Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Ngày xuân đi tảo mộ

Ngày xuân đi tảo mộ
Mặc dù cuộc sống bộn bề với những lo toan, nhưng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay như cúng tổ tiên, tảo mộ, thăm quê hương bản quán... vẫn được gìn giữ và phát huy. Những việc làm đó thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", là cõi tâm linh, là góc thanh thản của tâm hồn. Mùa xuân đi tảo mộ, thắp nén hương tưởng nhớ người quá cố là tục lệ có từ ngàn xưa. Bởi vậy, cụ Nguyễn Du mới viết: “Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”…
Hòa với dòng người tỏa về muôn quê, mùa xuân năm nào tôi cũng về quê để tảo mộ tổ tiên, ông bà. Cứ đến khoảng 24, 25 tháng Chạp, vừa sáng sớm tinh mơ, cha tôi đã chuẩn bị sẵn sàng hai bình nước to buộc chắc chắn vào ghi đông xe máy và trong cái giỏ đi chợ ông sắp nào nhang đèn, bó hoa cúc vàng tươi, chiếc khăn lau và cây chổi con. Chị em tôi ngồi sau xe có nhiệm vụ cầm thật chắc cây cuốc rồi lên đường đến nghĩa trang.
Trên đường đi, cha tôi còn tạt ngang điểm bán hoa xuân để mua thêm mấy chậu hoa vạn thọ con con. Cha bảo: “Có mấy chậu hoa mới ra ngày Tết”. Đến nơi, cha phân công chị em tôi lau dọn, quét sạch sẽ phần mộ của ông bà, châm nước, cắm hoa. Riêng cha dọn đám cỏ đã mọc xanh mượt sau những trận mưa dầm cuối đông che khuất cả mộ chí. Xong việc, cha con tôi chia nhau bó nhang to đến thắp cho từng ngôi mộ nằm xung quanh.

Những ngày này, khắp cả nghĩa trang rộng lớn rộn ràng hẳn lên khi hầu như phần mộ nào cũng có người đến thăm nom, quét dọn, thắp nhang. Cả không gian bảng lảng khói hương, dậy lên vị Tết trong tâm thức của mỗi người.
Ngày còn bé, để giải thích thắc mắc của chị em tôi, mẹ chỉ nói thật đơn giản rằng: “Ngày Tết người sống lo quét dọn, sửa sang nhà cửa, mua sắm nhiều thứ để đón một cái Tết ấm cúng thì cũng không thể bỏ quên người đã khuất. Người sống thiếu thốn tủi thân, tủi phận thì người đã khuất cũng thế”. Tôi không bao giờ quên được những gì mẹ tôi từng nói, và vì thế được theo cha ra nghĩa trang tảo mộ mỗi dịp năm hết Tết đến là một niềm vui đối với tôi.
Lớn lên tôi mới hiểu rằng, tục tảo mộ cuối năm là một phong tục đẹp của người dân Việt khắp mọi miền đất nước. Ở nhiều nơi, đó là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu các thế hệ sau tiếp tục thực hiện, góp phần thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết trong gia đình, dòng tộc.
Nhiều gia đình cho rằng, tảo mộ cũng là dịp để giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã làm được và chưa được trong năm; thành tâm khấn vái mời ông bà tổ tiên chuẩn bị về ăn Tết với gia đình, phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, làm ăn tấn tới, con cháu chăm ngoan, học giỏi…
Những người đi tảo mộ gặp nhau tay bắt mặt mừng, vì có khi cả năm trời mới được gặp nhau sau những bôn ba mưu sinh. Còn riêng tôi lặng lẽ thắp nén nhang cắm trước ông bà tổ tiên, thầm mong ông bà, tổ tiên phù hộ độ trì cho một năm mới an lành đến với mọi người, mọi nhà.

Vũ Yến
Theo http://baoquangngai.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...