông Hồ, Vũ Đình
Liên, bởi các tác giả ấy, nhất là Huy Thông, Quách Tấn và Vũ Đình Liên, dường
như đã lựa chọn con đường nối dài hoặc lưu giữ những gì thuộc về kí ức thi ca của
dân tộc và khu vực (phương Đông). Xuân Diệu, ngay từ buổi ban đầu đã có ý thức
khác về một lựa chọn. Khi thi nhân tuyên bố rằng “ta là Một, là Riêng, là Thứ
Nhất/ không có chi bè bạn nổi cùng ta”, hay “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”, là đã muốn xác định một chỗ đứng khác, lạ,
thì không dễ gì lại chấp nhận những gì đã quen thuộc, đã cũ mòn. Bởi thế mà ông
đã viết như thể hiện thái độ trân trọng với hai nhà thơ Pháp trứ danh bằng
bài Tình trai.
Vậy nhưng, đọc một số bài thơ của tác giả này, chúng ta vẫn
thấy cái phảng phất cổ điển, trước hết là trong cái cảm, cái nghĩ. Bài Hoa
nở để mà tàn chứa chở một tứ thơ rất hiện đại, là cái nhìn đượm vẻ âu lo của
chủ thể trữ tình trước sự luân chuyển của thời gian, trong nỗi buồn, xót xa về
cảnh biệt li, nhưng những hình ảnh thơ được đưa ra là những hình ảnh mang phong
vị cổ điển: hoa nở, hoa tàn, trăng tròn, trăng khuyết… tất cả đều đã tồn tại
trong thơ trung đại phương Đông và Việt Nam. Về hình thức, nó được viết theo lối
cổ phong ngũ ngôn xen thất ngôn. Dạng kết cấu văn bản này chúng ta đã từng gặp
trong thơ Trung Hoa, trong thơ Việt Nam trung đại, với những tác phẩm xuất sắc
như Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang, Cáo tật thị chúng của
Thiền sư Mãn Giác. Cũng có thể thấy, Xuân Diệu có vẻ thành công hơn, đằm hơn với
những bài thơ viết theo thể bảy chữ, như là sự tái hiện kí ức thơ cổ thể, hoặc
Đường luật (Nguyệt cầm, Thơ duyên, Trăng, Huyền diệu, Nụ cười xuân…), và cả lục
bát (Đi thuyền, Mùa thi, Chiều).
Sự xuất hiện của không gian vũ trụ cũng là một điều có thể
nói đến khi xem xét tính chất truyền thống, cổ điển trong thơ Xuân Diệu. Ở những
bài thơ có thể coi là xuất sắc của ông, ta thấy kiểu không gian này như là một
thứ bệ phóng cho sự ngân vọng của hồn thơ, của cả bài thơ. Đấy là không gian
“chiều mộng”, “trời xanh ngọc” (Thơ duyên); “trăng”, “mây vắng, trời trong, đêm
thủy tinh”, “nước xanh”, “đêm rằm”, “nguyệt”, “sỏi” (Nguyệt cầm), “đêm nay rằm
yến tiệc sáng trên trời”, trăng từ viễn xứ”, “đỉnh trời tròn”, “gió theo trăng
từ biển thổi qua non” (Lời kỹ nữ)…
Bên cạnh tính chất cổ điển của không gian vũ trụ, ta còn thấy
tính chất cổ điển của những vần thơ thấp thoáng trong kiểu thời gian vũ trụ,
nơi con người ý thức được cái hữu hạn của mình. Thêm nữa, những nhân vật được
nhắc đến (trong các bài thơ vừa dẫn) cũng mang trong đó hơi thở của ngàn xưa -
kiểu kỹ nữ, mỹ nhân bạc phận. Chúng ta có thể thấy ở đó một cô Cầm trong thơ
Nguyễn Du, một ca kĩ trong thơ Bạch Cư Dị. Thậm chí, chúng ta có thể khẳng định
chắc chắn rằng Xuân Diệu đã rất nhớ đến Bạch Cư Dị khi viết:
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người
Không chỉ gợi nhớ tích xưa, không chỉ viết về nhân vật, thậm
chí không gian, hoàn cảnh cũng được Xuân Diệu gợi lại. Cái cảnh “bến Tầm Dương
canh khuya đưa khách/ Chạnh hơi thu lau lách đìu hiu” trong Tì bà
hành gần như được dựng trở lại vẹn nguyên trong Nguyệt cầm, cho dù, để
phát biểu tâm trạng của mình và thời đại mình, Xuân Diệu đã đẩy nỗi rợn ngợp đến
tận cùng, đẩy nỗi cô đơn đến tận cùng.
