Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Bến đò trong lòng thành phố

Bến đò trong lòng thành phố
Khách đi đò ở Miếu Nổi
Cạnh những tòa cao ốc chọc trời ở TP. HCM hiện nay vẫn còn những chuyến đò ngang mỗi ngày đều đặn qua lại trên những con sông, con rạch. Đặc biệt, rất nhiều trong số đó là những con đò có tuổi đời cả trăm năm.
Những con đò trăm tuổi
Không ai biết bến đò Phú Cường ngang qua sông Sài Gòn có từ khi nào, kể cả những người lớn tuổi nhất trong vùng. Tuy nay đã có cầu Phú Cường bề thế bắc qua sông Sài Gòn nhưng bến đò Phú Cường nối từ vùng Bình Mỹ (huyện Củ Chi) qua phía bên kia sông, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) vẫn còn đó một cách bền bỉ, kiên trì và lặng lẽ.
Ông Nguyễn Văn Nhựt (77 tuổi) - một người dân ở xã Bình Mỹ - chia sẻ, từ những ngày rất nhỏ, mỗi lần sang Lái Thiêu, Lò Gốm (Bình Dương) là ông lại đi qua bến đò này. “Mấy chục năm trước, đò do một đôi vợ chồng trẻ ở bên Chánh Mỹ chạy. Người dân ở vùng Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm nếu muốn qua Bình Dương buộc phải đi đò Phú Cường, nếu không thì đi thêm một quãng xa nữa đến đò An Sơn hay đi qua cầu sắt Bình Lợi. Dù đêm khuya hay mưa gió, cứ có người gọi là đò chạy ngay. Bây giờ, bến đò do bà chủ dưới Phú Lợi đấu thầu, chỉ chở ban ngày. Khách đầy thì đò mới chạy vì họ sợ hao dầu.
Tuy nhiên, giá đi đò bao năm cũng không thay đổi mấy, đúng một ngàn đồng một người. Nếu là xe máy thì lấy bằng hai người. Ở đây, nhìn thấy cầu Phú Cường nhưng nhiều người dân địa phương vẫn thích đi đò vì khúc sông này cua, cầu lại làm chéo, đi qua cầu phải vòng một đoạn, mất thêm khoảng hai cây số nữa. Có lẽ, bến đò Phú Cường là một trong số những bến đò hiếm hoi nằm sát một cây cầu mà vẫn có người đi”, ông Nhựt kể.
Ngoài người dân, vào những khung giờ tan trường hay vào lớp, trên bến luôn có một số học sinh đứng đợi đò. Có lẽ, đó chính là sức sống bền bỉ, lâu dài của con đò này. Con đò dù nhỏ bé, dài chưa tới mười mét nhưng sẽ còn tồn tại cùng nhịp sống của người dân hai bên bờ sông.
Nhưng đó không phải là bến đò duy nhất có tuổi đời xấp xỉ với một kiếp người ở thành phố này. Có nhiều bến đò với tuổi đời như thế; không chỉ đưa đón khách, những bến đò ấy còn là một phần lịch sử của dòng sông, của cư dân hai bên bờ, như bến đò Miếu Nổi, nằm phía quận Gò Vấp, chìm khuất sau những dãy nhà cao tầng, những chung cư đang mọc lên san sát, ngay cạnh con sông Vàm Thuật uốn lượn.
Người lái đò, anh Nhiều kể, do ở giữa dòng sông Vàm Thuật có một ngôi miếu linh thiêng tên là Miếu Nổi, thu hút hàng ngàn người dân trong vùng và cả khách du lịch tìm tới nên xuất hiện bến đò này. Trước đây, khu vực này cũng có rất nhiều bến đò, dành cho người dân qua bên An Thới Đông.
Từ ngày đường sá, cầu nhiều hơn, chỉ duy nhất bến đò đi ra ngôi miếu linh thiêng kia là còn hoạt động. Không tính những ngày rằm với mùng một, ngày bình thường bến đò cũng khá nhộn nhịp, vì ngôi miếu là một địa chỉ tâm linh thu hút đông đảo người quanh vùng.
Đời người, phận đò
Những bến đò được ghi chép trong mấy cuốn sách cũ về mảnh đất Sài Gòn này hầu hết đã không còn như những gì đã viết. Bởi lẽ, tốc độ đô thị hóa ở vùng ngoại ô này quá nhanh và những lô đất nằm ven sông luôn là ưu tiên đầu tư số một của các nhà kinh doanh bất động sản.
Chưa kể chiến tranh, những thay đổi địa giới hành chính đã khiến những bến đò dãi đất đổi khác, bị xóa nhòa. Chỉ tiếc rằng, hầu hết những con đò đó lại vô danh vì do những người dân nhập cư tìm đến vùng đất này tạo nên. Họ cần di chuyển từ huyện Cần Giuộc, Long An sang Nhà Bè, TP. HCM làm công nhân. Sở dĩ họ chọn Cần Giuộc, Long An làm nơi tá túc bởi chi phí ăn ở nơi đây sẽ ít hơn nhiều so với ở Nhà Bè.
Đó là lý do những con đò được hình thành. Những con đò nhỏ ấy cũng lặng lẽ như chính những người công nhân ngồi trên đò vậy. Họ đi từ tờ mờ sáng, về lúc nhập nhoạng hoàng hôn.
Nhưng đó không phải là con đò vô danh duy nhất ở đất này.
Có hàng chục những bến đò như thế, cũng có những bến đò có tuổi đời vài ba năm, nhưng lại vô cùng thân thiết, quan trọng. Một ông lão lái đò qua lại con rạch nhỏ bên Bình Chánh bảo, phận ông cũng như phận con đò kia vậy: mỏng mảnh, cũ kỹ nhưng may mắn là vẫn còn chút ý nghĩa với cuộc đời. Ý nghĩa khi ngày ngày, gần trăm con người trên một cù lao biệt lập, nhờ con đò của ông để sang bên này sinh hoạt, làm việc.
Cuộc mưu sinh của ông cũng nhờ vào con đò dù con rạch này nhỏ, mùa nước lên cũng chỉ rộng chừng mười mét, mùa nước cạn chỉ còn một nửa. Nhiều nhà dễ dàng mua được chiếc xuồng bằng tôn, bền, tốt hơn con đò của ông để tự đi đi về về bất cứ khi nào cần, tuy nhiên, họ vẫn đi đò của ông.
Và ông cũng biết nên ông không có giá đi đò cố định. Có người trả ông theo tháng, có người theo ngày. Như nhà anh Năm ở dưới Gò Công mới ngụ cư trong xóm có hai đứa nhỏ đi học một tháng đưa ông hai trăm ngàn tiền đò.
Đã, đang và sẽ có những cây cầu được dựng lên, kèm theo đó, tất nhiên là những bến đò sẽ bị mất đi, chìm vào trong dĩ vãng như một quy luật tất yếu của cuộc sống. Nhưng cũng thật lạ, sức sống của những chuyến đò ngang vẫn cứ bền bỉ giữa lòng thành phố sôi động này.
ĐOÀN ĐẠI TRÍ
Theo https://baomoi.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...