Trong Thơ duyên cũng vậy. Mặc dù thể hiện một cách
đặc sắc những rung động tế vi trong tâm tình của một thanh niên thời đại mới,
nhưng không gian và không khí bài thơ vẫn có cái gì đó lung linh vẻ đẹp của một
bài thơ cổ. Đấy là không gian một buổi chiều, mà là “chiều mộng”, lại có “nhánh
duyên”, “tiếng huyền”. Đấy là một bức tranh thủy mặc phương Đông. Mặc dù thể hiện
tâm sự của một cá nhân run rẩy, dè dặt với những tình cảm nhẹ nhàng, e lệ, mỏng
mảnh, mặc dù đã rộn ràng hơn một chút so với thơ cổ bởi có “cây me ríu rít cặp
chim chuyền” có trời xanh ngọc đổ qua muôn lá, có cách nói duyên dáng, hiện đại
bởi sự xuất hiện của hai chữ “hòa thơ”, nhánh duyên, song không vì thế mà bài
thơ bớt đi phần ảo diệu của không gian có phần u tịch, vô liêu - một kiểu không
gian rất thường gặp trong thơ trung đại phương Đông và Việt Nam.
Đặc biệt trong cái tiếng huyền động khắp nơi khi thu đến, ta vừa nghe như tiếng vui có phần nức nở của thì hiện tại, của giây phút bừng cảm trong cảm thức cá nhân, nhưng cũng có thể thấy ở đó một điều gì rất xưa: tiếng huyền? Âm thanh huyền diệu? Tiếng đàn (huyền: dây đàn, đàn)? Và, theo cách nói của Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà, dường như với Thơ duyên, Xuân Diệu đã đưa người đọc đến một bờ tiền sử.
Đặc biệt trong cái tiếng huyền động khắp nơi khi thu đến, ta vừa nghe như tiếng vui có phần nức nở của thì hiện tại, của giây phút bừng cảm trong cảm thức cá nhân, nhưng cũng có thể thấy ở đó một điều gì rất xưa: tiếng huyền? Âm thanh huyền diệu? Tiếng đàn (huyền: dây đàn, đàn)? Và, theo cách nói của Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà, dường như với Thơ duyên, Xuân Diệu đã đưa người đọc đến một bờ tiền sử.
Như vậy, mặc dù là nhà thơ cách tân số một trong phong trào
Thơ mới, nhưng Xuân Diệu vẫn không thoát khỏi sự ám ảnh của truyền thống. Phong
vị cổ điển vẫn phảng phất đây đó trong thơ ông. Và, theo cảm quan hoàn toàn cá
nhân của người viết: dường như trong sự nghiệp sáng tạo của Xuân Diệu, những
bài thơ hay lại là những bài mang phong vị cổ điển như Thơ duyên, như Nguyệt
Cầm…
Chú thích:
(1). Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, tập 2, Nxb Khoa học
Xã hội, Hà Nội, 1989, tr.715.
(2). Thế Lữ, “Một nhà thi sĩ mới – Xuân Diệu”, chuyển dẫn
theo Lưu Khánh Thơ tuyển chọn và giới thiệu, Xuân Diệu, về tác gia và tác phẩm,
Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.41.
(3). Ba nhà thơ Pháp có ảnh hưởng quan trọng đối với thơ Việt
1932- 1945. Thực ra, Xuân Diệu giới thiệu thơ và quan niệm thơ của họ dường
như là một nỗ lực “thanh minh” cho sự “tân kỳ” của mình. Trong thực tế, Xuân Diệu
không chịu nhiều ảnh hưởng của ba nhà thơ này mà chủ yếu chịu ảnh hưởng của
Paul Verlaine và Arthur Rimbaud. Những người chịu ảnh hưởng của ba nhà thơ kể
trên phải là Nguyễn Xuân Sanh, Bích Khê, Phạm Văn Hạnh, Đinh Hùng, Trần Dần, Vũ
Hoàng Địch, Trần Mai Châu…
(4). Thực ra, khi nhận định Xuân Diệu là “nhà thơ mới
nhất trong các nhà thơ mới”, Hoài Thanh đang đứng trên lập trường của chủ nghĩa
lãng mạn. Nói về độ “mới”, Xuân Diệu không hẳn hơn, thậm chí còn thua so với
Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh… Đánh giá Xuân Diệu như vậy, chứng tỏ
rằng Hoài Thanh vẫn chưa vượt qua được giới hạn của mình, tức là giới hạn của sự
tiếp nhận trong khuôn khổ chủ nghĩa lãng mạn. Điều này đã từng được Đỗ Lai Thúy
đề cập trong Mắt thơ (Nxb Văn hóa thông tin, 2000), và cũng đã nhận
được sự đồng thuận của Phạm Xuân Nguyên (Nhà văn như Thị Nở, Nxb Hội nhà văn,
2014), Nguyễn Hoài Nam (Mùi chữ, Nxb Phụ nữ, 2014)…
Lê Thanh Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét